Wednesday, 2 March 2011

Chứng khoán ngày 2/3: Hoảng loạn!

VN-Index hồi nhẹ cuối ngày nhờ BVH và VIC tăng trần

Nhà đầu tư ồ ạt chen nhau thoát ra cùng một lối đã tạo nên phiên giao dịch sụt giảm mạnh mẽ thứ 3 trong vòng 8 phiên gần đây
Nhà đầu tư ồ ạt chen nhau thoát ra cùng một lối đã tạo nên phiên giao dịch sụt giảm mạnh mẽ thứ 3 trong vòng 8 phiên trở lại đây.

Hôm nay thực tế không có nhiều thông tin mới tiêu cực hơn trên phương diện vĩ mô. Có chăng chỉ là tin đồn lan truyền khắp nơi về việc KLS có thể chuyển đổi hoạt động kinh doanh. KLS bị bán mạnh ngay từ đầu phiên với khối lượng giao dịch khổng lồ có thể tạo hiệu ứng tâm lý xấu. Tuy nhiên, KLS cũng chỉ là một yếu tố của thị trường. Hoạt động cắt lỗ ồ ạt trên diện rộng của rất nhiều cổ phiếu khác chỉ có thể lý giải bằng mức độ ngại rủi ro tăng vọt trong cùng một thời điểm.

Những thông tin về nghị quyết của Ngân hàng nhà nước đã có từ trước. Các biện pháp thắt chặt tiền tệ được đăng tải từ đầu tuần. Thị trường không còn gì bất ngờ. Thậm chí sáng nay còn có một số thông tin khá tốt, như việc Thống đốc Ngân hàng nhà nước khẳng định tăng dự trữ bắt buộc thời điểm này là không tưởng, xiết tín dụng với bất động sản, chứng khoán không gây sốc...

Sàn HSX còn có tới 15 phút đầu đợt hai giao dịch khá “thanh bình”, dù chỉ số giảm gần 2 điểm. Thanh khoản rất thấp không có gì đột biến. Áp lực bán chỉ thực sự bùng nổ từ sau 9h. Chẵn 34 phút VN-index bốc hơi 2,27%, tương đương giảm 12,79 điểm so với đóng cửa hôm qua. Số lượng cổ phiếu giảm giá và giảm sàn lên tới hàng trăm mã mỗi sàn.

Nhóm cổ phiếu lớn hôm nay bị xả hàng rất mạnh. Khối lượng giao dịch tại 40 mã vốn hóa lớn nhất HSX hôm nay tăng 122% so với phiên trước, chiếm 42,3% tổng thanh khoản của sàn này. DPM, HAG, FPT, PVF, SJS, SSI... đồng loạt dư bán sàn khối lượng lớn.

Hai cổ phiếu được sử dụng để tạo “phanh” cho chỉ số là BVH và VIC được đánh lên khoảng sau 9h30 phút. BVH xuất phát đầu tiên và sau 25 phút đã kịch trần. VIC chậm hơn và chỉ tăng trong 15 phút cuối đợt hai. Hai mã này đã góp phần tạo nên sóng hồi nhẹ với VN-Index.

Tuy nhiên, tác động của BVH và VIC không có hiệu ứng tâm lý nhiều. Đa số cổ phiếu gặp phải lực cung lớn ép giá giảm trở lại rất nhanh. Đóng cửa HSX vẫn có tới 126 mã sàn, 116 mã giảm giá. HNX cũng có 147 mã sàn, 142 mã giảm giá. Đây là thống kê xấu nhất kể từ phiên ngày 21/2 vừa qua.

Tâm lý hoảng loạn là điều dễ nhận thấy nhất trong phiên hôm nay. Bán rẻ ồ ạt cùng một thời điểm có thể là do hiệu ứng tâm lý, nhưng cũng phản ánh rõ nét suy nghĩ của số đông. Thị trường vẫn có những phút bình tĩnh đầu phiên, đặc biệt là một sóng hồi nho nhỏ cuối đợt hai. Tuy nhiên áp lực bán vẫn tăng cao sau một thời gian bình tĩnh lại cho thấy quyết định cắt lỗ là dứt khoát.

Khối ngoại hôm nay cũng tháo hàng mạnh ở nhóm blue-chip. Trong tổng khối lượng 3,51 triệu đơn vị mua vào, chỉ có 56% thực hiện ở nhóm 40 mã vốn hóa lớn nhất. Đây là một tỷ lệ rất thấp. Ngược lại, lượng hàng bán ra chiếm tới 89% tổng lượng bán. Giá trị ròng rút ra đạt 23,5 tỷ đồng tại nhóm blue-chip, trong khi tổng giá trị bán ròng tại HSX chỉ có 1,4 tỷ đồng.

Hoạt động cắt lỗ của khối ngoại khiến nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh. STB, SSI, HPG, ITA là những mã bị bán ra trên 20% tổng thanh khoản. Tại hai “trụ” BVH và VIC, khối ngoại chỉ đỡ BVH nhưng tranh thủ thoát hàng tại VIC. BVH được mua vào 44.200 cổ phiếu, chiếm gần 58% tổng lượng giao dịch. VIC bị bán ra 339.960 đơn vị, chiếm 71% tổng thanh khoản của cổ phiếu này.

VN-Index đóng cửa chỉ giảm 8,29 điểm, một mức giảm không phản ánh đúng diễn biến của các cổ phiếu. Dĩ nhiên tác động chính vẫn là BVH và VIC tăng trần. Nhờ hai mã này, sóng hồi cuối phiên của VN-Index không đảm bảo về sức cầu. Thanh khoản của HSX tăng gần gấp đôi hôm qua nhưng chủ yếu xuất phát từ hoạt động thoát hàng (chiếm 67% tổng thanh khoản). Đợt phục hồi nhẹ trước giờ đóng cửa có khối lượng rất thấp so với tổng lượng giao dịch cả phiên.

Cầu bắt đáy giá sàn hôm nay cũng tương đối mạnh, nhưng không đẩy giá lên cao hơn. Tại HSX có tới 172 mã phải đóng cửa ở giá thấp nhất, trong đó 162 mã sàn. Như vậy cầu vẫn không đủ mạnh để nâng giá lên cao hơn và chốt giữ cho đến cuối ngày. Như đã nói từ đầu tuần, giá càng giảm sẽ càng khuyến khích lượng lượng bắt đáy gia tăng. Vấn đề quan trọng hơn là khi nào cầu bắt đáy mới đủ mạnh để tiêu hóa hết lượng bán tháo và chấp nhận nâng giá lên một cách ổn định.


(Theo Vneconomy)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts