Thay đổi quan trọng nhất được Ủy ban Basel thông qua là yêu cầu các ngân hàng tăng gấp đôi tỷ lệ an toàn vốn (từ 7% lên 14%).
Tăng gấp đôi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu giúp giảm rủi ro nhưng đồng nghĩa với việc tiền ra nền kinh tế giảm đi hoặc khách hàng sẽ phải chịu chi phí cao hơn khi vay ngân hàng.
Thỏa thuận công bố hôm chủ nhật vừa rồi Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel - nhóm các cơ quan giám sát ngân hàng toàn cầu, được kỳ vọng giúp ngăn nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính. Cơ quan chức năng thận trọng như vậy do lo ngại các ngân hàng vẫn lao theo các khoản đầu tư mạo hiểm mà không dự trù đủ vốn để bù đắp thua lỗ có thể xảy ra.
Thay đổi quan trọng nhất được Ủy ban Basel thông qua là yêu cầu các ngân hàng tăng gấp đôi tỷ lệ an toàn vốn (từ 7% lên 14%). Trong đó, vốn cấp hai tăng mạnh nhất, từ 2% lên 7% tổng tài sản. Vốn cấp một cũng phải nâng từ 4% lên 7%.
Ủy ban khuyến cáo khi thị trường phát triển nóng, cơ quan giám sát của các nước cần yêu cầu ngân hàng dành ra một khoản tương đương 2,5% tổng tài sản để phòng nguy cơ bong bóng tín dụng. Với những ngân hàng lớn mà sự sụp đổ của họ có thể đe dọa cả hệ thống, ủy ban còn đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn.
Theo lộ trình, phải tới 2013 các ngân hàng thuộc 27 thành viên Basel mới bắt đầu triển khai và đến 2019 mới áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn mới. Song theo New York Times, không phải ngân hàng nào cũng bằng lòng với những yêu cầu khắt khe này. Nếu áp dụng, ngân hàng sẽ khó có cửa đầu tư mạo hiểm, bởi tỷ lệ trích lập dự phòng tăng tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro của các khoản đầu tư.
Thành viên Ủy ban Basel gồm: Argentina, Australia, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, Nga, Saudi Arabia, Singapore, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ. |
Một khi tuân theo quy định mới, ngân hàng sẽ phải giảm bớt lượng tiền cho vay với doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Nếu không, họ sẽ phải tăng vốn lên cho đủ tỷ lệ mới, mà điều này không hề dễ dàng trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay. Hiện cơ quan giám sát chưa thống kê lượng tiền mà các ngân hàng cần huy động để nâng vốn cho đủ tỷ lệ mới. Song các chuyên gia tính toán con số này lên tới hàng trăm tỷ đôla.
Các ngân hàng lớn sẽ không gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số ngân hàng tại Mỹ còn vui mừng vì tiêu chuẩn đang áp dụng còn cao hơn thế. Giám đốc điều hành Deutsche Bank - Josef Ackermann nói: "Theo tôi đây là quyết định đúng đắn và tôi tin các ngân hàng có đủ thời gian để thực thi nhằm giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế". Ông cho biết thêm Deutsche Bank sẽ nâng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định mới đúng lộ trình.
Nhưng những ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính quy mô nhỏ gặp rất nhiều khó khăn nếu phải tăng vốn. Các ngân hàng tiết kiệm châu Âu phàn nàn rằng yêu cầu này quá khắt khe và bất công với những tổ chức tài chính quy mô nhỏ, một phần hoạt động là phục vụ công ích.
Ông Juan Jose Toribio, cựu giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy định mới có thể làm hỏng quá trình phục hồi kinh tế thế giới vốn đang rất mong manh. "Có quá nhiều ràng buộc và gánh nặng với nhà băng. Mà điều này chỉ phát huy tác dụng khi tín dụng bùng phát", ông Toribio nói với AP. Ông hiện là Hiệu trưởng Trường Quản trị kinh doanh IESE ở Madrid (Tây Ban Nha).
Các doanh nghiệp nhỏ lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi họ sẽ khó vay vốn, hoặc phải mất phí cao hơn. Tại Mỹ, các ngân hàng đã gần như đáp ứng những yêu cầu khắt khe mới, vì thế khách hàng của họ có thể ít bị ảnh hưởng. Song ở những nơi khác, ngân hàng sẽ thắt chặt các quy định cho vay và nhiều khả năng tăng lãi suất, tăng phí khi phải tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn mới.
Ủy ban Giám sát Basel là nhóm các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đến từ 27 nền kinh tế thành viên, thường xuyên họp và tìm ra các biện pháp kiểm soát rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Việt Nam chưa là thành viên của nhóm và các yêu cầu mới cũng quá cao so với điều kiện của hệ thống ngân hàng trong nước hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Thông tư 13 trong đó yêu cầu nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9% kể từ 1/10 tới. Tuy nhiên, còn nhiều ngân hàng Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu này. Ngay như Vietinbank, do tốc độ tăng trưởng tổng tài sản nhanh, nên nếu tính cả đợt tăng vốn điều lệ sắp tới, tỷ lệ an toàn vốn vẫn vào khoảng trên 8%. Vietcombank mới đây còn bị Fitch hạ bậc tín nhiệm mà một lý do là chưa đáp ứng tỷ lệ 9% theo quy định mới. Sau đợt tăng vốn điều lệ thêm 33%, Vietcombank mới đạt được yêu cầu này.
Theo Song Linh
VnExpress
No comments:
Post a Comment