Tuesday 22 March 2011

Thuế Thu nhập cá nhân: Hai phương án để lựa chọn

Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó có nội dung đáng chú ý là sửa ngay mức khởi điểm tính thuế. Người nộp thuế ở đô thị sẽ được giảm trừ gia cảnh nhiều hơn người nộp thuế ở khu vực nông thôn.

Cần sớm thể chế hóa mức khởi điểm tính thuế theo hướng tăng mức tính khởi điểm

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án, một là nâng mức khởi điểm tính thuế lên bằng 8 lần lương tối thiểu. Phương án hai là hạ thuế suất của bậc thuế đầu tiên từ 5% hiện nay xuống còn 1-2%.

Phương án tính mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh cũng sẽ linh hoạt hơn: Mức khởi điểm tính thuế sẽ thay đổi hàng năm theo mức điều chỉnh của lương tối thiểu; mức giảm trừ gia cảnh cũng sẽ được sửa đổi căn cứ theo mức lương tối thiểu, có thể bằng ba lần lương tối thiểu (hiện giờ là 1,6 triệu đồng/người).

Theo Vụ chính sách thuế, nếu chiếu theo mức lương tối thiểu khu vực sản xuất trong nước hiện nay (tính theo vùng) với mức thấp nhất là 830.000 đồng/tháng và cao nhất là 1.350.000 đồng/tháng thì mức khởi điểm tính thuế TNCN sẽ tương ứng là 6.640.000 đồng và 10.080.000 đồng.

Bộ Tài chính đề xuất hai phương án, một là nâng mức khởi điểm tính thuế lên bằng 8 lần lương tối thiểu. Phương án hai là hạ thuế suất của bậc thuế đầu tiên từ 5% hiện nay xuống còn 1-2%.

Tuy nhiên, hiện tại ở nước ta có nhiều mức lương tối thiểu. Lương tối thiểu khu vực sản xuất trong nước thường cao hơn mức lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp và được áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm. Hiện có khá nhiều đề xuất đã được các chuyên gia "gợi ý" như tính thuế TNCN theo hộ gia đình. Phương án này dựa trên cơ sở tính tổng thu nhập của cả gia đình chứ không tính thuế trên từng cá nhân có thu nhập như hiện nay. Tổng thu nhập của một hộ sẽ được chia bình quân cho từng người trong mối quan hệ trực hệ. Mỗi người đi làm được tính một suất, hai người phụ thuộc tính thành một suất. Sau đó lấy tổng thu nhập chia cho số suất trong gia đình. Nếu thu nhập trung bình nhỏ hơn mức khởi điểm tính thuế thì không phải nộp thuế và ngược lại. Để thuận tiện, nếu phải nộp thuế thì có thể gom về một mối. Tiền thuế được khấu trừ tại nơi chi trả thu nhập.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, phương án tính thuế TNCN dựa theo lương tối thiểu đang khó triển khai, trong khi việc khai giảm trừ gia cảnh cũng có nhiều vướng mắc. Chính vì vậy, phương án tính thuế TNCN theo hộ đã được một số nước áp dụng như Nhật Bản rất đáng để VN học tập.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, cùng với tốc độ lạm phát cao trong 4 năm qua (tổng cộng tới trên dưới 50%) và việc VN đạt mức thu nhập trung bình thì ngưỡng khởi điểm tính thuế TNCN 4 triệu đồng đã nhanh chóng lạc hậu. Hơn nữa, việc Luật thuế TNCN “chốt” rõ mức khởi điểm tính thuế cụ thể bằng đơn vị VND vừa thấp, lại vừa cứng gây khó cho mỗi lần điều chỉnh trước các biến động tiền lương trên thực tế.

Vì vậy, cần sớm thể chế hóa mức khởi điểm tính thuế theo hướng vừa tăng mức tính khởi điểm, vừa tạo linh hoạt trong áp dụng của đơn vị, đối tượng chịu thuế và cơ quan thuế. Cụ thể, nên tăng ít nhất 2 lần mức khởi điểm chịu thuế và tính bằng số lần lương tối thiểu, chẳng hạn, bằng từ 8-10 lần mưc lương tối thiểu của khu vực sản xuất. Nên mạnh dạn áp dụng mức tính khởi điểm chịu thuế TNCN là 10 lần mức lương tối thiểu trong khu vực sản xuất kinh doanh.

Dự kiến, trong quý II/2011, Chính phủ sẽ có quyết định chính thức về mức khởi điểm chịu thuế chứ không phải năm 2012 mới có thể thay đổi như ý kiến của một số người.

(Theo DDDN)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts