Friday, 22 July 2011

KỶ NIỆM 20 NĂM HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP (1991-2011)

héi kiÓm to¸n viªn hµnh nghÒ viÖt nam (vacpa)

§· thùc hiÖn TèT c¸c tr¸ch nhiÖm do

bé tµi chÝnh chuyÓn giao

TS. Hà Thị Ngọc Hà - Phó Vụ trưởng

Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán

1. Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trên thế giới:

Trong điều kiện kinh tế thị trường, BCTC của doanh nghiệp phải trung thực, minh bạch và công khai vì liên quan đến lợi ích, nghĩa vụ của nhiều nhà đầu tư. Để góp phần đảm bảo yêu cầu trên, những người hành nghề kế toán, kiểm toán đã lập ra tổ chức nghề nghiệp độc lập để thực hiện trách nhiệm đào tạo, kiểm soát chất lượng, xác nhận năng lực, cung cấp thông tin và quản lý đạo đức nghề nghiệp những người hành nghề này. Nhờ đó uy tín, danh tiếng của những người hành nghề ngày càng được nâng cao, không chỉ được từng nước mà nhiều nước thừa nhận, như Hiệp Hội kế toán công chứng Anh (ACCA) hiện có 140.000 Hội viên, 83 văn phòng đại diện trên 64 nước trên thế giới, đã có văn phòng và gần 400 hội viên ở Việt Nam; Hội kế toán viên công chứng Australia (CPA A) hiện có 132.000 Hội viên, đang làm việc tại hơn 111 quốc gia trên thế giới; có văn phòng và 98 Hội viên ở Việt Nam. Cơ quan Nhà nước nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận kết quả hoạt động của các Hội nghề nghiệp này. Tuy nhiên Nhà nước vẫn thực hiện chức năng kiểm soát hoạt động của các Hội nghề nghiệp.

Các Hội nghề nghiệp quốc tế thường được Nhà nước thừa nhận các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

- Nghiên cứu, soạn thảo và công bố Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; Ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán;

- Tổ chức đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ Hội viên sau 3-5 năm kinh nghiệm thực tế.

- Tổ chức cập nhật kiến thức cho Hội viên; Cung cấp thông tin nghề nghiệp và tư vấn chuyên môn cho Hội viên;

- Kiểm soát chất lượng dịch vụ của Hội viên; Quản lý đạo đức nghề nghiệp và xử lý các sai phạm của Hội viên.

Hội nghề nghiệp ở các nước đang phát triển được Nhà nước giao có sự khác nhau về: (1) Việc công bố Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán và (2) Việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề.

Các qui định liên quan đến mục đích, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội nghề nghiệp nói trên được qui định trong văn bản pháp luật hoặc các hình thức khác, có nước có Luật riêng về Hội nghề nghiệp tự quản; có nước có các chương riêng trong Luật kế toán viên công chứng…

2. Nội dung công việc Bộ Tài chính đã chuyển giao cho VACPA

Năm 2005, xét đến sự cần thiết của công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế; xét điều kiện thực tế của các Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán đã có ở Việt Nam, trong đó có VACPA là hội nghề nghiệp đi tiên phong trong việc tổ chức bộ máy và hoạt động theo mô hình của tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp. Ngày 14/07/2005 tại Quyết định số 47/2005/QĐ-BTC, Bộ Tài chính đã chuyển giao một số công việc liên quan đến quản lý hành nghề kiểm toán cho VACPA theo lộ trình chuyển giao phù hợp, gồm: (1) Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nghề nghiệp cho KTV hành nghề. Thực hiện cập nhật kiến thức cho KTV hành nghề; (2) Quản lý thống nhất danh sách KTV hành nghề, danh sách doanh nghiệp kiểm toán (DNKT); (3) Xem xét điều kiện và công khai danh sách KTV hành nghề, danh sách DNKT đủ điều kiện hành nghề; (4) Thực hiện kiểm tra tuân thủ pháp luật về kiểm toán, chất lượng dịch vụ trong các DNKT. Hàng năm thực hiện tổng kết, đánh giá chất lượng dịch vụ và hoạt động nghề nghiệp của KTV hành nghề, hoạt động kiểm toán và báo cáo với Bộ Tài chính; (5) Các việc khác như: Tổ chức ôn thi và tham gia tổ chức thi KTV.

Trong năm 2008, Bộ Tài chính tiếp tục uỷ quyền cho VACPA thực hiện việc nghiên cứu, soạn thảo, cập nhật Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phù hợp với Chuẩn mực kiểm toán Quốc tế (Quyết định số 1053/QĐ-BTC ngày 13/5/2008).

3. Đánh giá kết quả công việc VACPA đã đạt được từ khi Bộ Tài chính chuyển giao :

(1). Hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức cho KTV hành nghề:

Công việc cập nhật kiến thức về cơ bản đạt kết quả tốt do VACPA có nhiều cải tiến và không ngừng nâng cao chất lượng thông qua các công việc mà VACPA đã làm cụ thể như sau:

- Thứ nhất: VACPA đã chủ động lập Kế hoạch tổ chức các lớp cập nhật kiến thức KTV ngay từ đầu năm (Nêu rõ dự kiến thời gian, chương trình và nội dung cập nhật kiến thức của từng lớp học trong năm), để gửi xin ý kiến, thông báo công khai trên trang web của VACPA và tổng hợp, tiếp thu ý kiến tham gia của các DNKT trước khi chính thức thông qua. Sau đó VACPA thông báo Kế hoạch tổ chức các lớp cập nhật kiến thức KTV Việt Nam và KTV người nước ngoài để các DNKT chủ động bố trí thời gian và đăng ký tham dự các lớp học cho KTV, đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức và đảm bảo đủ thời gian qui định.

- Thứ hai: VACPA đã hợp tác với nhiều tổ chức và Hội nghề nghiệp quốc tế có uy tín như ACCA, CPAA, Đại học Swinburne (Australia), các trường Đại học, các Cục, Vụ, Viện của Bộ Tài chính và các DNKT lớn nên đã mời, bố trí được nhiều chuyên gia, giảng viên trong nước và quốc tế có năng lực chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tế nhiều. Việc tổ chức lớp cập nhật đã được thực hiện nghiêm túc, có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm.

- Thứ ba: VACPA đã tổ chức lấy và tiếp thu ý kiến học viên sau mỗi lớp cập nhật kiến thức nên các lớp học đã được cải cách, đổi mới đáng kể cả về nội dung học, lựa chọn giảng viên và địa điểm học ngày càng tốt hơn;

- Thứ tư: Về hình thức cập nhật, VACPA đã tổ chức có sự kết hợp giữa các lớp giảng dạy với các buổi toạ đàm, giao tiếp với Hội viên, trả lời câu hỏi, tổ chức hội thảo; giữa lớp mở tập trung 3-4 ngày cho các nội dung cần cập nhật với lớp mở theo từng chuyên đề kết hợp lớp học trong và ngoài giờ, ngày nghỉ… bảo đảm mỗi KTV đều dự ít nhất là 40 giờ, có ít nhất 1 bài kiểm tra đạt yêu cầu; Hàng năm VACPA có Bảng tổng hợp số giờ tham dự các lớp cập nhật kiến thức cho từng KTV hành nghề, của từng DNKT và công khai rộng rãi trên Website của VACPA làm cơ sở xem xét khi xác nhận đăng ký hành nghề.

- Thứ năm: Về nội dung cập nhật được cải tiến đa dạng và phong phú hơn để đáp ứng yêu cầu của người hành nghề. Ngoài các nội dung cơ bản phải cập nhật, VACPA còn tổ chức nhiều lớp cập nhật về các vấn đề chuyên sâu mà hầu hết các DNKT qui mô vừa và nhỏ không có khả năng thực hiện như: Lập BCTC hợp nhất, hợp nhất kinh doanh, phân tích BCTC nâng cao, kỹ năng soát xét file kiểm toán, định giá tài sản, thẩm định dự án đầu tư, kiểm toán nội bộ và phát hiện gian lận, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp, thay đổi trong các chuẩn mực BCTC quốc tế, kỹ năng quản lý, lãnh đạo, đạo đức nghề nghiệp và thông tin nghề nghiệp quốc tế…VACPA đã phân loại các nội dung cập nhật cho phù hợp với từng loại đối tượng như: Ban lãnh đạo, trưởng phó phòng, người vừa được cấp chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề...Và năm 2011 còn có lớp đào tạo cho trợ lý kiểm toán viên mới tuyển dụng của các công ty kiểm toán.

(2). Quản lý thống nhất danh sách KTV hành nghề và danh sách DNKT đang hành nghề kiểm toán độc lập trên cả nước

Trong các năm gần đây số lượng KTV hành nghề và DNKT tăng nhanh, việc chia tách các DNKT lớn thành nhiều DNKT mới hoặc sáp nhập giữa các DNKT nhỏ và sự biến động tăng, giảm KTV đăng ký hành nghề xảy ra khá phổ biến và phức tạp. Thực tế này đòi hỏi VACPA phải có cách thức triển khai phù hợp. Hai loại công việc trên khi được chuyển giao, VACPA đã thực hiện tốt, có hiệu quả, cụ thể như sau:

Thứ nhất: VACPA đã có công văn hướng dẫn chi tiết việc đăng ký hành nghề gửi đến các DNKT, đồng thời có Qui chế nội bộ hướng dẫn qui trình xử lý công việc tạo điều kiện cho các DNKT đăng ký hành nghề thuận lợi. Ngoài ra, VACPA có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước liên quan như Vụ CĐKT&KT, UBCKNN và Cơ quan đăng ký kinh doanh các tỉnh, thành phố để trao đổi, xin ý kiến, cung cấp thông tin trong quá trình quản lý và xem xét, xác nhận KTV và DNKT đủ điều kiện hành nghề.

Thứ hai, VACPA đã có nhiều đổi mới thực hiện quản lý thống nhất danh sách KTV hành nghề và DNKT theo qui định, theo chương trình phần mềm theo dõi, cập nhật toàn bộ KTV hành nghề của các DNKT và một số doanh nghiệp khác. Mọi thông tin thay đổi của Hội viên, KTV hành nghề, DNKT đăng ký hàng năm đều được cập nhật hàng ngày. Đồng thời thực hiện hình thức công khai trên trang Website của VACPA toàn bộ danh sách KTV hành nghề và DNKT đủ điều kiện hành nghề trong cả nước để cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan nhà nước và các doanh nghiêp, tổ chức có nhu cầu kiểm toán có thể lựa chọn KTV hành nghề và DNKT, hạn chế đáng kể tình trạng KTV không hành nghề vẫn đăng ký hành nghề hoặc có KTV đăng ký hành nghề ở hai nơi; hạn chế hoàn toàn KTV không đủ điều kiện vẫn làm giám đốc DNKT như trước đây.

(3). Công việc kiểm tra tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán, chất lượng dịch vụ trong các DNKT

Qua các năm, với nhân lực còn hạn chế nhưng VACPA đã có nhiều cải tiến, và nỗ lực để hoàn thành tốt công việc kiểm tra tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán, chất lượng dịch vụ trong các DNKT, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Có nhiều thay đổi trong cách thức tổ chức kiểm tra như:

- Hàng năm VACPA đã thông báo dự kiến Kế hoạch kiểm tra thường niên tình hình hoạt động và chất lượng dịch vụ cho các DNKT được kiểm tra (định kỳ 3 năm một lần). Trong Kế hoạch kiểm tra nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung và phạm vi kiểm tra; thời gian kiểm tra và danh sách đoàn kiểm tra; trình tự kiểm tra, gửi kèm Kế hoạch kiểm tra có Danh mục câu hỏi kiểm tra chất lượng dịch vụ yêu cầu các DNKT tự tổ chức kiểm tra, tự đánh giá kết quả kiểm tra vào Bảng câu hỏi và gửi Báo cáo kết quả tự kiểm tra cho VACPA.

- Số lượng các đơn vị được kiểm tra tăng hàng năm; công việc kiểm tra chia thành các đợt khác nhau, mỗi đợt chia thành nhiều đoàn; thành phần từng đoàn kiểm tra có sự tham gia của cán bộ chuyên trách của VACPA, của Bộ Tài chính và Hội viên của VACPA huy động từ các DNKT lớn; thời gian kiểm tra từng đơn vị mỗi năm đều dài hơn.

- Nội dung và phạm vi kiểm tra khá toàn diện, bao gồm: Kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các quy chế kiểm soát nội bộ, qui chế kiểm soát chất lượng dịch vụ và kiểm tra các Hồ sơ làm việc cho từng loại dịch vụ, cho các loại khách hàng khác nhau. Nội dung kiểm tra từ chỗ chỉ kiểm tra thủ tục hành chính, thủ tục kiểm toán nay đã kiểm tra nội dung tài chính, chất lượng ý kiến kiểm toán.

- Thành phần đoàn kiểm tra của VACPA có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tế lâu năm. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai sót ở đơn vị được kiểm tra mà chỉ những người thực tế hành nghề mới có khả năng phát hiện. Việc tăng cường kiểm tra đã góp phần đáng kể trong việc tăng cường chất lượng hoạt động và chất lượng dịch vụ kiểm toán trong các DNKT nói chung, đặc biệt là các DNKT nhỏ và vừa.

Thứ hai: Cuối đợt kiểm tra VACPA đều có Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra gửi Bộ Tài chính, tất cả các DNKT và công khai trên Website VACPA để phát huy các mặt tốt và chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về các sai sót phát hiện qua kiểm tra. Trong quá trình hoạt động, khi phát sinh các sai phạm, đã yêu cầu DNKT báo cáo, có thể cử người xuống kiểm tra và báo cáo kết quả với Bộ Tài chính.

Hàng năm đều tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả hoạt động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán để báo cáo Bộ Tài chính và làm tài liệu cùng Bộ Tài chính tổ chức họp thường niên tất các giám đốc các DNKT đang hoạt động tại Việt Nam, nhằm rút kinh nghiệm, sửa chữa sai sót và đề ra hướng phát triển cho năm sau.

(4). Tham gia xây dựng các chế độ, chính sách, chuẩn mực kế toán, kiểm toán:

Thực hiện Quyết định số 1053/QĐ-BTC ngày 13/5/2008 của Bộ Tài chính ủy quyền cho VACPA thực hiện soạn thảo Chuẩn mực kiểm toán trình Bộ Tài chính ban hành, từ năm 2009 VACPA đã thành lập Ban soạn thảo, ký thỏa thuận sử dụng CMKiT quốc tế với IFAC, tổ chức dịch, soạn thảo được 12 chuẩn mực kiểm toán. Đến nay đã trình dự thảo 09 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam để Bộ Tài chính xem xét ban hành.

VACPA đã tích cực tham gia xây dựng các chế độ, chính sách tài chính, kế toán, kiểm toán, đặc biệt tham gia là thành viên Ban soạn thảo Luật Kiểm toán độc lập và có nhiều đóng góp thiệt thực trong quá trình soạn thảo Luật. Với sự trợ giúp của Dự án “Tăng cường năng lực cho VACPA” do WB tài trợ, Hội đã chủ trì soạn thảo được “Chương trình kiểm toán mẫu”, tổ chức đào tạo và triển khai áp dụng thử tại 31 DNKT và đã hoàn chỉnh ban hành chính thức áp dụng rộng rãi từ năm 2010.

(5). Các công việc khác:

- Các năm qua VACPA đã cử một đại diện của VACPA tham gia Hội đồng thi KTV và kế toán viên hành nghề cấp Nhà nước và cử cán bộ tham gia Tổ thường trực Hội đồng thi để trực tiếp tham gia các công việc theo sự phân công của Hội đồng thi. Đã tham gia phát hành hồ sơ thi KTV, giúp Bộ xem xét điều kiện dự thi khi tiếp nhận hồ sơ của người dự thi.

- Tổ chức các lớp học và ôn thi cho tất cả các môn thi cho người Việt Nam và cho người nước ngoài dự thi lấy chứng chỉ KTV; các lớp học ôn thi đã được cải tiến, lựa chọn các giảng viên có trình độ chuyên môn cao, khả năng giảng dạy tốt.

