Friday, 29 July 2011

KỶ NIỆM ĐỜI KIỂM TOÁN VIÊN (Phần 1)

KỶ NIỆM ĐỜI KIỂM TOÁN VIÊN

BBT: Trong sách kỷ yếu "Hội nghị Tổng kết và Lễ kỷ niệm 20 năm Kiểm toán độc lập (05/2011) đã đăng bài viết này. Tuy nhiên theo yêu cầu của đông đảo KTV và bạn đọc, BBT đăng lại bài này để bạn đọc gần xa tham khảo, có thêm thông tin về nghề nghiệp kiểm toán độc lập".

Các bạn thân mến!

Trong quá trình chuẩn bị tài liệu cho Hội nghị tổng kết và Lễ kỷ niệm 20 năm kiểm toán độc lập, tôi bồi hồi nhớ lại những sự việc – những kỷ niệm không quên trong 20 năm làm kiểm toán viên. Nghĩ rằng sẽ không còn dịp khác để kể lại với các bạn nên đã viết lại trong bài này. Do mới có ý định và viết trong mấy ngày nghỉ lễ nên bài viết này có thể còn sai sót, mong bạn đọc thứ lỗi và hãy chắt lọc lấy những ý nghĩa có lợi ích cho nghề nghiệp.

Nhân dịp này tôi trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành đến các cơ quan, công ty kiểm toán đồng nghiệp, các kiểm toán viên và bạn đọc đã hỗ trợ, giúp đỡ và cùng cộng tác, giúp tôi hoàn thành trách nhiệm cũng như thực hiện được các nguyện vọng cho nghề nghiệp cũng như cuộc sống.

Kính chúc các bạn vui khỏe, thành đạt và hạnh phúc!

Ông Bùi Văn Mai

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VACPA

(Nguyên Giám đốc Công ty kiểm toán Việt Nam (VACO) từ 5/1991 đến 6/1998; Nguyên Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán - Bộ Tài chính từ 7/1998 đến 9/2008; Nguyên Chủ tịch VACPA từ 4/2005 đến 5/2008)

1. KIỂM TOÁN LÀ GÌ

Tôi có anh bạn học từ thời cấp III phổ thông, từ 1963-1967. Vào năm 1990/1991 Anh đã là giáo sư toán học. Cách đây hơn 10 năm Anh hay dẫn đoàn học sinh đi thi toán quốc tế. Sau mấy năm không gặp, hè 1995 gặp Anh. Tôi tặng Anh cuốn sách “Tìm hiểu về kiểm toán độc lập”. Biết tôi làm giám đốc công ty kiểm toán, anh vỗ vai tôi cười bảo: “Kiểm toán là gì? Chắc là kiểm tra toán học phải không?”

2. CÔNG TY KIỂM TOÁN ĐẦU TIÊN ĐƯỢC CẤP

KINH PHÍ SỰ NGHIỆP TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Theo Quyết định số 165 TC/QĐ/TTCB ngày 15/05/1991 của Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Quy về việc thành lập công ty dịch vụ kiểm toán Việt Nam, VACO được cấp kinh phí sự nghiệp/hành chính trong vòng 1 năm. Mà các bạn biết đấy, để được cấp kinh phí sự nghiệp, công ty phải được Bộ duyệt định biên, phải sử dụng định mức dự toán, đơn giá lập kế hoạch dự toán xin kinh phí (theo mức của cơ quan Bộ Tài chính).

Thực tế sau 3 tháng đầu hưởng kinh phí hành chính thấy thủ tục nhiều, tiền có ít, lại ký được hợp đồng thu phí đủ chi tiêu, tôi đã xin thôi hưởng kinh phí ngân sách.

3. HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ ĐẦU TIÊN CỦA

CÔNG TY KIỂM TOÁN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN

Sau khi khai trương hoạt động ngày 21/09/1991, biết có công ty kiểm toán, khách hàng đã đến giao dịch ký hợp đồng. Các bạn biết không, hợp đồng đầu tiên VACO ký là giám định tính đúng đắn của 4 tờ phiếu chi tiền mặt của Xí nghiệp dịch vụ Côn Đảo (văn phòng đại diện tại Hà Nội) với giá trị hợp đồng là 1000.000đ (Một triệu đồng).

4. KIỂM TOÁN LIÊN DOANH CÂU LẠC BỘ QUỐC TẾ

11 LÊ HỒNG PHONG, HÀ NỘI

Từ tháng 8/1991 đến tháng 3/1992 chúng tôi thực hiện hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của Liên doanh Câu lạc bộ quốc tế. Đã 20 năm làm việc ở Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính, tôi và các đồng nghiệp rất thạo công việc kiểm tra kế toán, nên khi bắt đầu làm kiểm toán, chúng tôi yêu cầu đưa hết chứng từ, sổ sách và BCTC, sau đó chia nhóm ra đếm chứng từ, xác định lại nội dung từng bút toán Nợ/Có, kiểm tra xem có ghi đúng vào sổ cái, sổ chi tiết không. Chúng tôi thi nhau cộng lại số phát sinh, tính lại từng số dư của từng tài khoản, từng sổ chi tiết, đối chiếu với sổ cái, cộng sổ tính lại từng số liệu trên từng báo cáo tài chính…y như làm lại công việc hàng ngày của kế toán…

Công việc chưa xong đã thấy mệt nhoài vì nhiều chứng từ bằng tiếng Anh, chuyển từ nước ngoài về, dịch không hiểu hết…Thấy chúng tôi mỏi mệt, cô kế toán trưởng người Philippin mới nói rằng: “Không biết các anh làm gì chứ đấy không phải là làm kiểm toán.” Sau hỏi ra mới biết cả 2 cô làm kế toán của Liên doanh Câu lạc bộ đều là CPA của Philippin – là KTV của công ty SGV. Chúng tôi đã nhờ các cô trình bày trong 1 buổi hội thảo nhỏ và mở lớp học dạy chúng tôi làm kiểm toán: Thế nào là chọn mẫu, thế nào là trọng yếu…Thế mới nhớ: Đi làm kiểm toán khách hàng lại được chính khách hàng dạy lại cách làm kiểm toán. Tôi chỉ còn nhớ 2 cô khách hàng đó tên là Len và Lin (tên gọi thân mật).

5. GIỐNG NHƯ CÁO VÀ CÒ

Các bạn đều biết chuyện ngụ ngôn “Cáo mời Cò đến nhà ăn tiệc, Cáo múc cháo ra đĩa mời Cò ăn. Hôm sau Cò mời Cáo đến nhà, Cò múc cháo đổ vào bình mời Cáo ăn…” Ngày đầu làm kiểm toán tôi đã gặp chuyện đúng như vậy. Một khách hàng nước ngoài mời chúng tôi đến dự Tết dương lịch và ăn buffet. Vào những năm 1991/1992, ăn buffet còn lạ lẫm lắm nên chẳng ai dám đi lại lấy thức ăn, đứng không quen mỏi chân chẳng ăn được bao nhiêu. Đến Tết âm lịch chúng tôi lại mời các bạn nước ngoài đến nhà mình ăn tết bằng cách ngồi ngay trên chiếu rải giữa nhà. Hai cô gái người nước ngoài mặc váy ngắn đều không ngồi được, thấp thỏm đứng lên, quỳ xuống…cũng không ăn được bao nhiêu. Chỉ là sự vô tình nhưng chuyện xảy ra đúng như chuyện ngụ ngôn thời kỳ đầu kinh tế thị trường.

6. KIỂM TOÁN DỰ ÁN “NGƯỜI HỒI HƯƠNG”

Tháng 3/1992, chúng tôi được Ngân hàng thế giới (NHTG) mời làm kiểm toán cho Dự án do NHTG tài trợ, Dự án “Người hồi hương”. Chả là những người vượt biên không được nước nào cho cư trú, NHTG tài trợ kinh phí bằng cách cấp vốn ban đầu để họ tự kinh doanh sinh sống nếu hồi hương về nước. Họ được cấp tiền mua phương tiện làm ăn như mua xe bò, xe xích lô, mua lợn, trâu, bò chăn nuôi, hoặc hỗ trợ 1 phần tiền mua thuyền, bè đánh bắt hải sản…Những người này chủ yếu sống ở vùng biển hoặc thị trấn nhỏ….Để làm kiểm toán 10 tỉnh ven biển miền Bắc, chúng tôi phải huy động người về hưu từ các ngân hàng, các doanh nghiệp…đến gần 30 người tỏa đi các tỉnh. Xung quanh dự án này thật nhiều kỷ niệm đời KTV.

a. Một “kiểm toán viên” về kiểm toán tại vùng xứ đạo, ở nhà dân, đêm mất một đôi dép nhựa Tiền phong trắng, sáng sớm đã làm đơn trình báo công an xã…nhưng cũng không tìm được. Công ty đã chi trả ½ giá tiền đôi dép.

b. Một bạn nữ về kiểm toán ở một xóm nghèo miền núi, nghèo đến mức bạn đánh vỡ một cái đèn dầu thủy tinh mà không có cách nào mua đền cho chủ nhà được, trước khi về đã để lại một bộ quần áo thường mặc cho chủ nhà…để đền chiếc đèn.

c. Đây là hợp đồng có giá trị khá lớn (22.500 USD), công ty thì nhỏ chưa nhận được sự tin tưởng của khách hàng đến mức NHTG không đồng ý chuyển tiền chi trả trực tiếp vào tài khoản của công ty mà phải chuyển nhờ vào tài khoản của Bộ Tài chính. Đến khi hoàn thành hợp đồng được NHTG chấp nhận báo cáo kiểm toán mới được nhận tiền từ tài khoản của Bộ Tài chính…

7. TÀI TRỢ KINH PHÍ

Công ty vừa thành lập còn quá nhỏ nhoi. Chúng tôi có bàn với chi nhánh công ty kiểm toán INDOCHINA Ltd cũng vừa được phép thành lập tại Việt Nam để tổ chức một cuộc hội thảo về kiểm toán độc lập (KTĐL). Ngày đầu thành lập, công ty kiểm toán còn chưa biết gì về kiểm toán chứ đừng nói doanh nghiệp. Nhiều Ông/Bà giám đốc bảo: “Nói như ông, chúng tôi vừa bị kiểm tra, phải cung cấp tài liệu, giải thích, trình bày mà lại mất tiền là làm sao?...” Dó đó, việc tuyên truyền, quảng bá, hội thảo, tổ chức lớp học về kiểm toán là cần thiết lắm. Chúng tôi có đề nghị INDOCHINA Ltd hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo. Bạn đồng ý và yêu cầu chúng tôi lập dự toán. Chúng tôi mời giám đốc chi nhánh của bạn đến để cùng báo cáo với lãnh đạo Bộ về hội thảo. Diễn biến buổi làm việc rất vui vẻ và suôn sẻ. Trước khi kết thúc, ông giám đốc người nước ngoài đặt bó tiền tên bàn họp, đẩy nhẹ lại phía Việt Nam và nói: “Như đã trao đổi, chúng tôi hỗ trợ Bộ 20 triệu đồng tổ chức hội thảo.” - “Chúng tôi không thiếu 20 triệu đồng. Ông làm việc này với công ty Ông M…” Cuộc họp kết thúc nhanh chóng.

Sau đó, chúng tôi nhận được chỉ đạo là không tổ chức hội thảo với INDOCHINA Ltd nữa mà chuyển sang cùng làm với NHTG.

Thế mới biết, không phải cứ tài trợ mà người ta đã nhận đâu.

8. LỚP HỌC KIỂM TOÁN ĐẦU TIÊN

Trước khi thành lập Công ty kiểm toán Việt Nam (VACO), các công ty kiểm toán quốc tế (Big 6) đã ra, vào Việt Nam. Ngay sau khi VACO được thành lập, lần lượt Big 6 đều gặp gỡ VACO muốn thành lập liên doanh. Thân thiện nhất lúc đầu là Price Waterhouse (PW), hai bên đã gặp và bàn thảo nhiều lần nhưng rút cuộc không thành vì VACO là công ty của Bộ Tài chính…

Vì thân thiện nhất nên tôi đã chủ động đặt vấn đề nhờ PW tổ chức 1 lớp học về KTĐL. Bạn đồng ý và yêu cầu chúng tôi làm bản đề xuất: Mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng lớp học, thời gian, địa điểm giảng…Tôi đã nhanh chóng đưa ra một bản đề xuất theo yêu cầu của bạn. Mọi đề xuất PW đều nhanh chóng chấp thuận – chỉ riêng nội dung giảng thì bạn cười lớn và bảo…

Các bạn có biết được tôi đã đề xuất PW giảng dạy nội dung gì?

Tôi chuẩn bị 2 trang nội dung dài: kiểm toán là gì, có mấy loại kiểm toán, vì sao phải kiểm toán, KTV là gì, khách hàng kiểm toán là ai; tiêu chuẩn, điều kiện là KTV…Ông Rex Clementson cười bảo: “PW không có người giảng những vấn đề này, tại sao các ông lại yêu cầu giảng những nội dung này…” Tôi phải giải thích mãi PW mới hiểu: “Hãy cứ coi chúng tôi là tờ giấy trắng về kiểm toán, KTĐL…Nếu không dạy chúng tôi và không quảng bá để doanh nghiệp Việt Nam, quan chức, giảng viên, người làm kiểm toán Việt Nam hiểu từ những vấn đề đơn giản đó thì PW cũng không thể hoạt động ở Việt Nam được…” Tôi hỏi lại: “Ở Hồng Kông ai giảng về những nội dung chúng tôi yêu cầu?” (PW từ Hồng Kông vào Việt Nam) – “Ở nước nào cũng vậy, các trường Đại học kinh tế giảng những nội dung các ông yêu cầu”. “Thế PW có thể giảng cho chúng tôi nội dung gì?” “Chúng tôi giảng về chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, về rủi ro, chọn mẫu…” toàn nói những từ ngữ tiếng Anh mà phiên dịch Việt Nam cũng chưa dùng đến. Phải giải nghĩa loanh quanh…

Cuối cùng chúng tôi cũng thống nhất được nội dung lớp học: VACO giảng 3 ngày đầu với những gì giám đốc VACO biết được từ trước, PW giảng 11 ngày, ôn tập 2 ngày sau đó làm bài kiểm tra/thu hoạch…

Sau 2 tháng PW chuẩn bị, tôi được mời sang Hồng Kông 3 ngày để thông qua tài liệu trước khi mở lớp học. Lần đầu tiên sang một nước “tư bản”, thủ tục thật khó khăn. Người phiên dịch đầu tiên của tôi, anh Đinh Toàn Thắng đã không được đi cùng tôi vì anh đang là nhân viên hợp đồng ngắn hạn. Một cán bộ phiên dịch đối ngoại đã đi cùng tôi. Đã khó khăn lại thêm khó khăn khi anh phiên dịch chỉ quen dịch giao tiếp nay phải dịch từ chuyên môn không chỉ là tiếng Anh mà ngay cả tiếng Việt khi đó cũng chưa dùng mấy: “Rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát, rủi ro kiểm toán, trọng yếu, chọn mẫu…” (tất nhiên, những thuật ngữ này bây giờ đã quá quen thuộc với những người trong nghề như chúng ta). Cùng với 2 bạn người Việt đã sang Hồng Kông mấy năm trước, chúng tôi loay hoay, giải thích vòng vo, qua lại…Từ Việt Nam bay sang Hồng Kông, chúng tôi được đón thẳng đến văn phòng PW, làm việc ngay, trưa ăn suất ăn nhanh tại văn phòng, 12h đêm được đưa về khách sạn 4-5 sao. Phòng ốc sang trọng: có 2 phòng ngủ, 1 phòng tiếp khách và 2 phòng phụ…Tôi không kịp đi hết các phòng, lăn ra ngủ - 7h sáng được báo thức, ăn sáng tại khách sạn xong được đón đến văn phòng làm việc. Cứ thế, đến chiều tối ngày thứ 3 tôi được đưa từ văn phòng ra sân bay. Ở Hồng Kông 3 ngày đêm mà tôi chỉ được biết vài ba tòa nhà đi qua lại trong lúc đi ăn tối…

Hai năm trước đó tôi đã ở Lêningrát (Liên xô cũ), đã choáng ngợp với thành trì cách mạng nhưng khi đến Hồng Kông tôi đã ngây ngất vì sự hoa lệ của các công trình và đường phố, cờ, hoa, đèn trang trí…

Lớp học kiểm toán đầu tiên không chỉ để lại kỷ niệm đầu đời làm nghề kiểm toán với những khái niệm và kiến thức mới mẻ và phức tạp (cho dù bây giờ là quá đỗi đơn giản) mà còn vì một đất nước, một xã hội hoàn toàn khác…

9. NHẬN PHÍ KIỂM TOÁN

Ngày kết thúc của một trong vài hợp đồng kiểm toán đầu tiên, mức phí cũng khá lớn (7.000 USD). Sau khi ký biên bản thanh lý hợp đồng, ông Tổng giám đốc khách hàng gọi thủ quỹ mang tiền lên phòng làm việc. Ông Tổng giám đốc sau ít lời cảm ơn đã đưa gói tiền trên cho tôi. Tôi cảm ơn và xin lỗi chưa nhận tiền được. Tôi gọi thủ quỹ và một cán bộ công ty đến nhận tiền từ tay ông Tổng giám đốc sau đó xin phép về trước. Ông Tổng giám đốc bắt tay tôi thật chặt và ngạc nhiên hỏi: “Tại sao ông không nhận tiền?” Tôi nói nguyên tắc kế toán của chúng tôi là thủ quỹ là người nhận tiền. Nhưng vì số tiền lớn nên cần có một người đi cùng để bảo đảm an toàn. Ông ta vui hẳn lên và nói rằng: “Đó cũng là nguyên tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế. Nhưng đã 2 năm làm việc ở đây, ông là người đầu tiên từ chối nhận tiền đấy.”

10. CÓ LẼ TÔI LÀ GIÁM ĐỐC ĐẦU TIÊN CỦA CÔNG TY KIỂM TOÁN

…ĐƯỢC MỜI VÀO HỎA LÒ

Trong một ngày làm việc bận rộn vào cuối tháng 3/1993, tôi giật mình khi nhận được tờ giấy mời có mặt lúc 9h sáng hôm sau tại Phòng A…Hỏa Lò Hà Nội (khi đó chưa có công trình Tháp Hà Nội như hiện nay). Mấy cán bộ, nhân viên công ty lo lắng lộ ra mặt. Bạn làm hành chính đứng lặng yên khi trình cặp công văn mới trong đó có tờ giấy mời nói trên. Tôi đọc tờ giấy 2-3 lần và không nói gì. Lật xem lịch làm việc thấy trùng giờ tiếp một khách nước ngoài. Tôi viết mấy dòng vào tờ giấy A4 xong nhờ 1 cán bộ khá đứng tuổi mang đến Phòng A…Hỏa Lò.

Sáng hôm sau tiếp khách hàng 30 phút xong xin lỗi vì có việc gấp cần xử lý. Tôi và anh bạn mang thư hôm trước cùng đến Hỏa Lò. Anh lính gác cổng hơi ngạc nhiên khi chỉ dẫn đường đi cho chúng tôi. Nếu bạn chưa có dịp đến Hòa Lò thì hãy thu xếp đến thăm quan một lần cho biết: Khi đó đường đi nhỏ, hẹp, tường xây 30-50, đèn hơi tối, qua nhiều lần cửa…Vào phòng đầu tiên, tôi được một anh cán bộ mở cửa ra đón, dẫn 2 chúng tôi đi qua một sân nhỏ đến một phòng khác, giới thiệu đến gặp trưởng Phòng A… và chỉ cho mình tôi vào. Tôi gõ cửa 3 lần không thấy có tiếng trả lời, lưỡng lự vài giây, tôi đẩy cửa bước vào. Cảnh tượng trong phòng làm tôi hơi chững lại: căn phòng nhỏ và chật, bày la liệt các tượng gỗ và đồ thờ cúng…một anh bán bộ đang cắm cúi viết, không ngẩng mặt và nói: “Sao đến muộn thế, Tưởng làm giám đốc mà ghê gớm lắm à?...Muốn cho vào tù lúc nào…” Tôi nói xen vào, “Xin lỗi anh, hôm qua tôi đã có người đến xin phép 10h tôi mới đến được…” Thấy tôi vẫn đứng, anh cán bộ đứng ngoài tiến vào kéo ghế mời tôi ngồi: “Tại sao hôm kia không giao tài liệu cho cán bộ của tôi? Tại sao không trả tiền của ông C.R…” Nghe thêm mấy câu nữa thì tôi hiểu ra vấn đề và lý do vì sao tôi được mời vào đây.

Số là thế này: chúng tôi, VACO có hợp danh cùng với ông C.R (C.R & công ty) làm kiểm toán BCTC cho khách sạn Thống Nhất (Metropole Hotel). Ông C.R có thuê một người nước ngoài cùng làm việc đồng thời là người giúp việc. Ông C.R đã bất ngờ chuyển văn phòng và cho bà giúp việc nghỉ việc nhưng chưa trả lương cho bà đã mấy tháng trước. Bà giúp việc đã làm đơn nhờ Phòng A…xử lý, đòi hộ tiền. Ông C.R đã được gọi đến và yêu cầu làm giải trình. Ông C.R nói rằng đã làm việc chung với VACO, theo thỏa thuận khách sạn trả tiền qua tài khoản VACO và VACO chuyển trả tiền cho ông C.R theo % ghi trên hợp đồng. Do VACO chưa trả tiền nên ông chưa có tiền trả cho bà giúp việc. Và anh cán bộ Phòng A…hôm trước đã đến VACO làm việc, yêu cầu cung cấp BCTC, hợp đồng kiểm toán và giải trình về tình hình tài chính, thu chi, yêu cầu xuất trình hồ sơ kiểm toán, báo cáo kiểm toán…Tôi đã trả lời: VACO chỉ có thể cung cấp được một số tài liệu liên quan đến khách hàng khi được chính khách hàng đồng ý. Câu trả lời đó chính là lý do tôi được mời vào Hỏa Lò…

Khi biết rõ lý do, tôi trả lời anh trưởng phòng rằng, hợp đồng chưa kết thúc, khách sạn chưa trả phí thì chúng tôi không thể trả tiền cho ông C.R được. “Vậy khi nào khách sạn trả tiền thi công ty giao tiền cho chúng tôi.” Lại một lần nữa tôi từ chối: “Xin lỗi anh tôi chỉ có thể giao tiền cho ông C.R. Nếu cần các anh đi cùng ông C.R để nhận tiền từ tay ông C.R…” Anh trưởng phòng không vui vẻ và cũng không nói gì thêm.

Mấy hôm sau khách hàng trả tiền cho VACO, tôi thông báo cho ông C.R đến nhận và cũng thông báo lại cho Phòng A…Hỏa Lò. Khi trả tiền cho ông C.R, tôi đã rải 2.000 USD mặt có dãy chữ số và sêri của từng tờ tiền lên máy photo thành 3 bản đính kèm phiếu chi tiền để ông C.R ký nhận. Tôi thấy ông C.R không đếm tiền mà giao ngay số tiền đó cho anh cán bộ đi cùng.

Tôi chẳng lo lắng gì về sự việc xảy ra như các đồng nghiệp trong công ty mà chỉ thấy rằng làm nghề kiểm toán phải vững tin ở mình và mọi sự cẩn trọng đều không bao giờ thừa.

Còn nữa ...

Nguồn: VACPA

No comments:

Post a Comment

Popular Posts