Thursday, 28 October 2010

Thắc mắc thực nợ của Vinashin

Từ lúc Vinashin đi vào hoạt động (2006) đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã hai lần xây dựng kế hoạch kiểm toán đối với tập đoàn này.

Vinashin vẫn là cái tên dành được sự quan tâm đặc biệt của cả đại biểu Quốc hội và cử tri
“Việc tôi nói số nợ của Vinashin lên tới 120 nghìn tỷ đồng, chứ không chỉ là 86 nghìn tỷ đồng như báo cáo của Chính phủ là dựa vào nguồn tin đáng tin cậy”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, ông Lê Quang Bình, khẳng định bên hành lang Quốc hội hôm 27/10 vừa qua.

Con số mới về nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã được ông Bình nêu ra khi Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010. Tại đây, ông Bình cho biết sẽ đề nghị Chính phủ giải trình rõ ràng về sự chênh lệch số liệu này và khẳng định công khai trước Quốc hội.

Ngay sau đó, sự “chênh lệch” này đã được báo chí đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, song không nhận được câu trả lời.

“Đến nay, cũng chưa thấy có ai có ý kiến gì về con số tôi đã nêu, hôm vừa rồi tôi đi họp bên Chính phủ cũng chưa thấy có “phản ứng” gì”, ông Bình tiếp tục chia sẻ. “Nhiều đại biểu nói với tôi là đã viết sẵn bài phát biểu về Vinashin để nói ở hội trường, và sẽ yêu cầu trả lời về con số này”.

Đồng thời, ông khẳng định: “Tất nhiên, tôi đã nêu con số nào thì ít nhất cũng phải từ thông tin của một con người, tổ chức cụ thể nào đó đáng tin cậy, không tin cậy thì không bao giờ tôi nói. Tôi sẽ chất vấn nếu Chính phủ không chủ động giải trình”.

Vị chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng hy vọng sẽ nhận được câu trả lời tin cậy từ Chính phủ. Vì, sau kỳ họp thứ tám còn có buổi làm việc giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nữa.

Trao đổi thêm về quan ngại của nhiều ý kiến xung quanh việc quản lý, giám sát các tập đoàn kinh tế, ông Bình cũng cho rằng “với cơ chế như hiện nay, nếu không có sự thay đổi thì tôi nghĩ là khó mà chấn chỉnh”.

Vậy sẽ thay đổi như thế nào, theo ông Bình, cần quy định cho rõ bộ nào chịu trách nhiệm hay cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc gì. Như Tập đoàn Vinashin, nếu liên quan đến lĩnh vực vận tải thì ai chịu trách nhiệm, phải chăng Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm.

Rồi giá thuốc cũng thế, Bộ Y tế không chịu trách nhiệm, nói giá thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Nếu giữ như cơ chế hiện nay tức là duy trì các tập đoàn kinh tế Nhà nước, do Nhà nước quản lý, Nhà nước đầu tư thì cơ quan Nhà nước phải có người chịu trách nhiệm. Nhưng như bây giờ là của Nhà nước nhưng không có ai chịu trách nhiệm, trong khi tiền là tiền của dân, ông Bình phân tích.

Cũng liên quan đến câu hỏi về trách nhiệm nói chung và của Vinashin nói riêng, trao đổi với VnEconomy, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh nêu ý kiến của cử tri đề nghị Quốc hội phải làm rõ cả trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp.

“Điều khiến cả cử tri và đại biểu đều băn khoăn là vì sao thanh tra, kiểm toán nhiều (hơn 10 cuộc) mà không phát hiện được sai phạm gì. Có phải do năng lực yếu kém hay không mà không phát hiện được? Cho dù nội bộ báo cáo “láo” thì thanh tra, kiểm toán phải có nghiệp vụ để “lần” ra chứ? Vì thế cử tri cũng muốn “lật lại vấn đề này”, bà Mai nhấn mạnh.

Theo đại biểu Mai, mọi việc sai sót đều có quy trách nhiệm người đứng đầu, Luật Phòng chống tham nhũng cũng đã nêu rất rõ điều này nên cũng cần phải làm rõ chứ không thì cử tri còn thắc mắc, đại biểu cũng chưa yên tâm.

