Wednesday 27 October 2010

Kiểm toán độc lập: "Phù phép” lỗ thành lãi



Xem hình

Qua vụ Vinashin được kiểm toán liên tục nhưng chỉ khi Chính phủ công bố tập đoàn này mất khả năng thanh toán, dư luận mới giật mình thắc mắc các công ty kiểm toán độc lập đang làm gì, có lỗ hổng nào khiến kết quả kiểm toán trở nên không chính xác? Câu trả lời là có, thậm chí có nhiều...

Hàng loạt công ty kiểm toán độc lập (KTĐL) “nở rộ” thời gian qua. Nếu như trong khoảng thời gian gần 10 năm (1991-2000) chỉ có 33 công ty KTĐL của VN ra đời, thì từ năm 2001 đến nay đã có gần 150 công ty KTĐL được cấp phép.

Kỹ thuật đánh bóng

Với nghề kiểm toán, những chữ “độc lập, trung thực, khách quan” được nhắc đến hằng ngày, trở thành tiêu chuẩn đối với mỗi kiểm toán viên (KTV). Nhưng thực tế đã có những KTV bằng khả năng của mình đã “tư vấn” cho doanh nghiệp từ lỗ thành lãi, gian dối để kiếm vài trăm triệu đồng dịch vụ.

Điển hình là việc Công ty TNHH sản xuất và thương mại NH có trụ sở tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã nhiều năm làm ăn xập xệ do “ôm” quá nhiều lĩnh vực như: xuất khẩu đá xẻ, đá quý, kinh doanh siêu thị, liên doanh sản xuất nhựa dân dụng... Cuối năm 2006, đơn vị này quyết định thuê Công ty KTĐL P về tư vấn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Sau khi nghiên cứu, công ty kiểm toán này đã tư vấn cho NH giải thể, tuyên bố phá sản.

Vẫn trên cơ sở vật chất cũ, doanh nghiệp mới được thành lập với tên Công ty cổ phần AP, lĩnh vực hoạt động cũng được tráng bằng cái tên nghe “sành điệu” hơn: đầu tư bất động sản, thương mại và công nghệ ngân hàng. Sau đó công ty phát hành cổ phiếu ra bên ngoài.

Trong “cơn khát” chứng khoán năm 2008, các nhà đầu tư không nghiên cứu kỹ đã dốc hầu bao mua với giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Để qua mặt nhà đầu tư ngoài công ty, đơn vị kiểm toán tư vấn bán cho nhân viên trong công ty với giá trên 20.000 đồng/cổ phiếu và làm như... không còn để bán.

Khi nhà đầu tư ngoài công ty đua nhau mua mà không nghiên cứu kỹ đành ngậm quả đắng bởi không lâu sau công ty làm ăn lẹt đẹt, tiến tới phá sản. Trong thương vụ này, Công ty kiểm toán P lấy hơn 300 triệu đồng tiền tư vấn.

Mặc dù được kiểm toán độc lập liên tục từ năm 2007-2009 nhưng Vinashin thua lỗ, nợ nần đến khi không thể thanh toán người ta mới biết. Trong ảnh: Công ty đóng tàu Nam Triệu (thuộc Tập đoàn Vinashin) - Ảnh: C.V.KÌNH

Biến từ lỗ sang lãi

Theo một chuyên gia kiểm toán tài chính, các công ty kiểm toán đang có nhiều “mánh” để chiều khách. Với công ty nhà nước, nếu để lỗ quá hai năm giám đốc có thể bị thôi chức, nên hết năm đầu tiên đã có công ty thuê kiểm toán với mục đích rõ ràng là “hợp lý hóa khoản lãi giả”. Theo chuyên gia này, đã có trường hợp Công ty KTĐL GP biến khoản lỗ gần 100 tỉ đồng của Tổng công ty K thành lãi. KTV đã tư vấn lập một công ty khác và “vẽ” ra những giao dịch ảo đem lại lợi nhuận cho Tổng công ty K. Tiền lãi ảo nhưng những khoản lỗ đã được hô “biến” khỏi sổ sách của Tổng công ty K.

Theo chính một KTV của Công ty TNHH kiểm toán A, việc biến doanh nghiệp từ lỗ sang lãi với KTV thật ra không khó “nếu sếp OK”. Một bản kết quả kinh doanh “bị phù phép”, theo chuyên gia kiểm toán, hoàn toàn có thể được KTV phát hiện và thông báo. Tuy nhiên, KTV cũng có thể linh động để một khoản lỗ hoặc khoản lợi nhuận của kỳ này qua kỳ kế toán năm sau.

Ngoài thủ thuật chuyển lỗ thành lãi, KTV còn có thể thực hiện thủ thuật “loại trừ” những vùng, điểm để không kiểm toán. “Loại trừ” là quyền được quốc tế công nhận giúp KTV bỏ qua những điểm không đủ thông tin, chứng từ. Tuy nhiên khi không công tâm, KTV có thể lợi dụng điều này để bỏ qua cho doanh nghiệp được kiểm toán một “điểm đen”.

Với công ty KTĐL uy tín, có quy trình soát xét nội bộ chặt chẽ, “mánh” này dễ dàng được phát hiện. Tuy nhiên, với công ty KTĐL “dễ tính”, sự bắt tay có thể đem lại lợi ích tính bằng tiền tỉ cho doanh nghiệp và thiệt hại tương tự cho nhà đầu tư. Thực tế tại VN, có công ty KTĐL khi kiểm toán đã loại trừ đến bảy điểm lớn. Có trường hợp một báo cáo tài chính có 80 chỉ tiêu thì KTĐL đã loại trừ không kiểm toán tới 20 chỉ tiêu “nhạy cảm”.

Theo ông Đặng Văn Thanh, chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán VN, nếu một báo cáo kiểm toán có quá nhiều điểm loại trừ có thể khiến kết quả kiểm toán không còn giá trị. Về mặt pháp lý, không thể xử lý các công ty KTĐL ở những điểm họ loại trừ, tuy nhiên công ty kiểm toán uy tín thường phân tích rõ tại sao họ loại trừ và lên tiếng cảnh báo.

Cạnh tranh bằng sự dễ dãi

Tình trạng làm không hết việc tại các công ty KTĐL hiện đang là một trong những nguy cơ khiến kết quả kiểm toán bị giảm một phần chất lượng. Một cuộc kiểm toán có thể cần 7-10 ngày đến thu thập tư liệu tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều việc, có công ty làm gấp, thực hiện xong chỉ trong năm ngày. Do nhiều việc, có công ty tuyển nhiều cán bộ kiểm toán trẻ, thiếu kinh nghiệm, đây cũng là nguy cơ khiến kết quả kiểm toán bị ảnh hưởng.

Chọn mẫu cũng là một khâu đầy rủi ro của nghề kiểm toán. Trên nguyên tắc, các KTV không thể kiểm tra mọi chứng từ, giao dịch của doanh nghiệp. Vì vậy, KTV phải chọn mẫu tiêu biểu. Nhiều công ty KTĐL đã áp dụng chế độ chọn mẫu tự động, tức máy tính sẽ chọn. Tuy nhiên, không phải công ty KTĐL nào cũng thực hiện điều này và nếu công ty KTĐL cố tình “tha” cho doanh nghiệp, khâu chọn mẫu cũng trở nên đầy rủi ro...

Ông Đặng Văn Thanh cho biết hiện kiểm toán ở VN chưa phổ biến và áp dụng đủ các chuẩn mực quốc tế về kiểm toán. Trên nguyên tắc, các bước, quy trình kiểm toán đã được hoạch định rất chi tiết. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng làm đúng quy trình. Đặc biệt, theo quy định hiện nay, một công ty KTĐL có thể chỉ cần ba KTV. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp kiểm toán hiện chỉ có đúng ba KTV có chứng chỉ đứng ra lập công ty, còn lại là các trợ lý. Áp lực doanh thu, lợi nhuận đè nặng khiến nhiều doanh nghiệp mới này rất dễ chiều lòng các đối tượng kiểm toán, cùng hưởng lợi nhờ kết quả kiểm toán “đẹp”.

Điều đáng buồn hiện nay, theo nhiều chuyên gia trong nghề kiểm toán, là nhiều công ty KTĐL đang cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá phí. Phí hiện đã giảm xuống mức khá thấp (khoảng 100-200 USD/giờ cho KTV). Điều này khiến nhiều người lo ngại không chỉ cạnh tranh bằng phí, nhiều công ty KTĐL sẵn sàng cạnh tranh cả bằng sự... dễ tính. Theo ông Đặng Văn Thanh, nếu việc áp dụng cách giảm phí và giảm cả chất lượng kiểm toán được nhiều công ty áp dụng thì qua vụ việc Vinashin, có thể thấy thiệt hại cho xã hội sẽ khó có thể đo đếm được.

CẦN VĂN KINH - QUANG HUY

PGS.TS Đặng Văn Thanh (chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán VN):

Kiểm toán sai phải đền bù cho nhà đầu tư

Trước đây đã có vụ việc công ty KTĐL kiểm toán Công ty bông Bạch Tuyết. Năm trước nói lãi, ngay năm sau đã nói lỗ nặng, đứng trên bờ vực phá sản. Điều này đã làm xôn xao về chất lượng kiểm toán. Theo tôi, khái niệm KTĐL hiện nay cũng chưa rõ, còn nhiều nhận thức chưa thống nhất. Vì vậy, phải quy định rõ lại và cần nghiêm khắc hơn trong quy định công ty KTĐL nếu làm méo mó, phương hại lợi ích của bên sử dụng kết quả kiểm toán thì phải đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư.

Trong ngành kiểm toán ở VN đang có vấn đề lớn mà pháp luật cần nghiên cứu để có quy định rõ hơn là quyền và phạm vi loại trừ trong kết luận kiểm toán. Chuyện loại trừ này rất dễ bị lợi dụng chứ không hẳn do không đủ chứng từ, tài liệu. Do đó cần có quy định chặt chẽ hơn đối với KTĐL như việc công nợ nếu không đối chiếu được, tài sản không đánh giá được... thì KTV không được đưa ra ý kiến chắc chắn về kết quả tài chính của doanh nghiệp. Thông điệp đưa ra cũng phải có tính cảnh báo với người sử dụng kết quả kiểm toán.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts