Thursday 21 October 2010

Mekong Capital và câu chuyện tái cấu trúc

Xem hình

Cuộc ''thay máu'' nhân sự và tái cấu trúc trong Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital Việt Nam do Chris Freund, Giám đốc điều hành thực hiện đã trở thành một nghiên cứu thú vị về văn hóa công sở đối với Harvard, trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới. Chris Freund đã nói về những trăn trở hiện tại của ông.

Nhóm tác giả nghiên cứu Mekong Capital của Harvard đã dành hơn 8 tháng để tham quan, gặp gỡ, trao đổi, kết quả là họ giúp mọi người hiểu rõ hơn những gì Mekong Capital đã đạt được. “Có rất nhiều hiểu lầm trong giai đoạn đầu quá trình chuyển đổi của Mekong Capital. Các nhà đầu tư, thậm chí cả nhân viên của Mekong Capital không thể hiểu hết những gì chúng tôi đang làm cũng như không hiểu tại sao chúng tôi lại làm những điều đó”, ông Chris Freund nói.

Nhưng, chỉ sau một năm rưỡi (tức từ giữa 2007 đến 2009), các công ty thuộc danh mục đầu tư của Mekong Capital đã đạt được tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần 89%. Và trong năm 2010, theo đánh giá của Freund, các công ty thuộc danh mục đầu tư của Mekong Capital tiếp tục đạt được những kết quả rất khả quan.

Harvard nghiên cứu về văn hóa lãnh đạo của Mekong Capital như một đại diện tích cực, trong khi đó, những năm trước đây lại xảy ra tình trạng hàng loạt nhân viên cao cấp của Công ty ra đi và Công ty đã phải tái cấu trúc. Ông nghĩ gì về điều này?

Trong suốt năm 2007, chúng tôi giống một đội thể thao không có chiến thắng. Rất nhiều công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi có tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần không như mong đợi. Với vai trò là người đứng đầu, tôi nhận thấy rằng để trở thành một đội vô địch, chúng tôi cần có một tập thể mạnh, một huấn luyện viên xuất sắc và nhiều công cụ hữu hiệu hơn nữa. Tất nhiên, tôi đã mong muốn toàn bộ nhân viên cùng tham gia cuộc chơi và giành được vị trí quán quân, nhưng tôi đã không truyền được cảm hứng cho một số người.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2005 đến cuối năm 2007, Mekong Capital trở nên “cồng kềnh”. Số lượng nhân viên tăng gấp 3 lần và cấp quản lý trung gian phát triển liên tục. Có thời điểm, số lượng nhân viên lên đến trên 50 người, nhiều hơn rất nhiều số nhân viên chúng tôi thực sự cần. Không có một nền tảng văn hóa vững chắc cùng đội ngũ quản lý giỏi, nhân viên của chúng tôi làm việc chưa thực sự hiệu quả.

Giữa năm 2007, tôi nhận thấy ngày một rõ hơn rằng muốn nâng cao kết quả hoạt động cần phải có một sự chuyển đổi triệt để. Không lâu sau đó, Mekong Capital bắt đầu thực hiện quá trình chuyển đổi nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Khi chúng tôi thực hiện quá trình này (từ cuối năm 2007 đến đầu 2009), tỉ lệ nhân viên nghỉ việc khá cao, nhưng dần dần chúng tôi đã đi vào ổn định. Đến cuối năm 2009, toàn Công ty đã thống nhất một tầm nhìn chung cho tương lai của Mekong Capital.

Một số nhân sự cao cấp của Mekong Capital ra đi trong khi họ đang nắm giữ những khoản đầu tư quan trọng của Quỹ. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc tiếp nhận của những nhân sự mới?

Khi bàn giao trách nhiệm đối với các khoản đầu tư cho nhân viên mới, chúng tôi thường nhanh chóng có được những ích lợi đáng kể. Cơ cấu tạo giá trị của chúng tôi, “đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng” (Vision Driven Investing), áp dụng những thông lệ tốt nhất về huấn luyện đội ngũ quản lý, quản trị thay đổi và phát triển vai trò lãnh đạo. Khi đội ngũ nhân viên của chúng tôi chuyển đổi từ không sử dụng những công cụ này sang sử dụng một cách hiệu quả, kết quả hoạt động của các công ty trong danh mục đầu tư đã được cải thiện một cách đáng kể. Chính điều này đã góp phần vào tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần 89% (2009) của các công ty mà chúng tôi đầu tư. Hiện tại chúng tôi dự kiến mức tăng trưởng này trong năm nay là 47%.

Bài học lớn nhất mà ông rút ra từ quá trình chuyển đổi là gì?

Mùa xuân năm 1995, John P. Kotter, Giáo sư Đại học Harvard, đã viết một bài báo mang tính đột phá đăng trên tạp chí Harvard Business Review, tựa đề “Thay đổi lãnh đạo: Tại sao những nỗ lực chuyển đổi lại thất bại?” (Leading Change: Why Transformation Efforts Fail). Suốt 10 năm liền, Giáo sư Kotter đã theo dõi hơn 100 công ty trải qua quá trình chuyển đổi, trong đó một số công ty đã đạt được những thành công to lớn, một số hoàn toàn thất bại và phần còn lại rơi vào tình trạng nửa vời. Trong bài báo của mình, Giáo sư đã nêu bật 8 lỗi thường gặp trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp. Theo tôi, những ai quan tâm tới việc tránh sai lầm thường xảy ra trong quá trình chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp nên đọc bài báo này.

