Friday, 29 July 2011

KỶ NIỆM 20 NĂM HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP (1991-2011)

CẠNH TRANH NGHỀ NGHIỆP VÀ

NHỮNG ĐIỀU CHỈNH CẦN THIẾT

Th.S Phan Xuân Vạn

Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và kế toán (AAC)

Ông Phan Xuân Vạn

1. Hai cách thức cạnh tranh:

“Cạnh tranh” trong hoạt động kiểm toán độc lập là động từ được đề cập phổ biến trong thời gian qua, nhất là trong mấy năm gần đây. Theo từ điển Tiếng Việt, “cạnh tranh” có nghĩa là: “Cố gắng giành phần hơn, phần thắng về mình giữa những người, những tổ chức hoạt động nhằm những lợi ích như nhau”(*). Như vậy cạnh tranh trong hoạt động kiểm toán độc lập chính là việc các công ty kiểm toán cố gắng tăng doanh thu bằng cách duy trì khách hàng hiện có, tìm kiếm thêm khách hàng mới từ các khách hàng của các công ty kiểm toán tiền nhiệm và các khách hàng tiềm năng. Để thực hiện được mục tiêu này, mỗi công ty kiểm toán phải đề ra các chiến lược, sách lược cạnh tranh cụ thể nhưng nhìn chung hiện nay có hai xu hướng rõ rệt:

(1) Hoặc là cạnh tranh thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả hợp lý, tạo uy tín thật sự cho doanh nghiệp kiểm toán, quản lý và kiểm soát được rủi ro, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

(2) Hoặc là cạnh tranh chủ yếu qua giá phí kiểm toán mà xem nhẹ chất lượng, đưa ra các thông tin quảng cáo không trung thực hoặc thỏa hiệp với khách hàng và bên thứ ba để có được hợp đồng bằng mọi giá nhưng chất lượng kiểm toán không cao, rủi ro lớn.

Theo phương thức (1) thì kết quả cạnh tranh sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển cho ngành kiểm toán, cho khách hàng và cả xã hội. Ngược lại, theo phương thức (2) thì kết quả cạnh tranh chỉ đem lại lợi ích cục bộ nhưng tạm thời cho doanh nghiệp này, thiệt hại cho doanh nghiệp khác và chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến ngành kiểm toán và xã hội (cạnh tranh không lành mạnh).

Trong bài viết này, chúng tôi nêu ra thực trạng cạnh tranh không lành mạnh phổ biến hiện nay và kiến nghị những điều chỉnh cần thiết trong quá trình cạnh tranh, nhằm hạn chế những mặt tiêu cực của cạnh tranh, tăng cường hợp tác và góp phần xây dựng ngành kiểm toán độc lập Việt Nam.

Thực tế hiện nay, khi đề cập đến vấn đề cạnh tranh, phần lớn các công ty kiểm toán đều đổ lỗi cho nhau. Ai cũng né tránh khi nói về hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của công ty mình nhưng lại thích chỉ trích (nhưng không trực diện) rằng một số công ty khác cạnh tranh không lành mạnh. Hiện tượng “bằng mặt không bằng lòng” giữa lãnh đạo của các công ty kiểm toán là rất phổ biến, dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, ai lo phần nấy, thiếu tinh thần hợp tác. Rất nhiều công ty chỉ chăm lo cho lợi ích cục bộ của doanh nghiệp mình mà ít quan tâm đến việc xây dựng môi trường chung của ngành kiểm toán, chẳng hạn: Trong thời gian qua, việc cạnh tranh giữa các công ty kiểm toán diễn ra rất sôi động nhưng việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Kiểm toán Độc lập lại rất ít các công ty tham gia, thậm chí không cần quan tâm.

2. Những cách thức cạnh tranh không lành mạnh phổ biến hiện nay là:

(1) Cạnh tranh chủ yếu là giảm giá phí và xem nhẹ chất lượng kiểm toán:

Nhiều công ty kiểm toán sẵn sàng chấp nhận mức phí kiểm toán thấp, thậm chí đưa ra giá phí kiểm toán mà không cần khảo sát, tìm hiểu sơ bộ về khách hàng. Việc làm này đã kéo giá phí kiểm toán có xu hướng giảm sút nghiêm trọng, do có sự so bì giữa các công ty khách hàng với nhau. Việc giảm giá phí kiểm toán cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm các thủ tục kiểm toán và điều đó dẫn đến hệ quả là chất lượng kiểm toán thấp, rủi ro kiểm toán tăng lên và có tác hại đến bản thân công ty kiểm toán, khách hàng và xã hội. Việc giảm giá phí kiểm toán thể hiện rõ nét ở hoạt động kiểm toán dự án xây dựng cơ bản hoàn thành, đã có nhiều trường hợp có công ty giảm đến 50% giá phí kiểm toán theo qui định của Bộ Tài chính. Thậm chí đã có công ty kiểm toán không trực tiếp kiểm toán mà chỉ lập báo cáo kiểm toán và ký, đóng dấu trên cơ sở số liệu do bên ngoài “kiểm tra” cung cấp và theo đó mức phí kiểm toán thực nhận chỉ 40% so với hợp đồng đã ký.

(2) Cạnh tranh thông qua thỏa hiệp thái hóa với khách hàng:

Trong thực tế đã có những thỏa hiệp thái hóa với khách làm mất đi tính độc lập của kiểm toán độc lập. Việc phát hành báo cáo kiểm toán nhưng không thực hiện kiểm toán mà chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính do khách hàng gửi đến đã không còn là một ngoại lệ. Hiện tượng sợ mất khách hàng nên sẵn sàng đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần hoặc ngại góp ý, tranh luận với khách hàng để bảo vệ các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán đã không còn là hiếm. Chính vì vậy mà rất ít trường hợp đưa ra ý kiến trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến mà thay vào đó là ý kiến ngoại trừ, mặc kiểm toán viên có thể biết việc đưa ra ý kiến kiểm toán như vậy là chưa chuẩn xác.

(3) Cạnh tranh thông qua việc liên kết với một số cá nhân ở các tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc một số người có chức, có quyền để có được hợp đồng kiểm toán:

Có một số công ty kiểm toán công khai mời chào mức hoa hồng từ 10% đến 30% giá trị hợp đồng cho cá nhân bên ngoài công ty nếu tìm được hợp đồng kiểm toán. Để có được khoản thu nhập này, có cá nhân đã lợi dụng danh nghĩa của tổ chức đang công tác để gây sức ép với khách hàng, làm cho khách hàng miễn cưỡng phải chuyển đổi công ty kiểm toán.

(4) Cạnh tranh bằng cách đưa các thông tin quảng cáo không trung thực về mình và các đối thủ cạnh tranh:

Một số công ty kiểm toán công bố thông tin trên Website và tờ gấp chào hàng, giới thiệu về công ty của mình rất ấn tượng. Nếu chỉ dừng lại ở các phương tiện thông tin này thì rất khó phân biệt được “thực, hư”. Tuy nhiên, nếu kiểm định các thông tin này thông qua các kênh thông độc lập, như: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan thuế địa phương và VACPA thì các thông tin về doanh thu, số lượng kiểm toán viên, thời gian hoạt động … lại là vấn đề khác. Ngoài ra, việc đưa tin không chính thức nhưng bất lợi (trong đó có những thông tin thất thiệt) về các công ty cạnh tranh cũng không phải là ít.

Các cách thức cạnh tranh không lành mạnh trên đây đã làm hoen ố bức tranh hoạt động kiểm toán độc lập. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì có công ty kiểm toán sẽ tự đánh mất mình và ảnh hưởng xấu đến môi trường chung về kiểm toán độc lập tại Việt Nam. Do đó cần phải có những điều chỉnh cần thiết trong quá trình cạnh tranh giữa các công ty kiểm toán trong thời gian tới.

Muốn thực hiện được điều này thì ngoài việc kêu gọi “tự giác” chung chung, cần phải xây dựng một cơ chế đủ thẩm quyền nhằm có những điều chỉnh cần thiết trong quá trình cạnh tranh. Vấn đề đặt ra là tổ chức nào làm đầu mối trong việc đưa ra các quyết sách này? Chúng tôi thiết nghĩ đó là Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA). Bởi vì điều này hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội. Muốn vậy, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của VACPA mà trước hết là phát huy vai trò của các ủy viên ban chấp hành, cần tăng cường các thành viên độc lập với các công ty kiểm toán. Các ủy viên ban chấp hành phải có năng lực và tâm huyết với nghề nghiệp, phải công tâm, phải biết phản biện và dám đấu tranh phê bình để góp phần xây dựng ngành kiểm toán. Trong trường hợp cần thiết, VACPA cần kết hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng để tăng cường kiểm soát và xử lý vi phạm hiệu quả hơn.

3. Những giải pháp:

(1) Để giảm thiểu hình thức cạnh tranh đơn thuần là giảm giá phí kiểm toán, VACPA có thể đề ra một số hướng dẫn về xác định mức phí kiểm toán để có thể kiểm soát được. Khi có những thông tin về giảm giá phí đến mức có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, VACPA có thể phải kiểm tra về mặt chất lượng. Nếu chất lượng không đảm bảo thì xử lý theo quy định của Hội hoặc báo cáo Bộ Tài chính, hoặc công bố để cảnh báo cho khách hàng.

(2) Để giảm thiểu hình thức cạnh tranh thông qua thỏa hiệp với khách hàng, khi có dấu hiệu vi phạm, VACPA cần thực hiện kiểm tra hồ sơ kiểm toán và áp dụng các biện phạm tương tự như trên.

(3) Đối với hình thức cạnh tranh bằng việc liên kết với các cá nhân làm thanh tra, kiểm tra hoặc người có chức, có quyền để có được hợp đồng kiểm toán, khi thu thập được thông tin và bằng chứng, VACPA cũng phải kiểm tra, xử lý và có thể thông báo đến các cơ quan chức năng của các “môi giới” để xem xét hoặc đề nghị xử lý theo pháp luật nếu cần thiết.

(4) Trường hợp cạnh tranh bằng cách đưa các thông tin quảng cáo không trung thực về mình và các đối thủ cạnh tranh: VACPA cần có bộ phận giám sát, khuyến khích các công ty kiểm toán giám sát lẫn nhau và cung cấp thông tin cho VACPA. Nếu phát hiện trường hợp đưa tin không trung thực, VACPA cần có văn bản nhắc nhở đồng thời công bố ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho khách hàng và ngăn chặn việc quảng cáo sai sự thật này.

Chúng tôi thiết nghĩ thực trạng cạnh tranh không lành mạnh trong nghề nghiệp kiểm toán độc lập trong thời gian qua đã trở nên phổ biến, đây là vấn đề cần được quan tâm và phải có những điều chỉnh cấp thiết trong thời gian tới. Những giải pháp kiến nghị trên đây chỉ là gợi ý bước đầu. VACPA trong nhiệm kỳ tới cần khần trương xây dựng chương trình hành động mang tính chiến lược, thiết thực và phải cương quyết thực hiện nhằm góp phần xây dựng ngành kiểm toán độc lập Việt Nam tiếp tục phát triển hơn nữa ./.

------------------------------------------------------

(*) Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, NXB Đà nẵng, 2006 (tr 112).

Nguồn: VACPA

No comments:

Post a Comment

Popular Posts