Tuesday, 11 January 2011

Nhanh chóng sửa đổi thuế TNCN


Thông tin Bộ Tài chính lấy ý kiến để sửa đổi một số điểm của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho phù hợp với thực tế được nhiều người ủng hộ.

Giãn khung thuế

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trước kia, cơ quan soạn thảo cũng có tính tới việc trượt giá, tăng lương. Tuy nhiên, với mức độ trượt giá như hiện nay, nếu muốn giảm thuế để khoan sức dân, giảm gánh nặng cho người nộp thuế, tăng tích lũy tái tạo nguồn thu, có thể tính tới 2 cách. Đó là giảm mức thuế suất hiện hành hoặc giãn khung nộp thuế. Theo bà Cúc, cách tối ưu hơn là nên mở rộng khung, vì đây cũng là một hình thức giảm thuế.

Cụ thể, thay vì quy định mức 5 triệu đến 10 triệu phải chịu thuế suất 10%, thì sửa 5 đến 20 triệu thu thuế 10%, hoặc 5 đến 30 triệu thuế 5%, cứ như vậy tăng mức lũy tiến theo từng bậc. Nếu sửa như vậy thì tỷ trọng nộp thuế trên thu nhập thực tế của người phải nộp sẽ thấp hơn nhiều so với khung cũ.

Đây là phương án tối ưu quan trọng nên được tính đến khi sửa luật. Phương án này tốt hơn so với việc điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế, vì nếu cứ mỗi lần lạm phát lại một lần điều chỉnh mức khởi điểm thì sẽ làm mất đi tính chất của Luật Thuế TNCN là mở rộng đối tượng nộp thuế. Ngoài ra, những người có thu nhập cao, ví dụ 2 tỉ đồng vẫn sẽ phải chịu mức điều tiết 35%, cao hơn thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có 25%.

Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật TNHH Minh Đăng Quang đề nghị sửa đổi mức chiết trừ gia cảnh đối với người nộp thuế thay vì 4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì sửa là 10 tháng lương tối thiểu/tháng (120 tháng lương tối thiểu/năm) và đối với người phụ thuộc là 4 tháng lương tối thiểu/tháng thay vì 1,6 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập căn cứ xác định người phụ thuộc được áp dụng giảm trừ là mức thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 2 tháng lương tối thiểu.

Không nên quy định con số tuyệt đối

Ông Mai Thanh Tòng - Phó chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam kiến nghị 4 triệu đồng/tháng cho người chịu thuế và 1,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc hiện nay là quá lạc hậu. Theo ông không nên quy định cụ thể mức chiết trừ gia cảnh là bao nhiêu mà Quốc hội giao cho Chính phủ quyết định mức này theo từng thời kỳ.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyển - Phó chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam kiến nghị: “Nếu đưa ra một con số tuyệt đối cho mức chiết trừ gia cảnh thì mức đó sẽ chạy không theo kịp so với trượt giá và mức tăng lương. Trước đây khi đưa ra mức chiết trừ 4 triệu đồng/tháng đối với người làm ra thu nhập, lương tối thiểu lúc đó khoảng 540.000 đồng. Như vậy mức chiết trừ cho người làm ra thu nhập khoảng 8 lần lương tối thiểu.

Năm 2011, lương tối thiểu được điều chỉnh từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng thì mức chiết trừ gia cảnh phải trên 6,5 triệu đồng/tháng trở lên. Theo tôi, luật có thể quy định mức chiết trừ gia cảnh 8 - 10 lần lương tối thiểu. Sự thay đổi này không những làm người nộp thuế thấy thoải mái mà cả người thi hành công vụ cũng không bị kêu ca nhiều”.

Ngoài ra bà Tuyển còn cho rằng, khoảng cách giữa các bậc chịu thuế TNCN hiện nay quá dày, chỉ vài triệu đồng là đã rơi vào bậc thuế khác. Người Việt Nam còn chịu không nổi huống hồ là người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Thu nhập của người nước ngoài tính theo USD, vài ngàn USD là đã chịu bậc thuế cao, trong khi luật thuế của mình cho chiết trừ quá thấp thì sẽ khó thu hút được người nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

Không chỉ “nắm người có tóc”

Một vấn đề khác ông Tòng kiến nghị trong đợt thay đổi Luật Thuế TNCN sắp tới đó là luật phải chi phối được hết tất cả các nguồn thu nhập của người dân. Hiện nay luật chỉ mới “nắm được người có tóc” là công nhân viên chức làm việc trong các cơ quan, còn những người hành nghề tự do chẳng hạn như ca sĩ, bác sĩ... thì vẫn rất khó biết được thu nhập thật sự bao nhiêu để tính thuế TNCN.

Hơn nữa luật hiện nay còn chưa xét trừ các chi phí cá nhân như thuê người giúp việc nhà, trả lãi vay ngân hàng khi mua nhà... Trong khi đó tại Mỹ, Canada... chi phí cá nhân được trừ theo mức khoán và mức này được thay đổi hằng năm để phù hợp với thực tế. Theo một cán bộ thuế cao cấp thuộc Tổng cục Thuế, khi chi phí tạo ra TNCN được trừ trước khi xác định thu nhập chịu thuế sẽ tạo ra công bằng hơn cho người nộp thuế, khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn để được chiết trừ chi phí tính thuế TNCN. Đồng thời quy định trừ chi phí cho cá nhân sẽ thống nhất với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hơn.

Cán bộ thuế này cũng công nhận điều kiện mức thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng mới xem là người phụ thuộc thì quá thấp cần phải xem xét lại. Người lao động làm ra thu nhập mỗi tháng 1 triệu đồng đã khó có thể tự sống trong thời buổi hiện nay, nhất là tại các TP.

Đối với biểu thuế lũy tiến từng phần theo ý kiến của luật sư Trần Xoa nên sửa đổi như sau:

Hiện nay phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Đề nghị phần thu nhập tính thuế/tháng (tháng lương tối thiểu chung)

Đến 5 5%


Trên 5 đến 10 10%

Đến 30 10%

Trên 10 đến 18 15%


Trên 18 đến 32 20%

Trên 30 đến 60 20%

Trên 32 đến 52 25%


Trên 52 đến 80 30%

Trên 60 30%

Trên 80 35%


(Theo Tinnhanhchungkhoan)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts