Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về Luật Kiểm toán độc lập
1/ Kiểm toán độc lập chưa độc lập?
Theo ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, hiện trên thế giới không còn quốc gia nào nhà nước quản lý việc hành nghề kế toán, kiểm toán, Việt Nam có lẽ là “ngoại lệ”.
Dự án Luật Kiểm toán độc lập đã được đưa ra bàn tới bàn lui ở kỳ họp Quốc hội thứ 8, nhưng vẫn còn khiến nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 37 chiều 4/1/2011 băn khoăn về tính độc lập của kiểm toán độc lập và nhiều quy định khác.
Trong khi, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tán thành với việc Luật giao cho Bộ Tài chính cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán vì “thực tế hiện nay tổ chức hội nghề nghiệp của Việt Nam hoạt động chưa mạnh, khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, các điều kiện tổ chức hội hoạt động chưa đủ” – như theo nhận xét của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhận định: “Chúng ta đang tiến tới một tiến trình mà Nhà nước chỉ đi vào quản lý thôi nhưng có vẻ như ngành nào cũng muốn giữ quyền. Lần này, với Luật Kiểm toán độc lập cần cải cách, chứ không nên tiếp tục giữ. Tất nhiên các hội nghề nghiệp của mình cũng có “vấn đề” nhưng tôi vẫn tán thành giao thêm quyền và trách nhiệm cho các Hội”.
Ông Đặng Văn Thanh cung cấp thông tin: “Quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, Bộ Tài chính đã chuyển giao một số chức năng cho Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam như chức năng quản lý và đăng ký hành nghề kiểm toán, kế toán; Ôn thi và luyện thi kiểm toán viên…”.
Nhưng ông Thanh cũng phàn nàn: “Hiện trên thế giới không còn quốc gia nào nhà nước quản lý việc hành nghề kế toán, kiểm toán. Việt Nam có lẽ là “ngoại lệ”. Bộ Tài chính chỉ nên giữ lại quyền trong việc cấp chứng chỉ hành nghề, còn việc cấp chứng chỉ kiểm toán viên nên giao cho Hội nghề nghiệp. Tiến trình tiếp tục giao các chức năng quản lý việc hành nghề kiểm toán cho Hội là cần thiết và rất mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội “tin” vào Hội nghề nghiệp của Việt Nam sẽ đảm bảo được chất lượng trong việc thực thi”.
Hai kiến nghị đáng chú ý khác của ông Thanh đối với dự án Luật này còn là: “Thế giới hiện nay không có nước nào người ta gọi là Luật kiểm toán độc lập cả, nếu đặt tên như vậy có lẽ không cân xứng lắm vào 10, 15 năm sau con cháu chúng ta sẽ lại đổi tên” và “đối với quy định chức năng Giám đốc và Tổng giám đốc doanh nghiệp kiểm toán của Công ty TNHH, không nên quy định ràng buộc phải góp vốn tối thiểu 10% vốn điều lệ, vì theo Luật Doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên của doanh nghiệp TNHH 2 thành viên trở lên có thể thuê tuyển chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành doanh nghiệp”.
(Theo www.vusta.vn)
Thời báo Kinh tế Việt Nam 5/1/2010
2/ Giám đốc doanh nghiệp kiểm toán có phải góp vốn?
Không nên quy định giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp TNHH kiểm toán phải góp vốn vào doanh nghiệp kiểm toán là quan điểm của Ủy ban Kinh tế về một số vấn đề lớn khi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Kiểm toán độc lập, chiều 4/1/2011.
Thảo luận tại kỳ họp thứ tám vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình với quy định giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp kiểm toán của công ty TNHH phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ tại dự thảo luật. Vì, theo Luật Doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng thành viên của doanh nghiệp TNHH hai thành viên trở lên có thể thuê tuyển chức danh giám đốc hoặc tổng giám đốc để quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Như vậy, yêu cầu tại dự thảo luật là không phù hợp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật – nhấn mạnh. Nhiều ý kiến thảo luận cũng đồng tình cao với quan điểm này.
Bên cạnh nội dung nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập, quy định liên quan đến kiểm toán viên hành nghề, về doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán bắt buộc…
Liên quan đến doanh nghiệp kiểm toán, khác với Ban soạn thảo, Ủy ban Kinh tế cho rằng dự thảo luật nên quy định cho phép tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán, đồng thời giao Chính phủ quy định những điều kiện cụ thể.
Tán thành quan điểm cho phép tổ chức góp vốn, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị không nên cái gì cũng giao cho Chính phủ quy định mà nên quy định cụ thể ngay trong luật.
“Nhượng bộ” với phương án của Ủy ban Kinh tế, song Bộ trưởng Bộ Tài chính Ninh đề nghị nên có điều kiện chặt chẽ hơn như khống chế về mức vốn để tránh sự chi phối của tổ chức góp vốn đến doanh nghiệp kiểm toán. Hoặc sử dụng chính doanh nghiệp kiếm toán này làm công cụ kiểm toán doanh nghiệp do chính pháp nhân này chi phối.
Về phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, Bộ trưởng Ninh kiên trì quan điểm của ban soạn thảo. Mặc dù một số ý kiến không đồng tình với việc cho phép các doanh nghiệp kiểm toán được phép cung cấp các dịch vụ như tư vấn kinh tế, tài chính, thuế, dịch vụ kế toán… vì dễ xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Quan điểm của Bộ trưởng Ninh là các doanh nghiệp kiểm toán được làm những việc pháp luật không cấm và thực tế hiện nay các dịch vụ này đã được cung cấp. Hơn nữa, hoạt động kiểm toán cũng có thời vụ. “Có thể quy định rõ hơn về các dịch vụ mà các doanh nghiệp kiểm toán không được làm”, Bộ trưởng nói.
Trích nguồn: www.vacpa.org.vn
No comments:
Post a Comment