Thursday, 3 March 2011

Sửa Luật Thuế TNCN: Mức khởi điểm sẽ lên tới 10 triệu đồng?

Xem hình

Theo Bộ Tài chính, vấn đề cần sửa ngay là mức khởi điểm tính thuế trong luật hiện hành không còn phù hợp, nhất là trong bối cảnh bão giá hiện nay.

Người nộp thuế ở đô thị với mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn sẽ được giảm trừ gia cảnh nhiều hơn người nộp thuế ở khu vực nông thôn.

Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết bộ này vừa trình Thủ tướng kiến nghị đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Bởi lẽ so với tình hình thực tế, những quy định trong luật như mức khởi điểm tính thuế 4 triệu đồng/tháng áp dụng từ năm 2009 đến nay đã lỗi thời. Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ kiến nghị QH đưa vấn đề sửa Luật Thuế TNCN vào chương trình làm luật để có thể sửa đổi luật này ngay trong năm nay.

Nâng mức khởi điểm và không cào bằng

Theo Bộ Tài chính, vấn đề cần sửa ngay là mức khởi điểm tính thuế trong luật hiện hành không còn phù hợp, nhất là trong bối cảnh bão giá hiện nay. Chưa kể quy định cứng trong luật về mức khởi điểm tính thuế cũng dễ bị lạc hậu khi tình hình giá cả mỗi năm mỗi khác.

Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án, một là nâng mức khởi điểm tính thuế, hai là hạ thuế suất của bậc thuế đầu tiên từ 5% hiện nay xuống còn 1%-2%.

Theo phương án một, lương tối thiểu của khu vực sản xuất trong nước sẽ được lấy làm căn cứ để tính mức khởi điểm tính thuế. Bộ Tài chính đề xuất mức khởi điểm tính thuế nên bằng tám lần lương tối thiểu. Khi ấy, mức khởi điểm tính thuế sẽ không quy định cứng nhắc như hiện tại mà sẽ được thay đổi hằng năm theo mức điều chỉnh của lương tối thiểu. Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh cũng sẽ được sửa đổi căn cứ theo mức lương tối thiểu, có thể bằng ba lần lương tối thiểu (hiện giờ là 1,6 triệu đồng/người).

Chiếu theo mức lương tối thiểu khu vực sản xuất trong nước hiện nay (tính theo vùng) với mức thấp nhất là 830.000 đồng/tháng và cao nhất là 1.350.000 đồng/tháng thì mức khởi điểm tính thuế TNCN sẽ tương ứng là 6.640.000 đồng và 10.080.000 đồng. Nghĩa là mức khởi điểm tính thuế TNCN cũng sẽ được tính theo vùng như mức lương tối thiểu của khu vực sản xuất trong nước chứ không phải cào bằng 4 triệu đồng ở mọi khu vực như hiện nay(xem bảng).



Nguồn: Pháp Luật

Lý giải vì sao lại đề xuất chọn mức lương tối thiểu khu vực sản xuất trong nước, Bộ Tài chính cho hay vì hiện tại có nhiều mức lương tối thiểu của các khu vực như hành chính sự nghiệp, khu vực sản xuất trong nước, khu vực sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, lương tối thiểu khu vực sản xuất trong nước thường cao hơn mức lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp và được áp dụng từ ngày 1-1 hằng năm. Chọn mức này sẽ có lợi cho người nộp thuế hơn.

29.000 tỉ đồng là số thuế TNCN năm 2011 Bộ Tài chính dự kiến thu được. Trong đó, 75% thu được từ tiền công, tiền lương. Thu từ hộ sản xuất, kinh doanh chỉ khoảng 5,8%; chuyển nhượng bất động sản, quà tặng khoảng 13,6%; thu nhập khác vào khoảng trên 5%.

Đề xuất tính thuế theo hộ

Theo Bộ Tài chính, một điểm rất mới mà bộ này đề xuất là nên tính thuế theo hộ gia đình, dựa trên cơ sở tính tổng thu nhập của cả gia đình chứ không tính thuế trên từng cá nhân có thu nhập như hiện nay. Cụ thể, tổng thu nhập của một hộ sẽ được chia bình quân cho từng người trong mối quan hệ trực hệ.

Có thể hiểu tổng thu nhập gồm thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ chuyển nhượng chứng khoán, cho thuê nhà… Mỗi người đi làm được tính một suất, hai người phụ thuộc tính thành một suất. Sau đó lấy tổng thu nhập chia cho số suất trong gia đình. Nếu thu nhập trung bình nhỏ hơn mức khởi điểm tính thuế thì sẽ không phải nộp thuế và ngược lại.

Để thuận tiện, nếu phải nộp thuế thì có thể gom về một mối, một người là vợ hoặc chồng sẽ nộp thuế. Tiền thuế sẽ được khấu trừ tại nơi chi trả thu nhập. Theo Bộ Tài chính, cách tính này hợp lý, khoa học và công bằng hơn. Hiện cách tính này đang được nhiều nước áp dụng, ví dụ như ở Nhật Bản.

Với đề xuất tính thuế theo hộ gia đình, liệu cơ quan chức năng có kiểm soát được những trường hợp khai bớt nguồn thu để trốn thuế? Trả lời câu hỏi này, Bộ Tài chính cho biết về nguyên tắc, người nộp thuế vẫn tự khai, tự nộp. Cách chứng minh người phụ thuộc cũng áp dụng như hiện nay với chứng nhận là hộ khẩu hoặc chứng nhận địa phương về quan hệ với người giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc và nguồn thu nhập của người phụ thuộc.

Bộ Tài chính cũng cho biết đang tính toán để so sánh chính sách thuế của Việt Nam với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia. Tinh thần là thuế TNCN của ta phải thấp hơn các nước này để tăng tính cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như trong nước.

Ví dụ cách tính thuế theo hộ

Bộ Tài chính đơn cử: Giả sử gia đình ông A có sáu người gồm ông A và vợ, hai con và bố mẹ ông A sẽ được tính là bốn suất (hai con và bố mẹ ông A được tính là người phụ thuộc, cứ hai người phụ thuộc được tính là một suất). Thu nhập một tháng của gia đình ông A là 20 triệu đồng. Với 20 triệu đồng chia cho bốn suất thì được mức bình quân là 5 triệu đồng/tháng.

Như vậy, gia đình ông A không thuộc diện nộp thuế TNCN khi mức khởi điểm tính thuế TNCN được nâng lên theo đề xuất của Bộ bằng tám lần lương tối thiểu, tương đương trên 6 triệu đến 10 triệu đồng/tháng.

Theo Lê Thanh
Pháp Luật

(Nguồn: kiemtoan.com.vn)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts