Thursday 20 January 2011

Những lưu ý khi 'đọc' Báo cáo kiểm toán

NHỮNG LƯU Ý KHI "ĐỌC"

BÁO CÁO KIỂM TOÁN

Bùi Văn Mai

Phó Chủ tịch thường trực kiêm

Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên

hành nghề Việt Nam - VACPA

Mấy năm gần đây, các NĐT trên TTCK đã quen dần với việc Báo cáo Tài chính (BCTC) năm của các DN niêm yết phải được kiểm toán trước khi công khai. Tuy nhiên, hiểu về các sản phẩm của kiểm toán viên, giá trị của các sản phẩm đó, cách sử dụng các sản phẩm kiểm toán cho quyết định đầu tư và làm sao để sản phẩm kiểm toán ngày càng chất lượng... thì đều chưa đầy đủ và hiệu quả.

Sản phẩm của kiểm toán viên

Kiểm toán viên là người chịu trách nhiệm chính về kết quả của cuộc kiểm toán, thực hiện công việc kiểm tra, kiểm soát, phân tích và đánh giá lại toàn bộ công việc kế toán và lập BCTC của DN trong một năm tài chính, qua đó, dựa vào kết quả công việc của mình, kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán để xác nhận sự trung thực, hợp lý của bản BCTC của DN xem đã phù hợp với các quy định của pháp luật, chuẩn mực nghề nghiệp và thực tế của DN hay không. Ý kiến kết luận cuối cùng của kiểm toán viên được thể hiện công khai trên văn bản pháp luật gọi là Báo cáo kiểm toán (BCKT- hay báo cáo của kiểm toán viên độc lập). Do đó, BCKT là sản phẩm bắt buộc, trực tiếp, công khai của kiểm toán. BCKT phải đính kèm BCTC đã được kiểm toán.

Tuy nhiên, một bản BCKT thường chưa trình bày hết, đầy đủ các khía cạnh của kết quả kiểm toán, chưa thể hiện hết ý kiến đánh giá của kiểm toán viên. Do đó, trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam - cũng phù hợp với hệ thống chuẩn mực quốc tế, ngoài BCKT, thông thường, kiểm toán viên còn cung cấp cho khách hàng kiểm toán một sản phẩm gián tiếp nữa, đó là Thư quản lý. Thư quản lý không phải là sản phẩm bắt buộc của tất cả các cuộc kiểm toán như BCKT.

Thư quản lý là sản phẩm phụ thường có trong các cuộc kiểm toán mà chất lượng của BCTC chưa thật hoàn hảo. Trong Thư quản lý, kiểm toán viên thường nêu ra các vấn đề còn yếu kém trên tất cả các khía cạnh, có thể là quy trình quản lý, năng lực cán bộ, quy trình kiểm soát, sử dụng các phương tiện, dụng cụ quản lý, đánh giá, giá cả, tỷ giá, kỹ thuật tính toán... làm cho bất kỳ vấn đề gì có liên quan đến việc lập và trình bày BCTC bị sai lệch, có thể sai lệch hoặc có nguy cơ sai phạm.

Thư quản lý không bắt buộc phải đính kèm BCTC đã được kiểm toán nên chỉ gửi cho HĐQT, ban giám đốc DN được kiểm toán. Vì thế, NĐT thường không biết đến Thư quản lý mà kiểm toán viên gửi cho DN niêm yết.

Giá trị của sản phẩm: "Báo cáo kiểm toán"

Sản phẩm bắt buộc, trực tiếp và công khai của kiểm toán mà NĐT được sử dụng, cần sử dụng như thế nào, xin trao đổi như sau:

Nhìn vào một BCKT thuông thường, ta thấy có 4 nội dung:

(1) Phạm vi cuộc kiểm toán

Là cuộc kiểm toán BCTC cho năm tài chính nào (như: gồm Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh BCTC); của đơn vị kế toán nào (như: của Công ty CP ABC) và được đính kèm theo BCKT này.

(2) Xác định trách nhiệm

Trước hết là trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán (như: Ban giám đốc đơn vị được kiểm toán chịu trách nhiệm lập và trình bày BCTC)- trách nhiệm này chỉ rõ, nếu BCTC có sai sót, gian lận thì trách nhiệm chủ yếu thuộc về Ban giám đốc đơn vị được kiểm toán; và trách nhiệm của kiểm toán viên (như: kiểm toán viên có trách nhiệm trình bày ý kiến kiểm toán dựa trên kết quả cuộc kiểm toán) - trách nhiệm này chỉ rõ, kiểm toán viên chỉ là nhà tư vấn độc lập - tư vấn chuyên môn.

(3) Cơ sở của cuộc kiểm toán

Chỉ rõ cuộc kiểm toán được thực hiện dựa trên các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các chuẩn mực kế toán và các quy định pháp lý có liên quan đến BCTC của DN. Cơ sở của cuộc kiểm toán cũng khẳng định kiểm toán viên không có trách nhiệm phát hiện hết tất cả các gian lận của BCTC mà thông thường cần phải có các cuộc thanh tra, điều tra của cơ quan Luật pháp - với quyền lực hành chính và phương tiện kỹ thuận, kỹ thuật điều tra, xét hỏi... mới có thể phát hiện và kết luận được.

(4) Phần ý kiến của kiểm toán viên

Là phần ghi ý kiến kết luận của kiểm toán viên và công ty kiểm toán của kiểm toán viên và công ty kiểm toán dựa trên kết quả của cuộc kiểm toán.

Thông thường, 3 nội dung đầu của BCTC rất ít thay đổi. Nếu có, chỉ là sự khác nhau về phạm vi cuộc kiểm toán. Nhưng quan trọng nhất của một BCKT là phần (4) Ý kiến của kiểm toán viên. Để hiểu đúng giá trị của phần (4) quan trọng nhất này, cũng là giá trị của sản phẩm kiểm toán, chúng ta cần phân biệt ý kiến của kiểm toán viên thường có 4 tình huống sau đây:

a. Ý kiến chấp nhận toàn phần

Trường hợp kiểm toán viên có ý kiến chấp thuận toàn phần, thường được trình bày như sau: "Theo ý kiến của chúng tôi, BCTC đã phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của Công ty CP ABC tại ngày 31/12/2010, cũng như kết quả kinh doanh và các luồng lưu chuyển tiền tệ trong năm tài chính kết thúc tại ngày 31/12/10, phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam hiện hành và các quy định pháp lý có liên quan".

Trường hợp này, NĐT cần hiểu rằng BCTC nếu có những sai sót đáng kể thì đã được kiểm toán viên phát hiện và DN đã điều chỉnh theo đề nghị của kiểm toán viên và BCTC sau kiểm toán có số liệu hoặc thuyết minh thế nào thì thực tế đúng là như vậy.

b. Ý kiến ngoại trừ

Trường hợp kiểm toán viên có ý kiến ngoại trừ (hay còn gọi là ý kiến chấp nhận từng phần) thường được trình bày như sau: "...(như ý kiến toàn phần), tùy thuộc vào (hoặc ngoại trừ) các khoản sau: Giá trị hàng tồn kho đúng với thực tế; Giá trị vốn góp của cổ đông A bằng máy móc thiết bị được Hội đồng chấp thuận chấp thuận..."

Trường hợp này, NĐT cần hiểu rằng: (1) Các điểm ngoại trừ sẽ khác nhau trong từng trường hợp; (2) Các điểm ngoại trừ đều có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC. Nếu các điểm ngoại trừ là không đúng thì BCTC là không trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu.

Điểm ngoại trừ là điểm không chắc chắn thường liên quan đến các sự kiện chưa xảy ra hoặc do hạn chế của cuộc kiểm toán mà kiểm toán viên không thể kiểm tra và kết luận được là đúng hay sai.

c. Ý kiến không chấp thuận

Trường hợp kiểm toán viên đưa ra ý kiến không chấp thuận (hay còn gọi là ý kiến trái ngược) thường được trình bày như sau: "Theo ý kiến của chúng tôi, BCTC phản ánh không trung thực và không hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của Công ty CP ABC tại ngày 31/12/2010, cũng như kết quả kinh doanh và các luồng lưu chuyển tiền tệ trong năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2010, không phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam hiện hành và các quy định pháp lý có liên quan".

Trường hợp này, NĐT cần hiểu rằng BCTC có nhiều điểm sai sót trọng yếu đến mức không thể sử dụng được các thông tin trên báo cáo. Lý do khiến kiểm toán viên không chấp nhận BCTC thường là do phạm vi kiểm toán bị giới hạn quá mức.

Ý kiến không chấp thuận thường ít xảy ra. Và nếu có xảy ra thì cũng không được công khai cùng BCTC, vì có tác dụng phản diện đối với DN.

d. Ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến)

Trường hợp kiểm toán viên đưa ra ý kiến từ chối, thường được trình bày như sau: "Theo ý kiến của chúng tôi, vì những lý do nêu ra dưới đây, chúng tôi không thể đưa ra ý kiến về BCTC...". Lý do mà kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến thường do bị giới hạn phạm vi kiểm toán hoặc do thiếu thông tin, do Giám đốc DN và kế toán trưởng có quan điểm rất khác nhau về các sự kiện,... làm cho kiểm toán viên không đủ cơ sở để kết luận như một trong ba trường hợp trên.

Trong thị trường hiện nay, ý kiến của kiểm toán viên chủ yếu là hai trường hợp: a. Chấp nhận toàn phần và b. Ý kiến ngoại trừ. Trường hợp c. Không chấp nhận cũng đã xảy ra đôi khi NĐT vẫn cứ nghĩ rằng: "BCTC đã được kiểm toán là đúng rồi".

Do đó, mặc dù BCTC đã được kiểm toán, nhưng quan trọng hơn là kiểm toán bằng kiểm toán viên và công ty kiểm toán nào, có uy tín lớn không, đã có sai sót nào và đã bị xử lý kỷ luật gì chưa?

Giá trị của sản phẩm: "Thư quản lý"

Thư quản lý là sản phẩm phụ của cuộc kiểm toán BCTC nhưng có giá trị thực tiễn rất cao, nhất là đối với các DN mới đi vào hoạt động, mới chuyển đổi loại hình, mới lên sàn giao dịch... hoặc có những thay đổi bất thường trong sản xuất, kinh doanh. Khi Nhà nước mới ban hành một chính sách, một cơ chế quản lý, Luật DN mới sửa đổi, Luật thuế mới ban hành... thì cũng nảy sinh nhiều yêu cầu mới mà thông thường DN chậm nắm bắt và ứng dụng hơn là kiểm toán viên và DN kiểm toán.

Thư quản lý là bản tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá và đề xuất biện pháp chấn chỉnh, cải tiến các tồn tại về quản lý tài chính, kế toán, hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như tất cả các khía cạnh về sản xuất, kinh doanh mà kiểm toán viên nhận biết sẽ có lợi cho khách hàng.

NĐT không thể đòi hỏi DN niêm yết công khai Thư quản lý nhưng trong các kỳ đại hội cổ đông hoàn toàn có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị công bố Thư quản lý của kiểm toán viên, thậm chí yêu cầu kiểm toán viên giải trình các vấn đề liên quan đến BCKT, Thư quản lý và BCTC của DN đã kiểm toán.

Thị trường tài chính sau nhiều năm lên xuống thất thường, NĐT ngày nay không còn phán quyết theo số đông mà đã biết đi sâu phân tích, đánh giá thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, là BCKT và ý kiến của kiểm toán viên lấy ra từ sản phẩm của hoạt động kiểm toán. Mong rằng bài viết này góp thêm ý kiến hỗ trợ NĐT sử dụng hiệu quả hơn BCTC đã được kiểm toán.

Theo ĐTCK


Trich nguon: www.vacpa.org.vn

No comments:

Post a Comment

Popular Posts