Monday, 6 September 2010

1.001 cách giải trình báo cáo tài chính bán niên


Nhiều DN đã và đang phải giải trình về chênh lệch KQKD trước và sau soát xét. Điều thú vị là các DN có rất nhiều cách để lý giải về sự chênh lệch này.

Năm 2010 là năm đầu tiên việc soát xét báo cáo tài chính (BCTC) bán niên bắt buộc thực hiện đối với tất cả các công ty niêm yết. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam về công tác soát xét, hoạt động này chỉ yêu cầu thực hiện để có sự bảo đảm vừa phải rằng, BCTC không chứa những sai sót trọng yếu. Tuy nhiên, sau khi DN công bố BCTC "vòng hai" - có thêm ý kiến của kiểm toán viên, nhiều công ty niêm yết đã và đang phải giải trình về chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau soát xét. Điều thú vị là các DN có rất nhiều cách để lý giải về sự chênh lệch này.

Đa dạng giải trình về chênh lệch tỷ giá

Đầu năm nay, CTCP Vận tải Xăng dầu VIPCO (VIP) đã gây ra một "scandal" nho nhỏ trên thị trường khi bất ngờ công bố lợi nhuận cả năm 2009 giảm rất mạnh so với con số ước tính 10 tháng đầu năm. Một trong các nguyên nhân chính yếu là VIPCO phải đánh giá lại các khoản vay nợ ngoại tệ bằng USD. Rủi ro khoản vay nợ đã khiến lợi nhuận cuối năm của VIPCO sụt giảm bất ngờ. Năm nay, ban lãnh đạo VIPCO không muốn sự kiện cũ lặp lại nên đã có sự cẩn trọng tối đa. Trong BCTC 6 tháng, VIPCO đã thực hiện tạm trích lập 10 tỷ đồng về chênh lệch tỷ giá, kiểm toán viên lưu ý điều này và cho rằng, theo các quy định hiện hành, Công ty chỉ phải thực hiện trích lập vào thời điểm cuối năm. Giải trình ý kiến của kiểm toán, ông Nguyễn Đạo Thịnh, Chủ tịch HĐQT VIPCO cho biết: "Công ty thực hiện điều này nhằm đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2010 không biến động quá bất thường so với 6 tháng đầu năm. VIPCO đã tạm trích lập 10 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2010 và nếu không trích lập, lợi nhuận của VIPCO sẽ tăng lên tương ứng".

VIPCO là trường hợp tự giác thực hiện và bị kiểm toán "lưu ý", nhưng cũng vấn đề tỷ giá, có DN chưa thực hiện trích lập lại bị "nhắc nhở". Sau khi thực hiện soát xét BCTC bán niên, lợi nhuận sau thuế của CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) giảm từ 39,1 tỷ đồng xuống còn 26,8 tỷ, tương ứng giảm 31,5%. Ông Trần Tuấn Nghiệp, Tổng giám đốc Công ty cho biết, bên cạnh việc phải trích bổ sung chi phí lãi vay, chi phí vận chuyển, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, nợ ngắn hạn khó đòi…, HLA còn phải đánh giá bổ sung khoản chênh lệch tỷ giá 7,2 tỷ đồng (chiếm tới 60% con số lợi nhuận chênh lệch giảm).

Cũng câu chuyện tỷ giá, Công ty kiểm toán PKF Việt Nam lưu ý trong BCTC soát xét bán niên của CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) rằng, BTP chưa kết chuyển khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá hơn 27 tỷ đồng từ năm ngoái vào năm nay (theo kế hoạch trong BCTC 2009 đã qua kiểm toán) và cũng chưa đánh giá khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ là 16,5 tỷ đồng. Trong giải trình sau đó gửi HOSE, lãnh đạo BTP hầu như chỉ "nhắc lại" các nhận xét của Công ty kiểm toán PKF Việt Nam mà không cung cấp thêm thông tin sâu hơn với NĐT, chẳng hạn giải thích về lý do chưa thực hiện.

Trích dự phòng: muôn màu muôn vẻ

Việc trích lập/hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính cũng được thực hiện ở nhiều DN với muôn màu muôn vẻ: sau soát xét, lợi nhuận trước thuế của CTCK Ngân hàng Sacombank (SBS) giảm 18,5%; CTCP Chế biến thực phẩm Kinh đô miền Bắc (NKD) giảm 38%. Cả hai có lợi nhuận sau soát xét giảm mạnh khi phải thực hiện trích lập thêm theo yêu cầu của kiểm toán.

Cũng vấn đề trích lập và hoàn nhập dự phòng, giải trình của CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) lại khiến nhiều NĐT quan tâm: trong quá trình soát xét, HĐQT TPC và Công ty kiểm toán A&C thống nhất cuối năm mới trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính (khoảng 2 tỷ đồng) vì lý do thị giá các cổ phiếu đang thay đổi; chưa trích lập dự phòng nợ khó đòi (1,6 tỷ đồng) vì chưa có dấu hiệu rủi ro. Trong văn bản giải trình, TPC còn đánh giá thêm rằng, nếu có trích lập đầy đủ thì lợi nhuận bán niên của Công ty vẫn khả quan - tương đương 72% kế hoạch lợi nhuận năm.

Những lưu ý và giải trình "lạ"

Khá nhiều công ty đã phải giải trình các vấn đề khác liên quan đến việc phân bổ chi phí và ghi nhận doanh thu. Tuy nhiên, có nhiều lưu ý của kiểm toán và giải trình của DN niêm yết rất "lạ". Trong BCTC soát xét của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC), Công ty kiểm toán A&C có lưu ý rằng, Nhà máy Vật liệu Viễn thông 1 (đơn vị trực thuộc PTC) thực tế đã ngừng hoạt động từ quý IV/2009, nhưng số liệu trên BCTC của PTC cho thấy hoạt động của nhà máy vẫn đang được phản ánh vào báo cáo ngày 30/6/2010 theo nguyên tắc hoạt động liên tục. Về điều này, ông Nguyễn Duy Bắc Việt, Tổng giám đốc Công ty giải thích, do sức cầu thị trường cáp đồng viễn thông tụt giảm nên PTC đã chủ trương thu hẹp hoạt động của đơn vị thành viên. Tuy nhiên, do máy móc dây chuyền còn lại chưa khấu hao hết khoảng 29 tỷ đồng, nên PTC có chủ trương liên kết với đối tác để tận dụng máy móc, thiết bị. Kế hoạch hợp tác, liên kết sẽ được xây dựng trong năm 2010 và năm 2011 dự án đi vào hoạt động. Cũng cần nói thêm sau soát xét, mức lỗ của PTC đã cao gấp đôi so với con số công bố trước đó.

Trong khi đó, PKF Việt Nam lưu ý trong BCTC soát xét bán niên của CTCP Nhiệt điện Bà Rịa rằng, trong kỳ Công ty đã chi lương tháng 3 cho nhân viên với tổng giá trị là 1,6 tỷ đồng, nhưng ghi nhận vào tháng 7/2010 thay vì trong kỳ. Về điều này, Công ty lại chỉ giải thích rất ngắn gọn là "Công ty phân bổ sót"! Còn nếu đọc giải trình mới đây của CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC), các NĐT đã từng là cựu cổ đông của PNC từ năm 2007 trở về trước sẽ phải lục lại trí nhớ bởi họ có thể nhận được món quà bất ngờ. Công ty Kiểm toán DTL từ chối cho ý kiến về một khoản nợ gần 4 tỷ đồng của PNC, DTL cho biết dù đã thu thập nhưng không đủ tài liệu để cho ý kiến về con số trên. Về điều này PNC giải thích, đây là cổ tức những năm trước mà Công ty chưa trả được cho cổ đông dù đã đăng báo mời NĐT đến Công ty nhận!


(Theo Tinnhanhchungkhoan)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts