Friday, 29 July 2011

KỶ NIỆM 20 NĂM HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP (1991-2011)

CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM -

THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

BBT: Như các bạn đã biết, chuẩn mực và chế độ kế toán là cơ sở thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính. Sự phát triển của hoạt động kiểm toán độc lập cũng được dựa trên nền tảng phát triển của Hệ thống chuẩn mực kế toán. Do đó, trong Hội nghị tổng kết 20 năm KTĐL, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này để các bạn tham khảo và gắn kết hoạt động nghề nghiệp của mình với sự nghiệp hoàn thiện và ban hành mới hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Ông Trịnh Đức Vinh

TP - Vụ CĐKT và Kiểm toán - Bộ Tài chính

C

huẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng dựa trên các Chuẩn mực kế toán quốc tế từ những năm 2000 đến 2005 theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế phù hợp với đặc diểm nền kinh tế và trình độ quản lý của doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm ban hành Chuẩn mực. Sau một thời gian triển khai thực hiện Chuẩn mực kế toán, có thể đánh giá thực trạng của các Chuẩn mực kế toán Việt Nam đã ban hành và định hướng cho sự phát triển của Chuẩn mực kế toán Việt Nam như sau:

1 - Thực trạng của Chuẩn mực kế toán Việt Nam

Chuẩn mực kế toán Việt Nam đã tiếp cận phần lớn với thông lệ và chuẩn mực kế toán quốc tế, nâng cao tính công khai, minh bạch trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, phản ánh được một số các giao dịch của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Các chuẩn mực kế toán đã giúp các doanh nghiệp và người làm công tác kế toán nâng cao nhận thức về nghề nghiệp kế toán, giúp các nhà quản lý nhận thức được tầm quan trọng của công tác kế toán trong việc quản trị, điều hành doanh nghiệp phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế thị trường.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam đã đưa ra các nguyên tắc và phương pháp mới về kế toán như: Phương pháp ghi nhận khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh theo phương pháp vốn chủ sở hữu, các quy định về thuế TNDN hoãn lại, phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất… qua đó đã cung cấp cho doanh nghiệp thêm nhiều công cụ quản lý hữu hiệu trong quá trình quản trị và hoạch định chính sách kinh doanh, cung cấp cho nhà đầu tư, chủ nợ, nhà cung cấp, khách hàng và cơ quan quản lý Nhà nước các thông tin kịp thời và trung thực về tình hình tài chính doanh nghiệp.

Mặc dù Chuẩn mực kế toán Việt Nam đã góp phần tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho công tác kế toán trong giai đoạn vừa qua cũng như đáp ứng phần nào yêu cầu của việc quản trị, điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng với quốc tế và khu vực, tuy nhiên do sự phát triển của nền kinh tế thị trường và doanh nghiệp Việt Nam kèm theo đó là sự thay đổi của Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và việc hình thành với chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính (IFRS) nên Chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành (VAS) đã bộc lộ một số tồn tại và khác biệt với Chuẩn mực kế toán quốc tế, như:

- Khác biệt cơ bản là Chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa có quy định cho phép đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo. Điều này ảnh hưởng lớn tới việc kế toán các tài sản và nợ phải trả được phân loại là công cụ tài chính, làm suy giảm tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính và chưa phù hợp với thông lệ và Chuẩn mực kế toán quốc tế.

- Về việc trình bày báo cáo tài chính: Theo IAS 1, báo cáo tài chính bao gồm Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu, và Bản thuyết minh báo cáo tài chính, trong khi VAS 21 không yêu cầu phải trình bày Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu như là một trong các báo cáo tài chính cơ bản mà cho phép trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

- Về lợi thế thương mại phát sinh trong giao dịch Hợp nhất kinh doanh: IFRS 3 quy định doanh nghiệp phải đánh giá giá trị lợi thế thương mại tổn thất. VAS 11 quy định: lợi thế thương mại được phân bổ dần trong thời gian không quá 10 năm kể từ ngày mua trong giao dịch hợp nhất kinh doanh.

- Về Hàng tồn kho: VAS vẫn cho phép áp dụng phương pháp “Nhập sau - Xuất trước” (LIFO) nhưng IFRS đã không cho phép áp dụng phương pháp này nữa.

- Về Tài sản cố định là Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị: Theo IAS 16, doanh nghiệp được phép đánh giá lại TSCĐ theo giá thị trường và được xác định phần tổn thất tài sản hàng năm. Tuy nhiên VAS 3 chỉ cho phép đánh giá lại TSCĐ trong một số trường hợp như: Có quyết định của Nhà nước, đưa TSCĐ đi góp vốn liên doanh, liên kết, chia tách, sáp nhập doanh nghiệp và không được ghi nhận phần tổn thất tài sản hàng năm như quy định của IAS 36.

- Một số Chuẩn mực kế toán chưa được Việt Nam ban hành, như: Chuẩn mực kế toán “Phúc lợi nhân viên”; “Kế toán các Khoản Viện trợ của Chính phủ và Trình bày Thông tin về Hỗ trợ Chính phủ”; “Kế toán và Báo cáo các Chương trình Lợi ích Hưu trí”; “Báo cáo Tài chính trong các nền kinh tế siêu lạm phát”; “Công cụ Tài chính: Trình bày và Công bố thông tin”; “Tổn thất tài sản”; “Công cụ Tài chính: Ghi nhận và xác định giá trị”; “Nông nghiệp”; “Áp dụng lần đầu các Chuẩn mực kế toán”; “Thanh toán bằng cổ phiếu”; “Tài sản dài hạn nắm giữ để bán và Hoạt động không liên tục”; “Khai thác và đánh giá Tài nguyên Khoáng sản”.

2 – Công tác triển khai thực hiện Chuẩn mực kế toán tại các doanh nghiệp

Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện Chuẩn mực kế toán dưới nhiều hình thức như:

- Sau khi ban hành chuẩn mực kế toán đã ban hành các thông tư hướng dẫn các chế độ kế toán doanh nghiệp (Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006), chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ (Quyết định 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006) và chế độ kế toán các ngành công nghiệp, xây dựng…giúp cho việc hướng dẫn cụ thể, chi tiết thực hiện chuẩn mực kế toán.

- Phối hợp với phòng TM&CNVN và sở Tài chính, Cục thuế các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, Hiệp hội, công ty kiểm toán tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuẩn mực kế toán và các Thông tư hướng dẫn chuẩn mực kế toán để giúp các doanh nghiệp và người làm công tác kế toán nắm vững và áp dụng tốt chuẩn mực kế toán.

- Phát hành rộng rãi trên phạm vi toàn quốc các loại sách Luật, Chuẩn mực kế toán, Thông tư hướng dẫn CMKT và Chế độ kế toán doanh nghiệp. Ngoài ra Bộ Tài chính đã đưa lên mạng internet tất cả các văn bản nêu trên giúp doanh nghiệp tiện tra cứu.

- Trả lời bằng văn bản, trả lời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp xử lý các vướng mắc cho các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Tổ chức nhiều cuộc đối thoại giúp doanh nghiệp xử lý các tồn tại trong quản lý.

- Phối hợp và thông qua Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tổ chức các cuộc tọa đàm với những người hành nghề kế toán, kiểm toán và các doanh nghiệp. Ngày 15/4/2006 đã khai trương đưa vào hoạt động trang điện tử mới của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (www. vacpa.org.vn) gồm các chuyên đề hỏi đáp vướng mắc về kế toán, kiểm toán, thuế, chuyên đề hướng dẫn văn bản pháp luật...

3 - Thực trạng áp dụng Chuẩn mực kế toán tại doanh nghiệp

Việc áp dụng Chuẩn mực kế toán tại các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Nhìn chung, các doanh nghiệp lớn đã tiếp cận, nắm bắt được những nội dung cơ bản và tuân thủ các quy định của Chuẩn mực kế toán. Tuy nhiên, việc tuân thủ và áp dụng Chuẩn mực kế toán tại các doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế và tồn tại, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc thành phần kinh tế tư nhân.

- Do chưa có chuẩn mực về Công cụ Tài chính nên lợi nhuận do các ngân hàng báo cáo trong báo cáo tài chính lập theo VAS khác biệt rất nhiều so với con số trong báo cáo tài chính lập theo IFRS. Các ngân hàng ở Việt Nam hiện phải tuân thủ VAS khi lập báo cáo tài chính của mình; tuy nhiên, một số ngân hàng cũng lập song song báo cáo tài chính theo IFRS để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù các báo cáo tài chính của các ngân hàng ở Việt Nam có chất lượng tương đối tốt so với các loại hình doanh nghiệp khác, song vẫn có sự khác biệt giữa các chính sách kế toán được công bố và thực tiễn áp dụng.

- Một số báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các doanh nghiệp ở Việt Nam đã cho thấy một số lỗ hổng về tuân thủ. Những lỗ hổng về tuân thủ được hiểu là những khác biệt giữa các chuẩn mực được ban hành và thực tiễn áp dụng các chuẩn mực đó. Một số báo cáo tài chính có mức độ tuân thủ rất cao, song vẫn có những trường hợp không tuân thủ đầy đủ các quy định của VAS về chính sách kế toán, trình bày và công bố thông tin, nhiều báo cáo tài chính của doanh nghiệp chỉ thể hiện sự tuân thủ Chuẩn mực kế toán một cách hình thức chứ không phải là thực chất.

- Nhiều doanh nghiệp không công bố đầy đủ thông tin liên quan đến hợp nhất báo cáo tài chính, một số trường hợp không nêu rõ xem những công ty con nào được đưa vào và không được đưa vào báo cáo tài chính hợp nhất. Trong nhiều trường hợp, báo cáo tài chính hợp nhất không đưa ra danh mục các công ty con mà công ty mẹ có quyền biểu quyết khác tỷ lệ lợi ích.

- Trong báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp, phần báo cáo bộ phận còn chưa đầy đủ. Với những công ty có phần nội dung báo cáo bộ phận thì các phần này không cung cấp thông tin chi tiết về doanh thu, lợi nhuận hoạt động, tổng tài sản, tổng tài sản công nợ của từng ngành/ từng khu vực kinh doanh. Việc thiếu thông tin về những nội dung này cho thấy báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các yêu cầu của VAS 28 – “Báo cáo bộ phận”.

- Do hiện chưa có chuẩn mực kế toán Việt Nam về công cụ tài chính (tương đương với IAS 39) nên khái niệm về lãi suất thực không được sử dụng trong phần trình bày thông tin về công cụ tài chính trong báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp.

- Hầu hết các báo cáo tài chính không trình bày về bản chất và số chi phí cho nghiên cứu và phát triển đã được ghi nhận là chi phí trong năm theo quy định của VAS 4 – “Tài sản cố định vô hình”. Việc không công bố thông tin này khiến cho người sử dụng báo cáo tài chính nghi ngại rằng, có thể các chi phí phát triển lẽ ra phải vốn hóa đã được tính vào chi phí. Sự không tuân thủ này cũng khiến cho người sử dụng báo cáo khó có thể so sánh một cách tương đối tình hình tài chính và lợi nhuận giữa các pháp nhân.

- Có nhiều pháp nhân, kể cả một số tổ chức tài chính, bỏ qua phần nội dung thông tin quan hệ, giao dịch, quy mô của các giao dịch với các bên liên quan, và con số tương ứng của những giao dịch này. Việc cung cấp đầy đủ thông tin về các quan hệ và giao dịch trọng yếu với các bên liên quan có ý nghĩa hết sức quan trọng để người sử dụng báo cáo tài chính có thể hiểu được tình hình tài chính và kết quả hoạt động của một doanh nghiệp, và để các cổ đông thiểu số tin tưởng rằng họ được đối xử công bằng. Việc không cung cấp đầy đủ thông tin về giao dịch với bên liên quan là không tuân thủ VAS 26 – “Công bố thông tin về bên liên quan”.

4 - Định hướng nghiên cứu, soạn thảo và ban hành Chuẩn mực kế toán:

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính có kế hoạch sửa đổi, bổ sung các Chuẩn mực kế toán đã ban hành bằng cách cập nhật các thay đổi của Chuẩn mực kế toán quốc tế đồng thời dự định ban hành thêm một số Chuẩn mực kế toán mới, cụ thể như sau:

4.1 - Nguyên tắc ban hành mới và sửa đổi, bổ sung chuẩn mực kế toán Việt Nam

- Phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh và nhu cầu thông tin cho việc ra quyết định kinh tế, giám sát tài chính của các chủ đầu tư, chủ sở hữu của doanh nghiệp và các đối tác như ngân hàng, người cung cấp hàng hoá dịch vụ, và người lao động trong doanh nghiệp;

- Đáp ứng được yêu cầu thông tin cho mục đích quản lý của Nhà nước, thống kê số liệu cho nền kinh tế và giám sát tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp;

- Phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế, chuẩn mực kế toán quốc tế hiện hành;

- Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu nhằm đảm bảo không chỉ những người hành nghề kế toán, kiểm toán mà các chủ đầu tư, cổ đông, chủ sở hữu doanh nghiệp có thể hiểu để làm cơ sở đánh giá, giám sát tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

- Chú trọng vào việc trình bày thông tin bổ sung trong báo cáo tài chính đặc biệt là các nghiệp vụ ngoài bảng cân đối kế toán;

- Tăng cường sử dụng giá trị hợp lý trong trường hợp có thể nhằm nâng cao tính hữu dụng của thông tin tài chính cho việc ra quyết định kinh tế.

4.2 - Định hướng sửa đổi, bổ sung Chuẩn mực kế toán Việt Nam

a - Trong giai đoạn 2011 – 2013, 26 chuẩn mực đã ban hành sẽ được đánh giá, cập nhật cho phù hợp với những thay đổi của chuẩn mực kế toán quốc tế và thực tiễn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

b - Trong giai đoạn 2011 đến 2015, cùng với việc cập nhật 26 Chuẩn mực kế toán đã ban hành, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để ban hành thêm các Chuẩn mực kế toán, như

- Chuẩn mực Tổn thất tài sản;

- Chuẩn mực Công cụ tài chính;

- Chuẩn mực Thanh toán bằng cổ phiếu;

- Chuẩn mực Tài sản nắm giữ để bán và hoạt động kinh doanh không liên tục;

- Chuẩn mực Tìm kiếm thăm dò và xác định giá trị các nguồn tài nguyên khoán sản;

- Chuẩn mực Các khoản tài trợ của Chính phủ;

- Chuẩn mực Phúc lợi của nhân viên;

- Chuẩn mực Nông nghiệp.

4.3 - Biện pháp và lộ trình triển khai thực hiện

Việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới chuẩn mực kế toán là một công việc phức tạp và khó khăn, cần huy động nhiều nguồn nhân lực, vật lực. Để thực hiện công việc này, Bộ Tài chính sẽ tìm kiếm sự trợ giúp kỹ thuật của các tổ chức quốc tế như WB, ADB, IMF…và sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước.

- Năm 2010, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện các chuẩn mực kế toán hiện hành và mức độ thoả mãn của các thông tin kế toán đối với người sử dụng và xác định các nội dung cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo chuẩn mực kế toán được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm thực hành tốt nhất và mang tính thực tiễn cao cho các doanh nghiệp. Đồng thời đã tổng kết so sánh sự khác biệt giữa Chuẩn mực kế toán Việt Nam và Chuẩn mực kế toán quốc tế làm căn cứ cập nhật các Chuẩn mực kế toán Việt Nam đã ban hành.

- Năm 2011, Bộ Tài chính sẽ thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập nghiên cứu, cập nhật 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam. Đồng thời sẽ triển khai nghiên cứu các Chuẩn mực kế toán quốc tế mà Việt Nam chưa ban hành.

- Trong giai đoạn 2013-2015, cùng với việc dự thảo và trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật kế toán, Bộ Tài chính sẽ triển khai nghiên cứu, soạn thảo các Chuẩn mực kế toán còn thiếu so với hệ thống Chuẩn mực kế toán quốc tế, đặc biệt chú trọng vào nhóm Chuẩn mực yêu cầu ghi nhận tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý phản ánh đặc thù của nền kinh tế thị trường./.

Nguồn: VACPA

No comments:

Post a Comment

Popular Posts