Thursday, 21 October 2010

Dự Luật kiểm toán độc lập: Nhiều điểm còn khúc mắc

Xem hình

Việc soạn thảo và ban hành Luật kiểm toán độc lập đầu tiên ở VN tuy ra đời chậm so với các luật về dịch vụ tài chính khác nhưng rất cần cho hoạt động kiểm toán nói chung và hành nghề kiểm tóan nói riêng. Tuy nhiên, luật vẫn còn một số điểm cần thay đổi để phù hợp hơn với các văn bản pháp luật khác.

Về loại hình DN kiểm toán, ngoài Cty TNHH từ hai thành viên trở lên, Cty hợp danh, dự luật đã cho phép DN tư nhân thì cũng cần bổ sung thêm lọai hình Cty TNHH một thành viên. Ngoài ra, cũng cần bổ sung loại hình hành nghề cá nhân, tương tự như hành nghề luật sư với tư cách cá nhân hoạt động theo loại hình hộ kinh doanh cá thể ngoài loại hình Cty luật TNHH một thành viên.



Về số lượng kiểm toán viên (KTV) tối thiểu phải có khi đăng ký dịch vụ kiểm toán nên quy định tối thiểu là 1 KTV cho phù hợp với loại hình kinh doanh nói trên và thông lệ quốc tế. Việc dự thảo đưa ra điều kiện phải có 5 KTV là không phù hợp với quy mô thực tế hiện nay của các Cty kiểm toán và điều này không chỉ gây tốn kém thêm chi phí cho Cty kiểm toán mà còn làm cho rất nhiều Cty phải ngừng hoạt động vì không dễ dàng tuyển dụng và duy trì bộ máy lớn như vậy trong khi nhu cầu sử dụng dịch vụ kiểm toán chưa có dấu hiệu gia tăng. Mặt khác, quy định DN kiểm toán phải có quy mô lớn mới hoạt động được không chỉ trái với quy định của Nhà nước khuyến khích phát triển các DN vừa và nhỏ mà còn trái với Điều 8 của Luật DN “Quyền của DN: chủ động mở rộng quy mô” và Điều 21 của Hiến pháp quy định “kinh tế tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập DN, không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh”.

Dự thảo quy định điều kiện thành lập bắt buộc phải là hội viên của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán không những không phù hợp với quy định về tổ chức và hoạt động hội (Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định hội là tổ chức tự nguyện của công dân) mà còn không phù hợp với quy định hiện hành về kiểm toán độc lập (Điều 7 của Nghị định 105/2004/NĐ-CP) vì tham gia các tổ chức nghề nghiệp là “quyền” của KTV cũng như quyền tham gia các tổ chức nghề nghiệp của người hành nghề kế toán được quy định trong Luật Kế toán. Hơn nữa, việc quy định bắt buộc sẽ biến tính chất xã hội nghề nghiệp của một hội nghề nghiệp kiểm toán duy nhất hiện nay thành tổ chức hành chánh nhà nước hóa dẫn đến quan liêu vì sự độc quyền.

Dự thảo quy định tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính là không phù hợp với quy định hiện hành, vì Bộ không được quy định về điều kiện kinh doanh (điều 7 của Luật DN). Do vậy, cần quy định cụ thể trong luật về số giờ tối thiểu (120 giờ, gồm 50% giờ bắt buộc và 50% giờ tự học cập nhật kiến thức trong 3 năm của mỗi KTV kể từ ngày KTV đăng ký hành nghề; nội dung chính của chương trình cập nhật; các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán ở trong nước hoặc các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính thừa nhận và các trường đại học chuyên ngành được Bộ Tài chính chấp nhận để tạo sự linh họat cho KTV lựa chọn giờ, nơi tham dự, thời điểm đăng ký hành nghề.

Về quy định KTV và DN kiểm toán thực hiện đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì, ngoài việc Bộ không được quy định về điều kiện kinh doanh như nói ở trên, thì việc quy định lại việc đăng ký hành nghề kiểm toán hàng năm là đi ngược lại với Nghị định 30/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký hành nghề kiểm toán trong các tổ chức kiểm toán độc lập. Do vậy, cũng không duy trì cơ chế xin cho “KTV có tên trong thông báo danh sách DN kiểm toán đủ điều kiện hành nghề của Bộ Tài chính” hàng năm mà nên quy định ngược lại là Bộ Tài chính thường xuyên thông báo danh sách KTV không đủ điều kiện hành nghề.

Hi vọng, Luật kiểm toán độc lập của VN sớm được thông qua.

Phạm Thế Vinh

Kiểm toán viên Cty Tư vấn Luật và

Kiểm toán Hoàng Gia-SCCT

(Theo dddn.com.vn)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts