Saturday, 17 December 2011

CTKT: Hạn chế tối đa điểm “ngoại trừ”

Sau khi ĐTTC phản ánh chủ đề: “Nâng chất công ty kiểm toán - Minh bạch doanh nghiệp niêm yết” (ngày 12-12-2011), Mới đây tại cuộc hội thảo về lợi ích của kiểm toán độc lập (KTĐL) và báo cáo tài chính chất lượng, Bộ Tài chính, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đều khẳng định sẽ hạn chế tối đa các điểm “ngoại trừ” trong báo cáo tài chính đã kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán.

Không có khái niệm “rẻ, tốt, nhanh”

Theo ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch Thường trực VACPA, ở các nước được phép hành nghề cá nhân, việc lựa chọn kiểm toán viên (KTV) là quan trọng nhất, trong khi ở nước ta pháp luật chỉ cho phép pháp nhân hành nghề KTĐL, nên việc chọn doanh nghiệp kiểm toán lại quan trọng hơn.

Theo đó, doanh nghiệp muốn có những đánh giá kiểm toán có chất lượng cao thường mời các công ty kiểm toán (CTKT) lớn, hoạt động lâu năm, có nhiều khách hàng, các KTV có danh tiếng… và phải chấp nhận giá phí phù hợp.

NĐT mất niềm tin với nhiều doanh
nghiệp niêm yết. Ảnh: LÃ ANH

Đối với doanh nghiệp kiểm toán mới thành lập nhưng quy tụ được các KTV có nhiều kinh nghiệm, xuất thân từ các doanh nghiệp kiểm toán lớn cũng rất tốt.

Do vậy theo ông Mai trong đấu thầu, không nên chọn thầu theo tiêu chí giá phí thấp vì trong nghề kiểm toán không có khái niệm "rẻ, tốt, nhanh", bởi không CTKT nào chịu lỗ để có báo cáo tài chính có chất lượng.

Ông Bill Palmer, Giám đốc khu vực châu Á (Hiệp hội Kế toán viên công chứng Australia), cho rằng điều quan trọng trong hành nghề của các CTKT là chất lượng kiểm toán tốt, chứ không phải giá phí rẻ. Để cạnh tranh, CTKT thường dựa trên các yếu tố khác như: kỹ năng chuyên ngành, yếu tố kỹ thuật công nghệ và dịch vụ cung cấp cho khách hàng (thư quản lý).

Cũng theo ông Bill Palmer, ở Australia, doanh nghiệp mỗi lần thay đổi CTKT, KTV là do chất lượng kiểm toán chứ không liên quan đến vấn đề giá cả.

Dù cơ quan quản lý không quy định cụ thể phí kiểm toán nhưng bà Hà Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, mức phí hợp lý và để có được báo cáo kiểm toán chất lượng, ở góc độ cơ quan quản lý CTKT phải tính đầy đủ các thủ tục cần thiết của quy trình kiểm toán, tránh xảy ra những trường hợp như DVD, Bông Bạch Tuyết. Trách nhiệm của CTKT, KTV luôn được đặt lên cao nhất để khi xảy ra kiện tụng, phải ra tòa, lỗi để xảy ra sai sót là từ doanh nghiệp được kiểm toán chứ không phải CTKT, KTV.

Như trường hợp của Big Four (4 CTKT lớn) khi vào Việt Nam thời gian đầu thường lỗ do họ phải duy trì chất lượng theo chuẩn tập đoàn quốc tế nên giá phí, chi phí của họ thường cao, khiến ít doanh nghiệp niêm yết ngại đến nhờ kiểm toán. Bộ Tài chính đã ủy quyền và phối hợp với VACPA kiểm tra các CTKT định kỳ đã nhận thấy những doanh nghiệp có mức phí kiểm toán thấp thì chất lượng báo cáo kiểm toán kém.

Doanh nghiệp phải phối hợp với KTV

Theo bà Trần Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, Luật KTĐL (có hiệu lực từ 1-1-2012) quy định nghĩa vụ quan trọng và đầu tiên của đơn vị được kiểm toán là cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời, khách quan thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của KTV và chịu trách nhiệm về tài liệu đã cung cấp.

Tuy nhiên, trên thực tế việc này có được thực hiện được không lại là chuyện khác. Chính vì vậy, điều này đã dẫn đến hiện trạng báo cáo kiểm toán có nhiều điểm ngoại trừ do thông tin được cung cấp không đầy đủ, chính xác. Chính do sự phối hợp giữa hai bên mà có những báo cáo kiểm toán “ngoại trừ” cả hàng tồn kho.

Trong khi nếu ngoại trừ điểm này coi như chưa kiểm toán vì hàng tồn kho có thể làm thay đổi mọi thứ khiến báo cáo kiểm toán khó đạt yêu cầu.

Bà Hà Thị Ngọc Hà cho rằng điểm ngoại trừ trong các báo cáo tài chính có kiểm toán hiện nay đang có nhiều sai sót và là một trong những tồn tại cần khắc phục sớm. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng đã từng khuyến cáo việc trong các báo cáo kiểm toán của Việt Nam có rất nhiều điểm “ngoại trừ”, điều không hề có đối với CTKT nước ngoài.

Sở dĩ Luật KTĐL vẫn cho phép báo cáo kiểm toán có “ngoại trừ” do đơn vị được kiểm toán giới hạn phạm vi kiểm toán, hoặc do KTV phát hiện sai sót trọng yếu và kiến nghị nhưng không được điều chỉnh buộc họ phải có ý kiến “ngoại trừ”.

Cũng theo bà Hà, ngành ngân hàng quy định nếu có ý kiến “ngoại trừ” trong báo cáo kiểm toán phải thuê kiểm toán lại. Điều này đã khiến hai bên phải phối hợp cao nhất để có một báo cáo kiểm toán “không có ngoại trừ”.

Từ kinh nghiệm như vậy, bà Hà cho biết dự kiến trong Thông tư hướng dẫn Luật KTĐL, Bộ Tài chính sẽ quy định trong trường hợp KTV muốn kiểm toán nhưng không thể làm được có thể đưa ra ý kiến “ngoại trừ”. Điều này đồng nghĩa sẽ tạo sức ép để hai bên, nhất là phía doanh nghiệp được kiểm toán phải phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin cho KTV.

Ở khía cạnh khác, để nâng cao chất lượng các CTKT, theo Bộ Tài chính, Luật KTĐL sắp có hiệu lực đã đưa ra hàng loạt quy định, tiêu chí nhằm thực hiện mục tiêu này như: người được đăng ký hành nghề kiểm toán phải là KTV có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên, tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức; KTV nước ngoài phải biết tiếng Việt; CTKT phải có 5 KTV có chứng chỉ hành nghề trở lên…


(THEO SAIGONDAUTU)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts