Sunday, 18 December 2011

Thưởng Tết năm nay khó được như năm ngoái


Chỉ còn hơn một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, đây là thời điểm mà nhiều khoản chi tiêu của người lao động đều “ngóng” vào các khoản tiền thưởng, đặc biệt là thưởng Tết. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thở dài cho rằng việc giữ được mức thưởng Tết năm nay bằng năm ngoái là một thách thức lớn, bởi kinh tế khó khăn, lợi nhuận giảm sút... Dù chưa có báo cáo chính thức với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội về mức lương, thưởng Tết năm 2011 nhưng nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch chi thưởng trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Những thông tin về thưởng Tết đang được nhiều người lao động làm việc trong các nhà máy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất quan tâm nhiều nhất. Chị Hồng Minh, công nhân làm việc trong Khu chế xuất Thăng Long (Tp.Hà Nội) tâm sự: “Trong năm mình cố gắng làm việc thật chăm chỉ để cuối năm lĩnh thưởng. Mọi năm bằng giờ này công ty đã công bố mức thưởng Tết nhưng năm nay vẫn chưa thấy nói gì. Chưa thông báo thưởng Tết nên chưa thể có kế hoạch chi tiêu mua sắm gì cả”. Theo ông Ngô Chí Hùng, Phó trưởng Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội, hiện tại nhiều doanh nghiệp còn đang cắt giảm lao động, nợ lương công nhân. Nhiều doanh nghiệp năm nay chắc không có thưởng. Thậm chí một số doanh nghiệp sản xuất do gặp khó khăn trong tiêu thụ đã trả lương, thưởng cho công nhân bằng sản phẩm như quần áo, bánh kẹo, bóng đèn... ông Hùng cho hay. Chủ một doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử trên phố Bà Triệu, Hà Nội ngán ngẩm, năm 2011 doanh thu của công ty giảm tới 60% so với năm ngoài, lợi nhuận cũng giảm tới gần 50%. Trong khi đó, chi phí đầu tư vào tiền thuê nhà, điện, nước, tỷ giá, lãi suất cho vay lại tăng hơn một nửa. Doanh nghiệp này đang dự kiến cắt giảm một nửa tiền thưởng của Tết dương lịch. Còn mức thưởng Tết âm lịch đang tính nhưng chắc chắn sẽ giảm khoảng 1/3 so với năm ngoái. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đồng Tâm, ông Võ Quốc Thắng, cho hay năm nay, các doanh nghiệp hầu hết đều gặp rất khó khăn, điều này ảnh hưởng đáng kể đến việc xét thưởng cho người lao động. Theo ông Thắng, nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi hoặc hòa vốn, họ có thể tính đến các tháng lương thứ 13, 14... Còn nếu kinh doanh không hiệu quả, thậm chí lỗ thì họ cũng không thể đi vay ngân hàng để thưởng Tết cho nhân viên được. “Những năm trước, Đồng Tâm dành một lượng quỹ nhất định để thưởng 1 đến 3 tháng lương cho nhân viên dịp cuối năm, tùy theo mức độ đóng góp của từng người. Tuy nhiên, năm nay, kết quả kinh doanh không như mong muốn nên chúng tôi phải xem xét kỹ vấn đề này”, ông Thắng cho biết. Năm nay là một năm đầy khó khăn đối với ngành xây dựng. Tại thời điểm này, khi hỏi về lương thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp cho rằng, quá sớm vì hiện tại nhiều công trình vẫn chưa bán được nên chưa có căn cứ để xác định thưởng Tết. Lãnh đạo cấp cao của một tập đoàn chuyên về lĩnh vực bất động sản cho biết dịp Tết này sẽ cố gắng trả tháng lương thứ 13. Theo ông, năm nay nghỉ Tết sớm, kết quả kinh doanh của năm trước chưa chắc đã chốt xong nên dự kiến thưởng tháng lương thứ 13 và tạm ứng trước lương tháng Một.“Nếu như các năm trước, lợi nhuận đạt 30% tiền vốn thì chúng tôi sẽ trích ra 20% để thưởng, còn lại là để tích lũy. Nhưng nay, con số này chỉ cố gắng đạt 5 - 10%”, ông nói. Khó khăn là tình hình chung các doanh nghiệp đang gặp phải. Chuyện hàng chục nghìn doanh nghiệp tuyên bố giải thể, phá sản là một minh chứng rõ nhất cho tình hình này. Thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và xã hội Hà Nội, tính đến hết tháng 11/2011, đã có 14.000 người lao động đến đăng ký thất nghiệp. So với năm ngoái, con số này tăng gấp 4 lần. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó giám đốc Sở, việc tăng số người đăng ký thất nghiệp là một trong những hệ quả của việc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Mặc dù chưa có thông tin cụ thể về chuyện thưởng Tết nhưng ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho rằng, cần giám sát tránh để tình trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ thưởng dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động.

(Theo Vneconomy)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts