Wednesday 15 December 2010

Báo động việc doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế

Thủ thuật chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được coi là một trong những lỗ hổng quản lý tài chính lớn nhất hiện nay.

Thực trạng này không những gây thất thu thuế cho Nhà nước mà còn dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI…


Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, hiện có đến 20- 30% trong tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên các địa bàn kê khai có kết quả kinh doanh lỗ liên tiếp trong 2- 3 năm, thậm chí 5 năm.

Rõ ràng, theo các quy định hiện hành, với tình trạng kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp đó sẽ tránh được việc nộp thuế. Nhưng nghịch lý ở chỗ, dù lỗ triền miên, nhưng các doanh nghiệp đó vẫn liên tục mở rộng sản xuất- kinh doanh.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, đây là biểu hiện của tình trạng lợi dụng việc chuyển giá để gian lận, trốn thuế. Các doanh nghiệp FDI này đã dùng những phương thức khác nhau để trốn tránh các khoản thuế, phí thông qua việc báo lỗ trong hoạt động kinh doanh, sau đó chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài.

Phổ biến hơn cả là việc kê giá nguyên liệu đầu vào rất cao, đồng thời tìm mọi cách khai tăng chi phí quảng cáo, khuyến mãi nhằm triệt tiêu lợi nhuận. Ngoài ra, để có thể “phù phép” lãi thành lỗ thông qua hình thức chuyển giá, doanh nghiệp FDI không thể làm riêng lẻ mà hoạt động trong cùng tập đoàn hoặc liên kết thành từng nhóm.

Từ đó các đơn vị này tự dàn xếp giá với nhau thông qua các giao dịch liên kết nhằm tìm kiếm thêm lợi nhuận mà không phải bỏ thêm vốn hay mở rộng sản xuất.

Ông Thomas McClelland, chuyên gia thuế của Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam cho biết, khó khăn của cơ quan thuế tại Việt Nam trong việc thực hiện kiểm soát về chuyển giá bắt nguồn từ sự kém hiểu biết về hoạt động chuyển giá và sự thiếu dữ liệu trong những giao dịch chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.

Mặc dù Thông tư 117/2005/TT- BTC của Bộ Tài chính ban hành vào tháng 12/2005 đã có những quy định cơ bản về thủ thuật chuyển giá và những yêu cầu về mặt cung cấp tài liệu, nhưng ông McClelland cho rằng, nhiều người nộp thuế vẫn lờ đi những yêu cầu này và thậm chí, chỉ nộp những tài liệu bắt buộc đối với việc báo cáo về những giao dịch với các bên liên quan.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Tài chính mặc dù đã tích cực trong việc triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra để hạn chế việc chống chuyển giá nhưng việc chống chuyển giá vẫn vô cùng khó khăn.

Lý do là việc xác định giá trị thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập từ công ty mẹ nhìn trên giấy tờ không dễ do không nắm được xuất xứ hàng hóa. Thêm vào đó, khi Việt Nam gia nhập WTO, việc áp định bảng giá tối thiểu làm căn cứ để xác định thuế đã phải hủy bỏ và cơ quan quản lý phải chuyển sang xác định thuế trên cơ sở giá trị theo chứng từ hóa đơn dẫn đến quá trình triển khai về thanh tra, kiểm tra rất khó khăn.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang tiếp tục triển khai một chương trình thanh tra toàn diện đối với doanh nghiệp FDI, đối chiếu với các chứng từ đầu vào và đầu ra, tham khảo giá trên thị trường thế giới, trong quy định gọi là tham vấn giá…

Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương phối hợp chỉ đạo các cơ quan thương vụ, các cơ quan tham tán và đại sứ quán nước ngoài xin thu thập các thông tin có liên quan khi cơ quan thuế có yêu cầu phối hợp chống chuyển giá này.

Ngoài ra, để công tác thanh tra chống chuyển giá có hiệu quả, ngành thuế Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng sổ tay nghiệp vụ về thanh tra chống chuyển giá.

Muộn nhất là trong tháng 12 này, Thông tư về trị giá hải quan để tính thuế, nhằm đồng bộ các quy định xử lý vi phạm về chuyển giá sẽ được ban hành, qua đó hỗ trợ đắc lực cho cơ quan hải quan, thuế trong triển khai các biện pháp phòng, chống doanh nghiệp lợi dụng việc chuyển giá để gian lận, trốn thuế.

Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan hải quan với cơ quan thuế; chú trọng kiểm tra sau thông quan, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi lợi dụng chuyển giá để gian lận, trốn thuế.

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng nhà nước cần xây dựng Luật Chống chuyển giá, đồng thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật thuế, Luật phá sản…

Hình thành cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp quốc gia và các tỉnh thành. Theo đó, cơ quan thuế được quyền ấn định thuế đối với ngành nghề tương đương.

InfoTV
(Theo Baocongthuong)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts