BÀN VỀ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG
KIỂM TOÁN NỘI BỘ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
ThS. CPA. Nguyễn Thị Lê Thanh
- HỌC VIỆN NGÂN HÀNG -
Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm toán nội bộ của các ngân hàng thương mại
Việc đo lường và đánh giá hiệu quả đối với các hoạt động trong các doanh nghiệp nói chung và hiệu quả hoạt động KTNB trong NHTM nói riêng là rất cần thiết.
Rõ ràng hiệu quả hoạt động KTNB trong NHTM là một khái niệm tương đối vì nó được đánh giá bằng cách so sánh mục tiêu NHTM đặt ra khi thiết lập và duy trì KTNB (yếu tố đầu ra) đạt được và nguồn lực sử dụng cho KTNB (yếu tố đầu vào).
Yếu tố đầu vào của hoạt động KTNB là số lượng, chất lượng (trình độ) nhân sự làm công tác KTNB; chi phí dành cho bộ phận KTNB, bao gồm: Thu nhập của cán bộ kiểm toán, chi phí đào tạo,…; chi phí áp dụng yếu tố khoa học công nghệ vào công tác KTNB: phần mềm KTNB, chi phí trang bị máy tính cho cán bộ kiểm toán. Yếu tố đầu ra của hoạt động KTNB trong NHTM mang tính chất vô hình (tính trung thực của thông tin tài chính; khả năng dự đoán để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra trong các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng - hoạt động tín dụng, hoạt động kế toán và ngân quỹ, hoạt động kinh doanh ngoại tệ,…; khả năng phát hiện kịp thời các vi phạm và kiến nghị xử lý phù hợp; hoạt động giám sát sau kiểm toán chặt chẽ, các vi phạm được chỉ ra đều được sửa chữa thích hợp;…). Do vậy, để đánh giá tính hiệu quả của hoạt động KTNB trong NHTM, điều quan trọng là nhằm vào kết quả việc thực hiện quy trình của các hoạt động nghiệp vụ, các vi phạm được phát hiện và sửa chữa,… hơn là đánh giá dựa vào kết quả bằng con số cụ thể.
Nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của bộ phận KTNB ở mỗi NHTM thường do chính NHTM thiết lập, thể hiện trong bản quy chế về KTNB, căn cứ vào đặc điểm hoạt động và những mục tiêu chung cần đạt tới. Bản quy chế rõ ràng, chi tiết, đầy đủ và phù hợp là cơ sở để tổ chức hoạt động kiểm toán, là căn cứ để phân bổ các nguồn lực thích hợp cho KTNB và đồng thời cũng là cơ sở để đánh giá kết quả của hoạt động này. Tuy nhiên, một thực tế là các NHTM không tự đề ra bản quy chế cụ thể hóa, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm riêng có của NHTM, mà chỉ đơn thuần tiếp nhận những bản quy chế từ các quy định chung chung. Do đó, khi đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của KTNB ở một NHTM nào đó, cũng cần đánh giá xem bản thân các quy định về nhiệm vụ, mục tiêu của KTNB tại ngân hàng đó có phù hợp hay không.
Để đánh giá KTNB có tiết kiệm các nguồn lực trong quá trình thực hiện công việc không, thông thường các NHTM xem xét về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của KTNB và so sánh giữa chi phí cho KTNB giữa các ngân hàng với nhau. Tuy nhiên, đây thường là thông tin được bảo mật của các ngân hàng, không một NHTM nào công khai các số liệu này. Do đó, đánh giá hiệu quả của hoạt động KTNB bằng cách so sánh kết quả và chi phí dành cho KTNB giữa các ngân hàng với nhau là không thực hiện được.
Để đánh giá hiệu quả hoạt động KTNB trước hết phải xác định được thước đo đánh giá. Thước đo phải bảo đảm phục vụ tốt cho việc đánh giá đầu ra theo mục tiêu, chiến lược cũng như mối liên kết từ đầu vào đến đầu ra. Đối tượng đánh giá là mối quan hệ giữa yếu tố đầu vào và yếu tố đầu ra của hoạt động KTNB, như phân tích ở trên, rất phức tạp và khó đo lường được bằng giá trị cụ thể. Do đó, phần lớn các chỉ tiêu đánh giá là chỉ tiêu định tính.
Kết quả hoạt động (yếu tố đầu ra) thường được thực hiện thông qua các tiêu chí: số lượng, chất lượng, thời gian và chi phí.
· Thước đo số lượng: Phản ánh kết quả thông qua số lượng kết quả đầu ra, ví dụ: tổng số lượng các cuộc KTNB, số lượng các cuộc KTNB cho từng hoạt động nghiệp vụ,… Hoặc thể hiện phạm vi hoạt động của KTNB, số lượng các cuộc KTNB cho từng lĩnh vực kiểm toán: Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, và kiểm toán quản lí. Do tính phức tạp và đa dạng của kết quả đầu ra trong hoạt động KTNB tác động tới hoạt động kinh doanh chung của ngân hàng nên thước đo số lượng không thể phản ánh toàn bộ kết quả thu được nên cần kết hợp với các thước đo còn lại;
· Thước đo chất lượng: Phản ánh chất lượng của hoạt động KTNB, thể hiện ở chất lượng báo cáo KTNB và giai đoạn giám sát sau kiểm toán. Những tiêu chí để đo lường chất lượng báo cáo KTNB là: tính chính xác, tính khách quan, tính xây dựng, yêu cầu rõ ràng, cô đọng, đầy đủ và kịp thời. Báo cáo KTNB phải tập trung vào đúng vấn đề, các sai phạm được phát hiện và hướng xử lý đối với các sai phạm. Chất lượng của giai đoạn giám sát sau kiểm toán không chỉ thể hiện ở các văn bản, báo cáo thực hiện kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán, đòi hỏi phải thực hiện kiểm tra công tác khắc phục sai phạm thực tế tại đơn vị được kiểm toán.
Thước đo chất lượng chính là hệ thống chỉ tiêu định tính đánh giá trực tiếp hiệu quả hoạt động KTNB trong NHTM. Để đánh giá được chất lượng hoạt động KTNB, trong trường hợp này, giả sử nguồn lực (yếu tố đầu vào) cho hoạt động KTNB là không đổi. Điều này thể hiện ở: Khả năng phát hiện ra sai phạm trong các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng; Khả năng cảnh báo đối với hệ thống quản lý để từ đó đưa ra các chính sách điều hành hoạt động kinh doanh để giảm tỷ lệ nợ xấu, giảm các hành vi vi phạm (như tham nhũng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản,…), giảm rủi ro tác nghiệp,…; Kết quả của hoạt động KTNB giúp Hội đồng quản trị đánh giá đúng thực chất tình hình hoạt động của ngân hàng để đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp; Hiệu quả hoạt động KTNB là cơ sở so sánh với kết quả kiểm toán độc lập để điều chỉnh hoạt động ngân hàng. Trên cơ sở phát hiện các sai phạm, KTNB đưa ra các kiến nghị để sửa chữa sai phạm, hiệu quả hoạt động KTNB còn thể hiện ở giai đoạn giám sát sau kiểm toán - xem xét việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán. Hơn nữa, hiệu quả KTNB thể hiện ở giá trị các kiến nghị với Đại hội cổ đông để tổ chức lại Hội đồng quản trị, kiến nghị với Hội đồng quản trị để tổ chức bộ máy điều hành hoạt động.
Hiệu quả hoạt động KTNB tại các NHTM đã thể hiện được đầy đủ hai vai trò là xác nhận và tư vấn hay chưa. Trong đó xác nhận là chức năng chủ yếu của KTNB, đối tượng của KTNB đã thực hiện được những lĩnh vực nào: hệ thống KSNB, các thủ tục quản lí rủi ro, hệ thống thông tin tài chính, kiểm tra các giao dịch và các thủ tục, kiểm tra tính tuân thủ với pháp luật và quy định của các cơ quan quản lí, và các cuộc điều tra đặc biệt khác. Với tư vấn, hoạt động KTNB đã thực hiện được những lĩnh vực tư vấn gì và trong phạm vi nào, xem xét KTNB khi thực hiện vai trò tư vấn có bị ảnh hưởng tới tính độc lập không. Hiệu quả hoạt động KTNB ảnh hưởng nhiều bởi các biện pháp, các chính sách đảm bảo cho hoạt động này, do đó một phần hiệu quả tư vấn của KTNB thể hiện đã xây dựng được các quy định liên quan đến hoạt động KTNB hay chưa: Ban hành điều lệ kiểm toán; thành lập Uỷ ban kiểm toán trực thuộc trực tiếp Hội đồng quản trị; thúc đẩy quan hệ thường xuyên giữa KTNB và kiểm toán độc lập; ban hành những hướng dẫn đối với hoạt động KTNB; xem xét lại và thông qua kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNB.
· Thước đo thời gian: Thước đo thời gian cung cấp các thông số về thời gian thực hiện, hoàn tất quy trình KTNB trong NHTM, kể cả kiểm toán tổng thể và kiểm toán từng mảng nghiệp vụ. Mặc dù chất lượng là quan trọng nhưng nếu thực hiện hoạt động KTNB tại một đơn vị trong thời gian quá dài thì số lượng các đơn vị được kiểm toán là ít, hoặc đòi hỏi số lượng kiểm toán viên rất lớn, điều này là nhân tố làm giảm hiệu quả hoạt động KTNB.
· Thước đo chi phí: Thông tin chi phí có vai trò quan trọng trong việc đánh giá, so sánh kết quả hoạt động KTNB đạt được với kế hoạch, với kỳ trước và với mức trung bình chung của ngành.
Như vậy, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động KTNB trong NHTM mang tính chất vô hình, thể hiện yếu tố định tính hơn là định lượng.
Có thể đưa ra một số chỉ tiêu định lượng để đánh giá gián tiếp hiệu quả hoạt động KTNB. Tuy nhiên khi sử dụng các chỉ tiêu định lượng này, cần thiết phải kết hợp với các chỉ tiêu định tính.
o Hệ số đánh giá số lượt các cuộc kiểm toán hoạt động tín dụng ảnh hưởng tới tỉ lệ nợ xấu của NHTM (H1), phản ánh khi tăng (giảm) 1% số lượt các cuộc kiểm toán hoạt động tín dụng làm tăng (giảm) bao nhiêu % tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng.
Trong đó: DN: Tỉ lệ nợ xấu tăng (giảm) = Nl - N0
Nl: Tỉ lệ nợ xấu kỳ báo cáo; N0: Tỉ lệ nợ xấu kỳ gốc
Dx : Số lượt các cuộc kiểm tra hoạt động tín dụng tăng (giảm)
Dx = x1 - x0
xl: Số lượt các cuộc kiểm tra hoạt động tín dụng kỳ báo cáo
x0: Số lượt các cuộc kiểm tra hoạt động tín dụng kỳ gốc.
o Hệ số đánh giá số lượng cán bộ KTNB có trình độ ảnh hưởng tới tổng số lượt các cuộc KTNB (H2), phản ánh khi tăng (giảm) 1% số lượng cán bộ KTNB có trình độ làm tăng (giảm) bao nhiêu % tổng số cuộc KTNB của ngân hàng.
Trong đó: Dx: Số lượng cán bộ KTNB có trình độ đại học trở lên tăng (giảm)
Dx = xl - x0
xl, x0: Số lượng cán bộ KTNB có trình độ kỳ báo cáo; kỳ gốc
DT : Tổng số lượt các cuộc kiểm KTNB tăng (giảm)
DT = T1 - T0
Tl, T0: Tổng số lượt các cuộc KTNB kỳ báo cáo, kỳ gốc.
Nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kiểm toán nội bộ của ngân hàng thương mại
* Thứ nhất, nhân tố chủ quan
Các nhân tố chủ quan thuộc về bản thân NHTM có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động KTNB gồm các nhân tố ảnh hưởng đến việc thiết kế bộ phận KTNB từ mô hình tổ chức KTNB; số lượng, chất lượng nhân viên kiểm toán; phương pháp kiểm toán áp dụng; quy trình kiểm toán; yếu tố khoa học công nghệ áp dụng trong KTNB; công tác giám sát sau kiểm toán; …
· Mô hình tổ chức KTNB: Một mô hình tổ chức KTNB tốt, không cồng kềnh, xác định KTNB trực thuộc cấp nào: Ban kiểm soát thuộc Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát thuộc Đại hội cổ đông hay KTNB trực thuộc trực tiếp Hội đồng quản trị có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động KTNB, đặc biệt là khi KTNB tác nghiệp và thực hiện công việc giám sát sau kiểm toán.
· Đội ngũ cán bộ KTNB: Ảnh hưởng bởi đội ngũ cán bộ làm công tác KTNB thể hiện về số lượng, chất lượng và mức độ đảm bảo các nguyên tắc làm nền tảng cho hoạt động của KTNB, bao gồm: tính liên tục, tính độc lập và tính chuyên nghiệp. Số lượng cán bộ KTNB nếu quá ít không đảm bảo kiểm tra được toàn bộ các đơn vị trong NHTM, hoặc nếu kiểm tra chất lượng không được đảm bảo. Ngược lại, nếu số lượng cán bộ KTNB quá nhiều thì chi phí lớn (gồm cả chi phí tiền lương, thưởng, phụ cấp và chi phí đào tạo), công tác kiểm toán thậm chí bị chồng chéo. Do đó cần thiết NHTM phải có số lượng cán bộ KTNB phù hợp với quy mô và đặc điểm hoạt động của ngân hàng.
Hoạt động KTNB đòi hỏi cán bộ thực hiện phải có một trình độ tương xứng, phải am hiểu về các hoạt động kinh doanh của ngân hàng và các sản phẩm dịch vụ mới cũng như sử dụng thành thạo hệ thống ngân hàng hiện đại để phục vụ yêu cầu công việc.
Tính độc lập của cán bộ KTNB cũng rất quan trọng, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán, điều này làm ảnh hưởng kéo theo tới kết quả của một loạt các hoạt động khác trong ngân hàng. Do đó cần thiết phải có một mô hình tổ chức KTNB và các chính sách ưu đãi đối với kiểm toán viên nội bộ để tiêu chuẩn tính độc lập được đảm bảo một cách cao nhất.
· Phương pháp kiểm toán: Cần thiết áp dụng kết hợp cả hai phương pháp kiểm toán: hệ thống và cơ bản đảm bảo giảm thiểu được thời gian thực hiện kiểm toán và kết quả thu được, mức độ phát hiện sai phạm cao hơn. Phương pháp kiểm toán phải được áp dụng một cách có hệ thống, cho toàn ngân hàng và cho từng hoạt động nghiệp vụ.
· Quy trình KTNB: Quy trình KTNB cần thiết được xây dựng, cập nhật thường xuyên, có tính hệ thống và phải được áp dụng thống nhất đối với tất cả các đơn vị trong ngân hàng để KTNB thực hiện được đúng mục tiêu đề ra của hoạt động.
· Công nghệ thông tin: Để tiết kiệm thời gian, chi phí, số lượng nhân viên KTNB, đòi hỏi có phần mềm kiểm toán riêng. Hệ thống này nếu có sẽ hỗ trợ và nâng cao chất lượng KTNB, giúp tổng hợp toàn hệ thống, kết xuất dữ liệu, xử lý và phân tích dữ liệu trên máy,…
* Thứ hai, nhân tố khách quan
Để hoạt động KTNB có hiệu quả, nhân tố khách quan ảnh hưởng lớn nhất là hệ thống văn bản pháp lý quy định và hướng dẫn đối với công tác KTNB, từ xây dựng mô hình tổ chức; tuyển chọn nhân sự; thiết kế quy trình kiểm toán đối với từng hoạt động nghiệp vụ; yêu cầu đối với kiểm toán viên nội bộ; hướng dẫn thiết kế và áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động KTNB;… của Nhà nước và của ngành, cũng như của bản thân từng NHTM.
Như vậy, để KTNB trong NHTM hoạt động đúng mục đích, yêu cầu đặt ra khi thiết lập bộ phận KTNB của Hội đồng quản trị, để nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNB, cần thiết các NHTM phải xây dựng được một hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động KTNB (bao gồm chỉ tiêu định lượng và chỉ tiêu định tính). Hiệu quả hoạt động KTNB trong NHTM cần được đánh giá thường xuyên, định kỳ theo hệ thống chỉ tiêu đã được xây dựng để phân tích nguyên nhân ảnh hưởng làm giảm hiệu quả hoạt động KTNB, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục để hoạt động KTNB ngày càng hiệu quả, hoạt động kinh doanh chung của toàn ngân hàng ngày càng phát triển ổn định và bền vững./.
- Hết -
Nguồn: www.vacpa.org.vn