Không "nắm trong tay" những "chứng cứ" để có thể khẳng định mạnh mẽ hơn những vấn đề thuộc về trách nhiệm như đại biểu Mai đã nói, song một số đại biểu cũng chia sẻ với nhận định tại báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 của Ủy ban Tư pháp.

Đó là, Vinashin qua 11 lần thanh tra, kiểm toán, những sai phạm như đầu tư dàn trải tràn lan trên nhiều lĩnh vực không liên quan đến chức năng của tập đoàn, kém hiệu quả, thua lỗ nặng nề; tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản, sản xuất kinh doanh đình trệ, tình hình nội bộ diễn biến phức tạp; 1,7 vạn công nhân bỏ và chuyển việc, 5.000 công nhân mất việc làm, nợ lương, mà chính phủ và các cơ quan chức năng không biết, không ai chịu trách nhiệm.

"Qua đó, xã hội và cử tri rất bức xúc, cho rằng có sự bao che cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản của Nhà nước", báo cáo viết.

Trao đổi với VnEconomy, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cũng băn khoăn về một số vấn đề mà báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ, trong đó có việc mười mấy lần thanh tra kiểm toán mà không phát hiện được sai phạm.

Ông Hùng đặt câu hỏi, báo cáo nhận xét người đứng đầu Vinashin "độc đoán, gia trưởng", vậy tại sao không chấn chỉnh sự độc đoán này, và cho rằng, nếu Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin hơn thì cử tri cũng sẽ bớt băn khoăn.

Nhiều vị đại biểu khác cũng có cùng quan tâm với những câu hỏi tương tự đại biểu Mai và đại biểu Hùng về Vinashin. Nhất là, sự giải thích của chính những người đứng đầu ngành thanh tra và kiểm toán còn có đôi phần khó hiểu.

Trả lời báo chí ngay từ đầu kỳ họp, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết “riêng Thanh tra Chính phủ cũng đã đề xuất tới hai, ba lần đưa vào kế hoạch để thanh tra toàn diện Vinashin vì thấy có nhiều điểm không ổn. Nhưng đáng tiếc là để tránh chồng chéo thì cứ có kiểm toán thì thôi thanh tra, cứ “tránh nhau” như thế, nên có nhiều việc đã chậm.

Trả lời chất vấn (bằng văn bản) của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Vũ Quang Hải trước khi khai mạc kỳ họp, Tổng kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ cho biết: cơ quan này từng nhiều lần lên kế hoạch kiểm toán Vinashin, ngay từ khi Vinashin còn chưa nâng cấp lên tập đoàn, nhưng rồi đều bị tạm dừng kế hoạch để tránh trùng lặp với Thanh tra Chính phủ.

Từ lúc Vinashin đi vào hoạt động (2006) đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã hai lần xây dựng kế hoạch kiểm toán đối với tập đoàn này. Năm 2008 cũng đã lên kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính của tập đoàn, nhưng do Thanh tra Chính phủ đã đưa Vinashin vào kế hoạch thanh tra năm 2009 - nhưng rồi lại hoãn - nên theo quy chế phối hợp và để tránh trùng lặp, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra ngoài kế hoạch và lùi sang năm 2010.

Tuy nhiên, kế hoạch này lại tiếp tục bị trì hoãn bởi không được phê duyệt. Khi gửi cho Thanh tra Chính phủ, thì ý kiến của cơ quan này là: "Thanh tra Chính phủ thấy có sự trùng lặp về một số lĩnh vực và đối tượng kiểm toán".

Hiện nay, theo Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Vinashin đang được thanh tra toàn diện và cơ quan thanh tra cũng đã phát hiện nhiều vấn đề cụ thể hơn so với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Và, trong khi chờ những "vấn đề cụ thể đó", thì đại biểu vẫn băn khoăn về những con số thực, và cử tri vẫn chờ câu trả lời thỏa đáng hơn về trách nhiệm.

(Theo Vneconomy)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts