Sai phạm trong công tác kiểm toán:
UBCK bảo có, CTKT nói không!
UBCK vừa công bố danh sách công ty kiểm toán (CTKT) và kiểm toán viên (KTV) không được chấp thuận và được chấp thuận đợt 2 năm 2011. Mặc dù cơ quan quản lý đã rất cân nhắc nhưng đến khi công bố, nhiều KTV và CTKT vẫn không đồng thuận.
Nguyên Thành
Sai phạm và xử lý
Theo danh sách vừa được UBCK công bố, có 8 KTV và Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) không được chấp thuận trong năm 2011.
Theo UBCK, CPA Hà Nội đã có sai phạm trong kết quả kiểm toán BCTC năm 2008, 9 tháng đầu năm 2009 của CTCP NXK Khoáng sản Hà Nam, thông báo của UBCK không nêu rõ CPA Hà Nội sai phạm như thế nào. Còn với BCTC năm 2009 của CTCP Vận tải Biển Bắc (NOSCO) là không có ý kiến ngoại trừ số dư đầu kỳ của chỉ tiêu "Chi phí trả trước dài hạn" trong khoản lỗ 88 tỷ đồng về chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại của các khoản vay, nợ dài hạn có gốc ngoại tệ cuối năm 2008, không tuân thủ đúng quy định của Chuẩn mực số 10 - Ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Đối với kiểm toán viên của Công ty TNHH Dịch vụ Kiểm toán, Kế toán và Tư vấn thuế AAT, việc bị loại khỏi danh sách là do có thiếu sót không yêu cầu đơn vị kiểm toán thuyết minh đầy đủ trên BCTC hợp nhất năm 2009 giao dịch với các bên liên quan theo quy định của chuẩn mực kế toán 26 "các bên liên quan".
KTV Nguyễn Chánh Thành không được chấp thuận do sai phạm trong kết quả BCTC hợp nhất năm 2008 và 2009 của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành do Công ty TNHH Kiểm toán DTL thực hiện.
Bất đồng
"Không thể nói đó là sai phạm, bởi đó chỉ là cách hiểu và cách làm khác nhau của DN theo hai văn bản hướng dẫn của cùng một cơ quan là Bộ Tài chính", đại diện CPA Hà Nội bức xúc nói với ĐTCK khi được hỏi về BCTC kiểm toán của NOSCO. Liên quan đến vấn đề trích lập chênh lệch tỷ giá cho khoản vay có nguồn gốc ngoại tệ, hiện tại có hai văn bản hướng dẫn. Theo Chuẩn mực kiểm toán số 10, DN phải trích lập chênh lệch tỷ giá cho toàn bộ khoản vay dài hạn trong 1 năm. Tuy nhiên, theo Thông tư 201/2009/TT-BTC thì DN có thể trích lập trong vòng 5 năm. Năm 2009, nếu thực hiện trích lập dự phòng theo Chuẩn mực số 10 thì NOSCO bị lỗ, trong khi Công ty thực hiện theo Thông tư 201 lại có lãi. UBCK đã bắt lỗi CPA Hà Nội "không ngoại trừ lỗ về chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối năm" khi kiểm toán NOSCO. Mặt khác, trong phần lưu ý với người đọc, CPA Hà Nội nêu rõ, theo quy định tại Thông tư số 201/2009/TT-BTC về xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá của các khoản vay dài hạn mua tàu biển và đưa vào chi phí trong năm với mức tối thiểu bằng chênh lệch tỷ giá của số dư ngoại tệ dài hạn phải trả trong năm. Số chênh lệch tỷ giá còn lại đang được theo dõi và tiếp tục phân bổ vào chi phí cho các năm tiếp theo là hơn 208,744 tỷ đồng. Liên quan đến kiểm toán BCTC của CTCP NXK Khoáng sản Hà Nội, CPA Hà Nội cho rằng, đó chỉ là lỗi nhỏ và đã được kịp thời khắc phục.
Trên đây chỉ là một trong nhiều phản ứng của các CTKT liên quan đến quyết định không công nhận tư cách chấp thuận của UBCK đối với CTKT và KTV năm 2011. Trên thực tế, chưa có năm nào UBCK nêu ra nhiều sai sót trong BCTC kiểm toán như năm qua. Ông Bùi Văn Mai, Tổng Thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, nguyên nhân của các sai sót là do quy định mang tính chuẩn mực hiện nay lại... thiếu tính chuẩn mực, nên vẫn có những cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề. Khi các CTKT yêu cầu được cơ quan chức năng giải đáp đôi khi lại không được trả lời một cách kịp thời. Điều quan trọng hơn là số lượng CTKT được chấp thuận hiện nay khá ít, trong khi công ty niêm yết và đối tượng phải thực hiện kiểm toán chấp thuận lại tăng lên nhiều. Do đó, các CTKT không có nhiều thời gian, nhân lực để kiểm soát nên có sai sót là điều dễ hiểu.
Nói về quyết định xử lý của cơ quan quản lý, ông Mai cho rằng, cần thành lập một hội đồng thẩm định, đánh giá các sai phạm của CTKT, sau đó mới đưa ra mức xử phạt. Cách làm như hiện tại dễ gây nên sự không đồng thuận của CTKT. Theo ông Mai, hiện UBCK căn cứ vào Quyết định 89/2007/QĐ-BTC về lựa chọn CTKT được chấp thuận để xử lý là chưa đầy đủ, vì hiện tại chưa có quy định cụ thể CTKT, KTV sai như thế nào thì bị xử lý đến đâu. "Cần đánh giá chính xác những sai phạm của CTKT, vi nó không chỉ liên quan đến bản thân các CTKT mà còn là hậu quả gây nên với NĐT. Do đó, cần một hội đồng để thẩm định", ông Mai nói.
*BBT: Được biết CPA Hà Nội đang gửi công văn đề nghị UBCK Nhà nước xem xét lại quyết định trên, nhất là việc không chấp nhận công ty đủ điều kiện kiểm toán được chấp thuận là ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng, nhà đầu tư và toàn thể công ty kiểm toán.
(Theo ĐTCK)Trích nguồn: www.vacpa.org.vn
No comments:
Post a Comment