Thursday 20 January 2011

“Chặn đường” chuyển giá lách thuế



Tạp chí Tài chính Điện tử số 89 ngày 15/11/2010 - Trước hiện tượng nhiều doanh nghiệp (DN) liên doanh, liên kết, đặc biệt là những DN có vốn đầu tư nước ngoài, thường xuyên có kết quả kinh doanh bị lỗ, dư luận nghi ngờ rằng có sự gian lận thuế thông qua chuyển giá. Ngày 19/12/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 117 (có hiệu lực từ 26/1//2006), lần đầu tiên đưa ra một cách đầy đủ các quy định về chống chuyển giá tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, Thông tư 117 đã bộc lộ nhiều hạn chế, chủ yếu liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyển giá và vận dụng quy trình kiểm tra vào nghiệp vụ kinh doanh thực tế giữa các bên có quan hệ liên kết.

Đánh giá một cách khách quan thì hiện tượng chuyển giá để lách thuế vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhìn nhận một cách đúng mức. Khái niệm “chống chuyển giá” vẫn khá mới mẻ đối với cộng đồng xã hội, thậm chí ngay cả với nhiều cán bộ, cơ quan quản lý thuế.

Để nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, ngày 22/4/2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 66/2010/TT-BTC về việc hướng dẫn xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết (có hiệu lực thi hành từ 6/6/2010). Thông tư 66 là dấu hiệu cho thấy sau một thời gian gián đoạn, cơ quan quản lý thuế Việt Nam sẽ có những động thái tích cực hơn đối với vấn đề chuyển giá.

“Chiêu” lách thuế

Theo xu thế phát triển của kinh tế thế giới, ngày càng nhiều DN mở rộng phạm vi hoạt động ra nhiều quốc gia, lãnh thổ khác nhau, nhằm tận dụng những lợi thế như nguồn nhiên liệu giá rẻ và phí nhân công thấp… từ đó hình thành nên những công ty đa quốc gia. Mục đích cuối cùng của các DN hầu hết là lợi nhuận. Để đạt mục đích này có nhiều cách khác nhau như đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, áp dụng các công nghệ tiên tiến, khai thác thị trường tiêu thụ... Và gần đây, một “chiêu thức” mới đã được rất nhiều DN, công ty đa quốc gia tận dụng để tăng lợi nhuận mà không cần phải tốn kém chi phí đầu tư, đó là chuyển giá.

Phân tích bản chất thì chuyển giá là hình thức áp dụng chính sách giá giữa các bên (ở nhiều quốc gia) có quan hệ liên kết không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường nhằm tối thiểu hoá tổng số thuế phải nộp của tất cả các bên. Cách thức chuyển giá sẽ dẫn đến tăng số thuế phải nộp của “đầu mối liên kết” ở nước này, đồng thời giảm thuế số thuế phải nộp ở nước khác, nhưng rốt cuộc khi tổng hợp chung tất cả các bên thì vẫn giảm số thuế phải nộp.

Bản chất của việc lách thuế nhờ chuyển giá có thể được minh hoạ bằng ví dụ dưới đây:

- Giả sử có Công ty mẹ X tại Việt Nam, thành lập Công ty con Y tại nước B. Thuế suất thuế thu nhập DN tại Việt Nam là 25% nhưng thuế suất tại nước B quy định chỉ 10%. Công ty mẹ X có chức năng mua sản phẩm đầu vào với đơn giá 100 từ các bên độc lập, sau đó bán sản phẩm cho Công ty con Y với đơn giá 150, Công ty mẹ X và Công ty con Y có quan hệ liên kết với nhau. Quan hệ bán sản phẩm của X cho Y là giao dịch liên kết. Đồng thời, Công ty X còn bán sản phẩm cho Công ty độc lập A với đơn giá 170. Đơn giá này hoàn toàn khách quan giữa 2 công ty độc lập, tuân thủ quy luật cung cầu của thị trường (nói cách khác 170 là giá thị trường).

Sau đó, cả Công ty Y và Công ty A lại tiếp tục bán sản phẩm cho các đơn vị độc lập khác với giá khách quan theo đơn giá 200.

Một số vụ xử phạt về chuyển giá điển hình trên thế giới:

Năm 1993, Cơ quan Thuế nội địa của Mỹ phán quyết rằng Công ty Ô tô Nissan của Nhật nhập khẩu ô tô vào Mỹ với giá cao hơn giá thị trường, và đã quyết định đình chỉ hoạt động, xử phạt hành vi này, thu về cho Chính phủ Mỹ 170 triệu USD.

Năm 1994, để trả đũa, cơ quan thuế của Nhật “sờ gáy” Công ty Coca Cola (nhập khẩu từ Mỹ, thu mức phí bản quyền rất lớn), và thu về cho Chính phủ Nhật 150 triệu USD.

- Giả sử không có các chi phí khác, xét giao dịch X – Y: doanh thu 150, chi phí đầu vào 100, lợi nhuận là 50, số thuế thu nhập DN phải nộp của X là 12,5, lợi nhuận sau thuế là 27,5. Công ty Y bán với giá 200 thì doanh thu 200, chi phí mua vào 150, lợi nhuận 50, thuế thu nhập DN phải nộp là 5, lợi nhuận sau thuế 45. Khi đó, kết quả kinh doanh tổng hợp của 2 công ty X và Y: doanh thu 200, chi phí đầu vào 100, lợi nhuận 100. Với việc định giá bán từ X cho Y là 150 thì thuế thu nhập DN của cả X và Y là 17,5, lợi nhuận sau thuế là 82,5.

- Sau khi phân tích giao dịch liên kết giữa 2 Công ty X – Y, xét tới giao dịch hoàn toàn độc lập X bán cho A và A bán cho các bên độc lập khác: doanh thu 170, chi phí 100, lợi nhuận 70, thuế thu nhập DN 17,5, lợi nhuận sau thuế 52,5. Đối với công ty A, doanh thu 200, chi phí đầu vào là 170, lợi nhuận 30, thuế thu nhập DN là 3, lợi nhuận sau thuế 27. Lúc này, kết quả kinh doanh tổng hợp của Công ty X và Công ty A như sau: doanh thu 200, chi phí đầu vào 100, lợi nhuận 100, nhưng số thuế phải nộp của X và A là 20,5, lợi nhuận sau thuế là 100 – 20,5 = 79,5.

Có thể thấy, với việc giao dịch hoàn toàn khách quan thì số thuế phải nộp của 2 công ty là 20,5 nhưng nếu thông qua giao dịch liên kết thì chỉ phải nộp 17,5.

Siết chặt quản lý

Tại Hội nghị tập huấn về Thông tư 66 vừa được Cục Thuế Hà Nội tổ chức với sự tham gia của hàng trăm DN trên địa bàn, hầu hết các DN cho biết “chưa từng đọc hết” một lượt Thông tư 66.

Bà Nguyễn Thị Anh, Đại diện Ban Cải cách Hiện đại hoá Tổng cục Thuế cho biết Chính phủ Việt Nam và Bộ Tài chính đã đưa công tác chống chuyển giá lên thành một nhiệm vụ ưu tiên. Giai đoạn tới, cơ quan thuế sẽ quyết liệt hơn trong việc thanh tra kiểm tra công tác này.

Thể hiện rõ quyết tâm của ngành Thuế, ông Nguyễn Văn Mơ, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, chia sẻ: Hà Nội hiện có khoảng 93.000 DN hoạt động trên địa bàn, chưa kể chi nhánh… trong đó, rất nhiều DN có giao dịch liên kết (gồm cả liên kết nội địa). Ngay sau khi có Thông tư 66, Cục Thuế đã và đang tiến hành thanh tra một số DN có hiện tượng chuyển giá để lách thuế. Tập trung quyết liệt vào việc chống chuyển giá, xác định giá giao dịch thị trường trong giao dịch liên kết giữa các DN với nhau, ngay từ quý 4/2010, Cục Thuế Hà Nội sẽ quyết liệt triển khai thanh tra kiểm tra chống chuyển giá, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Ông Mơ cũng khuyến cáo: “Các DN cần tuân thủ chính sách chế độ, đặc biệt là chính sách thuế, khi xác định giá trị giao dịch liên kết phải phản ánh đúng tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đúng giá của thị trường. Những đơn vị/DN vi phạm về xác định giá trong giao dịch liên kết sẽ bị xử lý rất nặng”.

Bà Nguyễn Thị Anh, Đại diện Ban Cải cách Hiện đại hoá Tổng cục Thuế, lưu ý thêm: Thông tư 66 không chỉ quy định về việc xác định giá trị giao dịch liên kết của các công ty có quan hệ liên kết ngoài lãnh thổ Việt Nam mà còn áp dụng cả với những DN có quan hệ liên kết ở nội địa. Bởi tại Việt Nam đã và vẫn đang áp dụng chính sách ưu đãi thuế, có những đối tượng sẽ lợi dụng chuyển lợi nhuận từ đơn vị DN không được ưu đãi thuế sang đơn vị được hưởng ưu đãi thuế để được hưởng lãi suất thấp hơn.

Những đối tượng phải “đeo vòng kim cô”

Thông tư 66 áp dụng cho các giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết đối với các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh giá của Nhà nước.

Nội dung Thông tư 66 có 10 Điều, gồm: Đối tượng áp dụng; Phạm vi áp dụng; Giải thích từ ngữ; Các nguyên tắc phân tích so sánh; Các phương pháp xác định giá thị trường và nguyên tắc áp dụng các phương pháp này; Xác định giá thị trường đối với một số trường hợp đặc biệt; Lưu trữ hồ sơ chứng từ; Quyền và trách nhiệm của DN; Quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế; Hiệu lực thi hành.

Đối tượng áp dụng Thông tư 66 phải thoả mãn đồng thời 3 điều kiện sau: Là tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ, nộp thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm đối tượng “cá nhân” như quy định trong Thông tư 117); Có thực hiện giao dịch kinh doanh với các bên có quan hệ liên kết; Nộp thuế thu nhập DN tại Việt Nam theo kê khai doanh thu chi phí.

Như đã nói ở phần trên, Thông tư 66 được đánh giá là bước tiến lớn trong công tác quản lý, chống chuyển giá và đã khắc phục được nhiều bất cập của Thông tư 117 để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển của kinh tế xã hội. Một trong những ưu điểm lớn nhất của Thông tư 66 là đã quy định khá chi tiết, toàn diện về khái niệm “các bên có quan hệ liên kết”.

Cụ thể, các bên được coi là có quan hệ liên kết nếu “rơi” vào 1 trong 3 trường hợp sau: - Một bên có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành kiểm soát góp vốn/ đầu tư dưới mọi hình thức của bên kia;

- Các bên trực tiếp/gián tiếp cùng chịu sự điều hành kiểm soát góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức của một bên khác;

- Các bên cùng tham gia trực tiếp/gián tiếp cùng điều hành kiểm soát góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào một bên khác.

Để cụ thể hoá hơn nữa nhằm tăng “độ bao phủ” mọi trường hợp xảy ra trong thực tiễn, Thông tư 66 quy định: hai DN trong một kỳ tính thuế có quan hệ giao dịch kinh doanh thuộc 1 trong 13 trường hợp dưới đây thì xác định là các bên liên kết:

Trường hợp 1: Một DN nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư chủ sở hữu của DN kia. Ở đây xuất hiện khái niệm mới là “vốn đầu tư chủ sở hữu”. Thông tư 117 trước đây đưa ra khái niệm “tổng tài sản”, nhưng xét “tổng tài sản” để quy định mối quan hệ giữa các bên thì chưa hoàn toàn chính xác, hợp lý, bởi vì tài sản của DN không hẳn chỉ hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu mà hình thành từ nhiều nguồn vốn khác như vốn vay mượn, các khoản nợ Nhà nước cấp…

Đồng tình với việc không sử dụng khái niệm “tổng tài sản” song vẫn có ý kiến thắc mắc tại sao Thông tư 66 sử dụng khái niệm “vốn đầu tư chủ sở hữu” chứ không dùng “vốn chủ sở hữu”. Về vấn đề này, bà Anh giải thích: “bởi trong vốn chủ sở hữu không chỉ bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu mà còn bao gồm các vốn khác nữa như thặng dư về vốn với công ty cổ phần, hoặc các khoản tài trợ, biếu tặng…”.

Vẫn xét trường hợp 1 này, để giúp DN hiểu rõ hơn khái niệm “nắm giữ trực tiếp/gián tiếp”, bà Anh dẫn chứng: Với trường hợp “trực tiếp”, có thể lấy ví dụ có công ty A tại nước X và công ty B tại Việt Nam. (hoặc công ty A ở tỉnh Q và công ty B ở tỉnh Z cùng ở Việt Nam), A góp 40% vốn vào B, khi đó, A được coi là nắm giữ trực tiếp 40% vốn chủ sở hữu của B.

Với trường hợp “gián tiếp”, ví dụ có 3 công ty A, B, C: A góp 80% vốn vào B, nắm giữ trực tiếp 80% vốn của B, còn B nắm giữ 40% vốn đầu tư chủ sở hữu của C, như vậy B và C có quan hệ liên kết với nhau (nắm giữ trực tiếp). Trong 40% vốn của B góp vào C sẽ có 80% của 40% này có nguồn gốc xuất xứ từ A, như vậy A nắm giữ gián tiếp 32% (80% của 40%) vốn của C thông qua B.

Trường hợp 2: Cả hai DN đều bị nắm giữ trực tiếp/gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư chủ sở hữu của 1 bên thứ 3 (Thông tư 117 trước đây không có quy định này).

Ví dụ minh hoạ về trường hợp nắm giữ trực tiếp: Công ty C góp 60% vốn vào A, C nắm giữ trực tiếp 60% vốn của A, C lại nắm giữ trực tiếp 40% vốn của B. C và B có quan hệ liên kết. Cả A và B đều do công ty C nắm giữ trên 20% vốn đầu tư chủ sở hữu nên A và B có quan hệ nắm giữ gián tiếp.

Về trường hợp nắm giữ gián tiếp: Giả sử có các công ty E, C, A, B, trong đó, E đầu tư 100% vốn vào C, C đầu tư 50% vốn vào A, như vậy, trong 50% vốn C góp vào A thì 100% vốn có nguồn gốc xuất xứ từ E, nói cách khác là E góp gián tiếp 50% vốn vào A thông qua C.

Mặt khác, E nắm giữ trực tiếp 50% vốn của D, D lại nắm giữ trực tiếp 50% của B, như vậy D và B có quan hệ liên kết với nhau. Trong 50% vốn mà D góp vào B, có 50% của 50% này có nguồn gốc xuất xứ từ E, nói cách khác là E góp gián tiếp 25% vốn vào B. Cả A và B thì cả hai đều có ít nhất 20% vốn chủ sở hữu do bên thứ ba là E góp vào.

Trường hợp 3: Cả hai DN nắm giữ trực tiếp/gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư chủ sở hữu của 1 bên thứ 3 (Thông tư 117 không có quy định này).

Ví dụ về nắm giữ trực tiếp: B nắm giữ trực tiếp 50% vốn của A, C cũng nắm giữ trực tiếp 50% vốn của A. Như vậy, C và A có quan hệ liên kết về việc nắm giữ trực tiếp (một bên tham gia góp vốn trực tiếp ít nhất 20% vốn của DN kia). B và C có quan hệ liên kết với nhau (theo trường hợp cả hai DN đều nắm giữ trực tiếp ít nhất 20% vốn của DN thứ ba).

Về nắm giữ gián tiếp: D nắm giữ 80% vốn của B, B nắm giữ 50% vốn của A, D nắm giữ gián tiếp 40% vốn của A thông qua B. E nắm giữ 70% vốn của C, C lại nắm giữ 50% vốn của A. Như vậy, E nắm giữ gián tiếp 35% vốn của A thông qua C. Xét quan hệ E và D thì cả hai DN đều nắm giữ ít nhất 20% vốn chủ sở hữu của bên thứ 3 là A.

Trường hợp 4: Một DN là cổ đông lớn nhất về vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN kia.

Ví dụ về trường hợp nắm giữ trực tiếp: Công ty cổ phần C có các cổ đông là công ty A, B, D, M, N… Trong đó, B là cổ đông lớn nhất, nắm giữ trực tiếp 10% vốn. Còn các công ty còn lại đều nắm giữ dưới 10%. Khi đó, B và C có quan hệ liên kết với nhau. Giả sử nếu xuất hiện thêm công ty H nắm 12% vốn thì B không còn được coi là có quan hệ liên kết với C nữa.

Ví dụ về trường hợp gián tiếp: Công ty cổ phần T có B là cổ đông lớn nhất, góp 15% vốn, các công ty còn lại góp vốn ít hơn, khi đó, T và B có quan hệ liên kết. Xuất hiện công ty Q góp trực tiếp 70% vốn vào B, như vậy, trong 15% vốn mà B góp vào T có 70% của 15% này có nguồn gốc xuất xứ từ Q, khi đó 10,5% (70% của 15%) của Q góp vào T theo hình thức gián tiếp. Q cũng đảm bảo đủ điều kiện có quan hệ liên kết với T qua B.

Trường hợp 5: Một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay.

Đây cũng là điểm mới so với Thông tư 117. Thông tư 117 chỉ quy định 1 DN bảo lãnh hoặc cho DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay đó bằng 50% tổng giá trị các khoản nợ trung hạn và dài hạn của DN đi vay, mà không quy định khoản vay đó bằng ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN đi vay. Nếu chỉ quy định chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ như vậy thì đối với các trường hợp khoản nợ trung hạn và dài hạn quá nhỏ sẽ khó điều chỉnh, chưa thực sự hợp lý. Vì thế cần bổ sung thêm điều kiện khoản vay bằng ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN đi vay.

Trường hợp 6: Một DN chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của một DN khác vớiđiều kiện số lượng các thành viên được DN thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của DN thứ hai; hoặc một thành viên được DN thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tàichính hoặc hoạt động kinh doanh của DN thứ hai.

Trường hợp 7: Hai DN cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba.

Trường hợp 8: Hai DN được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: vợ và chồng; bố, mẹvà con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em cócùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nộivà cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột. Quay lại Thông tư 117 trước đây sử dụng hai cụm từ “các thành viên trong 1 gia đình”, và “cô, chú, bác, cậu, dì và cháu có quan hệ huyết thống. Dư luận cho rằng khái niệm này khá trừu tượng (chẳng hạn có thể viện dẫn “đại gia đình các dân tộc Việt Nam”(?)). Để dễ vận dụng, Thông tư 66 đã quy định chi tiết, rõ ràng, thu hẹp phạm vi hơn.

Trường hợp 9: Hai DN có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài. (Thông tư 130 của Bộ Tài chính đã nêu rõ thế nào là cơ sở thường trú).

Trường hợp 10: Một DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm sử dụng tài sản vô hình hoặc quyền sở hữu trí tuệcủa một DN khác với điều kiện chi phí phải trả cho việc sử dụng tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ đó chiếm trên 50% giá vốn sản phẩm (không thay đổi so với Thông tư 117).

Trường hợp 11: Một DN cung ứng trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% tổng giá trị nguyên vật liệu, vật tưhoặc sản phẩm đầu vào để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đầura của một DN khác (không mới so với Thông tư 117).

Trường hợp 12: Một DN kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ của một DN khác. Lưu ý là tính theo từng chủng loại sản phẩm.

Trường hợp 13: Hai DN có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng



(Theo Taichinhdientu)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts