Thursday, 14 July 2011

KỶ NIỆM 20 NĂM KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP (1991-2011)

cÇn hoµn thiÖn quy ®Þnh vÒ kiÓm to¸n tæ chøc ph¸t hµnh,

Tæ chøc niªm yÕt vµ tæ chøc kinh doanh chøng kho¸n

Trần Anh Quân

Trong quá trình Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, sự hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán có ý nghĩa quan trọng. Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn mới và có tính linh hoạt cao. Để thị trường chứng khoán hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, đòi hỏi các thông tin tài chính được công bố trên thị trường phải minh bạch và có độ tin cậy cao để cho phép các nhà đầu tư đưa ra các quyết định hợp lý khi đầu tư vốn. Điều này dẫn đến nhu cầu tất yếu về việc báo cáo tài chính do các tổ chức phát hành và các tổ chức niêm yết phải được kiểm toán bởi các đơn vị kiểm toán độc lập.

Ông Trần Anh Quân

Phó TGĐ - Công ty TNHH KPMG Việt Nam

Xuất phát từ tính xã hội hóa cao của thị trường chứng khoán, các tổ chức phát hành và tổ chức niêm yết có thể huy động vốn từ một số lượng lớn các nhà đầu tư trong đó có nhiều nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy hoạt động của các tổ chức này có ảnh hưởng đến lợi ích của số lượng lớn nhà đầu tư nên hoạt động của các tổ chức này được quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật chứng khoán và các văn bản pháp lý có liên quan. Về phương diện công bố thông tin, các tổ chức phát hành và tổ chức niêm yết phải tuân thủ các quy định tại Thông tư số 09/2010/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành ngày 15 /1/2010 Hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư 09). Theo thông tư này, các công ty đại chúng phải công bố thông tin về báo cáo tài chính năm được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện được chấp thuận theo quy định của Bộ Tài chính. Các tổ chức niêm yết phải lập và công bố thông tin về báo cáo tài chính năm được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên (sáu tháng đầu năm) đã được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN) chấp thuận.

Từ cuối năm 2007, Bộ Tài Chính đã ban hành Quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán theo Quyết định số 89/2007/QĐ-BTC (Quyết định 89) (thay thế Quyết định 76/2004/QĐ-BTC ngày 22/9/2004).

Qua thực tế áp dụng những quy định trên đã nảy sinh một số vấn đề cần được hoàn thiện như sau:

(1) Tại Việt Nam ngoài các sàn giao dịch chính thức của Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP Hồ Chí Minh, Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội, còn có thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC). Các tổ chức phát hành chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung chỉ phải tuân thủ quy định về công bố thông tin đối với công ty đại chúng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các tổ chức phát hành này có thể ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp kiểm toán chưa được UBCKNN chấp thuận để kiểm toán các báo cáo tài chính của mình.

Do điều kiện hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, việc giao dịch chứng khoán trên thị trường OTC diễn ra khá phổ biến và được nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia. Các nhà đầu tư cá nhân thường có khá ít thông tin chính thống về các chứng khoán giao dịch trên thị trường OTC. Do vậy đầu tư trên thị trường OTC có thể gặp rủi ro cao hơn so với đầu tư trên thị trường tập trung. Do vậy cần có quy định cho tất cả công ty đại chúng kể cả công ty chưa niêm yết cũng phải được kiểm toán bởi doanh nghiệp kiểm toán được UBCKNN chấp thuận.

(2) Liên quan đến các điều kiện để doanh nghiệp kiểm toán được UBCKNN chấp thuận kiểm toán cho các tổ chức phát hành và tổ chức niêm yết còn có một số bất cập như sau:

· Doanh nghiệp kiểm toán trong nước phải có vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu từ 2 tỷ đồng (xấp xỉ 100.000 Đô la Mỹ theo tỉ giá hiện nay) trở lên; doanh nghiệp kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài phải có vốn điều lệ tối thiểu là 300.000 Đô la Mỹ. Việc có quy định khác nhau đối với doanh nghiệp kiểm toán trong nước và doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài là chưa hợp lý và thiếu sự bình đẳng giữa hai thành phần kinh tế này. Quy định này cũng cần được đối chiếu với các cam kết của Việt Nam khi gia nhận Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Thiết nghĩ Bộ Tài Chính và UBCKNN cần nghiên cứu sửa đổi quy định này cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Việc quy định mức vốn điều lệ tối thiểu có thể hiểu là nhằm đảm bảo các công ty kiểm toán được chấp thuận có đủ nguồn lực tài chính để có thể chịu trách nhiệm nghề nghiệp đối với dịch vụ kiểm toán cung cấp cho các tổ chức phát hành và tổ chức niêm yết. Tuy nhiên xét trên quy mô của các tổ chức này thì mức vốn điều lệ được quy định là không lớn và việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp kiểm toán để chịu trách nhiệm tài chính trong trường hợp có rủi ro xảy ra là khó thực hiện vì các tài sản của doanh nghiệp kiểm toán khi thanh lý cũng không thể thu hồi được giá trị đáng kể. Việc tăng thêm mức vốn điều lệ tối thiểu đối với các doanh nghiệp kiểm toán được chuấn thuận đến mức được coi là đủ để chịu trách nhiệm tài chính cũng là không khả thi vì giá trị vốn hóa của các tổ chức phát hành và tổ chức niêm yết là rất lớn.

Để giải quyết vấn đề trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận trong trường hợp xảy ra rủi ro, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét áp dụng quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc. Việc này đã có quy định cơ bản trong Nghị định số 105/2004/NĐ-CP của Chính Phủ về kiểm toán độc lập và cũng được quy định trong Luật Kiểm Toán Độc Lập vừa được ban hành. Bộ Tài Chính và UBCKNN có thể đưa ra quy định cụ thể hơn đối với các doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận, ví dụ các doanh nghiệp này phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp có mức bảo hiểm tối thiểu là 300.000 Đô la Mỹ hoặc số tiền Đồng Việt Nam tương đương.

· Về thủ tục đăng ký xin chấp thuận kiểm toán các tổ chức phát hành và tổ chức niêm yết trên thực tế có một số yêu cầu chưa được nêu rõ trong Quyết định 89 hoặc hướng dẫn bằng văn bản của UBCKNN dẫn đến việc các doanh nghiệp kiểm toán không thể chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký, ví dụ như việc nộp bản sao hợp đồng kiểm toán, bản sao thanh lý hợp đồng kiểm toán, xác nhận các kiểm toán viên đã tham gia đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm. Các quy định này nên được quy định rõ ràng hơn hoặc được UBCKNN hướng dẫn bằng văn bản cho các doanh nghiệp kiểm toán trong một thời hạn hợp lý trước khi bắt đầu đăng ký kiểm toán các tổ chức phát hành và tổ chức niêm yết.

(3) Ngày 2 tháng 8 năm 2010, Chính phủ ban hành nghị định số 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có quy định phạt tiền từ 50.000.000 Đồng đến 70.000.000 Đồng đối với tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên không báo cáo, báo cáo không kịp thời cho UBCKNN khi có nghi ngờ hoặc phát hiện tổ chức được kiểm toán có sai phạm trọng yếu do không tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan đến báo cáo tài chính được kiểm toán sau khi phát hành báo cáo kiểm toán. Quy định này là chưa phù hợp vì theo đoạn 19 của Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 560 – các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính thì sau ngày công bố báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên không bắt buộc phải xem xét, kiểm tra bất cứ số liệu hay sự kiện nào có liên quan đến báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Mặt khác nếu vì lý do nào đó, ví dụ thông tin trên các phương tiên thông tin đại chúng, kiểm toán viên chỉ có nghi ngờ mà không xác định được thực tế có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính đã kiểm toán thì tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên không có đủ cơ sở để báo cáo cho UBCKNN. Thêm vào đó sau khi báo cáo kiểm toán đã được phát hành và hợp đồng kiểm toán đã kết thúc thì kiểm toán viên sẽ không có nghĩa vụ và không có khả năng thực hiện thêm các thủ tục kiểm toán bổ sung nào để làm rõ các vấn đề nghi ngờ, nếu có.

Ngoài những vấn đề nêu trên, ngày 29 tháng 3 năm 2011, Quốc Hội đã thông qua Luật Kiểm Toán Độc Lập trong đó có riêng một chương quy định về kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng bao gồm cả các tổ chức phát hành, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp bảo hiểm. v.v. Theo quy định này, doanh nghiệp kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng cũng phải được chấp thuận bởi các cơ quan có thẩm quyền theo các tiêu chuẩn do Bộ Tài Chính quy định. Trong quá trình hướng dẫn áp dụng quy định này của luật, theo chúng tôi, việc chấp thuận các doanh nghiệp kiểm toán đơn vị có lợi ích công chúng nên được quy về một cơ quan nhà nước quản lý thống nhất, tránh trường hợp doanh nghiệp kiểm toán phải được chấp thuận bởi nhiều cơ quan khác nhau để kiểm toán các loại đơn vị có lợi ích công chúng khác nhau làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính và có thể dẫn đến sự không thống nhất trong việc áp dụng luật.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, Bộ Tài Chính và UBCKNN cũng nên xem xét các quy định phù hợp về quản trị đối với các tổ chức phát hành và tổ chức niêm yết, ví dụ:

· Nâng cao vai trò của ban kiểm soát trong quá trình kiểm toán độc lập đối với báo cáo tài chính của đơn vị bao gồm tham gia ý kiến vào việc bổ nhiệm đơn vị kiểm toán và trao đổi thông tin với kiểm toán viên và đơn vị kiểm toán về các vấn đều phát hiện trong quá trình kiểm toán. Để thực hiện có hiệu quả những vai trò này cũng cần có những quy định để đảm bảo tính độc lập của ban kiểm soát đối với cơ quan quản lý điều hành của đơn vị được kiểm toán.

· Ban quản lý điều hành phải chịu trách nhiệm và giải trình trước đại hội đồng cổ đông về các vấn đề bất thường được nêu ra trong báo cáo kiểm toán.

Như đã nêu trên về tầm quan trọng của hoạt động kiểm toán độc lập đối với sự vận hành và phát triển của thị trường chứng khoán, việc liên tục hoàn thiện các quy định pháp lý về kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức phát hành và tổ chức niêm yết là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp kiểm toán có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư đối với báo cáo tài chính của các tổ chức phát hành và tổ chức niêm yết./.

(Theo VACPA)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts