Vai trò tư vấn thuế đối với doanh nghiệp
Ông Bùi Ngọc Tuấn - Giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam
Từ khi các luật thuế mới được áp dụng từ năm 2009, rất nhiều vướng mắc đã phát sinh cần được thay đổi cho phù hợp với điều kiện áp dụng thực tế của các doanh nghiệp. Công ty TNHH Deloitte Việt Nam - thành viên của hãng Deloitte toàn cầu, 1 trong 4 hãng kiểm toán-tư vấn lớn nhất thế giới, trong những năm qua đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho các doanh nghiệp, cũng như tích cực tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp với Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính, đồng thời thông qua các hiệp hội nghề nghiệp để đề xuất những sửa đổi về chính sách thuế cho phù hợp với thực tiễn, giúp giảm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Hải Yến
Báo DĐDN đã có cuộc phỏng vấn với ông Bùi Ngọc Tuấn - Giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam về một số nội dung liên quan đến vai trò tư vấn thuế của Deloitte đối với doanh nghiệp trong quá trình áp dụng các chính sách thuế.
(1)- Thưa ông, Deloitte được biết đến là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực kiểm toán và bây giờ là tư vấn thuế. Vậy ông có thể cho biết trên thực tế, doanh nghiệp hay gặp những vấn đề gì về thuế và những khó khăn Deloitte gặp phải trong quá trình tư vấn?
Lĩnh vực tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam rất rộng, bao gồm việc tư vấn về tính tuân thủ pháp luật về thuế, tư vấn xử lý các vụ việc cụ thể, tư vấn thường xuyên, hỗ trợ kê khai, lập báo cáo thuế, áp dụng ưu đãi thuế, hoàn thuế, chính sách thuế đặc thù, ảnh hưởng của thuế trong giai đoạn đầu tư, chia tách, sát nhập, tái cấu trúc doanh nghiệp, các nghiệp vụ mua bán xuyên quốc gia… Phạm vi tư vấn cũng bao trùm tất cả các sắc thuế, điển hình như thuế Thu nhập doanh nghiệp, Giá trị gia tăng, Tiêu thụ đặc biệt, Thu nhập cá nhân nhà thầu nước ngoài, xuất nhập khẩu và hải quan, chuyển giá…
Đối với doanh nghiệp là người thực thi các luật thuế, mỗi nghiệp vụ kinh tế phát sinh có thể liên quan đến một hoặc nhiều sắc thuế. Hơn nữa, một điểm rất cơ bản để xem xét ảnh hưởng của thuế tới nghiệp vụ phát sinh là chính sách, thủ tục thuế được áp dụng và bộ hóa đơn, chứng từ kèm theo. Do vậy, trong quá trình thực thi, các doanh nghiệp có thể bị cơ quan thuế loại trừ các chi phí, doanh thu tính thuế, hoặc ấn định thuế do chưa nắm rõ được đầy đủ các quy định và yêu cầu có liên quan.
Khó khăn chúng tôi gặp phải hiện nay trong quá trình tư vấn chủ yếu liên quan đến việc có những chính sách thuế chưa đồng nhất, hoặc doanh nghiệp có phát sinh các nghiệp vụ kinh tế, thương mại quốc tế mà Việt Nam chưa gặp phải, dẫn đến thiếu các hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Hơn nữa, nhiều nghiệp vụ phải xử lý vận dụng theo pháp luật về đầu tư, thương mại, tài chính, kế toán, nên phải làm việc riêng biệt thông qua trao đổi với cơ quan thuế và các bộ, ngành có liên quan. Bên cạnh đó, cách hiểu về những quy định thuế hiện tại ở một số địa phương cũng khác nhau, do vậy chúng tôi phải trợ giúp doanh nghiệp vận dụng giải thích và thống nhất quan điểm xử lý với cơ quan thuế một cách hài hòa, đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ của mình, mà không ảnh hưởng đến lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng.
(2)- Hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp phàn nàn về hiện tượng bị cán bộ thuế gây khó khăn trong quá trình làm thủ tục về thuế, hoặc bị phát sinh thêm thuế sau khi thanh tra hoặc kê khai. Vậy với tư cách là đơn vị tư vấn, Deloitte đã có biện pháp gì để giúp doanh nghiệp tránh được những ảnh hưởng trên?
Trước hết, cần khẳng định rằng đối với thủ tục hành chính về thuế, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn khi chưa nắm rõ các quy định liên quan và mất thêm thời gian khi phải hoàn chỉnh hồ sơ, kê khai thông tin theo yêu cầu; nhưng sẽ không có chuyện doanh nghiệp phải trả các chi phí ngoài khi thực hiện kê khai, nộp thuế. Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế đều thực hiện cơ chế tự khai tự nộp, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thông thường chỉ thực hiện việc kiểm tra sau. Do vậy, chuyện gây khó khăn, sách nhiễu của cán bộ thuế là hầu như không có. Thêm vào đó, thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, hàng loạt các thủ tục hành chính về thuế và hải quan đã được đơn giản hơn, dễ hiểu hơn, các quy trình điện tử hóa các thủ tục kê khai thuế/hải quan cũng đang được triển khai rộng rãi, tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thuế, chỉnh sửa hồ sơ khai thuế được nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, khi thực hiện các thủ tục kê khai định kỳ, doanh nghiệp cũng nên lưu ý và có kế hoạch nộp tờ khai trước hạn, tránh dồn việc nộp tờ khai vào ngày hết hạn cuối cùng, có thể khiến cho doanh nghiệp không nộp được tờ khai do số lượng người nộp quá đông mà cán bộ thuế không xử lý hết được, gây nên những khó khăn không đáng có.
Mục tiêu tư vấn của Deloitte Việt Nam là xem xét nội dung các nghiệp vụ kinh tế, các tờ khai thuế, chỉ ra cho doanh nghiệp cần phải làm gì, thực hiện các thủ tục gì, hoàn chỉnh phần hóa đơn chứng từ kèm theo, cơ cấu lại các khoản chi hợp lý thế nào để tối đa hóa việc cơ quan thuế chấp nhận các nghiệp vụ cho mục đích tính toán nghĩa vụ thuế phải nộp của doanh nghiệp. Thông qua quá trình tư vấn, chúng tôi giúp các doanh nghiệp thực hiện kê khai đầy đủ, tính đúng, tính đủ các loại thuế, giảm thiểu rất nhiều rủi ro khi xác định nghĩa vụ thuế và tránh các khoản phạt không đáng có về vi phạm hành chính thuế hoặc có thể bị coi là có hành vi gian lận về thuế. Nếu các doanh nghiệp nắm bắt được quy trình, thủ tục, nội dung các quy định về thuế một cách rõ ràng, hoặc tham khảo đơn vị tư vấn thuế thường xuyên thì sẽ tránh được nhiều rủi ro ngay từ khi phát sinh nghiệp vụ, theo đó sẽ không bị mất thời gian hoặc bị gây khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật về thuế.
(3)- Từ năm 2011, các doanh nghiệp sẽ chuyển sang áp dụng hình thức tự in hóa đơn. Theo đó, việc tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về hóa đơn sẽ là điều khá mới mẻ. Vậy Deloitte sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp quản lý hóa đơn như thế nào, đặc biệt là những đối tượng có thể nhiều doanh thu nhưng ít phải phát hành hóa đơn, hoặc ngược lại?
Việc Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành các quy định mới về hóa đơn là một bước tiến quan trọng, thúc đẩy tiến trình lành mạnh hóa các giao dịch kinh tế, chuyển trách nhiệm quản lý hóa đơn, chứng từ cho người nộp thuế, giúp các doanh nghiệp tự giác hơn, nhận thức tốt hơn tầm quan trọng của hóa đơn chứng từ cho mục đích kế toán và xác định nghĩa vụ thuế liên quan.
Trong thời gian qua, các Cục thuế địa phương đã tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp trên từng địa bàn, thông qua đó hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký hình thức sử dụng hóa đơn, tự xác định nhu cầu và tiến hành in ấn, thông báo áp dụng hóa đơn mới từ tháng 1/2011.
Trên thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc áp dụng hóa đơn mới như mặc dù doanh thu lớn nhưng số lượng hóa đơn phát hành lại ít (Ví dụ: doanh nghiệp bất động sản), hoặc doanh thu không nhiều nhưng hóa đơn lại phát hành liên tục (Ví dụ: doanh nghiệp thương mại hoặc các siêu thị). Trong quá trình làm việc, Deloitte tư vấn cho các doanh nghiệp đăng ký áp dụng hình thức phù hợp. Ví dụ: như doanh nghiệp phát hành ít hóa đơn thì có thể tự in, kiểm soát lượng hóa đơn thông qua phần mềm sẵn có, là điều cũng không phải khó khăn để áp dụng. Đối với các doanh nghiệp thương mại hoặc doanh nghiệp bán hàng nhiều, sử dụng nhiều hóa đơn thì có thể áp dụng hình thức đặt in hóa đơn bên ngoài (in sẵn phôi hóa đơn) để sử dụng.
Ngoài một số vấn đề trên, các doanh nghiệp hiện nay cũng gặp khó khăn trong việc đặt in hóa đơn do các nhà in quá tải lượng đặt hàng. Mặc dù Bộ tài chính cũng cho phép các doanh nghiệp sử dụng lượng hóa đơn còn tồn chưa sử dụng đến 31/3/2011, các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch phù hợp để đặt in mới hóa đơn để sử dụng.
(Theo www.dddn.com.vn)
No comments:
Post a Comment