Sunday 25 December 2011

10 thương vụ M&A và mua bán cổ phần nổi bật năm 2011

Hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp diễn ra sôi động trong suốt cả năm dưới nhiều hình thức khác nhau; đặc biệt có nhiều thương vụ trị giá hàng triệu USD.

1. IFC mua 10% cổ phần Vietinbank

Lĩnh vực: Tài chính
Đây là thương vụ tiêu biểu đánh dấu hoạt động mua cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đối với các ngân hàng Việt Nam và cũng là thương vụ phát hành cổ phần có giá trị lớn nhất trong năm.

Đầu năm, Vietinbank đã phát hành riêng lẻ 10% cổ phần cho Công ty tài chính quốc tế-IFC với tổng giá trị là 182 triệu USD. Ngân hàng này cũng dự định bán 15% cổ phần cho Bank of Nova Scotia nhưng chưa đi đến kết quả cuối cùng.

Vietcombank đã đạt được thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Mizuho Bank của Nhật Bản.

Một thương vụ đáng chú ý khác là Commonwealth Bank of Australia đã mua thêm 25 triệu cổ phần của Ngân hàng Quốc tế (VIB) với giá lên tới 45.000 đồng/cp; qua đó tăng tỷ lệ nắm giữ từ 15% lên 20%.
2. KKR rót 159 triệu USD vào Masan Consumer

Lĩnh vực: Hàng tiêu dùng
Đây là thương vụ phát hành cổ phần ngoài thị trường niêm yết với giá trị lớn nhất trong năm 2011.

KKR – Một trong những công ty đầu tư private equity lớn nhất thế giới – đã bỏ ra 159 triệu USD để mua 10% cổ phần của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Mức giá mà KKR trả tương ứng hơn 11 USD/cp.

Masan Consumer là công ty con của Tập đoàn Masan (MSN), với hoạt các sản phẩm chính là nước mắm, nước tương Chin-su; mì ăn liền Omachia, Tiến Vua… Kết quả kinh doanh của công ty tăng trưởng rất mạnh mẽ trong những năm vừa qua.

3. Masan Consumer thâu tóm Vinacafe Biên Hòa


Lĩnh vực: Hàng tiêu dùng
Thương vụ thâu tóm nổi bật trên sàn chứng khoán niêm yết năm 2011.

Masan Consumer đã thực hiện chào mua công khai 13,32 triệu cổ phiếu VCF, tương đương 50,1% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa.

Với giá chào mua là 80.000 đồng/cổ phiếu thì số tiền mà Masan Consumer chi cho thương vụ này là khoảng 1.070 tỷ đồng.

Trước đây, cũng qua hình thức chào mua công khai, Hùng Vương (HVG) đã thâu tóm Agifish (AGF), Thành Thành Công thâu tóm Đường Ninh Hòa (NHS).
4. Unicharm mua lại 95% cổ phần của Diana

Lĩnh vực: Hàng tiêu dùng
Thương vụ này đại diện cho trào lưu doanh nghiệp Nhật mua cổ phiếu Việt diễn ra mạnh mẽ trong năm qua; đồng thời cũng đại diện cho việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp trong nước.

Unicharm (Nhật Bản) thông qua công ty con tại Thái Lan đã mua lại 95% cổ phần của công ty Diana với giá trị khoảng 128 triệu USD. Diana là công ty trong nước hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất băng vệ sinh, tã giấy…

Trong năm 2011, nhà đầu tư Nhật Bản góp mặt trong rất nhiều thương vụ mua bán cổ phần như SBI Securites đầu tư vào FPTS; NTT Docomo đầu tư vào VMG Media; ORIX mua 25% cổ phần Nutifood hay việc Mizuho chuẩn bị mua cổ phần Vietcombank.

Ngoài thương vụ trên thì còn có một số trường hợp doanh nghiệp nước ngoài mua quá bán cổ phần của doanh nghiệp trong nước như Fortis Healthcare (Ấn Độ) mua 65% cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ; SEB (Pháp) mua 65% cổ phần Quạt Việt Nam; Carlsberg mua lại 50% qua đó sở hữu 100% Bia Huế…

5. FPT hợp nhất 3 công ty thành viên

Lĩnh vực: Công nghệ thông tin
Thương vụ nổi bật cho xu hướng hợp nhất các công ty cùng tập đoàn.

Nằm trong chiến lược OneFPT gắn kết các đơn vị trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Viễn thông thành một khối thống nhất, FPT đã thực hiện hợp nhất 3 công ty con là FPT Software, FPT IS và FPT Trading.

Cổ phiếu của 3 công ty này (không bao gồm phần FPT nắm giữ) được hoán đổi thành gần 20 triệu cổ phiếu FPT.

Dự kiến 2 công ty con khác là FPT Telecom và FPT Online cũng sẽ được hợp nhất khi điều kiện cho phép.

6. Vinpearl sáp nhập vào Vincom

Lĩnh vực: Bất động sản
Đây là thương vụ sáp nhập lớn nhất giữa 2 doanh nghiệp niêm yết.

Đầu năm 2011, ba công ty liên kết của Vinpearl là Vinpearl Đà Nẵng, Vinpearl Hội An và Vincharm đã được sáp nhập vào Vinpearl. Đến cuối năm, Vinpearl lại được sáp nhập vào Vincom.

Hiện cả Vincom và Vinpearl đều nằm trong top 5 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất tại sàn HoSE. Dự kiến công ty mới sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ gần 5.500 tỷ đồng, tương ứng vốn hóa hơn 50.000 tỷ đồng.

7. Hợp nhất 3 ngân hàng SCB-Tín Nghĩa-Ficombank


Lĩnh vực: Tài chính
Thương vụ hợp nhất đầu tiên trong ngành ngân hàng.

Cổ đông của 3 ngân hàng SCB, Việt Nam Tín nghĩa và Đệ Nhất (Ficombank) đã đồng thuận hợp nhất với nhau thành một ngân hàng mới và vẫn giữ tên gọi SCB.

Với tỷ lệ hoán đổi 1:1, dự kiến ngân hàng mới sẽ có vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng.

Một thương vụ sáp nhập khác cũng trong lĩnh vực ngân hàng là Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu Điện được sáp nhập vào Ngân hàng Liên Việt; sau đó, ngân hàng được đổi tên là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

8. C.P Pokphand mua lại 70.8% cổ phần của C.P Việt Nam

Lĩnh vực: Nông nghiệp
Đây là thương vụ mua bán cổ phần có giá trị lớn nhất từ trước đến nay đối với một doanh nghiệp Việt Nam.
Giá trị của thương vụ này đạt 609 triệu USD.Tuy nhiên, đây là thương vụ mua bán cổ phần giữa các nhà đầu tư nước ngoài.
Charoen Pokphand Group (C.P Group) của Thái Lan đã bán lại số cổ phần trên cho công ty con tại Hongkong là C.P Pokphand (CPP).

C.P Việt Nam là công ty sản xuất thức ăn gia súc và thức ăn nuôi trồng thủy sản hàng đầu ở nước ta. Hiện CPVL chiếm khoảng 20% thị phần thị trường bán thức ăn chăn nuôi, 77% trên thị trường chăn nuôi lợn công nghiệp và 30% trên thị trường chăn nuôi gà thịt ở Việt Nam

9. Các lãnh đạo Tập đoàn Xuân Thành mua lại chứng khoán Vincom

Lĩnh vực: Tài chính
Thương vụ tiêu biểu cho các thương vụ thay tên, đổi chủ tại các công ty chứng khoán.

CTCP Vincom đã bán lại 75% cổ phần tại CTCP Chứng khoán Vincom cho các lãnh đạo của Xuân Thành Group. Sau đó, Chứng khoán Vincom được đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành.

10. Diageo mua lại cổ phần Halico

Lĩnh vực: Hàng tiêu dùng
Mức giá mua lại kỷ lục 213.600 đồng/cổ phiếu.

Hãng đồ uống Anh quốc Diageo thông qua công ty con của mình là Streetcar Investment đã mua lại 6 triệu cổ phiếu CTCP Cồn rượu Hà Nội (Halico) với mức giá trên, tương ứng tổng giá trị gần 1.300 tỷ đồng.

Phần lớn số cổ phiếu trên được mua lại từ quỹ VOF thuộc VinaCapital.

Diageo là hãng sở hữu các thương hiệu rượu Johnnie Walker, Smirnoff, Bailey… còn Halico được biết đến với thương hiệu Vodka Hà Nội.

Theo TTVN/CafeF

No comments:

Post a Comment

Popular Posts