Sunday, 31 July 2011

Ernst & Young - Uy lực của sự phân minh

Bí quyết thành công của Ernst & Young không phải ở chỗ gây dựng thương hiệu trên lĩnh vực kiểm toán, mà chính ở chỗ biến kiểm toán thành thương hiệu, để thương hiệu của mình được coi là sự hiện thân của kiểm toán.

Chất lượng được Ernst & Young luôn đề cao và coi như sự đảm bảo sống còn cho thương hiệu

Trong thế giới thương hiệu trên lĩnh vực kiểm toán, Ernst & Young được xếp là một trong bốn tứ đại gia. Họ cùng nhau chiếm lĩnh trên dưới 90% thị trường kiểm toán thế giới. Đánh giá của họ có thể mở ra tương lai, nhưng đồng thời cũng có thể đánh sập doanh nghiệp và tổ chức. Giống như bộ ba trên lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, bộ tứ này theo thời gian đã trở thành một tác nhân quyền lực cả về kinh tế lẫn chính trị mà gần như cả nhà nước lẫn tư nhân đều không thể bỏ qua.

Nhiều dòng suối hợp lại thành sông

Ngày nay, kiểm toán được định nghĩa là một ngành quản lý tài chính liên quan đến đánh giá thực trạng tài chính nội bộ của các doanh nghiệp. Nói rộng hơn, kiểm toán đánh giá thực trạng và khả năng tài chính của doanh nghiệp. Thuở ban đầu, kiểm toán chủ yếu chỉ nhằm để phát hiện sai trái và kiểm tra sổ sách kế toán. Theo thời gian, ở quốc gia nào cũng hình thành dần hệ thống luật lệ về kế toán và tài chính làm cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán. Trên thế giới, kiểm toán đã phát triển mạnh từ thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 20 đã có nhiều tiêu chí được chuẩn hóa phục vụ cho công việc kiểm toán. Tập đoàn Ernst & Young tồn tại với cái tên như vậy từ năm 1989, nhưng gốc rễ lại có từ thế kỷ 19 và là tập hợp của rất nhiều công ty khác nhau, nhiều lần hợp nhất lại với nhau - giống như nhiều dòng suối len lỏi qua các khu vực lãnh thổ rồi hợp lại thành dòng sông lớn.

Trước khi Arthur Young và Alwin C. Ernst thành lập công ty riêng đầu thế kỷ 20, công ty Harding & Pullein được thành lập ở nước Anh năm 1849 và năm 1894 hợp nhất vào công ty Whinney, Smith & Whiney. Năm 1864, Thomas Clarkson thành lập ở Toronto (Canada) một công ty ủy thác quản lý, về sau hợp nhất với công ty Woods Gordon & Company thành công ty Clarkson, Gordon & Company. Tất cả những công ty này về sau đều được thu về một mối.

Arthur Young sinh ra ở Scottland và di cư sang Mỹ năm 1890, thành lập nhiều công ty kiểm toán khác nhau, trong đó có Stuart & Young năm 1894 và Arthur Young & Company năm 1906. Năm 1924, công ty này hợp nhất với công ty Broad Paterson & Company ở Anh và năm 1939 với công ty Clarkson, Gordon & Company.

Alwin Ernst ở Cleveland (Mỹ) cùng với người anh Theodor Ernst thành lập công ty Ernst & Ernst năm 1903. Năm 1924, công ty Ernst & Ernst hợp nhất với công ty Whinney, Smith & Whinney thành công ty Ernst & Whinney. Năm 1989, tất cả những công ty ấy hợp nhất lại thành Ernst & Young - một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới. Tuy bao hàm nhiều công ty đến thế nhưng Ernst và Young vẫn là trụ cột và động lực chính cho tập đoàn mới. Thương hiệu Ernst & Young vì thế kế thừa uy danh và giá trị của hai thương hiệu hợp thành. Nói đến thương hiệu này, người ta nghĩ ngay đến kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp.

Sự phát triển và thành đạt của thương hiệu trên lĩnh vực đặc thù này xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng về kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp. Kinh tế và thương mại càng phát triển, toàn cầu hóa ngày càng mạnh, quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng khăng khít thì sự cần thiết có được thông tin và đánh giá chuẩn xác về đối tác lại càng cấp bách, cơ hội kinh doanh trên lĩnh vực kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp lại càng thêm nhiều. Ernst & Young vươn ra thị trường thế giới dễ dàng và thuận lợi trong bối cảnh ấy. Đến nay Ernst & Young đã trở thành một tập đoàn hoạt động khắp thế giới với hơn 141.000 nhân viên. Có một điều rất thú vị là Arthur Young và Alwin C. Ernst trong suốt cả cuộc đời của họ chưa từng một lần gặp nhau. Cả hai mất năm 1948, cách nhau có vài ngày. Ý tưởng và triết lý kinh doanh của họ tương đồng đến mức khi hợp nhất lại không những bổ sung cho nhau, mà còn tạo ra được hiệu ứng cộng hưởng cho thương hiệu.

Con người và sự phân minh

Ngày nay, việc kiểm toán vốn không phải khó và phức tạp vì đã có không thiếu luật lệ cũng như tiêu chí được chuẩn hóa trên bình diện quốc gia và thế giới. Sự khác nhau giữa các công ty kiểm toán chỉ ở chỗ họ thực hiện cụ thể như thế nào thôi và câu hỏi luôn được đặt ra là việc kiểm toán có thật sự khách quan và phân minh hay không? Uy tín của mọi công ty kiểm toán chính ở chỗ có được công nhận là khách quan và phân minh hay không? Việc kiểm toán được tiến hành theo yêu cầu của doanh nghiệp và do các doanh nghiệp trả tiền. Vì thế, luôn tiềm ẩn nguy cơ các hãng kiểm toán không khách quan và công bằng. Công ty kiểm toán nào vượt qua được “khúc tối” này sẽ có được uy danh và trở thành thương hiệu nổi trội hơn cả. Như Ernst & Young. Doanh nghiệp bị kiểm toán e ngại sự phân minh của việc kiểm toán trong khi công chúng hay nhà đầu tư, đối tác hay khách hàng lại đánh giá cao nhất sự phân minh đó và coi sự phân minh ấy là tiêu chí hàng đầu của chất lượng kiểm toán. Vì thế, sự phân minh có đủ uy lực để quyết định số phận của các doanh nghiệp và đối tác.

Ngay từ rất sớm, Arthur Young và Alwin C. Ernst đã ý thức được vai trò của con người trong công việc này. Ngay từ năm 1920, Alwin C. Ernst đã nói: “Thành công của Ernst & Ernst phụ thuộc hoàn toàn vào tính cách, khả năng và trình độ làm việc của những người làm nên công ty này”. Arthur Young đặc biệt coi trọng việc chuyên môn hóa. Trong thập kỷ 20 của thế kỷ trước, ông đã thành lập trường đào tạo và nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên. Trong thập kỷ sau đấy, ông là người đầu tiên tuyển dụng nhân viên trực tiếp từ các trường đại học.

Chất lượng được Ernst & Young luôn đề cao và coi như sự đảm bảo sống còn cho thương hiệu. Điều đó được thể hiện ngay ở chính lô-gô của thương hiệu: “Quality in everthing we do”, tạm dịch là “Chất lượng trong mọi việc chúng ta làm”. Nội hàm về chất lượng đối với Ernst & Young là tính đúng đắn và chuẩn xác trong đánh giá, khách quan và minh bạch trong cách thực hiện cũng như hoàn toàn độc lập với cả nhà nước lẫn đối tác, không chịu áp lực từ phía nhà nước và không thiên vị đối với mọi thân chủ.

Bí quyết thành công của thương hiệu này được các nhà viết sử thương hiệu gói gọn trong một vài gạch đầu dòng: quy mô lớn của tập đoàn nói chung trên thị trường kiểm toán; mạng lưới các công ty kiểm toán riêng ở mọi quốc gia khiến tập đoàn vừa mang tính quốc gia lại vừa mang tính quốc tế; sớm lưu ý thỏa đáng đến tầm quan trọng của việc chinh phục thị trường thế giới; và đặc biệt là nhân tố con người theo hướng coi trọng phát triển nguồn nhân lực và đáp ứng tâm lý của khách hàng.

Giống như đối với các hãng xếp hạng tín nhiệm, thời hoàng kim đối với các hãng kiểm toán chưa hẳn đã hết, nhưng tình thế ngày càng khó khăn thêm. Năm 2010, Ernst & Young còn bị cáo buộc đã giúp ngân hàng Lehman Brothers gian lận trong báo cáo tài chính để che dấu mức độ vay nợ đến mức sụp đổ, gây ra khủng hoảng tài chính. Nhiều chính phủ đang tìm cách siết chặt quy định và ràng buộc trách nhiệm đối với các hãng kiểm toán, trong đó có Ernst & Young, muốn hạ thế độc quyền và lấn át của tứ đại gia trên lĩnh vực này. Tất cả những việc ấy không hề làm giảm uy lực của sự phân minh từ kiểm toán mà Ernst & Young vừa là một biểu tượng lại vừa là đóng góp rất quan trọng suốt từ bao nhiêu năm nay.

Ngư Phủ

No comments:

Post a Comment

Popular Posts