Giao diện trang chủ www.fpt.com.vn với logo và khẩu hiệu mới.
VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Thành, Phó tổng giám đốc FPT, về sự kiện trên.
Ông có thể cho biết vì sao FPT thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu? Tại sao lại chọn thời điểm này để thay đổi?
Đầu năm 2007, FPT mời AC Nielsen khảo sát độ nhận biết thương hiệu và chỉ số thương hiệu mạnh (BEI: Brand Equity Index). Kết quả cho thấy 2 chỉ số trên ở mức tương đối cao. Tuy nhiên, khi hỏi sâu hơn, rằng FPT làm gì và gắn bó gì với họ thì người tiêu dùng mơ hồ, hầu hết họ chỉ biết FPT là công ty công nghệ, rất to, còn làm gì và mang lại lợi ích gì thì họ lơ mơ.
Sự khác biệt mà FPT rất tự hào thì họ chẳng quan tâm và với họ điều đó cũng không quan trọng. Kết quả khảo sát cũng khiến ban lãnh đạo thấy sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu FPT rõ nét hơn.
Giữa năm 2007, FPT cho ra đời một loạt các ngành kinh doanh không truyền thống với 6 công ty thành viên mới: từ công nghệ đến tài chính, media, bất động sản. Tuy nhiên, các cổ đông và nhà đầu tư bắt đầu quan ngại FPT pha loãng thương hiệu.
Ngày 14/9/2009, Ban tổng giám đốc và Hội đồng Quản trị đã thông qua với chiến lược thương hiệu một FPT thống nhất. Trong đó, có 3 điểm được nêu rõ: các công ty thành viên phối hợp bảo đảm sản phẩm/dịch vụ/giải pháp cốt lõi cho đại chúng - hướng đến công dân điện tử (e-citizen); các sản phẩm/dịch vụ/giải pháp công nghệ sẽ có thương hiệu riêng, nhưng luôn gắn với thương hiệu mẹ FPT, chứ không gắn với tên các công ty thành viên; các sản phẩm/dịch vụ không thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông sẽ không gắn với thương hiệu FPT đầy đủ.
Sau hơn hai thập kỷ phát triển, FPT đã khẳng định vị thế của một doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, FPT cần những khát vọng mới. FPT cần thay đổi để chuẩn bị thế và lực cho thập kỷ phát triển thứ ba. Chúng tôi cần sẵn sàng để nắm bắt những cơ hội to lớn hơn khi Việt Nam đã vượt qua ngưỡng đói nghèo và bước vào giai đoạn phát triển mới. Chúng tôi chọn thời điểm tháng 9 này để ra mắt vì vào dịp 13/9 là ngày kỉ niệm 22 năm thành lập tập đoàn.
Bên nào là nhà thiết kế và ý nghĩa của logo mới là gì, thưa ông?
Ban Truyền thông và Cộng đồng (FCC) được giao nhiệm vụ tìm công ty tư vấn hàng đầu để làm dự án thương hiệu chuyên nghiệp. Mất đến ba tháng để chọn lọc và cân nhắc các đề án, FPT đã chọn Công ty JWT làm đơn vị tư vấn. JWT lại bắt đầu bài bản từ khảo sát hình ảnh FPT trong con mắt các lãnh đạo chủ chốt FPT và khách hàng tiềm năng từ cá nhân đến doanh nghiệp…
Các lãnh đạo FPT thống nhất cao về thế mạnh cốt lõi công nghệ thông tin - viễn thông, đều mong muốn FPT có thông điệp thương hiệu rõ ràng, xây dựng thương hiệu thống nhất. Chính vì vậy JWT xây dựng tầm nhìn thương hiệu FPT là FPT “Tiếp nguồn sinh khí” (FPT- Energizing Life).
Chính từ chiến lược này chúng tôi nhận thấy “chiếc áo cũ không còn phù hợp” và việc thay chiếc áo mới là điều cần thiết. Việc thay đổi logo và thông điệp “Tiếp nguồn sinh khí” là bước khởi đầu quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của FPT. Một FPT mới hiện đại hơn, năng động hơn và thân thiện hơn với khách hàng.
Logo mới kế thừa và phát huy những giá trị cốt lõi của thương hiệu FPT với 3 màu đặc trưng mang ý nghĩa riêng: màu cam thể hiện sinh lực, sáng tạo, chia sẻ cộng đồng; màu xanh lá cây biểu hiện sự thay đổi, phát triển; màu xanh dương đậm liên tưởng đến trí tuệ và sự bền vững, thống nhất.
Thêm vào đó, logo mới của FPT có những nét cong dựa trên đường tròn hội tụ và có ý nghĩa lan tỏa sức mạnh từ ứng dụng công nghệ tới cho cộng đồng. Những đường cong uyển chuyển liên tiếp, có xu hướng vươn lên, tựa như những ngọn lửa đầy sinh khí và năng động.
Điều quan trọng là chúng tôi xây dựng tinh thần “Một FPT”, nhân viên cùng đội ngũ lãnh đạo FPT quyết tâm phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không ngại thách thức, vượt mọi khó khăn, sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao mới.
Theo ông, hệ thống nhận diện thương hiệu mới sẽ có các tác động như thế nào đối với hoạt động của tập đoàn?
Việc thay đổi logo chỉ mới là bước khởi đầu. Những ý nghĩa của logo mới có trở thành hiện thực hay không, hình ảnh mới của FPT có đẹp và đọng lại trong tâm trí người tiêu dùng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của 10.000 cán bộ công nhân viên FPT.
Chúng tôi luôn cố gắng truyền thông cho mỗi người FPT ở vị trí của mình phải liên tục đào sâu suy nghĩ xem làm thế nào để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. Làm thế nào để hiểu một cách sâu sắc nhất các nhu cầu của khách hàng. Làm thế nào để đưa ra được những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho công dân điện tử.
Một thương hiệu FPT chung sẽ bảo trợ cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ công nghệ. Các công ty thành viên sẽ tận dụng sức mạnh của FPT, không mất công sức xây dựng các thương hiệu con riêng lẻ.
Áp dụng bất kỳ cái gì mới cũng cần có thời gian để chuyển giao và thích nghi. Tuyên truyền rộng rãi tài liệu hướng dẫn sử dụng nhận diện thương hiệu mới sẽ giúp các công ty thành viên ứng dụng logo mới rõ ràng và nhất quán hơn.
Theo kinh nghiệm từ những thương hiệu đã thay đổi, thường sau khoảng hai năm truyền thông đầy đủ trên các kênh nội bộ và đại chúng, nhận diện thương hiệu mới sẽ trở nên quen thuộc hơn. Để làm tốt điều này, chúng tôi sẽ đầu tư truyền thông đủ mạnh và toàn diện để mọi người nhận biết sự thay đổi thương hiệu; cần triển khai hệ thống nhận diện mới này nhất quán trong toàn FPT; cần phối hợp và kiểm soát chặt chẽ việc triển khai sử dụng hệ thống nhận diện mới giữa các công ty thành viên và tập đoàn.
Đi cùng với hệ thống nhận diện thương hiệu mới, chiến lược phát triển kinh doanh của FPT trong thời gian tới như thế nào? Sự gắn kết của hệ thống thương hiệu đó đối với chiến lược phát triển của các công ty thành viên?
Hội nghị chiến lược năm 2009 đã khẳng định FPT tiếp tục kiên trì theo đuổi chiến lược “Vì công dân điện tử”, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và viễn thông, hợp lực sức mạnh tổng hợp từ tất cả các đơn vị thành viên, để đưa ra các sản phẩm/dịch vụ tiến vào thị trường tiêu dùng đại chúng. Từng người FPT sẽ nỗ lực và sáng tạo hơn nữa, để đưa nhiều sản phẩm và dịch vụ tới đông đảo người tiêu dùng Việt Nam.
“Go mass”, hay hướng tới đại chúng, là trọng tâm chiến lược của FPT trong thập niên phát triển thứ 3. Việc FPT thay đổi logo chính là bước chuyển động đầu tiên hướng tới đại chúng. Logo mới sẽ trở nên thân thiện, gần gũi và thể hiện được sự liên tưởng rõ rệt về lĩnh vực đặc thù của FPT là công nghệ thông tin – viễn thông. Hơn nữa, Hội đồng Quản trị cũng thông qua việc xác định các ngành nghề kinh doanh chủ chốt để làm cơ sở định hướng phát triển của tập đoàn FPT, bao gồm viễn thông, công nghiệp nội dung và các dịch vụ công nghệ thông tin.
Việc thay đổi logo và thông điệp “Tiếp nguồn sinh khí” là bước khởi đầu quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của FPT. Thương hiệu mới là biểu tượng của “Một FPT”, thể hiện sự đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực, là mái nhà chung của mỗi người FPT, mỗi thành viên FPT.
Một thương hiệu FPT chung sẽ bảo trợ cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ công nghệ. Các công ty thành viên sẽ tận dụng sức mạnh của thương hiệu FPT, không mất công sức xây dựng các thương hiệu con riêng lẻ. Cấu trúc thương hiệu mới cũng sẽ giúp hình ảnh FPT mạch lạc hơn, dễ hiểu hơn và nhất quán hơn đối với các nhà đầu tư, khách hàng và công chúng.
Về định hướng phát triển, ông nhận định thế nào về những thuận lợi và khó khăn của FPT?
Thuận lợi của chúng tôi đó là việc xác định được hướng phát triển của tập đoàn. FPT muốn thể hiện cam kết “Thay đổi để phát triển” với người tiêu dùng đại chúng thông qua chiến lược “Go mass” - phát triển đại chúng và thể hiện chiến lược này bằng việc thay đổi hình ảnh nhận diện thương hiệu vào tháng 9 năm nay.
Vấn đề thách thức là thay đổi nhận thức lãnh đạo về chiến lược “Go mass”. Trong nội bộ, FPT vẫn đang loay hoay với bài toán nâng cao việc phổ cập và tăng hiệu quả của khái niệm này.
Bên cạnh đó, việc hiện thực hóa “Go mass” chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, do sự cạnh tranh trên thương trường hiện nay vô cùng khốc liệt. Chiến lược này giúp hình ảnh FPT đã bình dân hơn nhưng cũng mong manh hơn. Vì một công ty hướng tới người tiêu dùng sẽ có tổ chức và cách hành xử rất khác với một công ty hướng tới khách hàng là Chính phủ và những doanh nghiệp lớn.
“Go mass” đòi hỏi FPT phải hiểu biết sâu sắc nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam; đòi hỏi một hệ thống được tính toán và vận hành tự động, dựa trên số liệu thực chứ không phải cảm xúc của cá nhân hay đội ngũ.
Bước sang những lĩnh vực mới cho đại chúng, FPT như chú bé con còn ngô nghê, chiến đấu với các thương hiệu đã thành danh khác như Nokia, Viettel, Samsung, Facebook, Zing... Cuộc chiến kinh doanh này sẽ khốc liệt và công khai.
(Theo Vneconomy)
No comments:
Post a Comment