Điểm đáng chú ý đầu tiên trong Thông tư là giúp các CTCK, công ty quản lý quỹ nhận diện rõ thế nào là vốn khả dụng. Theo đó, đây là vốn chủ sở hữu có thể chuyển đổi thành tiền trong vòng 90 ngày. Vốn khả dụng gồm các khoản: vốn đầu tư của chủ sở hữu, không bao gồm vốn cổ phần ưu đãi hoàn lại (nếu có); thặng dư vốn cổ phần; quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ… Việc tính tỷ lệ vốn khả dụng còn phải căn cứ vào các khoản giảm trừ, cũng như các khoản tăng thêm.
Quy định mới xác định rõ 3 giá trị rủi ro đối với các CTCK, công ty quản lý quỹ, đó là rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và rủi ro thanh toán. Rủi ro hoạt động được xác định bằng 25% chi phí duy trì hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán trong vòng 12 tháng liền kề tính tới tháng gần nhất, hoặc 20% vốn pháp định, tùy thuộc vào giá trị nào lớn hơn. Trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán hoạt động dưới một năm, thì rủi ro hoạt động được xác định bằng ba lần chi phí duy trì hoạt động bình quân hàng tháng tính từ thời điểm tổ chức kinh doanh chứng khoán đi vào hoạt động, hoặc 20% vốn pháp định, tùy thuộc vào giá trị nào lớn hơn… CTCK, công ty quản lý quỹ phải xác định giá trị rủi ro thị trường đối với các chứng khoán và các tài sản mà tổ chức kinh doanh chứng khoán đang nắm giữ khi kết thúc ngày giao dịch. Giá trị rủi ro thị trường được tính theo công thức: giá trị rủi ro thị trường = vị thế ròng × giá trị tài sản × hệ số rủi ro thị trường… Kết thúc ngày giao dịch, CTCK, công ty quản lý quỹ cũng phải xác định giá trị rủi ro thanh toán đối với các khoản mục: tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng; hợp đồng vay, mượn chứng khoán; hợp đồng bán có cam kết mua lại chứng khoán…
Khi tỷ lệ vốn khả dụng của các tổ chức kinh doanh chứng khoán dao động từ 120% - 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục sẽ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ra quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát. Trường hợp tỷ lệ vốn khả dụng giảm xuống dưới 120%..., thì sẽ bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt.
Thông tư xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo CTCK, công ty quản lý quỹ khi DN bị đặt vào tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt. Theo đó, HĐQT, tổng giám đốc của các DN bị kiểm soát phải xây dựng và triển khai phương án khắc phục tình trạng các chỉ tiêu tài chính không an toàn. Đặc biệt, trong thời hạn bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tổ chức kinh doanh chứng khoán không được trả cổ tức cho các cổ đông, chia lợi nhuận cho thành viên góp vốn; chia thưởng cho thành viên HĐQT, cũng như kế toán trưởng, nhân viên, những người có liên quan tới tổ chức kinh doanh chứng khoán… Các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký, thành viên lưu ký… có trách nhiệm cung cấp cho UBCK các thông tin về giao dịch, hoạt động đầu tư, hoạt động kinh doanh của tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt trong tình trạng kiểm soát.
Khi Thông tư này có hiệu lực từ 1/4 tới, các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải định kỳ báo cáo UBCK các chỉ tiêu về vốn khả dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường… Một năm sau kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải chịu sự điều chỉnh theo các quy định về kiểm soát, kiểm soát đặc biệt và các biện pháp xử lý...
Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó vụ trưởng Vụ quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, UBCK, sắp tới, UBCK sẽ tổ chức tập huấn cho các CTCK, công ty quản lý quỹ để việc triển khai Thông tư được chuẩn xác, hiệu quả, nhằm tạo ra sự thay đổi về chất đối với "sức khoẻ" tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Đây là cơ sở quan trọng để UBCK tổ chức triển khai các sản phẩm mới cho TTCK trong thời gian tới.
(Theo tinnhanhchungkhoan.vn)
No comments:
Post a Comment