Thursday 21 October 2010

Nhà nước - Doanh nghiệp và người hành nghề cùng hưởng lợi

Nhà nước - Doanh nghiệp và

người hành nghề cùng hưởng lợi

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL) dự kiến sẽ đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày 20/10/2010 tại Hà Nội. Theo chương trình làm luật của Quốc hội, luật này sẽ được thông qua vào năm 2011, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Luật KTĐL ra đời là một đòi hỏi cần thiết và cấp bách của nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập nhanh và sâu rộng với khu vực và thế giới.

Thu Hằng

Gia tăng tính minh bạch cho hoạt động kinh tế

Đ

ánh giá về vai trò của Luật KTĐL trong giai đoạn hiện nay, các chuyên gia cho rằng, việc ban hành Luật KTĐL là cần thiết và cấp bách. Cần thiết vì sau 19 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, KTĐL đã có sự phát triển nhất định về số lượng, quy mô, năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ. Song, nhìn thẳng vào sự thật có thể thấy KTĐL đã và đang bộc lộ những hạn chế lớn.

Những hạn chế đó là: quy mô của thị trường KTĐL còn nhỏ, số lượng kiểm toán viên còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; chất lượng đội ngũ kiểm toán viên và chất lượng dịch vụ kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp quản lý nhà nước với tổ chức nghề nghiệp kiểm toán viên hành nghề chưa phát huy kết quả thiết thực; tình trạng vi phạm đạo đức hành nghề còn xảy ra không ít...

Là cấp bách bởi vì, 18 năm qua, trong khi rất nhiều lĩnh vực đã được điều chỉnh bằng luật như doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh bất động sản, kế toán, chứng khoán... thì hoạt động KTĐL vẫn chỉ được điều chỉnh bằng nghị định của Chính phủ. Điều đó tạo ra sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của KTĐL trong kinh tế thị trường.

Hơn nữa, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều lần nhưng nghị định về KTĐL vẫn chưa toàn diện, chẳng hạn, nghị định chưa quy định đầy đủ các nội dung cần thiết để tăng cường chất lượng dịch vụ KTĐL; quy định chưa rõ về nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán khi gây ra thiệt hại cho khách hàng và công chúng; chưa có quy định đầy đủ và chặt chẽ đối với KTĐL có yếu tố nước ngoài; đối tượng phải thực hiện kiểm toán bắt buộc còn quá hẹp...

Chính vì thế, Luật KTĐL sẽ quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, điều kiện hành nghề kiểm toán... quy định về các nguyên tắc kiểm toán, nội dung kiểm tón, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán, của kiểm toán viên hành nghề và các điều bị nghiêm cấm, hạn chế để đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ và tính độc lập của ngành nghề này. Những nội dung này là hết sức cần thiết, nhằm điều chỉnh các hành vi của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên trong suốt quá trình hoạt động. Đó cũng là tiêu chí, điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước giám sát chất lượng đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý. Mặt khác hoạt động kiểm toán có phạm vi ảnh hưởng khá rộng, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước sử dụng báo cáo kiểm toán mà còn các tổ chức, doanh nghiệp và công chúng đầu tư.

Xác lập vị trí pháp lý tương đồng với quốc tế

N

hận xét về dự thảo Luật KTĐL, ông Bùi Văn Mai – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho rằng, Ban soạn thảo Luật Kiểm toán độc lập, đặc biệt là Bộ Tài chính đã có sự chuẩn bị rất công phu và đầy đủ trong mấy năm qua cho Dự án Luật Kiểm toán độc lập. Bộ Tài chính đã sưu tầm và dịch được 18 Luật và quy định về kiểm toán độc lập của các nước, đã tổ chức tổng kết kinh nghiệm 18 năm hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam; mời nhiều chuyên gia nước ngoài cung cấp thông tin quốc tế và tham gia ý kiến vào dự thảo… Những việc đã làm là rất thuận lợi cho quá trình hoàn chỉnh dự thảo Luật để trình Quốc hội. Dự thảo Luật đã khá ngắn gọn, thể hiện rất rõ quan điểm của Ban soạn thảo.

Cùng chung quan điểm này, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Dự án Luật Kiểm toán độc lập được Bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực tế sau 19 năm hoạt động kiểm toán, kế thừa những quy định còn phù hợp trong các văn bản pháp luật hiện hành, bổ sung những quy định cần thiết để đảm bảo cho hoạt động kiểm toán độc lập vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa phù hợp với xu hướng phát triển hoạt động kiểm toán độc trong tương lai.

Bộ Tài chính xác định, quan điểm chỉ đạo và nguyên tắc xây dựng Luật KTĐL phải đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, pháp luật về Hội. Đồng thời giải quyết các vấn đề đặt ra mà các luật này chưa quy định hoặc quy định chưa phù hợp với hoạt động kiểm toán độc lập như: đối tượng kiểm toán bắt buộc, tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề, vị trí, vai trò của hội nghề nghiệp, quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập…

Có thể thấy, việc ban hành Luật KTĐL sẽ nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp kiểm toán, cấp chứng chỉ kiểm toán viên và các biện pháp nhằm nâng cao năng lực giám sát, cưỡng chế thực thi, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán. Hơn thế nữa, hiện nay trong cam kết quốc tế (WHO, ASEAN…), lĩnh vực dịch vụ kiểm toán đã mở cửa không hạn chế, theo đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ kiểm toán của quốc tế, các kiểm toán viên Việt Nam cũng có cơ hội cung cấp dịch vụ ra bên ngoài./.

Theo TBTC

No comments:

Post a Comment

Popular Posts