Saturday, 17 December 2011

Thủ thuật kiểm toán

Một thực tế hiện nay là công ty kiểm toán (CTKT) cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, nhưng cũng là chỗ dựa hỗ trợ cổ đông “giám định” hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp niêm yết. Điều này liệu có hợp lý? Khi CTKT chưa ý thức và phân định rạch ròi chức năng của mình, nhiều báo cáo qua kiểm toán “có vấn đề” không bắt nguồn từ năng lực đánh giá, mà còn từ sự lắt léo...

Đánh đố nhà đầu tư

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong báo cáo soát xét đối với báo cáo tài chính (BCTC) 6 tháng đầu năm 2011 của CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC), đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam đã đưa ý kiến: “Trên cơ sở công tác soát xét, chúng tôi không thấy có sự kiện nào để cho rằng BCTC kèm theo không phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam”.

Nhưng sau đó, Deloitte Việt Nam lại “thòng” thêm: “Chúng tôi xin lưu ý tới thuyết minh số 22, phần thuyết minh BCTC, công ty đã ghi nhận doanh thu, giá vốn chuyển nhượng bất động sản phát sinh từ các hợp đồng góp vốn đầu tư và chia sẻ sản phẩm với các nhà đầu tư (NĐT) khác vào BCTC cho kỳ hoạt động từ ngày 1-1 đến 30-6.

Tại ngày lập báo cáo, các hợp đồng này vẫn đang được thực hiện và chưa chuyển sang hình thức hợp đồng mua bán bất động sản theo các quy định hiện hành. Ban giám đốc đánh giá việc ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng này phù hợp với các chính sách kế toán về ghi nhận doanh thu trình bày tại thuyết minh số 4”.

NĐT không am hiểu về tài chính sẽ cảm giác như đang bị tung hỏa mù khi đọc ý kiến của Deloitte Việt Nam, thuộc nhóm Big 4 (4 CTKT hàng đầu thế giới). Nếu căn cứ ở đoạn đầu tiên, có thể tạm hiểu ý kiến của Deloitte Việt Nam dành cho OGC là tốt. Nhưng nếu đã tốt sao lại có đoạn lưu ý phía dưới.

Thẳng thắn mà nói, đoạn lưu ý này không rõ ràng, mang tính đánh đố NĐT. Một người bình thường cũng có thể thắc mắc các hợp đồng chưa chuyển sang hình thức hợp đồng mua bán bất động sản của OGC trị giá bao nhiêu trong tổng số hơn 350 tỷ đồng doanh thu của công ty? Tại sao Deloitte không đưa ra chi tiết? Rồi cuối cùng cho là phù hợp chính sách kế toán!

Về mức độ khả tín, rõ ràng báo cáo soát xét không bằng báo cáo kiểm toán. Nhưng điều đó không có nghĩa CTKT “chơi chữ” mập mờ khó hiểu. Nếu đã tốt thì tốt hẳn, còn lưu ý phải chi tiết rõ ràng.

Trong phần đầu tiên của báo cáo soát xét, phần kính gửi đối tượng đầu tiên được nêu ra chính là các cổ đông, rồi mới đến HĐQT và ban giám đốc, tức là đặt cổ đông làm trọng. Liệu Deloitte nói riêng hay các CTKT nói chung có ý thức được trách nhiệm của mình đối với cổ đông hay không?

Dấu hỏi năng lực?

Trong báo cáo soát xét BCTC của Công ty chứng khoán (CTCK) Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG), đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán (AASC), đã đưa ra 2 vấn đề: Thứ nhất, VIG không trích lập dự phòng giảm giá đối với cổ phiếu chưa niêm yết do không có cơ sở để xác định giá thị trường và Ban giám đốc VIG đánh giá các khoản đầu tư này là hợp lý.

Thứ hai, do yêu cầu bảo mật của VIG, AASC đã không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán liên quan đến số dư “các khoản phải thu khác”, nên không đủ cơ sở để đưa ra ý kiến của mình về khoản mục này cũng như ảnh hưởng của chúng tới BCTC.

Từ đó, AASC kết luận: “Ngoại trừ ảnh hưởng của những vấn đề nêu trên, chúng tôi không thấy có sự kiện nào để cho rằng BCTC của VIG không phản ánh trung thực và hợp lý”.

Việc đưa ra ý kiến của CTKT còn phụ thuộc vào ý đồ chủ quan. Nhưng nếu những khoản mục trọng yếu chỉ khoảng 10-15% tổng tài sản có thể cho qua được, trong khi trị giá các khoản phải thu khác của VIG lên đến hơn 250 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa giá trị tổng tài sản của VIG (hơn 460 tỷ đồng) là rất nghiêm trọng.

Bởi những khoản phải thu khác của CTCK trong tình hình hiện nay được xếp vào diện “nợ xấu”, thậm chí nợ có khả năng “mất luôn”. AASC liệu có biết những điều này? Nếu không biết cần xem lại năng lực kiểm toán, còn nếu biết mà cho qua là điều rất đáng ngại.

Một chuyện nữa là từ ngày 7-12, CTCK SME (SME) rơi vào diện bị kiểm soát và chỉ được giao dịch trong phiên thứ sáu hàng tuần do liên tục mất thanh khoản. Dù vậy trong BCTC bán niên của SME, Công ty TNHH Kiểm toán Kreston ACA Việt Nam vẫn đưa ra ý kiến: “BCTC của SME phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của công ty”.

Chuyện mất thanh khoản đến khi lộ ra bên ngoài cần cả một quá trình chứ không phải đột nhiên mà có. Vì vậy, NĐT có quyền đặt câu hỏi CTKT cho SME liệu đã làm hết trách nhiệm? Bị che mắt hay năng lực có hạn?

Lựa chọn CTKT phải “biết người, biết ta”

Trong nhóm các CTCK thuộc top 10 của thị trường, việc chọn lựa các CTKT cũng đáng suy ngẫm. Trong khi SSI, HCM chọn các CTKT thuộc nhóm Big 4 - Ernst & Young, thì VND (CTCK VNDirect) lại chọn Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn có “gắn” thương hiệu Baker Tilly A&C khiến NĐT không biết rõ đây là công ty “Tây” hay “ta” và thương hiệu này lớn như thế nào.

Hay trường hợp của CTCK Sacombank (SBS) đã được ĐTTC đề cập trong bài viết gần đây về “những cục nợ khó hiểu” lại chọn Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Phía Nam (AASCS) kiểm toán. Không rõ AASCS có hơn gì AASC (công ty đã kiểm cho VIG) ngoài chữ S hay không?

Thời làm ăn “ngon lành” SBS đã chọn PricewaterhouseCoopers thuộc Big 4 kiểm toán (năm 2009, 2010). Nay công ty gặp khó khăn phải tiết giảm chi phí, nhưng không có nghĩa không đủ tiền thuê CTKT “xịn”, vì nếu có tốn kém hơn đây cũng là cách để bảo vệ thương hiệu, giá trị và sự minh bạch của mình. Nhiều NĐT thắc mắc việc SBS thay vì chọn Big 4 lại chọn một CTKT trong nước là có ý khác, chứ không phải do chi phí cao?

Qua chuyện chọn kiểm toán nào cho “xứng”, có thể thấy đây là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp chứ không riêng các CTCK. Lấy thí dụ trường hợp của Sudico (SJS), một đại gia trong lĩnh vực bất động sản hiện đang gặp khó khăn.

Thực hiện soát xét BCTC bán niên 2011 cho SJS là CTKT và Định giá Việt Nam (thành viên hãng kiểm toán quốc tế BKR International). SJS có 6 công ty con và hàng chục khoản đầu tư dài hạn, đầu tư vào công ty liên kết. Tức để kiểm tra chính xác lãi lỗ, giá trị tăng giảm những khoản đầu tư của SJS là điều không đơn giản.

Bởi công ty con, công ty liên kết là nơi mập mờ nhất và rủi ro nhất đối với tình hình tài chính của doanh nghiệp. Theo tìm hiểu của ĐTTC, nhân viên kiểm toán rất ngại khi gặp công ty con chứ không phải các khoản đầu tư cổ phiếu có thể xác định thông qua giá thị trường.

Theo hợp đồng kiểm toán được ký kết với doanh nghiệp, nếu CTKT nhận kiểm BCTC hợp nhất, sẽ kiểm luôn công ty con. Nhưng nếu doanh nghiệp giấu số liệu của công ty con, CTKT nếu “có gan” có thể yêu cầu chi tiết, còn nếu để “giữ mối” hay có ý định thỏa hiệp nào đó, sẽ rất khó bóc tách chính xác tình hình tài chính.

(THEO THÁI CA - MINH HÀ SAIGONDAUTU)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts