Thursday 9 September 2010

Tại sao doanh nghiệp vừa và nhỏ thờ ơ với kiểm toán?



Một hội thảo đã được tổ chức sáng nay, 9/9/2010, nhằm giúp các DNVVN nhận thức rõ hơn lợi ích của kiểm toán. Ảnh: N.Mai.
Hoạt động kiểm toán có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nâng cao năng lực tài chính. Song trên thực tế, hầu hết các DN vẫn đang thờ ơ với hoạt động này.

Giúp nâng cao năng lực tài chính

Nhiều ý kiến cho rằng kiểm toán đang là một công cụ hữu hiệu giúp các DNVVN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết cả nước hiện có khoảng 450.000 DN, trong đó 96% là DNVVN, năng lực tài chính rất hạn chế, nhu cầu vay vốn cho hoạt động kinh doanh là rất lớn.

Theo tính toán, bình quân mỗi DN đi vào hoạt động cần khoảng 2 tỷ đồng thì tổng số vấn cần huy động trên phạm vi cả nước cũng xấp xỷ triệu tỷ đồng. Thế nhưng, các DN rất khó có thể tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Kết quả điều tra gần đây của Cục Phát triển DNVVN (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho thấy chỉ có 32,38% DNVVN có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 35,25% khó tiếp cận, còn lại không thể tiếp cận. Một trong những lý do là trong số các DN không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, có tới 80% không ấp ứng điều kiện vay, không chứng minh được thực trạng tài chính của doanh nghiệp.

Nhìn nhận một cách khách quan thì không phải ngân hàng không muốn cho DNVVN vay vốn, mà bởi ngân hàng cũng là một loại hình tổ chức kinh doanh, buộc phải tính tới hiệu quả đầu tư, không thể cho vay tuỳ tiện, liều lĩnh.

“Nguyên nhân của việc ngân hàng ngại cung cấp vốn cho các DNVVN là những đối tượng này thiếu tài sản và nguồn vốn, dễ bị tổn thương trước những thay đổi của thị trường; thiếu hệ thống theo dõi kế toán, báo cáo tài chính phù hợp cũng như các kế hoạch kinh doanh (cản trở việc ngân hàng và nhà đầu tư đánh giá nhu cầu tài chính của DNVVN có tiềm năng)…”, TS. Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, phân tích.

Và trên thực tế, các DNVVN có báo cáo tài chính được kiểm toán thường dễ dàng đạt nguyện vọng hơn khi đến làm việc với các ngân hàng. Có thể nói kiểm toán đã trở thành một “công cụ” góp phần tăng mức độ tin cậy của các thông tin tài chính, tạo cơ sở để DN có thể dễ dàng vay vốn hơn.

Ngoài việc hỗ trợ DNVVN rút ngắn khoảng cách tiếp cận vay vốn ngân hàng, hoạt động kiểm toán còn có khá nhiều tác dụng khác nữa.

Ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), khẳng định rằng việc kiểm toán các báo cáo tài chính của doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực tài chính của DN. Cụ thể, kiểm toán phát hiện các sai sót để điều chỉnh, thu hồi, xử lý; phát hiện lãng phí, yếu kém để chất chỉnh; trợ giúp phân tích báo cáo tài chính và tư vấn sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả.

Cả nước đã có 35 đơn vị và 87 kế toán viên hành nghề được chính thức công nhận đủ điều kiện hành nghề theo pháp luật Việt Nam. Đã có những công ty có tới 150 khách hàng, doanh thu một năm vài chục tỷ đồng.

Ở Mỹ, kiểm toán viên chuyên nghiệp còn có thể giúp DN giảm chi phí thuế phải nộp nhờ việc tư vấn chính xác những điều kiện mà pháp luật quy định thêm để giúp DN được hưởng mức thuế thấp nhất.

Với một góc nhìn khác hơn, ông Nguyễn Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty Mazars Vietnam, phân tích thêm: Trong quan hệ hợp tác kinh doanh với nước ngoài thì các đối tác đều coi kiểm toán là quy trình không thể thiếu trong hoạt động của DN định hợp tác liên doanh với mình. Ý kiến khách quan của các công ty kiểm toán có uy tín luôn được đối tác nước ngoài tin cậy. Có thể nói kiểm toán độc lập đã đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng hợp tác đối ngoại, tư vấn cho người nước ngoài và các tổ chức quốc tế biết về pháp luật, chính sách tài chính kế toán của Việt Nam, hoặc giúp DN Việt Nam hiểu biết thông lệ chuẩn mực quốc tế.

Sao vẫn thờ ơ?

Lợi ích khá rõ ràng như vừa nêu ở trên, song nhìn vào thực tiễn tại Việt Nam, hầu hết DNVVN vẫn thờ ơ với hoạt động kiểm toán.

Nhiều lý do được viện dẫn, đơn cử DN quy mô nhỏ, không cần thiết phải kiểm toán, nhất là trong bối cảnh hệ thống thực thi pháp luật của Việt Nam còn nhiều điểm “tranh tối tranh sáng”, chưa thực sự minh bạch.

Minh chứng cho nhận định này, ông Ngô Đức Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán ASSC, phản ánh thực tế khi vay vốn, ngoài việc phải trả lãi tiền vay cho ngân hàng thì DNVVN vẫn phải có khoản khác chi ngầm cho cán bộ tín dụng, cán bộ ngân hàng.

“Kiểm toán được đánh giá là công cụ hữu hiệu giúp DN vay được vốn nhưng với thực trạng hiện nay, nếu không có khoản “đút túi” cán bộ thì vẫn khó có thể vay được. Thà tăng chi phí “đút túi” có khi còn được vay nhanh hơn. Chưa kể không ai đảm bảo rằng có chứng nhận của kiểm toán thì doanh nghiệp không phải “đút túi” nữa. Chả dại gì vừa phải chi “đút túi” khoảng 5 triệu đồng lại vừa phải tốn thêm 10 triệu đồng cho công tác kiểm toán”, ông Trần Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Thông Tấn, bức xúc minh chứng thêm.

Một bất cập khác nữa là hiện có tình trạng doanh nghiệp đã thuê dịch vụ kế toán chuyên nghiệp làm công tác kế toán nhưng đơn vị kiểm toán không chấp nhận, hoặc đã có dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp hỗ trợ rồi nhưng cơ quan thuế vẫn không chấp nhận cho quyết toán thuế, ngân hàng cũng không chịu tin tưởng kết quả kiểm toán này để cho DN vay tiền. Hệ luỵ là DN tính toán thiệt hơn, giảm được khoản phí nào cố gắng giảm, dẫn tới việc bỏ qua khoản đầu tư cho công tác kiểm toán.


(Theo Efinance online)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts