Monday, 5 December 2011

10 CEO có tài khuynh đảo cục diện doanh nghiệp

Xem hình

Việc điều hành một công ty đa quốc gia hay một nghiệp đoàn gia đình vốn dĩ đã cần tới một nhà lãnh đạo với những kỹ năng đặc biệt. Song yêu cầu sẽ còn cao hơn, khi công ty đó đang lâm vào cảnh sống dở chết dở.
Một giám đốc điều hành (CEO) có thể chuyển bại thành thắng, đưa một công ty từ bờ vực phá sản trở lại với thành công, phải là người có tài thực sự, có chương trình hành động và mục tiêu cụ thể, có tính sáng tạo và sự kiên nhẫn.

Có người cho rằng, nhân tài cũng cần có thiên thời, địa lợi. Nếu không gặp thời, thì vị CEO đó dù giỏi thế nào cũng khó thay đổi được cục diện. Tuy nhiên, 10 gương mặt dưới đây, theo hãng tin CNBC, thực sự là tài không đợi thời.

Peter Cuneo, hãng giải trí Marvel Entertainment

Nhiệm kỳ: 9/1999 – 12/2002


Peter Cuneo gia nhập Marvel Entertainment vào thời điểm hãng giải trí này đang nợ chồng chất, thiếu tiền mặt và bầu không khí làm việc trong công ty vô cùng chán nản. Cuneo đã tập trung vào mở rộng nghiệp vụ quốc tế của công ty và đưa ra mô hình mới về phim truyện, truyền hình và các sản phẩm tiêu dùng.

Chẳng hạn như những bộ phim của Marvel được dựa trên các nhân vật đã trở thành “bom tấn”. Cuneo cũng trẻ hóa mảng kinh doanh truyện tranh của Marvel. Khi ông bắt đầu nắm quyền ở Marvel, cổ phiếu công ty chỉ có giá 94 xu, nhưng 10 năm sau (khi Cuneo đảm nhận cương vị Phó chủ tịch), Marvel được bán lại cho Walt Disney với giá hơn 4 tỷ USD, tương đương 54 USD/cổ phiếu.

Richard Clark, hãng dược Merck & Co.

Nhiệm kỳ: 5/2005 – 12/2010


Richard Clark đã làm cho Merck & Co. suốt 35 năm. Khi ông lên nắm giữ chức CEO, công ty đang trong cuộc chiến pháp lý về sản phẩm dược Vioxx đã bị thu hồi do có liên quan tới các bệnh tim mạch và đột quỵ. Clark đã cắt giảm nhân lực và đóng cửa 5 nhà máy nhằm có thể tiết kiệm được 4 tỷ USD đến năm 2010.

Ông đã sắp xếp lại việc quản lý và quảng bá thị trường, tập trung sức vào các dòng sản phẩm mới đầy hứa hẹn của Merck. Nhờ vậy, Clark đã khôi phục được danh tiếng của công ty, dàn xếp xong vụ Vioxx và được cấp phép thêm cho 8 loại thuốc mới trong 2 năm. Vào 2008, giá cổ phiếu của Merck đã trở lại mức cao trước vụ Vioxx và tăng gấp đôi so với mức giá hồi tháng 4/2005.

Gordon Bethune, Continental Airlines

Nhiệm kỳ: 11/1994 – 11/2004


Gordon Bethune gia nhập công ty này, khi Continental Airlines vừa hoàn thành thời gian tái cơ cấu sau phá sản. Vào thời điểm đó, hãng hàng không này đang lỗ tới 55 triệu USD mỗi tháng và xếp hạng bét trên mọi tiêu chí, từ vận chuyển hành khách cho tới chuyển nhận hàng hóa.

Dưới sự lãnh đạo của Bethune, Continental Airlines đã ngừng những đường bay không có lợi nhuận, tăng cường chất lượng dịch vụ tại các trung tâm của hãng, tái thương lượng chuyện nợ nần và cho thuê, thực hiện các kế hoạch thanh toán có tính khích lệ… Giá cổ phiếu của Continental đã tăng từ 2 USD lên hơn 50 USD. Hiện Continenetal nằm trong số các hãng bay số một về sự hài lòng của khách hàng.

Sergio Marchionne, tập đoàn xe Fiat

Nhiệm kỳ: 6/2004 đến nay


Khi Sergio Marchionne nắm cương vị giám đốc điều hành Fiat, công ty đang ngập đầu trong nợ nần và thua lỗ. Ông đã đóng cửa các nhà máy, cắt giảm việc làm và thay thế ban lãnh đạo nhằm tăng thị phần và chuyển thua lỗ thành lợi nhuận. Marchionne cũng giành được thỏa thuận với Chrysler và đàm phán chấm dứt hợp tác với General Motors.

Trong hai năm, ông không những cứu được công ty khỏi tình trạng phá sản mà còn mở rộng hoạt động sang Ấn Độ và Trung Quốc. Sau 17 quý thua lỗ liên tiếp, bộ phận xe hơi của Fiat cuối cùng cũng có lãi vào năm 2005. Những “nước cờ” dứt khoát và dũng cảm khiến cho cái tên Sergio Marchionner trở thành lựa chọn sáng giá cho giải thưởng CEO châu Âu năm 2009 do chuyên trang ôtô uy tín Automonive News bình chọn.

Mark Hurd, hãng công nghệ HP

Nhiệm kỳ: 3/2005 – 8/2010


Mark Hurd nắm quyền quản hạt hãng công nghệ HP từ tay bà Carly Forina. Ông nổi tiếng với vụ dàn xếp ổn thỏa những rắc rối trong vụ thâu tóm Compaq của HP hồi năm 2002. Hurd đã đẩy mạnh trọng tâm chiến lược của HP, tập trung đầu tư vào công nghệ. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ông đã mạnh tay cắt giảm nhân lực và chi phí doanh nghiệp.

Hurd đã phân quyền lại lực lượng kinh doanh và chú trọng việc đào tạo, tuyển dụng và hỗ trợ khách hàng. Giá trị cổ phiếu của công ty nhanh chóng tăng trở lại. Trong giai đoạn từ năm tài chính 2006 - 2009, doanh thu của HP đã tăng trưởng từ 80 tỷ USD lên 114,6 tỷ USD và giá cổ phiếu tăng hơn hai lần. Tuy nhiên, Hurd đã buộc phải từ chức vì một vụ bê bối liên quan tới tình dục.

Terry S. Semel, Yahoo

Nhiệm kỳ: 5/2001 – 6/2007


Semel từng làm việc suốt một thời gian dài cho Warner Bros, trước khi đầu quân vào Yahoo. Thời điểm ông năm quyền ở Yahoo là khi nhuệ khí cùng doanh thu quảng cáo của công ty này đang lao dốc. Semel đã ngồi vào cái ghế của Timothy Koogle. Để đảo ngược tình thế, Semel đã tăng cường quảng bá các sản phẩm của Yahoo cũng như công tác phân phối bán hàng. Ông cũng cố gắng chuyển công ty này từ một mô hình quảng cáo trực tuyến sang một doanh nghiệp kinh doanh thu phí.

Semel đã đạt được thỏa thuận với hãng viễn thông SBC (nay là AT&T), bán băng thông rộng cho hàng triệu hộ gia đình ở Mỹ. Yahoo đã thu được 43 triệu USD trên doanh thu 953 triệu USD vào năm 2002, so với mức lỗ 93 triệu USD trên doanh thu 717 triệu USD vào một năm trước đó. Tuy nhiên, từ thời kỳ của Semel, Yahoo cũng rơi vào cảnh cạnh tranh khó khăn với Google và Facebook. Có thể nói, Semel đã góp công lớn trong việc đưa khôi phục Yahoo sau thời kỳ bùng nổ “dot com”, nhưng ông cũng chính là người bị chỉ trích nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng của Yahoo.

Lee Iacocca, hãng xe Chrysler Motor

Nhiệm kỳ: 1979 – 1992


Sau khi bị sa thải khỏi cương vị Chủ tịch Ford Motors vào năm 1978, Lee Iacocca đã đảm nhiệm vai trò giải cứu Chrysler Motor, một trong những biểu tượng của nước Mỹ đang bên bờ vực phá sản. Iacocca đã tái đàm phán các hợp đồng với các hãng cho thuê xe hơi, sa thải nhân công và tiếp nhận khoản tiền giải cứu 1,5 tỷ USD từ chính quyền Liên bang Mỹ.

Iacocca đã thành công trong việc hồi sinh Chrysler, bắt đầu bằng mẫu K-car cỡ trung vào năm 1981. Tiếp đó, ông lại thành công với những mẫu minivan đầu tiên, Dodge Caravan và Plymouth Voyager, các dòng xe đã xác lập tiêu chuẩn cho những phương tiện vận tải thân thiện với gia đình. Năm 1983, Chrysler thu được 925 triệu USD và đủ khả năng trả lại khoản vay của chính phủ.

James R. Cantalupo, hãng đồ ăn nhanh McDonald's

Nhiệm kỳ: 2002 - 2004


Năm 2001, James Cantalupo đã rời chức Chủ tịch của McDonald's để nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông buộc phải trở lại để giải cứu hãng đồ ăn nhanh, sau khi doanh thu của McDonald's giảm 2 năm liên tiếp. Chuỗi cửa hàng cung cấp đồ ăn nhanh này đã bị chê bai là cung cấp những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, không phù hợp với những khách hàng mong cầu một cuộc sống lành mạnh.

Cantalupo đã chuyển hướng, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng “có ý thức với sức khỏe” bằng cách đưa thêm các món salad, táo thái lát và thực đơn giảm cân vào danh sách lựa chọn của người tiêu dùng. Doanh thu bắt đầu tăng mạnh trở lại. Đầu năm 2003, những cố gắng của Cantalupo đã được đền đáp. Lãi ròng quý 1 của hãng đạt 327,4 triệu USD, tăng mạnh so với mức 253,1 triệu USD cùng kỳ năm trước đó. Cổ phiếu của hãng cũng tăng đều. Tiếc là Cantalupo đã qua đời do đau tim vào tháng 4/2004.

Steve Jobs, hãng công nghệ Apple

Nhiệm kỳ: 1996 - 2001


Đồng sáng lập Apple đã trở lại công ty này vào năm 1996 và trở thành CEO tạm quyền sau khi Apple thu mua NeXT. Steve Jobs là CEO chính thức của Apple vào năm 2007. Vào giai đoạn đầu sau khi trở về, ông đã giúp Apple đang gặp khó khăn về tiền mặt, nhận được một khoản đầu tư 150 triệu USD từ đối thủ Microsoft để đổi lại những cổ phiếu không có quyền bỏ phiếu. Jobs đã sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, mở các cửa hàng bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng, cắt giảm chi phí hoạt động và tập trung quảng bá vào máy tính cá nhân.

Ông cũng dẫn dắt công ty tiến vào địa hạt âm nhạc trực tuyến, ra mắt máy nghe nhạc iPod, tái định hình mảng kinh doanh điện thoại di động với iPhone. Từ khi Jobs trở lại, cổ phiếu của Apple đã tăng hơn 9.000%. Theo A.M. Sacconaghi Jr., một nhà phân tích của hãng nghiên cứu Bernstein Research, thì đã có hơn 314 triệu máy nghe nhạc iPod, 129 triệu điện thoại iPhone và 29 triệu máy tính bảng iPad được bán ra. Tháng 8/2011, Jobs từ chức CEO và qua đời 3 tháng sau đó do ung thư tuyến tụy.

Mickey Drexler, hãng thời trang Gap

Nhiệm kỳ: 1995 - 2004


Khi Mickey Drexler tiếp quản công ty này vào năm 1995, Gap đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ. Kế hoạch chuyển bại thành thắng của Drexler bao gồm quyết định ngừng bán quần jean hiệu Levi’s và các sản phẩm không tên tuổi khác. Drexler tập trung bán sản phẩm Gap với mục tiêu hướng tới khách hàng nhiều tuổi và giàu có. Ông đã tái thiết kế dây chuyền sản xuất, các cửa hàng từ sàn cho tới trần và thực hiện các chiến lược quảng cáo có tính đột phá.

Drexler đã ra mắt những sản phẩm quần áo thời trang nhưng tiện dụng, đưa Gap trở thành công ty có giá trị 14,5 tỷ USD. Ông đã đưa ra sáng kiến “Ngày thứ 6 tự do”, vào ngày đó, mọi người có thể mặc những trang phục tự do, không gò bó kiểu công sở. Dưới sự lãnh đạo của Drexler, doanh thu của Gap đã tăng lên 9,1 tỷ USD vào năm 1999, vượt xa con số 6,5 tỷ USD một năm trước. Drexler đã rời công ty này vào năm 2002 và nắm quyền lãnh đạo ở hãng may mặc J. Crew.
(Theo vneconomy.vn)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts