Thursday, 14 July 2011

KỶ NIỆM 20 NĂM KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP (1991-2011)

NGHỀ VÀ NGHIỆP

Bà Trần Thị Thúy Ngọc

Ngày nay, uớc mơ của nhiều sinh viên chuyên ngành Kinh tế, Tài chính, Kế toán & Kiểm toán vẫn là được làm việc tại một Hãng kiểm toán & Tư vấn quốc tế. Điều này vào thời tôi đang học chỉ là một giấc mơ lớn và chỉ xuất hiện ở giảng đường một, hai trường đại học lớn đã có các môn khoa học về kiểm toán. Bây giờ, sau 20 năm phát triển của ngành kiểm toán độc lập Việt Nam, với sự hiện diện thành công của các Hãng kiểm toán quốc tế lớn tại thị trường Việt Nam, giấc mơ được làm việc cho Big 4 gần như vẫn là khát vọng vươn lên của các bạn sinh viên các trường Đại học khối kinh tế. Với tôi, nghề kiểm toán như một cái “duyên” và nó đã trở thành “nghiệp” của mình.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc

Phó TGĐ phụ trách Khối dịch vụ Kiểm toán

Công ty TNHH Deloitte Việt Nam

L

à một sinh viên chuyên ngành kế toán, tốt nghiệp vào đúng thời kỳ mở cửa, tôi cầm tấm bằng kế toán của mình đi xin việc vào năm 1993. Chưa hiểu thế nào là kiểm toán, tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó mình “dám dũng cảm” tham dự kỳ thi tuyển vào Công ty Kiểm toán Việt Nam VACO – tiền thân của Deloitte Việt Nam. Tôi đã được phỏng vấn bởi những “Sư Phụ” của ngành kế toán Việt Nam như Ông Hà Ngọc Son, Bà Phùng Thị Đoan... Qua kỳ thi tuyển nhân viên kiểm toán với cơ hội được gặp gỡ và chia sẻ của các “bậc tiền bối” của ngành Kế toán kiểm toán, tôi thực sự yêu thích môn khoa học “rất nghệ thuật kế toán” và bắt đầu sự nghiệp kiểm toán của mình với óc tò mò, trí tưởng tượng, phân tích và xét đoán cao.

Những ngày đầu tiên bước vào nghề là những tháng ngày thử thách. Các lý thuyết về kiểm toán độc lập được trang bị trong nhà trường và trên sách báo quá ít ỏi. Bắt đầu nghề khi tôi gần như chưa hiểu được thực sự Kiểm toán độc lập là gì và làm thế nào để thực hành kiểm toán với tư cách là kiểm toán viên. Tại thời điểm đó, Kiểm toán độc lập còn là lĩnh vực hết sức mới mẻ tại Việt Nam. Theo Luật Đầu tư nước ngoài, duy nhất có các doanh nghiệp có Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quy định bắt buộc kiểm toán. Ngay lập tức tham gia vào các cuộc kiểm toán cụ thể, học từ công việc, từ đồng nghiệp, từ các chuyên gia và chính từ khách hàng, tôi cũng bắt đầu công việc tự tìm hiểu và đọc tài liệu về các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán doanh nghiệp và Luật đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tôi tham gia các lớp học về kiểm toán quốc tế do các Hãng kiểm toán lớn trên thế giới tổ chức tại Việt Nam. Việc học hỏi các anh chị kiểm toán viên trong quá trình thực hiện dịch vụ thông qua làm việc trực tiếp với các bạn đồng nghiệp là kiểm toán viên nước ngoài đã giúp tôi thu thập được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm việc quý báu.

Thông qua học tập trên công việc (on the job training), công việc thực sự mới mẻ hấp dẫn nhưng cũng đầy những khó khăn. Khó khăn đầu tiên là bất đồng ngôn ngữ. Lúc này tiếng Anh của tôi chưa giỏi đủ để trực tiếp làm việc với người nước ngoài. Khó khăn thứ hai là các đồng nghiệp người nước ngoài chưa am hiểu về môi trường kinh doanh và hệ thống luật pháp tại Việt Nam, và đặc biệt là hệ thống Kế toán - Kiểm toán – Thuế của Việt Nam (lúc đó Việt Nam chưa có hệ thống chuẩn mực Kế toán và Kiểm toán như bây giờ). Một khó khăn không hề nhỏ tại thời điểm đó, rất nhiều doanh nghiệp và thậm chí cả một số các cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa hiểu Kiểm toán độc lập là gì, và vai trò của Kiểm toán độc lập là thế nào…Tôi nhìn thấy được kết quả của sự nỗ lực của cả tập thể Ban Giám đốc VACO thời đó, của tất cả nhân viên trong công ty (mà tôi luôn là một hành viên khá tích cực) và sự trợ giúp tích cực của Deloitte không chỉ trong lĩnh vực kỹ thuật dịch vụ, đào tạo cho nhân viên, mà đặc biệt trong việc tổ chức hội thảo về kiểm toán độc lập để tuyên truyền về một nghề mới - nghề đặc biệt có tính chuyên ngành & tính chuyên nghiệp cao gắn với sự phát triển kinh tế thị trường. Công ty chúng tôi đã chung sức với Bộ Tài chính để xây dựng khung Luật pháp đầu tiên về Kiểm toán độc lập tại Việt Nam. Sự ra đời của Nghị định 07/CP và các thông tư hướng dẫn về Kiểm toán độc lập đã tạo những hành lang pháp lý căn bản đầu tiên cho hoạt động của nghề Kiểm toán độc lập vào những năm 1994 sau hơn 03 năm được thành lập. Phát huy những kinh nghiệm đã có được từ những công việc kiểm toán đồng thực hiện với các công ty kiểm toán quốc tế, với thế mạnh của Công ty kiểm toán hàng đầu Việt Nam trong mối hợp tác chặt chẽ với Deloitte Quốc tế, chúng tôi đã tạo được niềm tin cho các khách hàng là các công ty đa quốc gia lớn đến hoạt động tại Việt Nam.

Bên cạnh công việc chính là kiểm toán, tôi đã trực tiếp tham gia trợ giúp tư vấn kế toán cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) mà chúng tôi không thực hiện kiểm toán, soạn thảo và xây dựng các hệ thống kế toán áp dụng cho công ty nước ngoài dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế do Liên đoàn Kế toán Quốc tế ban hành và phù hợp với yêu cầu quản lý của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng như phù hợp với pháp luật Việt Nam và được Bộ Tài chính phê chuẩn. Công việc này đòi hỏi tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuyên sâu vào từng ngành đặc thù. Kết quả là tôi có được những kiến thức cập nhật mới nhất về kế toán quốc tế, các chuẩn mực đang thảo luận và soạn thảo. Điều này trợ giúp tôi rất nhiều trong việc tham gia ý kiến trợ giúp Ban soạn thảo soạn thảo Chuẩn mực kế toán Việt Nam của Bộ Tài chính.

Năm 1995, tôi đạt được chứng chỉ Kiểm toán viên Việt Nam và trở thành một trong năm kiểm toán viên trẻ xuất sắc của Công ty, với kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực Kiểm toán và Tư vấn cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Đây là một mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời của kiểm toán viên. Từ đây, nghiệp về kiểm toán đã bắt đầu gắn bó với cuộc đời sự nghiệp của tôi mà tôi không hay biết. Với tư cách là một trong những kiểm toán viên chính của Công ty, tôi phải thực hiện rất nhiều công việc kiểm toán cho các khác hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc đòi hỏi phải đi công tác nhiều, công tác xa và dài ngày, đồng thời phải làm việc dưới áp lực và cường độ cao. Đây là đặc thù của nghề kiểm toán mà ít ngành khác có.

Cũng trong thời gian này, VACO & Hãng Deloitte Quốc tế đã thành lập liên doanh Kiểm toán đầu tiên tại Việt Nam. Điều này đã tạo ra rất nhiều cơ hội học tập và phát triển nghề cho nhân viên Việt Nam làm việc tại công ty. Deloitte đã triển khai áp dụng chương trình phần mềm kiểm toán AS/2 cho các văn phòng các nước thành viên trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là một thách thức mới đối với chúng tôi, bên cạnh vấn đề ngôn ngữ, trình độ máy vi tính còn ở mức sơ khởi với những hiểu biết rất ít ỏi hệ điều hành DOS. Tôi đã phải cố gắng hết sức trong việc thực hiện dịch vụ khách hàng ban ngày và bố trí các chương trình học Anh văn và vi tính vào buổi tối. Vì yêu cầu công việc và yêu cầu học hành hết sức cấp thiết bắt buộc tôi làm quen và rèn luyện được với tác phong làm việc tốc độ cao, hiệu quả và chất lượng.

Deloitte là Hãng kiểm toán và tư vấn duy nhất luôn duy trì chương trình “Phát triển toàn cầu” cho các thành viên. Trong gần 20 năm qua, chúng tôi liên tục gửi các nhân viên xuất sắc sang Mỹ theo chương trình này. Tôi đã là một trong số các nhân viên suất sắc khác đươc cử đi học tập và làm việc tại Hãng Kiểm toán Quốc tế Deloitte & Touche – Văn phòng San Francisco (Mỹ) trong thời gian gần 2 năm. Trong quá trình làm việc và tự đào tạo trên công việc, tôi tiếp tục phải trải qua tháng ngày vất vả, gian truân của người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài, một đất nước tiên tiến về mặt kỹ thuật nghiệp vụ kiểm toán và đời sống xã hội cao. Bên cạnh đó, công việc đòi hỏi cường độ rất cao ở mùa bận rộn, tôi phải làm việc từ 14 đến 17 giờ/ngày và 6 ngày/tuần. Muốn làm được công việc kiểm toán và tư vấn tại Mỹ, các kiểm toán viên nước ngoài đương nhiên hiểu rằng tất cả các nhân viên kiểm toán đều phải hiểu được Luật kinh doanh, Luật phá sản, Luật thuế của Mỹ và các Nguyên tắc kế toán áp dụng chung tại Mỹ cho các công ty niêm yết và các công ty không niêm yết. Do đó, tôi cũng phải tự đọc, nghiên cứu, tìm hiểu các luật hiện hành của Mỹ và của Hãng Deloitte, tích lũy các thông tin cần thiết cho công việc hiện tại. Vừa học, vừa làm và đạo tạo trên công việc thông qua trường đại học thực tế đào tạo các lãnh đạo “Deloitte University”, đó là phương pháp làm việc tiên tiến của Deloitte.

Với kinh nghiệm học tập và làm việc đã được tích lũy, với say mê nghề nghiệp đã chia sẻ với đồng nghiệp, tôi được bổ nhiệm là Phó tổng giám đốc của công ty (Audit Partner) vào năm 2003.

Năm 2007, cùng với việc chuyển đổi sở hữu thành công, công ty chúng tôi chuyển đổi mô hình quản lý theo thông lệ quốc tế, trở thành Deloitte Việt Nam – thành viên đầy đủ và chính thức của Deloitte Touche Tohmatsu - Hãng Tư vấn và Kiểm toán danh tiếng hành đầu thế giới. Tôi rất hãnh diện và tự hào vì mình là thành viên của Deloitte Việt Nam, với những nỗ lực tôi đóng góp và sự gắn bó của mình với công ty, tôi hãnh diện nhìn thấy được sự phát triển nghề nghiệp của mình gắn bó chặt chẽ với sự phát triển thành công của công ty trong gần 20 năm qua, tôi tự hào thấy sự phát triển và thành công của Deloitte Vietnam (và VACO) đóng góp cho sự phát triển của nghề Kiểm toán độc lập ở Việt Nam

Năm 2010, cùng với sự kiện lần đầu tiên Hãng Deloitte Quốc tế đạt ngôi vị số 1 toàn cầu trong lĩnh vực dịch vụ Tư vấn & Kiểm toán, Deloitte Việt Nam đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ về thị phần và doanh thu so với các Big 4 tại Việt Nam. Với tư cách là Phó tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ Kiểm toán của Deloitte Việt Nam, tôi đã cùng Ban giám đốc công ty xây dựng và thực hiện chiến lược mới cho năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011-2015 để đạt được những sự phát triển mới, thành công mới cao hơn nữa, khẳng định vị thế của Deloitte Việt Nam cũng như cung cấp tới các khách hàng những dịch vụ hoàn hảo nhất.

Với chiến lược AS ONE của Deloitte đang triển khai rộng rãi trong 152 nước thành viên , đến hơn 170.000 nhân viên trên toàn cầu, tôi luôn luôn tin tưởng rằng nghề mà tôi đã chọn là nghề cao quý và trở thành nghiệp của tôi. Tôi luôn luôn có niềm tin rằng ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam được lãnh đạo bởi những con người Việt Nam sẽ nhanh chóng sánh vai ngang tầm với khu vực và quốc tế ./.

*************

(Nguồn: VACPA)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts