Thursday, 3 March 2011

Khởi điểm chịu thuế bằng 8 lần lương tối thiểu?

Tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này đã xây dựng dự thảo trình Chính phủ về sửa Luật thuế thu nhập cá nhân. Điểm mới trong dự thảo lần này là có thể lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ để tính mức khởi điểm chịu thuế với mức tính lên tới 8 lần.

Nộp thuế thu nhập cá nhân tại Chi cục thuế Hai Bà Trưng. Ảnh: X.Phú.
Nộp thuế thu nhập cá nhân tại Chi cục thuế Hai Bà Trưng. Ảnh: X.Phú.

Lấy lương cơ bản làm thước đo

Theo tờ trình dự thảo sửa Luật thuế TNCN, Bộ Tài chính đề xuất lấy lương tối thiểu làm căn cứ để tính mức khởi điểm chịu thuế. Với phương án này, mức khởi điểm chịu thuế bằng 8 lần lương tối thiểu của khu vực sản xuất kinh doanh. Ưu điểm của cách tính này là sự linh hoạt, khi mức lương tối thiểu cho từng đối tượng (công chức, doanh nghiệp...) thay đổi thì mức khởi điểm chịu thuế cũng thay đổi.

Đơn cử, nếu với mức lương tối thiểu khu vực sản xuất trong nước (tính theo vùng) với mức thấp nhất là 830.000 đồng/tháng và cao nhất 1.350.000 đồng/tháng thì mức khởi điểm chịu thuế tương ứng là 6.640.000 đồng và 10.080.000 đồng. Cùng với phương án trên, Bộ Tài chính cũng tính toán tới việc sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh bằng 3 lần lương tối thiểu.

Đồng thời, dự thảo cũng đề nghị bổ sung trong luật là tính thuế theo hộ gia đình, dựa trên cơ sở tính tổng thu nhập của cả gia đình. Tổng thu nhập của một hộ (bao gồm thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ chuyển nhượng chứng khoán, cho thuê nhà…) sẽ được chia bình quân cho từng người trong mối quan hệ trực hệ.

Có thể hiểu: Mỗi người đi làm được tính một suất, hai người phụ thuộc tính thành một suất rồi lấy tổng thu nhập chia cho số suất trong gia đình. Nếu thu nhập trung bình của hộ gia đình đó nhỏ hơn mức khởi điểm chịu thuế thì sẽ không phải chịu thuế và ngược lại. Để thuận tiện, nếu hộ gia đình đó phải nộp thuế, có thể quy về một mối là vợ hoặc chồng sẽ chịu thuế và tiền thuế sẽ được khấu trừ tại nơi chi trả thu nhập…

Một quan chức Bộ Tài chính cũng nhắc đến phương án có thể giảm mức thuế suất từ 10% xuống 5% hoặc 2%. “Khi sửa luật thì phải nhìn ra nhiều vấn đề mang tính dự báo về môi trường kinh tế xã hội mà bản thân Bộ Tài chính rất coi trọng thực tiễn”.

Cần tăng chiết trừ gia cảnh

Bà Đỗ Thị Thìn, Tổng thư ký Hiệp hội tư vấn thuế (nguyên trưởng ban thuế TNCN Tổng cục thuế), một trong những người có đóng góp vào xây dựng Luật thuế TNCN nhận xét: “Nếu tính theo 8 lần lương tối thiểu hiện tại tương ứng hơn 6,5 triệu đồng thì so với mức đang tính thuế hiện tại (khởi điểm tính thuế là 4 triệu đồng/tháng).

Nếu người có gia đình được chiết trừ gia cảnh tối đa 1,6 triệu đồng/người tổng cộng 5,6 triệu đồng) thì chỉ còn hơn 900 ngàn đồng trong diện chịu thuế tương đương với 70 ngàn đồng/tháng. Như thế mức nộp rất thấp, khoảng vài chục ngàn đồng. “Vấn đề ở chỗ khi xây dựng Luật thuế này, chúng tôi đã lưu ý sẽ là mức thuế phổ biến toàn dân”.

Nếu sửa luật, bà Thìn nghiêng về hướng giảm mức thuế suất xuống hơn là nâng khởi điểm chịu thuế. Đồng thời, theo bà nên tăng mức chiết trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, có thể tăng thêm khoảng xấp xỉ 1 triệu đồng/người.

Nhận xét về phương án sửa Luật dự kiến như trên của Bộ Tài chính, một chuyên gia về thuế khác, cho rằng cách tính theo hộ sẽ gây nhiều khó khăn cho người nộp thuế và cơ quan thuế, khi các thành viên trong một hộ sống ở các khu vực có mức khởi điểm chịu thuế khác nhau. Theo ông này, tốt nhất là nâng mức khởi điểm chịu thuế và xem xét bỏ mức thuế suất 35%.

Về lộ trình sửa Luật, Bộ Tài chính cho hay chưa thể khẳng định. “Bộ phải trình Chính phủ chấp thuận thống nhất về thời gian, rồi mới đưa ra Quốc hội. Năm 2011, Quốc hội đã có rất nhiều luật, có thể phải chờ đến 2012 mới sửa được Luật thuế TNCN”- Một quan chức Bộ Tài chính nói.

Năm 2011, Bộ Tài chính dự kiến thu được 29.000 tỷ đồng thuế TNCN. Trong đó, 75% thu được từ tiền công, tiền lương (trong đó 80% là từ người nước ngoài), hộ sản xuất kinh doanh chỉ khoảng 5,8%; chuyển nhượng bất động sản, quà tặng khoảng 13,6%, thu nhập khác vào khoảng trên 5%.

Khánh Huyền

Anh Nguyễn Hưng (Hai Bà Trưng, Hà Nội):

Lương của tôi được 12 triệu đồng/tháng và thuộc diện khấu trừ gia cảnh. Mỗi tháng tôi được trừ 4 triệu cho bản thân, 3,2 triệu cho 2 đứa con. Số tiền còn lại là 4,8 triệu phải chịu mức thuế 5%. Trước kia giá cả chưa biến động nhiều nên một tháng đóng thuế vài trăm nghìn không sao.

Bây giờ thứ gì cũng tăng, từ bữa sáng cho đến xăng xe đi lại nên cả hai vợ chồng phải chi tiêu hết sức tiết kiệm mới đủ. Tôi nghĩ Chính phủ nên điều chỉnh sớm tăng mức giảm trừ gia cảnh lên ít nhất cũng phải 2,5 triệu đồng/người phụ thuộc, nâng mức giảm trừ người chịu thuế lên 6 triệu thay vì 4 triệu như hiện tại.

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội:

Từ lâu, nhiều ý kiến cho rằng mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 4 triệu đồng như hiện nay là thấp trong bối cảnh lạm phát như hiện nay. Việc thay đổi mức đó là tất yếu và cần thiết phục vụ cho an sinh xã hội.

Còn mức tăng cụ thể, trước đây tôi từng có ý kiến tăng 8-10 triệu đồng; còn như hiện nay nghĩ cũng phải gấp 8-10 lần lương tối thiếu; và nên thay mức triệu đồng bằng mức lương tối thiểu, để mềm dẻo, khi áp dụng vào thực tiễn.

Cách điều chỉnh tốt nhất phải đảm bảo cả hai yêu cầu, là phù hợp với mức sống thực tế của người dân, nhất là yếu tố an sinh xa hội và phải dễ áp dụng, tránh trình trạng lạm dụng, thiệt hại cho cả người chịu nộp thuế cũng như phía Nhà nước.

Thứ nữa, vấn đề hoàn thuế với khấu trừ phải làm cẩn thận, vì hiện nay người ta đang lạm dụng, làm cho nhiều khoản thu nhập đều trừ 10%, bất chấp họ có phải nộp hay không, và cuối năm chả biết tìm ai để được hoàn thuế.

Ngọc Mai - Phạm Anh (ghi)

Theo TPO


Nguồn: www.laodong.com.vn

No comments:

Post a Comment

Popular Posts