Với Mekong Capital, tôi cho rằng thiếu sót lớn nhất của tôi là đã không thể truyền cảm hứng cho các cấp quản lý chủ chốt về lợi ích của việc chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp và cơ cấu tạo giá trị ngay từ khi bắt đầu quá trình này vào cuối năm 2007. Nếu tôi thực hiện việc này hiệu quả hơn thì thành công mà chúng tôi đạt được sẽ nhanh hơn và tỉ lệ nhân viên nghỉ việc cũng thấp hơn.

Xin ông cho biết hiệu suất từ những khoản đầu tư đã thoái vốn của Mekong Capital? Sắp tới những khoản đầu tư nào dự kiến được thoái vốn và đầu tư mới?

Cho tới thời điểm này, chúng tôi đã có 7 khoản đầu tư thoái vốn hoàn toàn và 2 khoản thoái vốn từng phần. Tuy nhiên, những khoản thoái vốn này không phải là những khoản đầu tư trọng tâm, vì vậy, tỉ suất hoàn vốn của các khoản đầu tư này không quá 2 lần. Sắp tới, chúng tôi sẽ có nhiều thay đổi và chắc chắn những khoản thoái vốn này sẽ đem lại nguồn lợi nhuận hấp dẫn.

Ông có thể phân tích ngắn gọn mức tăng trưởng lợi nhuận ròng qua các năm mà Harvard khảo sát là đến từ đâu? Những khoản đầu tư nào đã tác động lớn đến mức tăng trưởng này?

Có một mẫu số chung đối với các công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi. Hầu hết đó là những công ty tập trung vào một mô hình kinh doanh hơn là nhiều hoạt động kinh doanh; Hội đồng quản trị ở những công ty này luôn chủ động trong việc xây dựng đội ngũ quản lý; văn hóa doanh nghiệp vững chắc, các thành viên cùng chia sẻ những giá trị chung.

Xét về mặt tăng trưởng lợi nhuận thuần, có thể kể đến một số công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh như: Thế Giới Di Động, Golden Gate (Ashima, Kichi Kichi), Masan Food, Digiworld, Ngô Han, MK Smart. Gần đây, chúng tôi còn đầu tư vào Tập đoàn Nam Long và Trường Quốc tế Việt Úc, những công ty hoạt động rất tốt trong năm 2010.

Hiện nay, khả năng huy động vốn cho Mekong Capital đang được ông triển khai như thế nào? Nếu luồng tiền mới được đổ vào Quỹ trong thời gian không xa, chiến lược cho dòng đầu tư này sẽ ra sao?

Dự kiến đầu năm 2011 chúng tôi sẽ khai trương quỹ Mekong Enterprise Fund III. Quỹ này đặt mục tiêu đầu tư vào cổ phần chưa niêm yết của các công ty tăng trưởng nhanh, thuộc lĩnh vực tiêu dùng, đồng thời tích cực góp phần tạo giá trị lâu dài cho những công ty đó thông qua việc hỗ trợ sau đầu tư.

Hiện nay, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến Việt Nam, nhưng kết quả hoạt động của các quỹ ở Việt Nam không tốt bằng ở Trung Quốc, vì vậy họ dành nhiều ưu tiên hơn cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi tin rằng tình hình hoạt động của các quỹ đầu tư cổ phần riêng lẻ tại Việt Nam sẽ sớm cải thiện.

Đâu là tiềm năng và thách thức mà ông nhận thấy khi đầu tư vào Việt Nam?

Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ và đông, mức thu nhập bình quân ngày càng tăng. Do đó, chúng tôi cho rằng thị trường tiêu dùng ở đây đầy tiềm năng.

Thách thức lớn nhất với chúng tôi là việc xây dựng đội ngũ quản lý giàu năng lực ở thị trường này. Nói chung, hầu hết các Công ty ở Việt Nam đều có những lỗ hổng lớn về đội ngũ quản lý và những bất ổn về văn hóa doanh nghiệp. Thêm vào đó, rất ít công ty tư nhân đạt lợi nhuận thuần trên 10 triệu USD một năm. Tất nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, một số công ty được quản lý rất tốt, ví dụ Masan Group và FPT Corporation, nhưng những công ty như vậy rất ít.

Thị trường cổ phần riêng lẻ (private equity) của Việt Nam sẽ mở ra như thế nào trong thập kỷ tới, thưa ông?

Hiện nay có rất nhiều quỹ đầu tư cổ phần riêng lẻ hoạt động tại Việt Nam. Các quỹ này rất ít hoặc không còn vốn để đầu tư ở thời điểm hiện tại nhưng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, một số trong các quỹ này sẽ khai trương quỹ mới. Mặc dù nhiều người lo ngại về sự cạnh tranh, nhưng theo tôi cạnh tranh sẽ thúc đẩy các công ty tích cực cập nhật và ứng dụng những thông lệ tốt nhất. Sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ nổi lên như một thị trường cổ phần riêng lẻ hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo tôi, cổ phần riêng lẻ của Việt Nam chỉ đi sau Trung Quốc một chu kỳ. Rất nhiều công ty đầu tư vào cổ phần riêng lẻ ở Trung Quốc có tỉ suất hoàn vốn cao trong giai đoạn 2002-2010. Tôi tin là điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2020.

Tuy nhiên, sự khác biệt lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc là Trung Quốc có mức tiết kiệm cao hơn rất nhiều so với Việt Nam, chính vì vậy, đầu tư trong nước cũng cao hơn nhiều. Một tác động nữa của việc này là ở Việt Nam sẽ có ít nguồn vốn trong nước đầu tư vào cổ phần riêng lẻ hơn là ở Trung Quốc. Vì vậy, các quỹ đầu tư vào cổ phần riêng lẻ của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào vốn nước ngoài trong vòng 10 năm tới.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Nhịp cầu đầu tư)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts