Tuesday, 12 October 2010

Tiến sĩ ‘Quất Mạnh Vào’

Nổi tiếng nhờ những nhận định, tư vấn sắc sảo về diễn biến giá cổ phiếu, Quách Mạnh Hào – Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long cũng nổi danh không kém với biệt hiệu “Quất Mạnh Vào”.

Cuối năm 2006, sau khi nhận bằng Tiến sĩ ngành tài chính Đại học Birmingham, Quách Mạnh Hào trở về trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tiếp tục công việc giảng dạy. Muốn tích lũy thêm các kiến thức thực tiễn về thị trường tài chính phục vụ việc dạy học, Hào tìm kiếm một công việc làm bán thời gian tại một công ty chứng khoán.

Lúc đó, một người bạn thời đại học của Hào (Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long hiện nay), mời anh về phụ trách bộ phận phân tích. Hào về để xây dựng bộ phận nghiên cứu độc lập phục vụ khách hàng chứ không phải là các sản phẩm phân tích để phục vụ đầu tư của công ty chứng khoán.

Biệt danh
Biệt danh "Quất Mạnh Vào" có thể được hiểu theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Ảnh: Nhật Minh

Vào thời điểm đó, rất ít lãnh đạo công ty chứng khoán quan tâm đến việc phát triển một bộ phận nghiên cứu, phân tích độc lập mà chủ yếu tập trung đi tìm cơ hội đầu tư. Năm 2006, giá các cổ phiếu đều tăng phi mã nên những nhận định, phân tích về tình hình thị trường không có nhiều ý nghĩa. Ngay cả việc đánh giá tiềm năng của các cổ phiếu cũng ít được coi trọng. Cũng vì thế, Hào rất vui vì công việc nhưng đồng thời cảm thấy sức ép vì sợ rằng các sản phẩm mà mình làm ra sẽ không có ai quan tâm.

Hơn một năm đầu tiên làm việc, Hào cùng các đồng nghiệp xây dựng quy trình nghiên cứu, phân tích nhận định về kinh tế, thị trường cũng như các cơ hội đầu tư. Ngày đó, phong trào đấu giá cổ phiếu, IPO đang rất phổ biến, Hào cùng các đồng sự của mình đã nghiên cứu và ứng dụng thành công các chiến lược bỏ giá đấu thấp nhất. Chuyên gia chứng khoán này cũng nhận thấy vai trò của yếu tố tâm lý nên đã khởi xướng hướng tiếp cận thị trường dựa trên phân tích kỹ thuật và tài chính hành vi.

Hồi đó, Hào vẫn tiếp tục công việc giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Vì thế công việc tại công ty chứng khoán bị gián đoạn khá nhiều bởi anh phải sang Mỹ phần lớn thời gian làm nghiên cứu với vai trò là học giả Fulbright tại Đại học Harvard.

Vị giảng viên, kiêm chuyên viên nghiên cứu chứng khoán tâm sự: “Thú thực là ban đầu tôi chỉ muốn làm thêm để có thêm kiến thức phục vụ giảng dạy. Sinh viên thường thiếu kiến thức thực tế, nếu giảng viên cũng không có nốt thì bài giảng sẽ trở nên khô cứng và thiếu thuyết phục”.

Thế nhưng, càng làm việc lâu, Hào càng nhận thấy sự cách biệt quá lớn giữa những bài giảng ở trường và điều thực tế đang diễn ra. Thế rồi, anh quyết định ngừng công việc giảng dạy để tập trung cho công tác nghiên cứu, phân tích tại công ty chứng khoán. Cùng với đó, Hào được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc.

"Quất Mạnh Vào" là biệt danh nhái theo tên Quách Mạnh Hào. Ảnh minh họa: Nhật Minh

Khoảng đầu quý 2/2009, Hào khá nổi tiếng trong giới chứng khoán bởi nhiều báo cáo phân tích về thị trường chứng khoán với những tư vấn sắc sảo về diễn biến giá cổ phiếu. Đặc biệt, Hào liên tục đưa ra các tư vấn mua mạnh cổ phiếu trong khi ít chuyên gia chứng khoán đưa ra khuyến nghị tương tự vào thời điểm đó. Không ít nhà đầu tư đã hành động theo những nhận định của Hào và đã thành công.

Biệt danh “Quất Mạnh Vào” (mua cật lực vào – nhái nương theo tên của Hào) được các nhà đầu tư đặt cho chuyên gia chứng khoán này cũng kể từ đó.

Cuối năm 2009 khi Vn-Index lao dốc xuống dưới 500 điểm, trong một số báo cáo phân tích, Hào lại khuyến nghị nên mua vào cho đến giữa tháng 12 và cho rằng đây là một cơ hội đầu tư tốt. Thế nhưng, không giống như lần “Quất Mạnh Vào” trước đó, những nhà đầu tư mua bán ngắn hạn theo khuyến nghị của Hào phải trải qua những đêm mất ngủ vì thị trường vẫn giảm giá mạnh.

Chuyển sang làm kinh doanh nhưng cựu giảng viên của Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng mình vẫn đang làm nghiên cứu khoa học. Hào cho biết: “Trước đây, tôi giảng và đưa ra các kết quả nghiên cứu, phân tích trên lớp nếu có sai cũng ít khi bị phản ứng và chủ yếu theo một chiều. Cũng vì thế, việc sửa sai và rút kinh nghiệm diễn ra rất chậm”.

Còn khi làm việc tại công ty chứng khoán, kết quả phân tích, nghiên cứu của Hào được kiểm chứng ngay trong thực tế ngày hôm sau và phản hồi cũng rất dữ dội. Và biệt danh “Quất Mạnh Vào” thường được hiểu theo 2 nghĩa khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực. “Nếu sản phẩm của mình làm ra không ai quan tâm, không ai đọc và phản biện mới là điều đáng buồn. Còn việc có ý kiến trái chiều là chuyện hết sức bình thường của khoa học cũng như thực tiễn”, Hào nói.

Chuyên gia chứng khoán này bộc bạch làm khoa học cũng như kinh doanh thì phải tạo ra điều khác biệt, nếu không mình sẽ chẳng là gì cả. Cũng vì thế, khi quyết định làm một việc gì đó thì chỉ cần có 3 trên 10 người ủng hộ là anh quyết định làm. "Đợi đến khi 100% đồng ý thì chắc chắn sẽ thất bại", Hào nói.

Hào tâm sự anh là người may mắn khi chuyển sang kinh doanh nhưng vẫn gắn bó với công việc nghiên cứu, phân tích mà mình say mê. “Với một người làm nghiên cứu và dạy học, niềm vui lớn nhất là có thể chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm của mình cùng mọi người và có thể giúp họ điều gì đó”, anh nói.

Đây cũng là lý do chính khiến Hào lại tiếp tục công việc giảng dạy của mình tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội với tư cách giảng viên không thường xuyên. Anh đảm nhận giảng khóa học Nguyên lý đầu tư theo chương trình liên kết với một trường Đại học bang California (Mỹ) cho lớp cử nhân tiên tiến của trường, đồng thời tham gia giảng dạy khóa ngắn ở nhiều trường đại học khác như Hanoi Business School, Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại… Thậm chí, Hào vẫn dành nhiều thời gian tham gia nói chuyện tại các câu lạc bộ chứng khoán của sinh viên.

Hào tâm sự: “Tôi luôn nghĩ mình là một người làm nghiên cứu chứ không phải là dân kinh doanh và vẫn yêu thích việc dạy học. Cũng vì thế, tôi có niềm vui đặc biệt khi được chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức mình học được trong thực tế hằng ngày với các bạn sinh viên”.


(Theo Vnexpress)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts