Monday, 31 January 2011

15 kho dự trữ vàng lớn nhất thế giới

picture

Các đầu mối dự trữ này hiện đang nắm giữ khoảng 29.978 tấn vàng, chiếm 16,5% tổng khối lượng vàng trên toàn cầu - Ảnh: Getty.

Điểm qua 15 kho dự trữ vàng lớn nhất thế giới của các chính phủ, định chế tài chính và ngân hàng trung ương

Cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực châu Âu là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy giá vàng thế giới lên mức kỷ lục 1.432 USD/oz vào tháng 12/2010. Trong năm ngoái, kim loại quý này đã tăng giá 29%, đánh dấu năm tăng giá thứ 10 liên tục.

Với dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), hãng tin CNBC cho biết, các tổ chức nắm giữ vàng lớn nhất thế giới, trong đó có các ngân hàng trung ương, các tổ chức quốc tế và các chính phủ, hiện đang nắm giữ khoảng 29.978 tấn vàng, chiếm 16,5% tổng khối lượng vàng trên toàn cầu.

Dưới đây là 15 kho dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Khối lượng vàng trong bài được tính theo tấn Mỹ (1 tấn Mỹ tương đương khoảng 907,2 kg). Giá trị của các kho dự trữ vàng được tính theo giá vàng ở mức 1.350 USD/oz.

15. Venezuela

Giá trị dự trữ vàng: 17,33 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 401,1 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 52,4%

14. Bồ Đào Nha

Giá trị dự trữ vàng: 18,21 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 421,6 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 81,1%

13. Đài Loan

Giá trị dự trữ vàng: 20,17 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 466,9 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 4,6%

12. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)

Giá trị dự trữ vàng: 23,88 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 522,7 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 25,2%

11. Ấn Độ

Giá trị dự trữ vàng: 26,56 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 614,8 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 8,1%

10. Hà Lan

Giá trị dự trữ vàng: 29,67 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 675,2 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 57,5%

9. Nhật Bản

Giá trị dự trữ vàng: 36,43 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 843,5 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 3%

8. Nga

Giá trị dự trữ vàng: 36,91 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 854,5 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 21%

7. Thụy Sỹ

Giá trị dự trữ vàng: 49,53 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 1.146,5 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 16,4%

6. Trung Quốc

Giá trị dự trữ vàng: 50,19 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 1.161,9 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 1,7%

5. Pháp

Giá trị dự trữ vàng: 115,97 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 2.684,6 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 67,2%

4. Italy

Giá trị dự trữ vàng: 116,75 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 2.702,6 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 68,6%

3. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

Giá trị dự trữ vàng: 135,56 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 3.137,9 tấn

2. Đức

Giá trị dự trữ vàng: 161,99 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 3.749,8 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 70,3%

1. Mỹ

Giá trị dự trữ vàng: 387,32 tỷ USD
Khối lượng dự trữ vàng: 8.965,6 tấn

(Theo VNECONOMY)

Tuesday, 25 January 2011

Viết blog kiếm hơn 6 tỷ đồng mỗi năm

Các blog được nhiều người ưa chuộng có thể đem lại lợi nhuận lớn cho chủ nhân của nó nhờ quảng cáo hoặc đăng nhận xét về sản phẩm. Blogger và người điều hành blog ở Malaysia có thể kiếm tới 1triệu RM - khoảng 6,4 tỷ đồng mỗi năm.

Nhật báo Berita Harian đưa tin, các blogger - những người thường xuyên đăng tải thông tin cá nhân hiện đã biết cách khai thác blog vì mục đích thương mại hoặc đặt quảng cáo, có thể kiếm mỗi tháng là 70.000 RM - khoảng 446 triệu đồng.

Nhật báo Harian nêu bật trường hợp blogger Mira Abu Bakar, người có thu nhập hàng tháng cao nhất qua quảng cáo là 12.000 RM vào năm 2008. Mira điều hành trang blog Redmummy.com của mình từ năm 2005, và thu về hàng tháng 2.000 RM.

Mira thú nhận đã công bố thu nhập phụ với Ban thuế nội địa sau khi nhận được thông báo. Và rằng, trước đây, cô không biết mình kiếm được nhiều tiền đến vậy.

Một phát ngôn viên của IRB nói, kinh doanh trên mạng qua Facebook phải nộp thuế theo Đạo luật thuế thu nhập năm 1967 và thu nhập từ của các blogger có thể đánh thuế như thu nhập cố định.

Giám đốc Nuffnang (M) Sdn Bhd Nicholas Chay nói, doanh thu của một trang blog dựa vào số lượng người xem và số khách lưu lại trang trong một thời điểm nhất định. Các trang blog được nhiều người ưa chuộng có thể đem lại cho chủ nhân nó doanh thu lớn từ quảng cáo và đăng bài nhận xét sản phẩm.

Hoài Linh (Theo The Star)

Nguồn: www.dddn.com.vn

Monday, 24 January 2011

Sẽ kiểm toán Vinashin trong năm nay

picture

Vinashin đã nằm trong kế hoạch kiểm toán năm 2011.

Báo cáo tài chính năm 2010 của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được kiểm toán trong năm nay

Cùng với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nhiều tập đoàn và tổng công ty Nhà nước khác cũng nằm trong kế hoạch kiểm toán năm 2011.

Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011 ngày 24/1, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ triển khai 151 cuộc kiểm toán, tăng 15,2% về số cuộc và gần 10% về quy mô so với năm 2010.

Theo đó, ở lĩnh vực ngân sách Nhà nước sẽ kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước tại 20 bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều bộ, ngành khác.

Bên cạnh đó, 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng nằm trong danh sách kiểm toán năm nay.

Trong 4 chuyên đề được kiểm toán năm 2011, có chuyên đề quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, công ty mẹ.

Trên 30 dự án sẽ được kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư nằm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình mục tiêu quốc gia. Dự án xây dựng cầu Cần Thơ và dự án lọc dầu số 1 Dung Quất nằm trong số này.

Cũng trong lĩnh vực này, 8 dự án, chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được kiểm toán, trong đó có dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Báo cáo tài chính năm 2010 của nhiều đơn vị thuộc lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng cũng nằm trong kế hoạch kiểm toán. Bên cạnh Vinashin, danh sách này còn có Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC…

Đây cũng là những địa chỉ được nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2011, khi cho ý kiến về đối tượng kiểm toán năm nay.

Trong báo cáo cho ý kiến về nội dung kiểm toán năm 2011, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý Kiểm toán Nhà nước “phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tránh tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm toán, thanh tra và kiểm toán trong lĩnh vực tài chính ngân sách và bỏ trống các lĩnh vực nổi cộm, những yêu cầu đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội nhưng không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán”.

(Theo VNECONOMY)

Sunday, 23 January 2011

Đề xuất mức khởi điểm chịu thuế bằng 10 lần lương tối thiểu

Xem hình

Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sửa đổi cách tính mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho phù hợp với tình hình hiện nay và một phương án mới được đưa ra là bằng 8 - 10 lần lương tối thiểu
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Từ nay đến hết quý I/2011, Vụ Chính sách thuế tập trung lấy ý kiến đóng góp liên quan đến mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để có những chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bởi theo tính toán, với mức trượt giá hằng năm như hiện nay (năm 2009 là 6,88%, năm 2010 là 11,75%) thì mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng hay mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng được áp dụng từ năm 2009 không còn phù hợp.
“Tôi cho rằng nên nghiên cứu theo hướng lấy mốc linh hoạt, ví dụ như tính theo lương tối thiểu. Nếu theo phương án này, mức khởi điểm đóng thuế sẽ được tính bằng 8 - 10 lần lương tối thiểu (có thể lấy lương tối thiểu của khu vực sản xuất trong nước để làm căn cứ) và mức khởi điểm chịu thuế sẽ được điều chỉnh hàng năm khi nhà nước công bố lương tối thiểu”, vị lãnh đạo này nói.
Cùng với việc điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế, ngưỡng giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng có thể xem xét để sửa đổi theo hướng nâng lên tương ứng với 3 lần lương tối thiểu.
Đóng góp cho việc sửa đổi luật thuế mới, một số chuyên gia cho rằng, trong năm 2011, lương tối thiểu được điều chỉnh từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng, do đó, mức giảm trừ gia cảnh phải trên 6,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến các khoản trợ cấp cho những người làm công tại khối doanh nghiệp như trợ cấp ốm đau cho người thân, trợ cấp đi học nghiệp vụ đã được Bộ Tài chính gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan có liên quan là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Theo ý kiến của Bộ Tài chính, đây là các khoản không nên tính vào thu nhập chịu thuế.
Theo thống kê từ Tổng cục Thuế, tính đến tháng 12/2010, cả nước có trên 11 triệu tổ chức, cá nhân đăng ký, kê khai nộp thuế. Trong đó, cá nhân nằm trong diện chịu thuế thu nhập cá nhân vào khoảng 7,2 triệu. Năm 2010, có khoảng 3 triệu mã số thuế được cấp cho các cá nhân, đơn vị nằm trong diện nộp thuế, với mã số thuế thu nhập cá nhân chiếm khoảng 90,5%.
Tính đến cuối tháng 12/2010, có khoảng hơn 65,9 nghìn người nằm trong diện đóng thuế tạm dừng kinh doanh; số khác ngừng hoạt động vào khoảng 1,27 triệu người.
Luật thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách kích cầu, Chính phủ cho phép miễn nộp thuế trong 6 tháng đầu năm và kể từ 1/7/2009, các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công mới bị tính thuế. Riêng các loại thu nhập từ chuyển nhượng vốn, đầu tư cổ phiếu, nhượng quyền thương mại… tiếp tục được miễn thuế đến hết năm 2009.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số thuế thu nhập cá nhân được miễn trong năm 2009 lên tới con số gần 5.500 tỷ đồng.


Theo dantri

Sẽ nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN theo trượt giá

Xem hình

Bộ Tài chính cho biết, đang tính đến phương án sửa đổi một số quy định trong Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo đó, mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng có thể nâng 6 triệu đồng/tháng hoặc thu hẹp bậc chịu thuế.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức trượt giá hằng năm như hiện nay (năm 2009 là 6,88%, năm 2010 là 11,75%) thì mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng hay mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng được áp dụng từ năm 2009 không còn phù hợp.
Mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh hiện tại được áp dụng từ năm 2009 nhưng những con số thì được tính toán từ năm 2006, thời điểm mà giá cả, lương đã khác xa hiện tại. So với thời điểm Luật thuế thu nhập cá nhân được Bộ Tài chính xây dựng vào năm 2006, chỉ số giá tiêu dùng hiện tại đã tăng hơn 50%.
Trước yêu cầu của thực tế, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình một số kiến nghị sửa đổi Luật thuế TNCN lên Quốc hội nhằm khắc phục những điểm bất hợp lý trong các quy định thuế TNCN hiện tại. Theo một lãnh đạo của Bộ, các quy định dự kiến sửa đổi đã được trình lên Quốc hội xem xét ngày đầu năm nay.
Theo dự kiến, mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng có thể nâng lên theo hai cách: Một là điều chỉnh tăng lên mức 6 triệu đồng/tháng; hai là thu hẹp bậc chịu thuế. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng dự kiến được điều chỉnh bằng 3 lần lương tối thiểu, khoảng 2,4 triệu đồng/người/tháng.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật thuế TNCN, để chậm nhất hết quý I/2011 sẽ tổng hợp, đánh giá các kiến nghị nhằm đưa ra phương án sửa một số điểm của luật thuế này.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết: Trước kia, cơ quan soạn thảo cũng có tính tới việc trượt giá, tăng lương. Tuy nhiên, với mức độ trượt giá như hiện nay, nếu muốn giảm thuế để khoan sức dân, giảm gánh nặng cho người nộp thuế, tăng tích lũy tái tạo nguồn thu, có thể tính tới 2 cách. Đó là giảm mức thuế suất hiện hành hoặc giãn khung nộp thuế. Do đó, cách tối ưu hơn là nên mở rộng khung, vì đây cũng là một hình thức giảm thuế.
Cụ thể, thay vì quy định mức 5 triệu đến 10 triệu phải chịu thuế suất 10%, thì sửa 5 đến 20 triệu thu thuế 10%, hoặc 5 đến 30 triệu thuế 5%, cứ như vậy tăng mức lũy tiến theo từng bậc. Nếu sửa như vậy thì tỷ trọng nộp thuế trên thu nhập thực tế của người phải nộp sẽ thấp hơn nhiều so với khung cũ. Đây là phương án tối ưu quan trọng nên được tính đến khi sửa luật.


Theo dantri

Saturday, 22 January 2011

10 điều thú vị về… tiền

picture

Chân dung của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị ngự trị trên đồng tiền của 33 quốc gia.

Không phải ai cũng biết hết những câu chuyện thú vị xung quanh những tờ bạc

Tiền là thứ được mọi người sử dụng hàng ngày, nhưng không phải ai cũng biết hết những câu chuyện thú vị xung quanh những tờ bạc.

Tạp chí Time đã điểm lại 10 câu chuyện được xem là ít biết về tiền.

1. Đồng bạc có kích thước lớn nhất

Với kích thước lớn hơn cả 1 tờ giấy A4, đồng bạc có kích thước lớn nhất thế giới có mệnh giá 100.000 Peso do Chính phủ Philippines phát hành năm 1998. Được thiết kế nhằm kỷ niệm 1 thế kỷ ngày Philippines giành độc lập từ tay thực dân Tây Ban Nha, đồng bạc phiên bản giới hạn này chỉ được bán cho các nhà sưu tập. Giá bán cho các nhà sưu tập là 180.000 Peso, tương đương 3.700 USD/tờ.

2. Đồng bạc mệnh giá 1 triệu Bảng


Đồng bạc có mệnh giá lớn nhất mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) từng phát hành có mệnh giá 1 triệu Bảng vào năm 1948, trong thời gian tái thiết hậu chiến tranh theo kế hoạch Marshall. Đồng bạc này được thiết kế dành riêng cho Chính phủ Mỹ sử dụng. Vài tháng sau đó, việc phát hành chấm dứt, nên chỉ có rất ít đồng bạc này lọt vào tay tư nhân. Vào năm 2008, một trong những đồng bạc mệnh giá khổng lồ còn sót lại đã được bán đấu giá thành công với mức giá khoảng 120.000 USD.

3. Máy ATM đầu tiên trên thế giới


Máy ATM có lẽ là ý tưởng tuyệt vời nhất mà con người nghĩ ra khi ở trong bồn tắm kể từ thời Archimede. Khi đang tắm, John Shepherd-Barron đã phát minh ra chiếc máy rút tiền tự động (ATM) đầu tiên, cho dù vẫn còn những tranh cãi về bản quyền của ông đối với ít tưởng này. Shepherd-Barron sau đó đã đưa ý tưởng của ông lên ngân hàng Barclays của Anh và được chấp nhận ngay lập tức.

Vào năm 1967, chiếc máy ATM đầu tiên đã được lắp đặt London. Dẫu còn thô sơ so với những “hậu duệ” ATM ngày nay, nhưng có ưu điểm là không thu phí. Trong ảnh là một phụ nữ đang rút tiền từ máy ATM bên ngoài ngân hàng Westminster ở London vào ngày 19/1/1968.

4. Nguồn gốc của ký hiệu $


Không ai biết ký hiệu của đồng bạc xanh ($) từ đâu mà có, nhưng Cục In tiền của Mỹ có cách lý giải xem chừng rất hợp lý. Cơ quan này cho biết, ký hiệu $ ban đầu được sử dụng cho đồng Peso của Tây Ban Nha và Mexico, trông giống như chữ “P” viết lồng vào chữ “S”. Ký hiệu $ đã được sử dụng rộng rãi trước năm 1875, thời điểm đồng USD bằng giấy đầu tiên được phát hành. Nếu để ý, có thể thấy ký hiệu $ không hề xuất hiện trên đồng tiền của nước Mỹ.

5. Tiền mệnh giá càng nhỏ càng nhanh rách


Tất cả các đồng tiền giấy rốt cục rồi cũng rách nát. Những đồng càng có mệnh giá nhỏ lại càng được sử dụng nhiều, vòng đời càng ngắn hơn. Ước tính, đồng 1 USD chỉ tồn tại được trong 21 tháng, trong khi tờ 100 USD có thể sử dụng trong 7 năm. Trong khoảng thời gian đó, lạm phát có thể làm giá trị của đồng tiền “teo” đi. Đây có thể xem là lý do để mọi người tiêu tiền càng nhanh càng tốt!

6. Cảnh sát chống bạc giả của Mỹ


Sau cuộc Nội chiến (1861-1865), tiền giả lan tràn khắp nước Mỹ, với tỷ lệ bạc giả được cho là lên tới 1/3 số tờ bạc trong lưu thông, buộc Chính phủ phải hành động. Vào năm 1865, một bộ phận đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã được thành lập để chống nạn làm giả tiền. Cơ quan này vẫn tồn tại cho đến ngày nay, với cái tên Mật vụ Hoa Kỳ (USSS), mang nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của nước này.

Tổng thống Abraham Lincoln là người đã trao quyền chống bạc giả cho Mật vụ vào ngày 14/4/1865. Đến năm 1901, cơ quan này được Tổng thống William McKinley giao thêm nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống. Năm 2002, Mật vụ Mỹ - cơ quan gồm 6.500 nhân viên - được chuyển vào một bộ mới thành lập là Bộ An ninh nội địa.

7. Người có chân dung được in nhiều nhất trên tiền


Từ Australia tới Trinidad và Tobago, chân dung của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị ngự trị trên đồng tiền của 33 quốc gia khác nhau - nhiều hơn bất cứ một nhân vật nào. Canada là nước đầu tiên in chân dung của Nữ hoàng Elizabeth lên đồng tiền vào năm 1935, khi Nữ hoàng còn là công chúa lên 9 tuổi.

Theo thời gian, 26 chân dung khác nhau của Nữ hoàng Anh đã được sử dụng trên đồng Bảng Anh cũng như đồng tiền của các thuộc địa, lãnh địa và vùng lãnh thổ của nước này. Một số nước thích sử dụng chân dung của Nữ hoàng trong trang phục hoàng gia lộng lẫy, một số khác thích chân dung giản đơn. Nhiều nước “cập nhật” chân dung của Nữ hoàng theo độ tuổi, trong khi nhiều nước chỉ thích dùng chân dung của Nữ hoàng khi còn trẻ.

8. Tiền rất bẩn


Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phần lớn số tờ USD nằm trong lưu thông có dính một hàm lượng nhất định chất ma túy. Lý do là bọn buôn lậu ma túy thường dùng tay có dính thuốc để di chuyển tiền, nhiều con nghiện cũng sử dụng tiền để cuộn lại làm ống hít.

Tệ hơn, tiền còn được các nhà nghiên cứu chỉ ra là một ổ bệnh, với rất nhiều loại vi khuẩn và virus khác nhau, với số lượng thậm chí còn lớn hơn trong toilet của các hộ gia đình. Chẳng hạn, virus cúm được cho là có thể tồn tại trên tiền giấy tới 17 ngày. Đó là lý do vì sao người ta nên dùng thẻ nhiều hơn.

9. Tiền mệnh giá “siêu khủng” của Zimbabwe
Với tốc độ lạm phát lên tới 231 triệu %, giá một ổ bánh mì là 300 tỷ Đôla Zimbabwe, Chính phủ nước này đã phải phát hành tờ bạc mệnh giá 100 nghìn tỷ Đôla Zimbabwe vào đầu năm 2010. Đây là tờ bạc có mệnh giá lớn nhất trên thế giới từ trước tới nay.

10. Tờ tiền giấy đầu tiên


Tiền giấy được sử dụng đầu tiên ở Trung Quốc, vào thời nhà Đường (618-907), ban đầu dưới dạng tờ bạc phát hành tư nhân. Đến thế kỷ thứ 17, tiền giấy mới bắt đầu được sử dụng tại châu Âu. Và thêm khoảng 1-2 thế kỷ nữa, tiền giấy mới được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.