4. Các công việc tiếp theo

Nhà nước cần tiếp tục thực hiện việc chuyển giao các công việc liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập cho VACPA vì các lý do sau:

- Hoạt động kiểm toán đòi hỏi sự độc lập, trung thực, minh bạch, chịu sự kiểm soát của cả xã hội. Do đó, cần có sự tham gia của các tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp nhằm giảm nhẹ thủ tục hành chính và sự can thiệp trực tiếp của cơ quan nhà nước vào doanh nghiệp. Các công việc Bộ Tài chính đã chuyển giao cho VACPA thực hiện từ năm 2005 và thực tế qua đánh giá đã chứng minh việc chuyển giao này là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, đúng với chủ trương đổi mới, mở cửa, hội nhập của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết Đại hội Đảng IX nêu rõ: “cần mở rộng hơn các hình thức tập hợp nhân dân, tham gia các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp…” và “hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà vì nhu cầu, lợi ích của nhân dân. Những tổ chức này được Nhà nước uỷ quyền thực hiện một số nhiệm vụ, cung cấp một số dịch vụ công với sự giám sát của cộng đồng. Thông qua đó, Nhà nước có thể tập trung sức lực để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng”.

- Công việc chuyển giao trong 6 năm qua đã đạt hiệu quả tốt: Về cơ bản VACPA đã và đang triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các công việc do Bộ Tài chính chuyển giao.Trong các năm qua, để thực hiện được các công việc Bộ Tài chính chuyển giao, VACPA đã hình thành được tổ chức bộ máy với các qui chế hoạt động theo mô hình của tổ chức nghề nghiệp quốc tế. Bước đầu VACPA đã góp phần nâng cao chất lượng và uy tín KTV hành nghề thông qua hoạt động đào tạo, cập nhật kiến thức, tư vấn chuyên môn, kiểm soát chất lượng, quản lý hành nghề và quan hệ quốc tế. Xã hội đã biết đến VACPA và tổ chức quốc tế bước đầu đã quan tâm đến hoạt động của VACPA.

- Các công việc Bộ Tài chính đã chuyển giao cho VACPA thực hiện trong các năm qua và thực tế qua đánh giá đã chứng minh việc chuyển giao cho Tổ chức nghề nghiệp những công việc này là hợp lý. Các quy định trên phù hợp với thông lệ quốc tế và là cơ sở pháp lý để Việt Nam triển khai đàm phán để thực hiện Hiệp định khung về thừa nhận lẫn nhau về hành nghề kế toán, kiểm toán giữa các nước thuộc khối ASEAN đã được ký kết vào tháng 26/2/2009.

Kế toán, kiểm toán là một loại hình dịch vụ phổ biến và quan trọng ở mọi quốc gia.Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế tất yếu sẽ dẫn đến sự hình thành thị trường thống nhất về dịch vụ kiểm toán, trước hết là quốc gia, tiếp theo ở cấp khu vực, sau đó là toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc đẩy nhanh sự phát triển, nâng cao trình độ nghề nghiệp và đảm bảo chất lượng dịch vụ kiểm toán tiếp cận và ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với mọi quốc gia đang phát triển, và trong sự nghiệp quan trọng đó, vai trò của Hội nghề nghiệp là rất lớn và cần được Nhà nước quan tâm đặc biệt. Việc chuyển giao cho VACPA những công việc như đã nêu trên trong các năm qua là kịp thời và phù hợp với thông lệ các nước, thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước về quản lý hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam là thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với phát huy vai trò tự quản của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai soạn thảo Nghị định để hướng dẫn thi hành Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 đã được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011 và được Chủ tịch nước ký Lệnh số 06/L-CTN công bố ngày 20/4/2011. Trong Nghị định này sẽ quy định rõ các công việc mà Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cho VACPA theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 của Luật Kiểm toán độc lập: Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán được bồi dưỡng kiến thức cho kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập do Chính phủ quy định”./.

(Theo VACPA)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts