Friday 10 September 2010

Dự án luật kiểm toán độc lập: Nên giao bớt phần việc cho các Hội nghề nghiệp

DỰ ÁN LUẬT KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP:

NÊN GIAO BỚT PHẦN VIỆC CHO CÁC HỘI NGHỀ NGHIỆP

Đó là yêu cầu mà các chuyên gia, các nhà quản lý đặt ra tại hội thảo "Lấy ý kiến đóng góp dự án Luật kiểm toán độc lập - KTĐL" ngày 19/08 tại Hà Nội, để Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, chính lý dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Việt Tuấn

P

hát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính (BTC), thành viên Ban soạn thảo, ông Đặng Thái Hùng nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành luật. Theo đó, KTĐL là hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, với vai trò làm tăng độ tin cậy của các thông tin tài chính, làm cơ sở cho các cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng đưa ra quyết định trong các giao dịch kinh tế. Đến nay, sau 19 năm có KTĐL tại Việt Nam, hoạt động này đã phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô cũng như chất lượng dịch vụ. Hiện tại, cả nước đã có 162 doanh nghiệp (DN) dịch vụ kế toán kiểm toán với 6.700 người làm việc, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn tài chính kế toán, giúp các DN, dự án quốc tế, cơ quan, đơn vị sự nghiệp nắm bắt kịp thời, đầy đủ tuân thủ cơ chế, chính sách tài chính - thuế, loại bỏ các chi phí bất hợp lý, tạo lập thông tin tin cậy, tăng cường lòng tin của người sử dụng các báo cáo tài chính, từng bước đưa công tác quản lý tài chính, kế toán của các DN được kiểm toán vào nề nếp.

Tuy nhiên, hoạt động KTĐL đang có không ít những tồn tại, hạn chế về quy mô thị trường kiểm toán còn nhỏ, số lượng kiểm toán viên ít, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển của thị trường. Tính đến tháng 6/2010 cả nước mới có khoảng 1.800 kiểm toán viên được cấp chứng chỉ, nhưng cũng chỉ có khoảng 1.200 người làm việc trong các công ty kiểm toán, bình quân mỗi công ty chỉ có 8 kiểm toán viên, trong khi chất lượng dịch vụ và kiểm toán viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập; việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật hành nghề của kiểm toán viên vẫn chưa được nhận thức đầy đủ, chế tài xử phạt các vi phạm chưa đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của những bất cập trên là do các quy định pháp luật về KTĐL chưa hoàn chỉnh, quy định cao nhất chỉ là nghị định về KTĐL. Về phía người sử dụng dịch vụ là các DN, dự án, đơn vị kinh tế dường như vẫn chưa có thói quen phải kiểm toán báo cáo tài chính; còn về phía cơ quan quản lý nhà nước thì thiếu cơ sở pháp lý, quy trình, công nghệ và kinh nghiệm quản lý hoạt động này. Vì vậy, việc soạn thảo, ban hành Luật KTĐL trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, bởi luật sẽ tạo khung pháp lý cao nhất về hoạt động KTĐL, giúp cho dịch vụ kế toán, kiểm toán phát triển, góp phần làm công khai, minh bạch hóa các thông tin kinh tế, tài chính trong nền kinh tế.

Thảo luận về những nội dung cụ thể trong dự án luật, Phó Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam Bùi Văn Mai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách của Quốc hội Đinh Xuân Thảo, Chủ tịch Hiệp hội DNN&V Cao Sỹ Kiêm, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam Hà Thị Thu Thanh đề có chung nhận định, việc ban hành Luật là cần thiết; các nội dung về tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, cơ cấu chương, điều đã được quy định khá đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu, quy định của một văn bản quy phạm pháp luật.

Đánh giá về quy định "Quản lý nhà nước đối với hoạt động KTĐL - Điều 10 dự thảo luật", ông Bùi Văn Mai cho rằng, đây là nội dung rất mới, lần đầu tiên được quy định trong luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng, quy định cụ thể việc BTC vừa giúp chính phủ xây dựng, ban hành các văn pháp pháp luật về KTĐL, cấp giấy phép hoạt động cho các DN KTĐL, thực hiện kiểm tra tuân thủ pháp luật về kiểm toán, chuẩn mực kế toán; quy định hành nghề, đăng ký hành nghề kiểm toán viên; kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức nghề nghiệp, xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động KTĐL là quá ôm đồm. vừa đá bóng, vừa thổi còi. Cũng về vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm đề nghị, nên giao bớt phần việc cho các tổ chức hội nghề nghiệp và hạn chế đầu mối bộ, ngành cùng tham gia quản lý để tránh tình trạng khi có công thì ai cũng đòi, nhưng có tội thì lại đùn đẩy nhau.

Các quy định tại Điều 5,6 về chuẩn mực kiểm toán, giá trị của báo cáo kiểm toán, các chuyên gia cho rằng, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể tính pháp lý của báo cáo KTĐL, để tránh tình trạng có đơn vị đã được KTĐL kiểm toán rồi nhưng khi có yêu cầu thanh tra, kiểm toán nhà nước vào lại không công nhận kết quả đó, như thế sẽ rất khó, mất thời gian, công sức của đơn vị đã được KTĐL.

Một nội dung khác được nhiều kiểm toán viên và đại diện các DN kiểm toán quan tâm, đó là điều kiện hành nghề kiểm toán, trong đó quy định "người hành nghề kiểm toán phải có chứng chỉ kiểm toán viên do BTC cấp hoặc chứng chỉ nước ngoài được BTC thừa nhận và đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam". Theo các đại biểu, đây là điều khó thực tế, bởi đối với không ít kiểm toán viên quốc tế đến hoạt động tại các chi nhánh ở Việt Nam thì yêu cầu đạt điều kiện thi hoàn toàn bằng tiếng Việt là rất khó, nên chăng có quy định theo lộ trình, từng phần, như thế thì các kiểm toán viên nước ngoài mới có cơ hội vào Việt Nam để hành nghề kiểm toán. Hoặc là "quyền của kiểm toán viên hành nghề", "quyền của DN sử dụng dịch vụ kiểm toán" và "quy định về mức phí dịch vụ giữa nhà cung cấp dịch vụ và DN sử dụng dịch vụ", tất cả những quy định đó cũng cần được minh bạch, cụ thể hóa và định lượng được. Tránh tình trạng, kiểm toán viên hành nghề có yêu cầu vượt thẩm quền, DN sử dụng dịch vụ cũng yêu cầu cung cấp dịch vụ, thông tin và nhận định, đánh giá vượt khả năng của đơn vị kiểm toán. Đặc biệt, cần tránh tùy tiện trong định giá dịch vụ, dễ xảy ra tình trạng người được ký hợp đồng giao dịch vụ thỏa thuận giá dịch vụ để được bên cung cấp trả hoa hồng! Riêng về điều kiện thành lập công ty kiểm toán, bà Hà Thị Thu Thanh cho rằng, quy định "phải có tổ chức tham gia thành lập công ty kiểm toán và tổ chức cử đại diện tham gia quản lý công ty kiểm toán" là chưa thỏa đáng. Quy định như vậy không mang ý nghĩa về mặt quản lý, về vốn cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng kiểm toán viên. Vì vậy, theo bà Thanh, ban soạn thảo cần cân nhắc, bỏ hẳn quy định trên để đảm bảo điều kiện thông thoáng trong hoạt động của lĩnh vực kiểm toán. Ngoài các nội dung trên, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần quy định rõ, chặt chẽ những hành vi vi phạm nguyên tắc KTĐL.

Dự kiến, khi được thông qua, Luật Kiểm toán độc lập sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2010.

(Theo TC Thuế NN)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts