Tuesday, 29 March 2011

Đất Đông Anh sôi động vì 'cò'

Cò đất cùng một lúc đóng ba vai (người mua, người bán đồng thời là trung gian dẫn khách), đẩy giá đất huyện phía bắc Hà Nội tăng 40-50%. Giao dịch thành công chưa nhiều song giá đất Đông Anh đang tăng chóng mặt.

Đây là một trong số ít những văn phòng khang trang dọc đường 6 km huyện Đông Anh. Ảnh: Hoàng Lan.

Dọc đường 6 km dẫn đến thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), khoảng hơn chục văn phòng môi giới cửa đóng then cài. Một vài chiếc xe tải chở nguyên vật liệu thỉnh thoảng đi qua làm bụi mù mịt, đối lập hẳn với không gian yên bình của cánh đồng cỏ xanh mướt bên đường. Đa số các trung tâm môi giới nhà đất ở khu vực này rất tạm bợ, nhiều văn phòng chỉ là chiếc lán dựng lên. Số ít văn phòng còn lại khang trang treo biển rõ ràng thì cửa khóa chặt.

Tại Văn phòng Giới thiệu Mua bán nhà đất ruộng, vườn nằm trên đường 6 km, hai vợ chồng ông Đức vừa làm môi giới vừa mở quán trà bên đường, kiêm thêm nghề sửa chữa xe máy. Đối diện với chiếc may bơm là tấm bản đồ quy hoạch đất Đông Anh treo ngất ngưởng trên tường. Thấy khách lạ bước vào, cả hai vợ chồng đon đả mời chào, người vợ vừa lấy giẻ lau vội chỗ ghế bám đầy bụi mời khách ngồi vừa tất tưởi pha trà.

Theo ông Đức, đất Đông Anh hiện có giá rất cao, nhìn chung dao động khoảng trên dưới 40 triệu đồng một m2, tăng khoảng 10-20 triệu đồng so với năm ngoái. Khu vực thuộc thị trấn Đông Anh khoảng 50-70 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí. Riêng đất thổ cư tại xã Vĩnh Ngọc, gần cầu Nhật Tân, nằm ngay mặt đường 6 km lên tới 80 triệu đồng mỗi m2. Vị môi giới cho hay, muốn mua được đất Vĩnh Ngọc phải có trong tay tầm chục tỷ vì người dân không có nhu cầu cắt nhỏ đất mà thường bán với diện tích rất rộng. Chỉ ra một miếng đất rộng khoảng 300 m2 cạnh nhà có mặt tiền rộng rãi, ông Đức cho biết, miếng đất này được bán với giá 25 tỷ đồng.

“Những miếng đất thổ cư nhỏ tại thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc hiện chẳng có mà bán. Người bán ít, đất đai lại ngày một hiếm nên giá tăng đến chóng mặt”, ông Đức nói.

Nhiều môi giới cho hay, trong suốt hai năm nay, đất Đông Anh liên tục tăng giá. Anh Nguyễn Hoàng, một môi giới cho biết, đất thổ cư trong huyện đang rất khan hiếm. Trong khi nhiều khách lạ khó mua đất thổ cư nhỏ thì anh Hoàng lại là người đưa các "chân rết" tỏa đi mua thu gom đất xen kẹt trong dân. “Sau khi chuyển đổi mục đích, mỗi miếng đất có thể thu lợi hàng trăm triệu đồng”, anh Hoàng tiết lộ.

Bất cứ người dân nào ở khu vực Đông Anh cũng có thể nói rành rọt về giá đất vùng này. Chị Nguyễn Thị Thu, bán ngô trên đường 6 km cho biết, ngày cao điểm, chị có thể bán được khoảng 200-300.000 đồng tiền ngô nhưng vẫn không bằng buôn đất. Nếu có người khách nào dừng chân mua ngô chị đều đon đả mời chào chỗ này chỗ kia có miếng đất đẹp rồi bỏ cả gánh ngô để làm môi giới. Nếu khách chưa ưng ý, chị sẵn sàng ghi số điện thoại để khi tìm được mảnh đất phù hợp sẽ alo.

Theo tìm hiểu của VnExpress.net, thực tế đất một mảnh đất Vĩnh Ngọc cách cầu Nhật Tân khoảng 1 km, mặt tiền 8m, sâu 12 m2 giá chỉ khoảng 25-27 triệu đồng mỗi m2. Trong khi đó, giá chào lên tới 40 triệu đồng, chênh hơn chục triệu so với giá thực tế. Đất Hải Bối, Đông Anh diện tích 100 m2, dài 21 m, mặt tiền 5 m cách cầu Nam Thăng Long 2,5 km, cách cầu nhật Tân 700 m, gần dự án Sông Hồng, ôtô có thể đỗ tận cửa, giá cũng chỉ 23 triệu đồng mỗi m2 nhưng vẫn chưa đẩy được hàng. Trong khi phía trước là cánh đồng ruộng, vào sâu là làng quê thì nhiều khu vực được hét với giá 40-80 triệu đồng, ngang ngửa nhiều khu vực thuộc nội thành.

Đất Hải Bối được xếp vào dạng được nhiều nhà đầu tư quan tâm do gần cầu Nhật Tân. Ảnh: Hoàng Lan
Đất Hải Bối xếp vào dạng được nhiều nhà đầu tư quan tâm do gần cầu Nhật Tân. Ảnh: Hoàng Lan

Anh Nguyễn Phúc Anh, một môi giới chuyên nghiệp tại Đông Anh tiết lộ, thôn Phương Trạch - Vĩnh Ngọc dự kiến trở thành trung tâm tài chính quốc tế nên chuyện cò đất đua nhau làm giá là chuyện “thường tình ở huyện”. Câu chuyện Đông Anh cũng giống như Ba Vì năm nào dường như đang được lặp lại. Anh Phúc Anh tiết lộ, các cò đất lớn chủ yếu là những nhà đầu tư muốn bán đất nên "thổi" giá lên. Cò đất lúc này đóng ba vai vừa là người mua, người bán đồng thời là trung gian dẫn dắt khách hàng. Khi thấy giá đất hạ, cò sẽ mua với giá rẻ, chờ đến lúc lên thì bán ra.

Mỗi mảnh đất sẽ qua nhiều "cò" và cứ qua mỗi người, giá đất lại cao lên một chút để hưởng hoa hồng. Những "cò" hưởng giá chênh ở mức giữa thường có vốn nhỏ, các "cò" lớn thuộc tầm đại gia có khả năng tung vốn thu gom đất của dân để bán. “Hiện tại đất Đông Anh không sốt mà chỉ bình bình, người nhu cầu thực vẫn đến mua. Nói đất đang sốt chỉ là tin đồn, có chăng chỉ một số khu vực gần cầu Nhật Tân như Vĩnh Ngọc, Hải Bối được nhiều người quan tâm hơn mà thôi”, anh Anh nói.

Ông Nguyễn Đăng Nam, Phó phòng Quản lý quy hoạch và đô thị huyện Đông Anh, cho biết, theo quy hoạch chung của thủ đô định hướng đến 2030 tầm nhìn đến 2050 thì sông Hồng vẫn làm trung tâm của Hà Nội, phần lớn đất của Đông Anh là nằm trong khu vực phát triển đô thị. Theo đó, trên địa bàn huyện hiện đã quy hoạch thành 7 chùm đô thị, bao gồm: trung tâm tài chính quốc tế ở khu vực Phương Trạch - Vĩnh Ngọc; Trung tâm triển lãm quốc tế ở khu Vân Trì kéo dài đến Bắc Hồng; ngoài ra còn các khu trung tâm thương mại, khu đô thị mới cũng đã được phê duyệt như KĐT mới Nam Hồng, Kim Chung, KĐT mới Đại Mạch...

Theo ông Nam, từ khi trình Chính phủ đồ án Quy hoạch chung HN mở rộng thì đất tại Đông Anh đã sốt, và từ năm ngoái đến năm nay giá đất tại đây chưa có gì đột biến. Đất Đông Anh ở khu vực ven quy hoạch cũng chỉ có giá xấp xỉ khoảng 30-40 triệu, ngoại trừ những khu vực vị trí đẹp giá cao hơn một chút. Các trường hợp giá quá cao là do hiện tượng văn phòng môi giới thổi giá.

"Tôi cho rằng thời điểm này thích hợp để mua đất phục vụ nhu cầu thực. Các nhà đầu tư cần phải cân nhắc nghiên cứu kỹ vì quy hoạch chung của Hà Nội vẫn còn chưa được chính thức công bố", ông Nam khuyên.


(Theo Vnexpress)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts