Wednesday 9 March 2011

Nỗi lo chất lượng kiểm toán

NỖI LO CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN

Năm 2010, trên 2 sàn có thêm gần 200 DN lên niêm yết. Tuy nhiên, số lượng DN kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho các DN niêm yết hiện chỉ là 45, ít hơn năm 2010 một công ty (bị hủy tư cách do sai phạm). Chất lượng BCTC được kiểm toán có thể bị ảnh hưởng khi các DN kiểm toán sẽ phải rút bớt thời gian, nguồn lực cho mỗi cuộc kiểm toán.

Thanh Đoàn

Quá tải

Theo quy định hiện hành, ngoài các DN niêm yết và đăng ký giao dịch (780 DN) các CTCK (105 Công ty), Công ty quản lý quỹ (47 DN), thì một lượng lớn công ty đại chúng sẽ phải thực hiện kiểm toán BCTC bởi các DN kiểm toán được chấp thuận. Đó là chưa kể tới đây, Bộ Tài chính sẽ ban hành quy chế công bố thông tin mới, những DN chưa niêm yết, không phát hành, nhưng có quy mô vốn lớn, cổ đông nhiều cũng phải thực hiện kiểm toán để công bố thông tin như DN niêm yết. Nhưng số lượng DN kiểm toán được chấp thuận hiện nay (45 công ty) là quá ít so với nhu cầu. Việc mở rộng đối tượng DN kiểm toán được chấp thuận ách tắc do đâu?

Thiếu kiểm toán viên

Theo quyết định số 89/2007/QĐ-BTC, DN kiểm toán được chấp thuận phải có vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu từ 2 tỷ đồng trở nên đối với DN kiểm toán trong nước; vốn điều lệ tối thiểu là 300.000 USD đối với DN kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian hoạt động tối thiểu tròn 3 năm tính từ ngày thành lập đến ngày nộp đơn đăng ký tham gia kiểm toán. DN kiểm toán có số lượng khách hàng năm tối thiểu là 30 đơn vị trong 2 năm gần nhất. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến gần 100 DN kiểm toán vẫn đứng ngoài danh sách là do không đáp ứng yêu cầu có 7 kiểm toán viên (KTV) trở lên.

"Tôi không nghĩ quy định này là khắt khe, vì Luật kiểm toán độc lập tới đây quy định một DN kiểm toán (không phải được chấp thuận) muốn hoạt động phải có tối thiểu 5 kiểm toán viên hành nghề. Vấn đề là cải tiến việc học, thi và cấp chứng chỉ KTV", ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam nói.

Bà Hà Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán - Bộ Tài chính cho biết, số lượng KTV hiện có so với nhu cầu vẫn còn quá thiếu. Tính đến cuối năm 2009, cả nước có gần 10.000 người làm việc trong các DN kiểm toán, nhưng mới có 1.811 người được cấp chứng chỉ KTV. Trong đó, chỉ có 1.117 KTV đăng ký hành nghề trong 156 DN kiểm toán đủ điều kiện hành nghề, số còn lại gần 700 KTV có chứng chỉ nhưng không hành nghề kiểm toán, mà làm trong các ngành nghề khác.

Do số lượng DN kiểm toán trong những năm qua tăng nhanh, nhưng số lượng KTV tăng không đáng kể, nên có sự dàn trải số lượng KTV giữa các DN. Số lượng KTV hiện có so với nhu cầu vẫn còn quá thiếu, theo bà Hà, là do các quy định về điều kiện dự thi lấy chứng chỉ KTV chưa phù hợp.

Thực tế, việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ KTV, kế toán viên hành nghề đã phát sinh bất cập liên quan đến các quy định về điều kiện dự thi và đối tượng dự thi. Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 105/2004/NĐ-CP thì một trong những tiêu chuẩn dự thi lấy chứng chỉ KTV là có bằng cử nhân chuyên ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - hoặc chuyên ngành kế toán - kiểm toán. Do vậy, các đối tượng có bằng thạc sỹ, tiến sỹ về kế toán - kiểm toán nhưng chưa có bằng cử nhân về các chuyên ngành trên sẽ không dự thi lấy chứng chỉ KTV.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2011/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2004/NĐ-CP. Theo đó, điều kiện dự thi và đối tượng dự thi KTV là người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng hoặc chuyên ngành kế toán - kiểm toán và thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ 5 năm trở lên hoặc thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán ở DN kiểm toán từ 4 năm trở lên tính từ năm ghi trên bằng tốt nghiệp đại học đến năm đăng ký dự thi.

Nghị định số 16/2011/NĐ-CP đã tháo gỡ một phần về đối tượng được dự thi KTV. Tuy nhiên, theo các DN kiểm toán, nội dung học, thi cũng cần có những thay đổi phù hợp để gia tăng số lượng KTV.

(Theo ĐTCK)

Nguồn: www.vacpa.org.vn

No comments:

Post a Comment

Popular Posts