Bộ Tài chính vừa hoàn thành và lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn việc góp vốn và nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu. Nếu được ban hành thì thông tư này sẽ tháo gỡ được vướng mắc về chế độ kế toán trong xác định tài sản cố định vô hình (thương hiệu) và thúc đẩy sự ra đời của nhiều doanh nghiệp (DN) mới.
Đến với nhau bằng hợp đồng góp vốn
Dự thảo thông tư trên của Bộ Tài chính quy định các tập đoàn, tổng công ty, DN, tổ chức có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được nhận, góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu. Các bên góp vốn tự thỏa thuận với nhau về các điều khoản, độc quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền kinh doanh dịch vụ, hàng hóa tương ứng để sử dụng nhãn hiệu.
Thời hạn góp vốn không vượt quá thời hạn bảo hộ mà pháp luật quy định đối với nhãn hiệu đó. Trong thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu, đơn vị có nhãn hiệu sẽ không được phép chuyển nhãn hiệu cho tổ chức, cá nhân khác. Về giá trị, dự thảo thông tư cũng quy định quyền sử dụng nhãn hiệu đem góp vốn chỉ được ghi nhận là một khoản đầu tư nhưng giá trị đó không được phản ánh tăng tài sản, vốn chủ sở hữu. Do vậy, bên góp vốn có trách nhiệm mở sổ theo dõi riêng ngoài bảng cân đối kế toán đối với phần quyền sử dụng nhãn hiệu đã đầu tư tham gia góp vốn, thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng góp vốn. Mặc dù vậy, hằng quý, năm bên góp vốn có quyền được chia cổ tức, lãi-lỗ từ phần vốn góp, sau đó thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước. DN sẽ được hạch toán vào thu nhập của đơn vị.
Ngược lại, bên nhận góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu thì được phép ghi tăng tài sản dài hạn khác, ghi tăng nguồn vốn chủ sở hữu trên bản cân đối kế toán của DN, lấy đó là cơ sở để thực hiện phân chia lợi nhuận, trách nhiệm, chi trả cổ tức theo tỉ lệ tham gia góp vốn. Tuy nhiên, ban soạn thảo cũng rất chặt chẽ khi có quy định là DN nhận góp vốn sẽ không được trích khấu hao đối với phần vốn góp bằng quyền sử dụng nhãn hiệu và không được phát hành cổ phiếu tương ứng với giá trị nhãn hiệu nhận góp vốn.
Cần siết chặt hơn nữa
Dù có nhiều điểm mới về pháp lý cho việc góp vốn bằng thương hiệu, tuy nhiên ý kiến các chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều quy định trong dự thảo còn quá sơ sài, rất dễ nảy sinh trường hợp nhiều DN, nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty nhà nước có thương hiệu mạnh bị lạm dụng, đem góp tùy tiện.
Ví dụ như mới đây, khi Tập đoàn Vinashin đứng bên bờ vực phá sản, nhiều cán bộ lãnh đạo bị bắt, thương hiệu đi xuống, thế là nhiều DN ở Hải Phòng tìm cách loại bỏ tên tuổi Vinashin trong thương hiệu công ty. Nhưng ở câu chuyện này lại cho thấy trước đó Tập đoàn Vinashin đã đem tên tuổi của mình đi góp vốn tràn lan. Mặt trái của việc này được lãnh đạo những công ty từng mời Vinashin góp vốn nói thẳng là khi có tên tuổi tập đoàn thì được vay vốn ngân hàng dễ hơn. Không chỉ có vậy, khi xảy ra sự vụ thì việc xóa bỏ thương hiệu Vinashin ra khỏi công ty cũng không phải là điều đơn giản. Thực tế này trong dự thảo thông tư trên cũng không có quy định đề cập.
Cũng liên quan đến việc này, nhiều DN góp ý phải đưa vào thêm các quy định như cam kết về tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng nhãn hiệu, logo, hình ảnh, kích thước, mẫu biểu trưng, biểu tượng của từng thương hiệu, hay giám sát chặt chẽ việc góp vốn và nhận góp vốn đối với các thương hiệu thuộc sở hữu nhà nước… Nếu quy định sơ sài thì có ban hành thông tư cũng chỉ để hợp thức hóa câu chuyện tùy tiện khi góp vốn bằng thương hiệu của những tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn nhà nước, thậm chí khiến việc góp vốn này trở nên không nghiêm túc. Bởi lẽ hiện nay chỉ riêng ở kênh chứng khoán, khi nói đến thương hiệu Sông Đà thì có hàng chục công ty có gắn thương hiệu Sông Đà đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết, nhiều đến nỗi nhà đầu tư gọi các cổ phiếu này là cổ phiếu họ Sông Đà. Tương tự về việc này còn có cổ phiếu họ Vinaconnex, họ Lilama… Và dù hoạt động các công ty nêu trên rất minh bạch nhưng trên sàn nhiều nhà đầu tư vẫn băn khoăn.
Tính giá trị thương hiệu thế nào?
Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 6-12-2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo NĐ109/2007/NĐ-CP quy định: “Giá trị thương hiệu (bao gồm: nhãn hiệu, tên thương mại) được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc sáng chế, xây dựng và bảo vệ nhãn mác, tên thương mại của DN trong 10 năm trước thời điểm xác định giá trị DN hoặc kể từ ngày thành lập đối với các DN có thời gian hoạt động ít hơn 10 năm (bao gồm cả chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, công ty; xây dựng trang web...)”. |
(Theo Pháp luật TP.HCM)
No comments:
Post a Comment