Quá trình bao gồm hai chiến lược được giới luật sư gọi là “Hai người Ai Len” và “Sandwich Hà Lan” này đã giúp giảm tỷ lệ thuế đối với thu nhập từ nước ngoài của Google xuống 2,4%, thấp nhất trong top 5 công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ tính theo vốn hóa thị trường.
Chuyển giá
Chiến thuật của Google dựa trên việc “chuyển giá”, tức những giao dịch trên giấy giữa các công ty con để phân bổ thu nhập tới các thiên đường thuế trong khi chi phí lại rơi vào các nước có thuế suất cao hơn.
Hàng năm chiến thuật này khiến chính phủ Mỹ mất 60 tỷ USD tiền thuế.
Dân biểu Cộng hòa Dave Camp và các chính trị gia khác cho rằng thuế suất thuế TNDN 35% tại Mỹ quá cao so với các nước khác. Việc chuyển thu nhập đã giúp giảm thuế suất Google thực chịu năm ngoái xuống còn 22,2%.
Tài sản trí tuệ
Quá trình chuyển thu nhập thường bắt đầu khi các công ty như Google bán hoặc cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ phát triển ở Mỹ cho một công ty con tại một nước có thuế suất thấp.
Lợi nhuận thu được từ công nghệ đó ở nước ngoài không được tính cho công ty mẹ mà là công ty con ở hải ngoại. Theo luật thuế tại Mỹ, công ty con này phải thanh toán tiền bản quyền cho công ty mẹ. Vì khoản thanh toán này cấu thành thu nhập chịu thuế nên công ty mẹ sẽ cố gắng để nó càng thấp càng tốt.
Sau ba năm thương thảo, năm 2006 Google được Sở thuế Hoa Kỳ chấp thuận việc sắp xếp chuyển giá. Sự chấp thuận này đi kèm một hiệp định bí mật còn gọi là thỏa thuận giá tiên tiến.
Google sẽ không tiết lộ mức giá họ sử dụng khi cấp giấy phép sử dụng công nghệ tìm kiếm và quảng cáo cùng nhiều tài sản vô hình khác ở Châu Âu, Trung Đông cho một đơn vị gọi là Google Ireland Holdings.
Văn phòng Dublin
Google Ireland Holdings lại sở hữu công ty Google Ireland Limited với 2.000 nhân viên làm việc trong một tòa văn phòng bóng lộn ở trung tâm Dublin, chỉ cách Nhà hát Grand Canal có một dãy nhà.
Công ty con tại Dublin này bán quảng cáo trên toàn cầu và đóng góp 88% doanh số 12.5 tỷ USD Google kiếm được ngoài nước Mỹ trong năm 2009.
Chuyển doanh thu tới Ireland giúp Google tránh thuế thu nhập tại Mỹ, nơi họ phát triển phần lớn công nghệ của mình. Cơ cấu như thế cũng làm giảm nghĩa vụ của công ty tại các nước Châu Âu có thuế suất tương đối cao nhưng lại là nơi khách hàng đặt trụ sở.
Lợi nhuận không nằm lại ở chi nhánh Dublin vì lợi nhuận trước thuế chỉ bằng 1% doanh số năm 2008. Chủ yếu là vì chi nhánh này đã trả 5,4 tỷ USD tiền bản quyền cho Google Ireland Holdings có “trụ sở quản trị thực tế” nằm tại Bermuda.
Các ông giám đốc hãng luật
Pháp nhân tại Bermuda này do hai công ty con của Google sở hữu mà trong ban giám đốc có tới hai ông chưởng lý và một nhà quản lý tại hãng luật Conyers Dill & Pearman, tại Bermuda.
Người lên kế hoạch về thuế gọi cách cơ cấu này là “Hai người Ai Len” vì nó dựa trên hai doanh nghiệp tại Ai Len.
Một trả tiền bản quyền để sử dụng tài sản trí tuệ nên cấu thành chi phí và giảm thu nhập chịu thuế ở Ai Len. Một thu tiền bản quyền tại các thiên đường thuế như Bermuda và né luôn được thuế Ai Len.
Sandwich Hà Lan
Đế tránh thuế rút vốn ở Ai Len, tiền từ công ty tại Dublin không được chuyển trực tiếp tới Bermuda. Nó đi vòng một chút tới Hà Lan vì luật thuế Ai Len miễn thuế đối với tiền bản quyền trả cho công ty tại các nước thành viên EU khác.
Khoản phí này trước hết đi tới Google Netherlands Holding B.V., công ty này lại trả khoảng 99,8% thu nhập của mình cho công ty tại Bermuda. Công ty con đóng tại Amsterdam chẳng có nhân viên nào cả.
Quá trình chuyển tiền giữa hai công ty phải đi qua Hà Lan nên mới thành biệt danh “Sandwich Hà Lan”.
Kể từ thập niên 60, Ai Len đã đi theo chiến lược đánh thuế thấp để hấp dẫn các công ty đa quốc gia. Một mặt chẳng đáng hoan nghênh mấy của sự hấp dẫn này là nó cho phép các công ty chuyển thu nhập ra khỏi nước này mà hầu như không phải chịu thuế.
Chuyển lợi nhuận ra
“Lợi nhuận được tích lũy ở trong Ai Len, muốn chuyển chúng khỏi nước này tương đối dễ,” Stewart nói. “Chuyển được là nhờ có Bermuda”.
Một khi lợi nhuận kiếm được ngoài nước Mỹ của Google tới được Bermuda, khó mà biết được chúng sẽ đi tiếp tới đâu. Công ty con hoạt động ở đây đã thay đổi tư cách pháp nhân của minh vào năm 2006 để biến thành công ty trách nhiệm vô hạn.
Theo luật của Ai Len, một công ty như thế không cần công khai các thông tin tài chính như báo cáo kết quả kinh doanh hay bảng cân đối kế toán.
“Thành lập lấy một công ty trách nhiệm vô hạn trong tập đoàn đã trở thành chuyện thường ngày ở Ai Len, chủ yếu là để tránh phải công khai,” Stewart nói.
Hoãn vô thời hạn
Về mặt kỹ thuật mà nói thì các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận ra nước ngoài chỉ đang hoãn chứ không tránh được việc nộp thuế mãi mãi.
Cái sự “hoãn” này kéo dài cho đến khi công ty quyết định đưa lợi nhuận trở về nước Mỹ. Thực tế, họ hiếm khi chuyển về nên “hoãn” trở thành “vô thời hạn”.
Trong khi đó các nhà hoạch định chính sách Mỹ lại lưỡng lự về vấn đề chuyển giá. Năm 2009, Bộ Tài chính đề suất áp thuế với một số hoạt động thanh toán đặc biệt giữa chi nhánh nước ngoài của các công ty Mỹ.
Các quan chức Bộ Tài chính ước tính sự thay đổi này có thể mang lại thêm 86,5 tỷ USD tiền thuế trong thập kỷ tới. Tuy vậy, sắc thuế này chìm vào quên lãng khi các đại gia công nghiệp và truyền thông ra tay vận động hành lang ở Quốc hội và Bộ Tài chính.
Chính quyền lo ngại
Trong khi chính quyền “vẫn lo ngại” về việc chiến thuật này có thể bị lạm dụng nhưng các quan chức đã quyết định “ngừng suy xét hướng cải cách các quy định đó cho đến khi nào chúng được nghiên cứu rộng rãi hơn,” Sandra Salstrom, phát ngôn viên Bộ Tài chính nói.
Nhà Trắng vẫn đề xuất đánh thuế lợi nhuận vượt mức của các chi nhánh tại nước ngoài để tránh chiến lược “chuyển thu nhập”, bà nói thêm
Các quy định về chuyển giá nên được thay thế bằng một hệ thống phân bổ thu nhập giữa các nước giống như cách các các bang ở Mỹ chia nhau thuế TNDN dựa trên các khía cạnh như doanh số hay số lượng nhân viên ở từng khu vực, Reuve S.Avi-Yonah, GĐ Chương trình thuế quốc tế tại Trường Luật ĐH Michigan nói.
“Hệ thống thuế đã mất tác dụng và tôi nghĩ nó cần phải bị bãi bỏ”, Avi-Yonah nói. “Các công ty thoải mái lách luật mà chẳng làm sao.”
Diễm Quỳnh
Theo Bloomberg
(Theo Dân Trí)
No comments:
Post a Comment