Do tiền giấy được phát hành ồ ạt và gây lạm phát, Trung Quốc đã cấm tiền giấy hoàn toàn vào năm 1455 và nhiều thế kỷ sau đó mới sử dụng trở lại loại tiền này. Một sự thật mà ít người biết đến nữa là: Từ “cash” (“tiền mặt”) trong tiền Anh bắt nguồn từ từ “kai-yuan” dùng để chỉ loại tiền xu bằng đồng có đục lỗ ở giữa được sử dụng phổ biến vào thời nhà Đường.

(Theo Vneconomy)

Thông tư 226: Chuẩn hoá “sức khoẻ” tài chính CTCK

Xem hình

Với Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính, vừa được Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/4 tới, "sức khoẻ" tài chính của các CTCK được chuẩn hoá thêm một bước.

Điểm đáng chú ý đầu tiên trong Thông tư là giúp các CTCK, công ty quản lý quỹ nhận diện rõ thế nào là vốn khả dụng. Theo đó, đây là vốn chủ sở hữu có thể chuyển đổi thành tiền trong vòng 90 ngày. Vốn khả dụng gồm các khoản: vốn đầu tư của chủ sở hữu, không bao gồm vốn cổ phần ưu đãi hoàn lại (nếu có); thặng dư vốn cổ phần; quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ… Việc tính tỷ lệ vốn khả dụng còn phải căn cứ vào các khoản giảm trừ, cũng như các khoản tăng thêm.

Quy định mới xác định rõ 3 giá trị rủi ro đối với các CTCK, công ty quản lý quỹ, đó là rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và rủi ro thanh toán. Rủi ro hoạt động được xác định bằng 25% chi phí duy trì hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán trong vòng 12 tháng liền kề tính tới tháng gần nhất, hoặc 20% vốn pháp định, tùy thuộc vào giá trị nào lớn hơn. Trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán hoạt động dưới một năm, thì rủi ro hoạt động được xác định bằng ba lần chi phí duy trì hoạt động bình quân hàng tháng tính từ thời điểm tổ chức kinh doanh chứng khoán đi vào hoạt động, hoặc 20% vốn pháp định, tùy thuộc vào giá trị nào lớn hơn… CTCK, công ty quản lý quỹ phải xác định giá trị rủi ro thị trường đối với các chứng khoán và các tài sản mà tổ chức kinh doanh chứng khoán đang nắm giữ khi kết thúc ngày giao dịch. Giá trị rủi ro thị trường được tính theo công thức: giá trị rủi ro thị trường = vị thế ròng × giá trị tài sản × hệ số rủi ro thị trường… Kết thúc ngày giao dịch, CTCK, công ty quản lý quỹ cũng phải xác định giá trị rủi ro thanh toán đối với các khoản mục: tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng; hợp đồng vay, mượn chứng khoán; hợp đồng bán có cam kết mua lại chứng khoán…

Khi tỷ lệ vốn khả dụng của các tổ chức kinh doanh chứng khoán dao động từ 120% - 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục sẽ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ra quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát. Trường hợp tỷ lệ vốn khả dụng giảm xuống dưới 120%..., thì sẽ bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt.

Thông tư xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo CTCK, công ty quản lý quỹ khi DN bị đặt vào tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt. Theo đó, HĐQT, tổng giám đốc của các DN bị kiểm soát phải xây dựng và triển khai phương án khắc phục tình trạng các chỉ tiêu tài chính không an toàn. Đặc biệt, trong thời hạn bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tổ chức kinh doanh chứng khoán không được trả cổ tức cho các cổ đông, chia lợi nhuận cho thành viên góp vốn; chia thưởng cho thành viên HĐQT, cũng như kế toán trưởng, nhân viên, những người có liên quan tới tổ chức kinh doanh chứng khoán… Các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký, thành viên lưu ký… có trách nhiệm cung cấp cho UBCK các thông tin về giao dịch, hoạt động đầu tư, hoạt động kinh doanh của tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt trong tình trạng kiểm soát.

Khi Thông tư này có hiệu lực từ 1/4 tới, các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải định kỳ báo cáo UBCK các chỉ tiêu về vốn khả dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường… Một năm sau kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải chịu sự điều chỉnh theo các quy định về kiểm soát, kiểm soát đặc biệt và các biện pháp xử lý...

Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó vụ trưởng Vụ quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, UBCK, sắp tới, UBCK sẽ tổ chức tập huấn cho các CTCK, công ty quản lý quỹ để việc triển khai Thông tư được chuẩn xác, hiệu quả, nhằm tạo ra sự thay đổi về chất đối với "sức khoẻ" tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Đây là cơ sở quan trọng để UBCK tổ chức triển khai các sản phẩm mới cho TTCK trong thời gian tới.

(Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

Friday, 21 January 2011

Tiền sử dụng đất ngoài hạn mức tính như thế nào?



Hiện rất nhiều người dân vẫn chưa biết cách tính tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đang sử dụng vượt hạn mức giao đất. Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Một số trường hợp phải xác định lại giá đất

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 69/2009/NDD-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì: "Khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, cho thuê đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và trường hợp doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa lựa chọn hình thức giao đất mà giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, thời điểm quyết định thu hồi đất, thời điểm tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp".

Để tháo gỡ vướng mắc khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; giảm bớt nghĩa vụ tài chính về đất cho người dân và theo kiến nghị của UBND TP Hồ Chí Minh, ngày 14/7/2010 Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1173/TTg-KTN về giải quyết vướng mắc trong việc thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Công văn hướng dẫn:

"1. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất ở đối với đất đang sử dụng hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích đất ở trong hạn mức, thì giá đất để tính thu tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do UBND TP Hồ Chí Minh ban hành và công bố hàng năm.

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do lấn, chiếm để xây dựng nhà ở, nếu phù hợp với quy hoạch khu dân cư và đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật, thực hiện thu tiền sử dụng đất như sau:

a) Trường hợp sử dụng đất trước ngày 15/10/1993: Đối với phần diện tích đất đang sử dụng trong hạn mức giao đất ở mới, thu 50% tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do UBND thành phố ban hành và công bố hàng năm;

Đối với phần diện tích đất đang sử dụng vượt hạn mức giao đất ở mới, thu 100% tiền sử dụng đất theo giá đất do UBND thành phố quyết định phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm cấp giấy.

b) Trường hợp sử dụng đất từ 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004: Đối với phần diện tích đất đang sử dụng trong hạn mức giao đất ở mới, thu 100% tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do UBND TP Hồ Chí Minh ban hành và công bố;

Đối với phần diện tích đất đang sử dụng vượt hạn mức giao đất ở thu 100% tiền sử dụng đất theo giá đất do UBND thành phố quyết định phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm cấp giấy.

Nếu người sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng đất thì UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi, quản lý, sử dụng đất theo quy định.

3. Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao đất không đúng thẩm quyền mà chưa nộp tiền sử dụng đất trước ngày 1/7/2004, thực hiện thu tiền sử dụng đất như sau:

a) Đối với phần diện tích trong hạn mức đất ở được giao trước ngày 15/10/1993 thu 40% tiền sử dụng đất và từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 thu 50% tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do UBND thành phố ban hành và công bố hàng năm;

Đối với phần diện tích đất đang sử dụng vượt hạn mức giao đất ở mới, thu 100% tiền sử dụng đất theo giá đất do UBND thanh fphố quyết định phù hợp với giá chuyển nhượng QSD đất thực tế trên thị trường tại thời điểm cấp giấy.

b) Trường hợp người sử dụng đất không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính, UBND thành phố căn cứ nhu cầu của người đang sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất của thành phố để xem xét cho thuê hoặc thu hồi, quản lý và sử dụng đất theo quy định...".

UBND cấp tỉnh quyết định mức thu tiền sử dụng đất ngoài hạn mức

Căn cứ chỉ đạo nêu trên, trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất đang sử dụng trong hạn mức giao đất ở mới, là giá đất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành và công bố hàng năm tại thời điểm cấp giấy hoặc chuyển mục đích sử dụng đất;

Đối với phần diện tích đất đang sử dụng vượt hạn mức giao đất ở mới, là giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm cấp giấy hoặc chuyển mục đích sử dụng đất.

Trường hợp người sử dụng đất đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp Giấy chứng nhận, hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất nhưng cơ quan chức năng chậm làm thủ tục hoặc hướng dẫn lập hồ sơ không đúng quy định thì nghĩa vụ tài chính về đất được xác định tại thời điểm đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 84/2007/NDD-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2010/NDD-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NDD-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất. Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất tại Thông tư hướng dẫn Nghị định số 120/2010/NĐ-CP.


(Theo Efinance)

Có thể điều tiết thuế thu nhập cá nhân với đầu tư chứng khoán


Xem hình

Mức thuế suất đối với cổ tức 5% có thể được nghiên cứu sửa đổi.

Bộ Tài chính cho biết, việc tổng hợp ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân có thể sẽ hoàn tất trước 31/3/2011. Theo đánh giá ban đầu, các quan điểm đều thống nhất sửa đổi cách tính thuế và thu nhập chịu thuế.

Hiện tổng thu thuế thu nhập cá nhân khoảng 10 nghìn tỷ đồng/năm. Trong khi đó, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2010 là khoảng 500 nghìn tỷ đồng và con số kế hoạch của năm 2011 là khoảng 600 nghìn tỷ đồng.

Việc sửa đổi luật thuế này về cách tính thuế và thu nhập chịu thuế được ước tính là không làm biến động nhiều đến nguồn thu ngân sách, trong khi lại có tác động tâm lý rất tốt và tạo ý thức tự giác nộp của cá nhân có thu nhập chịu thuế.

Hầu hết quan điểm đóng góp cho Bộ Tài chính đều đồng tình phải sửa đổi mức khởi điểm chịu thuế. Bộ Tài chính nêu ra 2 cách.

Thứ nhất, có thể tăng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân lên theo mức tăng lương tối thiểu, tính từ thời điểm áp dụng luật đến nay. Thứ hai, có thể giảm bớt gánh nặng cho người có thu nhập bằng cách giảm mức thuế của bậc chịu thuế thấp nhất xuống 1% hoặc 2% thay vì mức 5% hiện nay.

Cách thứ hai có thể làm mở rộng cơ sở thuế nhưng mức chịu thuế giảm xuống và nhờ đó, mức thu thuế có thể tăng. Ngưỡng giảm trừ gia cảnh 1,6 tiệu đồng/người phụ thuộc/tháng cũng nên được xét lại theo hướng nâng lên tương ứng với mức tăng lương tối thiểu.

Thu hẹp bậc chịu thuế cũng là phương án cần tính đến và nên thực hiện theo cách giảm đi một hai bậc thuế hoặc bỏ bậc thuế cao nhất để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước.

Việc bỏ đi bậc thuế cao nhất cũng là phù hợp với xu hướng giảm bậc thuế cao nhất của các nước hiện nay. Mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất ở các nước hiện nay chủ yếu ở mức 30% - 33%.

Về thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản, theo quy định hiện nay, hoạt động góp vốn đối với đầu tư bất động sản phải chịu thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên, ý kiến của Bộ Tài chính là nên sửa theo hướng chỉ thu thuế đối với hoạt động mua bán bất động sản khi có hợp đồng. Thủ tục thu thuế nên giao cơ quan thuế làm và giao cho sàn đại lý làm thẳng không phải qua cơ quan nhà đất của địa phương.

Một điểm khác cũng đang được Bộ Tài chính xem xét là điều tiết thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán. Theo quy định hiện nay, hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán đang chịu mức thuế suất 0,1% trên mọi giao dịch lỗ hoặc lãi và thuế suất đối với cổ tức là 5%. Mức thuế suất đối với cổ tức có thể được nghiên cứu sửa đổi.

(Theo CafeF.vn)

Khởi điểm thuế chịu thu nhập cá nhân có thể bằng 10 lần lương tối thiểu

Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sửa đổi cách tính mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho phù hợp với tình hình hiện nay và một phương án mới được đưa ra là bằng 8 - 10 lần lương tối thiểu.

Theo đó, cuối năm 2011, Bộ sẽ trình Chính phủ để sang đầu năm 2012 có thể áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi.

Từ nay đến hết quý I/2011, Vụ Chính sách thuế tập trung lấy ý kiến đóng góp liên quan đến mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để có những cơ sở chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo tính toán, với mức trượt giá hằng năm như hiện nay (năm 2009 là 6,88%, năm 2010 là 11,75%), mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng hay mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng được áp dụng từ năm 2009 không còn phù hợp. Chính vì vậy, bộ mới đưa ra phương án, tính mức khởi điểm chịu thuế dựa trên mức lương tối thiểu, tính bằng 8-10 lần lương tối thiểu.

Cùng với việc điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế, ngưỡng giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng có thể xem xét để sửa đổi theo hướng nâng lên tương ứng với 3 lần lương tối thiểu.

Một phương án khác cũng được Bộ Tài chính đưa ra là hạ bậc thuế. Theo biểu thuế hiện hành, bậc cao nhất là 35% được áp dụng cho mức thu nhập 85 triệu đồng để điều tiết người có thu nhập cao.

Theo phương án của Bộ Tài chính, có thể giảm thuế suất này xuống 30% hoặc 32% là hợp lý với thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với bậc thuế cao nhất này, các nước thường áp mức 33%, tương đương 1/3 tổng thu nhập của người chịu thuế. Bậc thuế thấp nhất là 5% đối với mức thu nhập chịu thuế 5 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh xuống khoảng 1%-2%.

Theo thống kê từ Tổng cục Thuế, tính đến tháng 12/2010, cả nước có trên 11 triệu tổ chức, cá nhân đăng ký, kê khai nộp thuế. Trong đó, cá nhân nằm trong diện chịu thuế thu nhập cá nhân vào khoảng 7,2 triệu. Năm 2010, có khoảng 3 triệu mã số thuế được cấp cho các cá nhân, đơn vị nằm trong diện nộp thuế, với mã số thuế thu nhập cá nhân chiếm khoảng 90,5%.

Tính đến cuối tháng 12/2010, có khoảng hơn 65,9 nghìn người nằm trong diện đóng thuế tạm dừng kinh doanh; số khác ngừng hoạt động vào khoảng 1,27 triệu người.

(Theo DDDN)

Thursday, 20 January 2011

Những lưu ý khi 'đọc' Báo cáo kiểm toán

NHỮNG LƯU Ý KHI "ĐỌC"

BÁO CÁO KIỂM TOÁN

Bùi Văn Mai

Phó Chủ tịch thường trực kiêm

Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên

hành nghề Việt Nam - VACPA

Mấy năm gần đây, các NĐT trên TTCK đã quen dần với việc Báo cáo Tài chính (BCTC) năm của các DN niêm yết phải được kiểm toán trước khi công khai. Tuy nhiên, hiểu về các sản phẩm của kiểm toán viên, giá trị của các sản phẩm đó, cách sử dụng các sản phẩm kiểm toán cho quyết định đầu tư và làm sao để sản phẩm kiểm toán ngày càng chất lượng... thì đều chưa đầy đủ và hiệu quả.

Sản phẩm của kiểm toán viên

Kiểm toán viên là người chịu trách nhiệm chính về kết quả của cuộc kiểm toán, thực hiện công việc kiểm tra, kiểm soát, phân tích và đánh giá lại toàn bộ công việc kế toán và lập BCTC của DN trong một năm tài chính, qua đó, dựa vào kết quả công việc của mình, kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán để xác nhận sự trung thực, hợp lý của bản BCTC của DN xem đã phù hợp với các quy định của pháp luật, chuẩn mực nghề nghiệp và thực tế của DN hay không. Ý kiến kết luận cuối cùng của kiểm toán viên được thể hiện công khai trên văn bản pháp luật gọi là Báo cáo kiểm toán (BCKT- hay báo cáo của kiểm toán viên độc lập). Do đó, BCKT là sản phẩm bắt buộc, trực tiếp, công khai của kiểm toán. BCKT phải đính kèm BCTC đã được kiểm toán.

Tuy nhiên, một bản BCKT thường chưa trình bày hết, đầy đủ các khía cạnh của kết quả kiểm toán, chưa thể hiện hết ý kiến đánh giá của kiểm toán viên. Do đó, trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam - cũng phù hợp với hệ thống chuẩn mực quốc tế, ngoài BCKT, thông thường, kiểm toán viên còn cung cấp cho khách hàng kiểm toán một sản phẩm gián tiếp nữa, đó là Thư quản lý. Thư quản lý không phải là sản phẩm bắt buộc của tất cả các cuộc kiểm toán như BCKT.

Thư quản lý là sản phẩm phụ thường có trong các cuộc kiểm toán mà chất lượng của BCTC chưa thật hoàn hảo. Trong Thư quản lý, kiểm toán viên thường nêu ra các vấn đề còn yếu kém trên tất cả các khía cạnh, có thể là quy trình quản lý, năng lực cán bộ, quy trình kiểm soát, sử dụng các phương tiện, dụng cụ quản lý, đánh giá, giá cả, tỷ giá, kỹ thuật tính toán... làm cho bất kỳ vấn đề gì có liên quan đến việc lập và trình bày BCTC bị sai lệch, có thể sai lệch hoặc có nguy cơ sai phạm.

Thư quản lý không bắt buộc phải đính kèm BCTC đã được kiểm toán nên chỉ gửi cho HĐQT, ban giám đốc DN được kiểm toán. Vì thế, NĐT thường không biết đến Thư quản lý mà kiểm toán viên gửi cho DN niêm yết.

Giá trị của sản phẩm: "Báo cáo kiểm toán"

Sản phẩm bắt buộc, trực tiếp và công khai của kiểm toán mà NĐT được sử dụng, cần sử dụng như thế nào, xin trao đổi như sau:

Nhìn vào một BCKT thuông thường, ta thấy có 4 nội dung:

(1) Phạm vi cuộc kiểm toán

Là cuộc kiểm toán BCTC cho năm tài chính nào (như: gồm Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh BCTC); của đơn vị kế toán nào (như: của Công ty CP ABC) và được đính kèm theo BCKT này.

(2) Xác định trách nhiệm

Trước hết là trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán (như: Ban giám đốc đơn vị được kiểm toán chịu trách nhiệm lập và trình bày BCTC)- trách nhiệm này chỉ rõ, nếu BCTC có sai sót, gian lận thì trách nhiệm chủ yếu thuộc về Ban giám đốc đơn vị được kiểm toán; và trách nhiệm của kiểm toán viên (như: kiểm toán viên có trách nhiệm trình bày ý kiến kiểm toán dựa trên kết quả cuộc kiểm toán) - trách nhiệm này chỉ rõ, kiểm toán viên chỉ là nhà tư vấn độc lập - tư vấn chuyên môn.

(3) Cơ sở của cuộc kiểm toán

Chỉ rõ cuộc kiểm toán được thực hiện dựa trên các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các chuẩn mực kế toán và các quy định pháp lý có liên quan đến BCTC của DN. Cơ sở của cuộc kiểm toán cũng khẳng định kiểm toán viên không có trách nhiệm phát hiện hết tất cả các gian lận của BCTC mà thông thường cần phải có các cuộc thanh tra, điều tra của cơ quan Luật pháp - với quyền lực hành chính và phương tiện kỹ thuận, kỹ thuật điều tra, xét hỏi... mới có thể phát hiện và kết luận được.

(4) Phần ý kiến của kiểm toán viên

Là phần ghi ý kiến kết luận của kiểm toán viên và công ty kiểm toán của kiểm toán viên và công ty kiểm toán dựa trên kết quả của cuộc kiểm toán.

Thông thường, 3 nội dung đầu của BCTC rất ít thay đổi. Nếu có, chỉ là sự khác nhau về phạm vi cuộc kiểm toán. Nhưng quan trọng nhất của một BCKT là phần (4) Ý kiến của kiểm toán viên. Để hiểu đúng giá trị của phần (4) quan trọng nhất này, cũng là giá trị của sản phẩm kiểm toán, chúng ta cần phân biệt ý kiến của kiểm toán viên thường có 4 tình huống sau đây:

a. Ý kiến chấp nhận toàn phần

Trường hợp kiểm toán viên có ý kiến chấp thuận toàn phần, thường được trình bày như sau: "Theo ý kiến của chúng tôi, BCTC đã phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của Công ty CP ABC tại ngày 31/12/2010, cũng như kết quả kinh doanh và các luồng lưu chuyển tiền tệ trong năm tài chính kết thúc tại ngày 31/12/10, phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam hiện hành và các quy định pháp lý có liên quan".

Trường hợp này, NĐT cần hiểu rằng BCTC nếu có những sai sót đáng kể thì đã được kiểm toán viên phát hiện và DN đã điều chỉnh theo đề nghị của kiểm toán viên và BCTC sau kiểm toán có số liệu hoặc thuyết minh thế nào thì thực tế đúng là như vậy.

b. Ý kiến ngoại trừ

Trường hợp kiểm toán viên có ý kiến ngoại trừ (hay còn gọi là ý kiến chấp nhận từng phần) thường được trình bày như sau: "...(như ý kiến toàn phần), tùy thuộc vào (hoặc ngoại trừ) các khoản sau: Giá trị hàng tồn kho đúng với thực tế; Giá trị vốn góp của cổ đông A bằng máy móc thiết bị được Hội đồng chấp thuận chấp thuận..."

Trường hợp này, NĐT cần hiểu rằng: (1) Các điểm ngoại trừ sẽ khác nhau trong từng trường hợp; (2) Các điểm ngoại trừ đều có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC. Nếu các điểm ngoại trừ là không đúng thì BCTC là không trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu.

Điểm ngoại trừ là điểm không chắc chắn thường liên quan đến các sự kiện chưa xảy ra hoặc do hạn chế của cuộc kiểm toán mà kiểm toán viên không thể kiểm tra và kết luận được là đúng hay sai.

c. Ý kiến không chấp thuận

Trường hợp kiểm toán viên đưa ra ý kiến không chấp thuận (hay còn gọi là ý kiến trái ngược) thường được trình bày như sau: "Theo ý kiến của chúng tôi, BCTC phản ánh không trung thực và không hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của Công ty CP ABC tại ngày 31/12/2010, cũng như kết quả kinh doanh và các luồng lưu chuyển tiền tệ trong năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2010, không phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam hiện hành và các quy định pháp lý có liên quan".

Trường hợp này, NĐT cần hiểu rằng BCTC có nhiều điểm sai sót trọng yếu đến mức không thể sử dụng được các thông tin trên báo cáo. Lý do khiến kiểm toán viên không chấp nhận BCTC thường là do phạm vi kiểm toán bị giới hạn quá mức.

Ý kiến không chấp thuận thường ít xảy ra. Và nếu có xảy ra thì cũng không được công khai cùng BCTC, vì có tác dụng phản diện đối với DN.

d. Ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến)

Trường hợp kiểm toán viên đưa ra ý kiến từ chối, thường được trình bày như sau: "Theo ý kiến của chúng tôi, vì những lý do nêu ra dưới đây, chúng tôi không thể đưa ra ý kiến về BCTC...". Lý do mà kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến thường do bị giới hạn phạm vi kiểm toán hoặc do thiếu thông tin, do Giám đốc DN và kế toán trưởng có quan điểm rất khác nhau về các sự kiện,... làm cho kiểm toán viên không đủ cơ sở để kết luận như một trong ba trường hợp trên.

Trong thị trường hiện nay, ý kiến của kiểm toán viên chủ yếu là hai trường hợp: a. Chấp nhận toàn phần và b. Ý kiến ngoại trừ. Trường hợp c. Không chấp nhận cũng đã xảy ra đôi khi NĐT vẫn cứ nghĩ rằng: "BCTC đã được kiểm toán là đúng rồi".

Do đó, mặc dù BCTC đã được kiểm toán, nhưng quan trọng hơn là kiểm toán bằng kiểm toán viên và công ty kiểm toán nào, có uy tín lớn không, đã có sai sót nào và đã bị xử lý kỷ luật gì chưa?

Giá trị của sản phẩm: "Thư quản lý"

Thư quản lý là sản phẩm phụ của cuộc kiểm toán BCTC nhưng có giá trị thực tiễn rất cao, nhất là đối với các DN mới đi vào hoạt động, mới chuyển đổi loại hình, mới lên sàn giao dịch... hoặc có những thay đổi bất thường trong sản xuất, kinh doanh. Khi Nhà nước mới ban hành một chính sách, một cơ chế quản lý, Luật DN mới sửa đổi, Luật thuế mới ban hành... thì cũng nảy sinh nhiều yêu cầu mới mà thông thường DN chậm nắm bắt và ứng dụng hơn là kiểm toán viên và DN kiểm toán.

Thư quản lý là bản tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá và đề xuất biện pháp chấn chỉnh, cải tiến các tồn tại về quản lý tài chính, kế toán, hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như tất cả các khía cạnh về sản xuất, kinh doanh mà kiểm toán viên nhận biết sẽ có lợi cho khách hàng.

NĐT không thể đòi hỏi DN niêm yết công khai Thư quản lý nhưng trong các kỳ đại hội cổ đông hoàn toàn có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị công bố Thư quản lý của kiểm toán viên, thậm chí yêu cầu kiểm toán viên giải trình các vấn đề liên quan đến BCKT, Thư quản lý và BCTC của DN đã kiểm toán.

Thị trường tài chính sau nhiều năm lên xuống thất thường, NĐT ngày nay không còn phán quyết theo số đông mà đã biết đi sâu phân tích, đánh giá thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, là BCKT và ý kiến của kiểm toán viên lấy ra từ sản phẩm của hoạt động kiểm toán. Mong rằng bài viết này góp thêm ý kiến hỗ trợ NĐT sử dụng hiệu quả hơn BCTC đã được kiểm toán.

Theo ĐTCK


Trich nguon: www.vacpa.org.vn

“Chặn đường” chuyển giá lách thuế



Tạp chí Tài chính Điện tử số 89 ngày 15/11/2010 - Trước hiện tượng nhiều doanh nghiệp (DN) liên doanh, liên kết, đặc biệt là những DN có vốn đầu tư nước ngoài, thường xuyên có kết quả kinh doanh bị lỗ, dư luận nghi ngờ rằng có sự gian lận thuế thông qua chuyển giá. Ngày 19/12/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 117 (có hiệu lực từ 26/1//2006), lần đầu tiên đưa ra một cách đầy đủ các quy định về chống chuyển giá tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, Thông tư 117 đã bộc lộ nhiều hạn chế, chủ yếu liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyển giá và vận dụng quy trình kiểm tra vào nghiệp vụ kinh doanh thực tế giữa các bên có quan hệ liên kết.

Đánh giá một cách khách quan thì hiện tượng chuyển giá để lách thuế vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhìn nhận một cách đúng mức. Khái niệm “chống chuyển giá” vẫn khá mới mẻ đối với cộng đồng xã hội, thậm chí ngay cả với nhiều cán bộ, cơ quan quản lý thuế.

Để nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, ngày 22/4/2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 66/2010/TT-BTC về việc hướng dẫn xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết (có hiệu lực thi hành từ 6/6/2010). Thông tư 66 là dấu hiệu cho thấy sau một thời gian gián đoạn, cơ quan quản lý thuế Việt Nam sẽ có những động thái tích cực hơn đối với vấn đề chuyển giá.

“Chiêu” lách thuế

Theo xu thế phát triển của kinh tế thế giới, ngày càng nhiều DN mở rộng phạm vi hoạt động ra nhiều quốc gia, lãnh thổ khác nhau, nhằm tận dụng những lợi thế như nguồn nhiên liệu giá rẻ và phí nhân công thấp… từ đó hình thành nên những công ty đa quốc gia. Mục đích cuối cùng của các DN hầu hết là lợi nhuận. Để đạt mục đích này có nhiều cách khác nhau như đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, áp dụng các công nghệ tiên tiến, khai thác thị trường tiêu thụ... Và gần đây, một “chiêu thức” mới đã được rất nhiều DN, công ty đa quốc gia tận dụng để tăng lợi nhuận mà không cần phải tốn kém chi phí đầu tư, đó là chuyển giá.

Phân tích bản chất thì chuyển giá là hình thức áp dụng chính sách giá giữa các bên (ở nhiều quốc gia) có quan hệ liên kết không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường nhằm tối thiểu hoá tổng số thuế phải nộp của tất cả các bên. Cách thức chuyển giá sẽ dẫn đến tăng số thuế phải nộp của “đầu mối liên kết” ở nước này, đồng thời giảm thuế số thuế phải nộp ở nước khác, nhưng rốt cuộc khi tổng hợp chung tất cả các bên thì vẫn giảm số thuế phải nộp.

Bản chất của việc lách thuế nhờ chuyển giá có thể được minh hoạ bằng ví dụ dưới đây:

- Giả sử có Công ty mẹ X tại Việt Nam, thành lập Công ty con Y tại nước B. Thuế suất thuế thu nhập DN tại Việt Nam là 25% nhưng thuế suất tại nước B quy định chỉ 10%. Công ty mẹ X có chức năng mua sản phẩm đầu vào với đơn giá 100 từ các bên độc lập, sau đó bán sản phẩm cho Công ty con Y với đơn giá 150, Công ty mẹ X và Công ty con Y có quan hệ liên kết với nhau. Quan hệ bán sản phẩm của X cho Y là giao dịch liên kết. Đồng thời, Công ty X còn bán sản phẩm cho Công ty độc lập A với đơn giá 170. Đơn giá này hoàn toàn khách quan giữa 2 công ty độc lập, tuân thủ quy luật cung cầu của thị trường (nói cách khác 170 là giá thị trường).

Sau đó, cả Công ty Y và Công ty A lại tiếp tục bán sản phẩm cho các đơn vị độc lập khác với giá khách quan theo đơn giá 200.

Một số vụ xử phạt về chuyển giá điển hình trên thế giới:

Năm 1993, Cơ quan Thuế nội địa của Mỹ phán quyết rằng Công ty Ô tô Nissan của Nhật nhập khẩu ô tô vào Mỹ với giá cao hơn giá thị trường, và đã quyết định đình chỉ hoạt động, xử phạt hành vi này, thu về cho Chính phủ Mỹ 170 triệu USD.

Năm 1994, để trả đũa, cơ quan thuế của Nhật “sờ gáy” Công ty Coca Cola (nhập khẩu từ Mỹ, thu mức phí bản quyền rất lớn), và thu về cho Chính phủ Nhật 150 triệu USD.

- Giả sử không có các chi phí khác, xét giao dịch X – Y: doanh thu 150, chi phí đầu vào 100, lợi nhuận là 50, số thuế thu nhập DN phải nộp của X là 12,5, lợi nhuận sau thuế là 27,5. Công ty Y bán với giá 200 thì doanh thu 200, chi phí mua vào 150, lợi nhuận 50, thuế thu nhập DN phải nộp là 5, lợi nhuận sau thuế 45. Khi đó, kết quả kinh doanh tổng hợp của 2 công ty X và Y: doanh thu 200, chi phí đầu vào 100, lợi nhuận 100. Với việc định giá bán từ X cho Y là 150 thì thuế thu nhập DN của cả X và Y là 17,5, lợi nhuận sau thuế là 82,5.

- Sau khi phân tích giao dịch liên kết giữa 2 Công ty X – Y, xét tới giao dịch hoàn toàn độc lập X bán cho A và A bán cho các bên độc lập khác: doanh thu 170, chi phí 100, lợi nhuận 70, thuế thu nhập DN 17,5, lợi nhuận sau thuế 52,5. Đối với công ty A, doanh thu 200, chi phí đầu vào là 170, lợi nhuận 30, thuế thu nhập DN là 3, lợi nhuận sau thuế 27. Lúc này, kết quả kinh doanh tổng hợp của Công ty X và Công ty A như sau: doanh thu 200, chi phí đầu vào 100, lợi nhuận 100, nhưng số thuế phải nộp của X và A là 20,5, lợi nhuận sau thuế là 100 – 20,5 = 79,5.

Có thể thấy, với việc giao dịch hoàn toàn khách quan thì số thuế phải nộp của 2 công ty là 20,5 nhưng nếu thông qua giao dịch liên kết thì chỉ phải nộp 17,5.

Siết chặt quản lý

Tại Hội nghị tập huấn về Thông tư 66 vừa được Cục Thuế Hà Nội tổ chức với sự tham gia của hàng trăm DN trên địa bàn, hầu hết các DN cho biết “chưa từng đọc hết” một lượt Thông tư 66.

Bà Nguyễn Thị Anh, Đại diện Ban Cải cách Hiện đại hoá Tổng cục Thuế cho biết Chính phủ Việt Nam và Bộ Tài chính đã đưa công tác chống chuyển giá lên thành một nhiệm vụ ưu tiên. Giai đoạn tới, cơ quan thuế sẽ quyết liệt hơn trong việc thanh tra kiểm tra công tác này.

Thể hiện rõ quyết tâm của ngành Thuế, ông Nguyễn Văn Mơ, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, chia sẻ: Hà Nội hiện có khoảng 93.000 DN hoạt động trên địa bàn, chưa kể chi nhánh… trong đó, rất nhiều DN có giao dịch liên kết (gồm cả liên kết nội địa). Ngay sau khi có Thông tư 66, Cục Thuế đã và đang tiến hành thanh tra một số DN có hiện tượng chuyển giá để lách thuế. Tập trung quyết liệt vào việc chống chuyển giá, xác định giá giao dịch thị trường trong giao dịch liên kết giữa các DN với nhau, ngay từ quý 4/2010, Cục Thuế Hà Nội sẽ quyết liệt triển khai thanh tra kiểm tra chống chuyển giá, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Ông Mơ cũng khuyến cáo: “Các DN cần tuân thủ chính sách chế độ, đặc biệt là chính sách thuế, khi xác định giá trị giao dịch liên kết phải phản ánh đúng tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đúng giá của thị trường. Những đơn vị/DN vi phạm về xác định giá trong giao dịch liên kết sẽ bị xử lý rất nặng”.

Bà Nguyễn Thị Anh, Đại diện Ban Cải cách Hiện đại hoá Tổng cục Thuế, lưu ý thêm: Thông tư 66 không chỉ quy định về việc xác định giá trị giao dịch liên kết của các công ty có quan hệ liên kết ngoài lãnh thổ Việt Nam mà còn áp dụng cả với những DN có quan hệ liên kết ở nội địa. Bởi tại Việt Nam đã và vẫn đang áp dụng chính sách ưu đãi thuế, có những đối tượng sẽ lợi dụng chuyển lợi nhuận từ đơn vị DN không được ưu đãi thuế sang đơn vị được hưởng ưu đãi thuế để được hưởng lãi suất thấp hơn.

Những đối tượng phải “đeo vòng kim cô”

Thông tư 66 áp dụng cho các giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết đối với các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh giá của Nhà nước.

Nội dung Thông tư 66 có 10 Điều, gồm: Đối tượng áp dụng; Phạm vi áp dụng; Giải thích từ ngữ; Các nguyên tắc phân tích so sánh; Các phương pháp xác định giá thị trường và nguyên tắc áp dụng các phương pháp này; Xác định giá thị trường đối với một số trường hợp đặc biệt; Lưu trữ hồ sơ chứng từ; Quyền và trách nhiệm của DN; Quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế; Hiệu lực thi hành.

Đối tượng áp dụng Thông tư 66 phải thoả mãn đồng thời 3 điều kiện sau: Là tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ, nộp thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm đối tượng “cá nhân” như quy định trong Thông tư 117); Có thực hiện giao dịch kinh doanh với các bên có quan hệ liên kết; Nộp thuế thu nhập DN tại Việt Nam theo kê khai doanh thu chi phí.

Như đã nói ở phần trên, Thông tư 66 được đánh giá là bước tiến lớn trong công tác quản lý, chống chuyển giá và đã khắc phục được nhiều bất cập của Thông tư 117 để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển của kinh tế xã hội. Một trong những ưu điểm lớn nhất của Thông tư 66 là đã quy định khá chi tiết, toàn diện về khái niệm “các bên có quan hệ liên kết”.

Cụ thể, các bên được coi là có quan hệ liên kết nếu “rơi” vào 1 trong 3 trường hợp sau: - Một bên có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành kiểm soát góp vốn/ đầu tư dưới mọi hình thức của bên kia;

- Các bên trực tiếp/gián tiếp cùng chịu sự điều hành kiểm soát góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức của một bên khác;

- Các bên cùng tham gia trực tiếp/gián tiếp cùng điều hành kiểm soát góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào một bên khác.

Để cụ thể hoá hơn nữa nhằm tăng “độ bao phủ” mọi trường hợp xảy ra trong thực tiễn, Thông tư 66 quy định: hai DN trong một kỳ tính thuế có quan hệ giao dịch kinh doanh thuộc 1 trong 13 trường hợp dưới đây thì xác định là các bên liên kết:

Trường hợp 1: Một DN nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư chủ sở hữu của DN kia. Ở đây xuất hiện khái niệm mới là “vốn đầu tư chủ sở hữu”. Thông tư 117 trước đây đưa ra khái niệm “tổng tài sản”, nhưng xét “tổng tài sản” để quy định mối quan hệ giữa các bên thì chưa hoàn toàn chính xác, hợp lý, bởi vì tài sản của DN không hẳn chỉ hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu mà hình thành từ nhiều nguồn vốn khác như vốn vay mượn, các khoản nợ Nhà nước cấp…

Đồng tình với việc không sử dụng khái niệm “tổng tài sản” song vẫn có ý kiến thắc mắc tại sao Thông tư 66 sử dụng khái niệm “vốn đầu tư chủ sở hữu” chứ không dùng “vốn chủ sở hữu”. Về vấn đề này, bà Anh giải thích: “bởi trong vốn chủ sở hữu không chỉ bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu mà còn bao gồm các vốn khác nữa như thặng dư về vốn với công ty cổ phần, hoặc các khoản tài trợ, biếu tặng…”.

Vẫn xét trường hợp 1 này, để giúp DN hiểu rõ hơn khái niệm “nắm giữ trực tiếp/gián tiếp”, bà Anh dẫn chứng: Với trường hợp “trực tiếp”, có thể lấy ví dụ có công ty A tại nước X và công ty B tại Việt Nam. (hoặc công ty A ở tỉnh Q và công ty B ở tỉnh Z cùng ở Việt Nam), A góp 40% vốn vào B, khi đó, A được coi là nắm giữ trực tiếp 40% vốn chủ sở hữu của B.

Với trường hợp “gián tiếp”, ví dụ có 3 công ty A, B, C: A góp 80% vốn vào B, nắm giữ trực tiếp 80% vốn của B, còn B nắm giữ 40% vốn đầu tư chủ sở hữu của C, như vậy B và C có quan hệ liên kết với nhau (nắm giữ trực tiếp). Trong 40% vốn của B góp vào C sẽ có 80% của 40% này có nguồn gốc xuất xứ từ A, như vậy A nắm giữ gián tiếp 32% (80% của 40%) vốn của C thông qua B.

Trường hợp 2: Cả hai DN đều bị nắm giữ trực tiếp/gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư chủ sở hữu của 1 bên thứ 3 (Thông tư 117 trước đây không có quy định này).

Ví dụ minh hoạ về trường hợp nắm giữ trực tiếp: Công ty C góp 60% vốn vào A, C nắm giữ trực tiếp 60% vốn của A, C lại nắm giữ trực tiếp 40% vốn của B. C và B có quan hệ liên kết. Cả A và B đều do công ty C nắm giữ trên 20% vốn đầu tư chủ sở hữu nên A và B có quan hệ nắm giữ gián tiếp.

Về trường hợp nắm giữ gián tiếp: Giả sử có các công ty E, C, A, B, trong đó, E đầu tư 100% vốn vào C, C đầu tư 50% vốn vào A, như vậy, trong 50% vốn C góp vào A thì 100% vốn có nguồn gốc xuất xứ từ E, nói cách khác là E góp gián tiếp 50% vốn vào A thông qua C.

Mặt khác, E nắm giữ trực tiếp 50% vốn của D, D lại nắm giữ trực tiếp 50% của B, như vậy D và B có quan hệ liên kết với nhau. Trong 50% vốn mà D góp vào B, có 50% của 50% này có nguồn gốc xuất xứ từ E, nói cách khác là E góp gián tiếp 25% vốn vào B. Cả A và B thì cả hai đều có ít nhất 20% vốn chủ sở hữu do bên thứ ba là E góp vào.

Trường hợp 3: Cả hai DN nắm giữ trực tiếp/gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư chủ sở hữu của 1 bên thứ 3 (Thông tư 117 không có quy định này).

Ví dụ về nắm giữ trực tiếp: B nắm giữ trực tiếp 50% vốn của A, C cũng nắm giữ trực tiếp 50% vốn của A. Như vậy, C và A có quan hệ liên kết về việc nắm giữ trực tiếp (một bên tham gia góp vốn trực tiếp ít nhất 20% vốn của DN kia). B và C có quan hệ liên kết với nhau (theo trường hợp cả hai DN đều nắm giữ trực tiếp ít nhất 20% vốn của DN thứ ba).

Về nắm giữ gián tiếp: D nắm giữ 80% vốn của B, B nắm giữ 50% vốn của A, D nắm giữ gián tiếp 40% vốn của A thông qua B. E nắm giữ 70% vốn của C, C lại nắm giữ 50% vốn của A. Như vậy, E nắm giữ gián tiếp 35% vốn của A thông qua C. Xét quan hệ E và D thì cả hai DN đều nắm giữ ít nhất 20% vốn chủ sở hữu của bên thứ 3 là A.

Trường hợp 4: Một DN là cổ đông lớn nhất về vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN kia.

Ví dụ về trường hợp nắm giữ trực tiếp: Công ty cổ phần C có các cổ đông là công ty A, B, D, M, N… Trong đó, B là cổ đông lớn nhất, nắm giữ trực tiếp 10% vốn. Còn các công ty còn lại đều nắm giữ dưới 10%. Khi đó, B và C có quan hệ liên kết với nhau. Giả sử nếu xuất hiện thêm công ty H nắm 12% vốn thì B không còn được coi là có quan hệ liên kết với C nữa.

Ví dụ về trường hợp gián tiếp: Công ty cổ phần T có B là cổ đông lớn nhất, góp 15% vốn, các công ty còn lại góp vốn ít hơn, khi đó, T và B có quan hệ liên kết. Xuất hiện công ty Q góp trực tiếp 70% vốn vào B, như vậy, trong 15% vốn mà B góp vào T có 70% của 15% này có nguồn gốc xuất xứ từ Q, khi đó 10,5% (70% của 15%) của Q góp vào T theo hình thức gián tiếp. Q cũng đảm bảo đủ điều kiện có quan hệ liên kết với T qua B.

Trường hợp 5: Một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay.

Đây cũng là điểm mới so với Thông tư 117. Thông tư 117 chỉ quy định 1 DN bảo lãnh hoặc cho DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay đó bằng 50% tổng giá trị các khoản nợ trung hạn và dài hạn của DN đi vay, mà không quy định khoản vay đó bằng ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN đi vay. Nếu chỉ quy định chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ như vậy thì đối với các trường hợp khoản nợ trung hạn và dài hạn quá nhỏ sẽ khó điều chỉnh, chưa thực sự hợp lý. Vì thế cần bổ sung thêm điều kiện khoản vay bằng ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN đi vay.

Trường hợp 6: Một DN chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của một DN khác vớiđiều kiện số lượng các thành viên được DN thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của DN thứ hai; hoặc một thành viên được DN thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tàichính hoặc hoạt động kinh doanh của DN thứ hai.

Trường hợp 7: Hai DN cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba.

Trường hợp 8: Hai DN được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: vợ và chồng; bố, mẹvà con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em cócùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nộivà cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột. Quay lại Thông tư 117 trước đây sử dụng hai cụm từ “các thành viên trong 1 gia đình”, và “cô, chú, bác, cậu, dì và cháu có quan hệ huyết thống. Dư luận cho rằng khái niệm này khá trừu tượng (chẳng hạn có thể viện dẫn “đại gia đình các dân tộc Việt Nam”(?)). Để dễ vận dụng, Thông tư 66 đã quy định chi tiết, rõ ràng, thu hẹp phạm vi hơn.

Trường hợp 9: Hai DN có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài. (Thông tư 130 của Bộ Tài chính đã nêu rõ thế nào là cơ sở thường trú).

Trường hợp 10: Một DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm sử dụng tài sản vô hình hoặc quyền sở hữu trí tuệcủa một DN khác với điều kiện chi phí phải trả cho việc sử dụng tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ đó chiếm trên 50% giá vốn sản phẩm (không thay đổi so với Thông tư 117).

Trường hợp 11: Một DN cung ứng trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% tổng giá trị nguyên vật liệu, vật tưhoặc sản phẩm đầu vào để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đầura của một DN khác (không mới so với Thông tư 117).

Trường hợp 12: Một DN kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ của một DN khác. Lưu ý là tính theo từng chủng loại sản phẩm.

Trường hợp 13: Hai DN có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng



(Theo Taichinhdientu)

Wednesday, 19 January 2011

Hạch toán chênh lệch tỷ giá: Hướng dẫn khác chuẩn mực!

HẠCH TOÁN CHÊNH LỆCH TỶ GIÁ:

HƯỚNG DẪN KHÁC CHUẨN MỰC!

Thông tư số 201/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp có những điểm mâu thuẫn với Chuẩn mực kế toán số 10 (VAS10) được Bộ Tài chính ban hành cuối năm 2002 đang khiến cả DN và công ty kiểm toán rơi vào tình thế khó xử.

Bùi Sưởng

S

ự khác biệt trước hết là ở hạch toán chênh lệch các khoản phải thu, phải trả ngắn hạn có nguồn gốc ngoại tệ. Theo VAS10, toàn bộ chênh lệch tỷ giá các khoản phải thu, phải trả... có nguồn gốc ngoại tệ hình thành trong giai đoạn sản xuất - kinh doanh sẽ được ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí trong năm tài chính. Trong khi đó, Thông tư 201 quy định chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh do việc đánh giá lại số dư cuối năm là tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ ngắn hạn có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính (BCTC) thì không hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập, mà để số dư trên BCTC, đầu năm sau ghi bút toán ngược lại để xóa số dư.

Điều này dẫn đến một sự khác biệt nếu DN có khoản vay ngoại tệ được trả dần qua các năm. Như trường hợp của CTCP Vận tải Biển Bắc (NOS), trong tổng số nợ hơn 140 triệu USD vào cuối năm 2009, gần 13,8 triệu USD là khoản vay phải trả năm 2010 (được ghi nhận vào nợ dài hạn) và gần 129 triệu USD nợ phải trả từ năm 2011 (được ghi nhận vào nợ dài hạn). Với tỷ giá hạch toán ngày 31/12/2008 là 16.977, tỷ giá hạch toán thời điểm 31/12/2009 là 17.941, nếu khoản vay ngoại tệ ngắn hạn được trích lập theo VAS10 thì số tiền chênh lệch tỷ giá khoảng 13 tỷ đồng sẽ được tính vào chi phí tài chính, thể hiện trong bảng kết quả kinh doanh (KQKD), nhưng nếu tuân theo quy định tại Thông tư 201 thì số tiền này sẽ được thể hiện trong bảng cân đối kế toán (CĐKT).

Áp dụng VAS10 hay Thông tư 201 trong hạch toán chênh lệch tỷ giá? DN chọn 1 trong 2 hay có thể hoán đổi theo hướng có lợi hơn?

Sự khác biệt thứ hai nằm ở cách hạch toán chênh lệch tỷ giá với chính các khoản vay dài hạn có nguồn gốc ngoại tệ. VAS10 quy định, chênh lệch phát sinh trong năm tài chính được hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập tài chính trong kỳ, thể hiện trên bảng KQKD. Nhưng Thông tư 201 lại quy định, "chênh lệch phát sinh từ việc đánh giá lại các khoản phải trả dài hạn được ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ. Trong trường hợp bị lỗ, DN có thể phân bổ một phần khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong 5 năm tiếp theo sau khi đã trừ đi phần chênh lệch tỷ giá phát sinh tương ứng với phần nợ dài hạn đến hạn trả". Điều này có nghĩa là, nếu muốn giảm lỗ hoặc lãi, DN chỉ cần hạch toán một phần khoản chênh lệch tương ứng với số chênh lệch trả trong năm tài chính, phần còn lại được ghi nhận vào tài khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái, phản ánh trên bảng CĐKT. Với hai cách quy định hoàn toàn khác nhau này, DN sẽ có hai con số lợi nhuận hoàn toàn khác nhau với mỗi cách áp dụng. Trường hợp rõ ràng nhất là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), nếu áp dụng Thông tư 201, kết quả kinh doanh có thể tăng thêm ... 640 tỷ đồng.

Cũng vì quy định khác nhau giữa 2 văn bản pháp quy trên của Bộ Tài chính mà thời gian vừa qua đã diễn ra bất đồng quan điểm giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA). NOS áp dụng Thông tư 201 khi hạch toán chênh lệch tỷ giá trong BCTC năm 2009 nên chỉ hạch toán một phần chênh lệch tỷ giá cho khoản vay dài hạn, dẫn tới việc có tới 208,744 tỷ đồng "đang được theo dõi vào tiếp tục phân bổ vào chi phí cho các năm tiếp theo", trong khi lãi năm 2009 là 12,83 tỷ đồng. Nếu NOS áp dụng theo VAS10 thì số lãi kia sẽ biến thành số âm khổng lồ.

Kiểm toán viên tại một công ty kiểm toán thuộc "Big 4" cho biết, do 2 văn bản này đều của Bộ Tài chính ban hành, văn bản sau không có điều khoản phủ nhận quy định của văn bản trước, nên các công ty kiểm toán đã họp với nhau và thống nhất để DN tùy ý lựa chọn, nhưng trên báo cáo kiểm toán sẽ thêm một ghi chú là DN áp dụng chính sách ghi nhận nào, đồng thời nêu rõ con số chênh lệch nếu DN áp dụng chính sách kia để người đọc báo cáo có cái nhìn kỹ hơn về BCTC của DN.

Tuy nhiên, đây là cách ứng xử của công ty kiểm toán, nếu chẳng may bị "họa" như trường hợp của CPA, đến mức bị "khai trừ" khỏi danh sách công ty kiểm toán được kiểm toán cho các DN niêm yết thì sao? Hơn thế, với khoản chênh lệch lớn dẫn đến BCTC có điểm "ngoại trừ trọng yếu", khiến DN có thể không được phát cổ phiếu mới. Cả DN và công ty kiểm toán đang chờ Bộ Tài chính trả lời các câu hỏi nêu trên.

Theo ĐTCK

Trich nguon: www.vacpa.org.vn

Tuesday, 18 January 2011

CÔNG KHAI LẦN 1 DANH SÁCH HÀNH NGHỀ KẾ TOÁN NĂM 2011

Ngày 17/01/2011, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam nhận được Công văn số 311/HKT-QLHN ngày 31/12/2010 của Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) về việc công khai lần 1 danh sách các doanh nghiệp, cá nhân đủ điều kiện hành nghề kế toán năm 2011, như sau:

DANH SÁCH CÁC DOANH NGHIỆP, CÁ NHÂN ĐỦ ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ KẾ TOÁN NĂM 2011

(Theo Công văn số 311/HKT-QLHN ngày 31/12/2010 của Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam)

TT

Số hiệu (mã số) công ty,
cá nhân

Tên doanh nghiệp, cá nhân

Chứng chỉ
KTV HN
hoặc KTV

Thời hạn đăng ký

Từ

Đến

I. DOANH NGHIỆP

1

0001HN/DN

Cty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam

1

Nhữ Văn Hoan

0011/APC

1/1/2011

31/12/2011

2

Nguyễn Thu Vân

0020/APC

1/1/2011

31/12/2011

2

0017NH/DN

Công ty TNHH PSC Việt Nam

3

Lê Ngọc Hùng

0094/APC

1/1/2011

31/12/2011

4

Nguyễn Hải Yến

0021/APC

1/1/2011

31/12/2011

5

Tạ Thị Nhạn

0077/APC

1/1/2011

31/12/2011

3

0013HN/DN

Cty TNHH Tư vấn tài chính NTC

6

Trần Nhật Nam

0045/APC

1/1/2011

31/12/2011

7

Dương Thị Trúc Quỳnh

0930/KTV

1/1/2011

31/12/2011

4

0007HN/DN

Cty TNHH Đào tạo, tư vấn và đầu tư AFTC

8

Nguyễn Đào Tùng

1335/KTV

1/1/2011

31/12/2011

9

Hoàng Thu Trang

0060/APC

1/1/2011

31/12/2011

5

0039HN/DN

Công ty TNHH TTA

10

Bùi Thanh Phượng

0129/APC

1/1/2011

31/12/2011

11

Nguyễn Thị Minh Thuần

0017/APC

1/1/2011

31/12/2011

6

0012HN/DN

Cty TNHH DV kế toán và TV Đồng Khởi

12

Lê Minh Tài

Đ.0084/KTV

1/1/2011

31/12/2011

13

Nguyễn Thúc Tân

1271/KTV

1/1/2011

31/12/2011

7

0002HN/DN

Cty TNHH MAZARS & GUERARD Việt Nam

14

Jean- Marc Deschamps

N1297/KTV

1/1/2011

31/12/2011

15

Nguyễn Thuý Hải

0004/APC

1/1/2011

31/12/2011

16

Lê Thị Nhung

0973/KTV

1/1/2011

31/12/2011

17

Nguyễn Thị Kim Phú

0026/APC

1/1/2011

31/12/2011

18

Phan Thị Thanh Nhàn

1046/KTV

1/1/2011

31/12/2011

19

Nguyễn Thị Ngọc Huyền

1515/KTV

1/1/2011

31/12/2011

20

Nguyễn Thành Trung

0518/KTV

1/1/2011

31/12/2011

21

Cao Thị Hồng Thuý

1749/KTV

1/1/2011

31/12/2011

22

Hồ Tiểu Thư

1740/KTV

1/1/2011

31/12/2011

23

Nguyễn Ngọc Diễm

1745/KTV

1/1/2011

31/12/2011

24

Ngô Thị Sơn

1658/KTV

1/1/2011

31/12/2011

8

0011HN/DN

Cty TNHH Dịch vụ Kế toán Ngân Giang

25

Chung Thành Tiến

0076/APC

1/1/2011

31/12/2011

26

Nguyễn Ngọc Phương Ngân

0070/APC

1/1/2011

31/12/2011

9

0026HN/DN

Cty TNHH Tư vấn Tài chính
và Kế toán FAC

27

Kiều Thị Hạt

0007/APC

1/1/2011

31/12/2011

28

Bùi Phương Huyền

0080/APC

1/1/2011

31/12/2011

29

Trần Thị Quỳnh Yên

0049/APC

1/1/2011

31/12/2011

10

0027HN/DN

Cty TNHH TMF Việt Nam

30

Nguyễn Hoàng Yến

1095/KTV

1/1/2011

31/12/2011

31

Suresh G Kumar

N.0558/KTV

1/1/2011

31/12/2011

32

Nguyễn Thị Vân Anh

1368/KTV

1/1/2011

31/12/2011

11

0022HN/DN

Cty TNHH Kế toán Tư vấn Vũ Lâm

33

Huỳnh Mỹ Loan

0610/KTV

1/1/2011

31/12/2011

34

Nguyễn Thị Hương

1256/KTV

1/1/2011

31/12/2011

12

0019HN/DN

Cty TNHH Tư vấn đầu tư Tri Thức

35

Nguyễn Minh Tuyết

0036/APC

1/1/2011

31/12/2011

36

Trần Thị Kim Dung

0063/APC

1/1/2011

31/12/2011

13

0041HN/DN

Công ty TNHH Kiểm toán HSK Việt Nam

37

Nguyễn Văn Phong

0765/KTV

1/1/2011

31/12/2011

38

Lý Trí Hùng

1648/KTV

1/1/2011

31/12/2011

39

Trần Hoàng Yến

1490/KTV

1/1/2011

31/12/2011

14

0014HN/DN

Cty TNHH Giải pháp tài chính
chuyên nghiệp

40

Phạm Thị Hồng Liên

0001/APC

1/1/2011

31/12/2011

41

Nguyễn Thị Việt Yến

0029/APC

1/1/2011

31/12/2011

15

0035/HNDN

Cty TNHH Kế toán Thuỷ Chung

42

Nguyễn Mỹ Lý

0226/KTV

1/1/2011

31/12/2011

43

Phạm Gia Bảo Ngọc

1267/KTV

1/1/2011

31/12/2011

16

0023HN/DN

Cty TNHH Một thành viên Kế toán LEO

44

Lê Viết Dũng Linh

0024/APC

1/1/2011

31/12/2011

45

Hà Huyền Nhung

0119/APC

1/1/2011

31/12/2011

46

Nguyễn Thị Diệu

0050/APC

1/1/2011

31/12/2011

17

0009HN/DN

Cty TNHH Dịch vụ Kế toán
và Tư vấn Việt Ánh

47

Phan Quang Đức

0527/KTV

1/1/2011

31/12/2011

48

Nguyễn Thành Tâm

0695/KTV

1/1/2011

31/12/2011

18

0040HN/DN

Công ty TNHH dịch vụ tài chính - Kế toán ACV

49

Nguyễn Thị Thuỷ

1224/KTV

1/1/2011

31/12/2011

50

Nguyễn Văn Huân

1696/KTV

1/1/2011

31/12/2011

19

0042HN/DN

Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn thuế Atax

51

Nguyễn Thị Đông

Đ.0116/KTV

1/1/2011

31/12/2011

52

Võ Thị Thu

1702/KTV

1/1/2011

31/12/2011

53

Nguyễn Thị Cúc

1594/KTV

1/1/2011

31/12/2011

20

0043HN/DN

Công ty TNHH DVTV Kế toán - Thuế Đồng Nai

54

Trần Anh Tuấn

0125/APC

1/1/2011

31/12/2011

55

Nguyễn Minh Thức

0075/APC

1/1/2011

31/12/2011

21

0044HN/DN

Công ty TNHH Tư vấn & Kiểm toán Quốc tế

56

Nguyễn Bá An

1645/KTV

1/1/2011

31/12/2011

57

Nguyễn Thị Thanh Tâm

1677/KTV

1/1/2011

31/12/2011

58

Nguyễn Thu Hiền

1399/KTV

1/1/2011

31/12/2011

59

Hoàng Văn Phúc

0136/APC

1/1/2011

31/12/2011

II. CÁ NHÂN

22

0001HN/CN

Cơ sở Dịch vụ Kế toán Thanh Xuân

60

Phan Thị Thanh Xuân

0043/APC

1/1/2011

31/12/2011

23

0003HN/CN

Cơ sở Dịch vụ Kế toán & Tư vấn Thuế Chiến Thuật

61

Trần Thiện Thuật

0155/APC

1/1/2011

31/12/2011

24

0002HN/CN

Cơ sở dịch vụ kế toán và tư vấn thuế Sao Vàng

62

Thuỷ Ngọc Thu

1546/KTV

1/1/2011

31/12/2011

(Theo VAA)

Trich nguon: www.vacpa.org.vn

Popular Posts