Sunday, 3 October 2010

Tỷ giá: điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam


Với tỷ giá như hiện nay hàng hóa của Việt Nam gần như không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là các loại nguyên vật liệu phụ trợ gần như không có cửa để phát triển.

Có rất nhiều điều đáng bàn khi nhìn lại bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2010 và dự báo cho năm 2011. Tuy nhiên, dựa vào sự mất cân đối trầm trọng của cán cân ngoại thương cứ dai dẳng trong mấy năm qua thì có thể nói rằng tiền đồng Việt Nam đang bị định giá quá cao, nhất là so với đồng nhân dân tệ (RMB), chính là điểm yếu của kinh tế Việt Nam. Chính đồng tiền đang bị định giá quá cao làm cho hàng hóa của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa Trung Quốc cho dù ngay trên sân nhà của mình.

Nhiều người có thể cho rằng phần lớn các nguyên vật liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc là do Việt Nam chưa có các ngành công nghiệp phụ trợ trong khi Trung Quốc đang có nhiều lợi thế với các ngành như vậy.

Điều này có thể chấp nhận đối với một số ngành mà Trung Quốc có lợi thế như phôi thép, một số loại điện máy... Nhưng làm sao có thể biện minh cho việc nhiều loại hàng hóa thông thường như tăm tre hay miếng rửa bát của Trung Quốc đang tràn ngập trên thị trường Việt Nam nếu dựa vào lập luận nêu trên.

Chính việc phải đi nhập khẩu từng cây tăm đã làm cho nhập siêu từ Trung Quốc chiếm đến 90% nhập siêu của cả nước. Yếu tố giải thích khả dĩ nhất chính là tỷ giá đồng tiền.

Có nhiều ước lượng khác nhau về mức độ định giá thấp hơn giá trị thực của đồng nhân dân tệ và mức độ tiền đồng cao giá so với đồng đô la Mỹ. Nếu dựa vào số liệu từ bài viết của TS. Võ Đại Lược và TS. Lê Xuân Nghĩa trình bày tại hội thảo “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng: Kinh tế Việt Nam năm 2010, triển vọng năm 2011” sẽ thấy đồng nhân dân tệ đang được định giá thấp hơn so với đồng đô la Mỹ 30% trong khi tiền đồng đang bị định giá cao hơn 15% so với đồng đô la. Hai kịch bản tỷ giá được trình bày trong bảng 1.

Hiện nay tỷ giá USD/VND là 19.500, tỷ giá USD/RMB là 6,93 và tỷ giá RMB/VND là 2.815. Giả sử chi phí sản xuất một hộp tăm tại Trung Quốc (bao gồm cả lãi định mức và chi phí vận chuyển) là 1RMB. Để có được mức lời định mức nêu trên, giá bán một hộp tăm Trung Quốc ở thị trường Việt Nam chỉ cần ở mức 2.815 đồng.

Nếu chi phí sản xuất một hộp tăm ở Việt Nam là 4.000 đồng thì chắc chắn tăm Việt Nam không thể cạnh tranh được với tăm Trung Quốc vì nếu bán ở Việt Nam thì giá phải là 4.000 đồng và bán ở Trung Quốc phải là 1,42 RMB.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tỷ giá các đồng tiền được định đúng giá trị của nó? Lúc này, tỷ giá USD/VND sẽ là 22.425, tỷ giá USD/RMB sẽ là 4,85 và tỷ giá RMB/VND sẽ là 4.625. Do chi phí một hộp tăm ở Trung Quốc vẫn là 1RMB nên để có được mức lời định mức, giá bán một hộp tăm Trung Quốc ở Việt Nam phải lên đến 4.625 đồng.

Khi đó tăm Việt Nam không những không bị thất thế trên thị trường trong nước như hiện nay mà còn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc vì chỉ cần bán được 4.000 đồng trên thị trường Việt Nam hay 0,87RMB là đã đạt được lợi nhuận định mức.

Phân tích trên cho thấy, việc đồng tiền Việt Nam đang bị định giá cao hơn trên 60% so với đồng nhân dân tệ giống như hàng hóa sản xuất ở Việt Nam bị đánh thuế hơn 60% so với hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc.

Hành động hợp lý của các doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu các nguyên vật liệu phụ trợ mà còn nhập khẩu cả tăm tre, sản phần gần như không có sự khác biệt về công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, thậm chí nếu không tính đến yếu tố tỷ giá bị bóp méo thì chi phí sản xuất ở Việt Nam còn thấp hơn.

Với tỷ giá như hiện nay hàng hóa của Việt Nam gần như không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là các loại nguyên vật liệu phụ trợ gần như không có cửa để phát triển.

Giải pháp có tính mấu chốt là cần phải đưa đồng tiền trong nước về đúng giá trị của nó so với đồng RMB càng sớm càng tốt. Đây là chìa khóa nhằm làm tăng sức cạnh tranh của các loại hàng hóa trong nước và cơ cấu lại nền kinh tế. Một trong những vấn đề làm nhiều người lo ngại là việc giảm giá đồng nội tệ sẽ gia tăng nợ. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm quốc gia thì đây là một quan niệm sai lầm. Vì giảm giá đồng tiền không chỉ không làm tăng nợ mà còn giúp cho khả năng trả nợ của Việt Nam được cải thiện.

Với khoản nợ nước ngoài khoảng 30 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 600.000 tỉ đồng hiện nay, nếu giả dụ, tỷ giá tăng lên 30.000 đồng/đô la Mỹ thì tổng nợ quy ra tiền đồng sẽ là 900.000 tỉ đồng, tăng 50%. Đây là con số mà nhiều người nhìn vào và lo ngại. Tuy nhiên, trên thực tế khoản nợ của Việt Nam vẫn là 30 tỉ đô la và Việt Nam phải kiếm đủ ngoại tệ để trả số nợ này chứ việc quy ra 600.000 hay 900.000 tỉ đồng không có ý nghĩa gì cả.

Đứng dưới góc độ này thì giảm giá đồng tiền sẽ giúp cải thiện khả năng trả nợ của Việt Nam vì xuất khẩu sẽ có lợi và nhập khẩu sẽ bất lợi làm có cán cân ngoại thương được cải thiện. Hơn thế, đối với doanh nghiệp như Vinashin, nếu lấy đóng tàu làm nòng cốt thì giảm giá tiền đồng cũng sẽ có lợi.

Cần phải khẳng định rằng đồng tiền được định giá thấp luôn có tác dụng tích cực cho xuất khẩu dù tỷ trọng nguyên liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu. Đây chính là lý do tại sao cả Nhật Bản và Trung Quốc bằng mọi giá giữ đồng tiền của mình ở một mức có lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Giả sử nợ bằng ngoại tệ của Vinashin là 2 tỉ đô la, tương đương với 40.000 tỉ đồng. Nếu tỷ giá tăng lên 30.000 đồng/đô la Mỹ, tổng nợ tính ra sẽ là 60.000 tỉ đồng, tăng 50%. Đây là một con số tạo ra cảm giác vô cùng khủng khiếp, nhưng trên thực tế Vinashin phải kiếm đủ 2 tỉ đô la để trả nợ chứ không phải là 40.000 hay 60.000 tỉ đồng.

Nếu hoạt động đóng tàu là nòng cốt thì doanh thu chính là từ đô la, do vậy khi đồng tiền trong nước giảm giá thì ngành đóng tàu sẽ có lợi. Vấn đề của Vinashin chỉ có thể nghiêm trọng hơn khi giảm giá đồng tiền nếu tiền vay ngoại tệ được đổ vào những hoạt động phi ngoại thương như bất động sản hay chứng khoán chẳng hạn.

Cần phải khẳng định rằng đồng tiền được định giá thấp luôn có tác dụng tích cực cho xuất khẩu dù tỷ trọng nguyên liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu. Đây chính là lý do tại sao cả Nhật Bản và Trung Quốc bằng mọi giá giữ đồng tiền của mình ở một mức có lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Tóm lại, chừng nào vấn đề tỷ giá chưa được giải quyết thì việc nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chỉ là ước muốn. Chỉ có điều chỉnh tỷ giá mới có thể giúp cân bằng ngoại thương. Nếu Việt Nam không chủ động thì khi dữ trữ ngoại hối còn ở mức quá thấp và vì một lý do nào đó mà dòng vốn đảo chiều thì việc phá giá bắt buộc và bị động sẽ gây ra những tổn hại rất lớn cho nền kinh tế.

Hơn thế, song song với việc điều chỉnh tỷ giá đồng tiền, việc cắt giảm chi tiêu công, nhất là những khoản đầu tư kém hiệu quả là một trong những yêu cầu bắt buộc vì mất cân đối bên ngoài rất khó giải quyết khi mà mất cân đối bên trong trầm trọng vẫn diễn ra. (Tham khảo thêm bài: “Xung đột leo thang quanh đồng nhân dân tệ”).

(Theo Thesaigontimes.vn)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts