Thursday, 15 March 2012

Kiểm toán niêm yết: Thách thức và kỳ vọng phát triển

Ông Phan Lê Thành Long
Một năm làm việc chăm chỉ đã sắp kết thúc. Khi mọi người chuẩn bị đón chào một năm mới thì là lúc các kiểm toán viên bắt đầu một mùa kiểm toán bận rộn mới. Đối với các kiểm toán viên thực hiện kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết, thậm chí “mùa bận rộn” của họ diễn ra quanh năm khi mà cuộc kiểm toán cuối năm chưa kịp “đóng sổ” thì bắt đầu chuẩn bị cho cuộc kiểm toán soát xét bán niên, rồi kiểm toán 9 tháng. Có lẽ ít có nghề nào căng thẳng và bận rộn như nghề kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán, mà chúng tôi chỉ gọi ngắn gọn là “kiểm toán niêm yết”. Hàng ngày kiểm toán viên làm việc với khách hàng đến khi trời không còn sáng, trở về văn phòng tiếp tục với thảo luận nhóm, hoàn thiện hồ sơ, xử lý các vấn đề phát sinh và chuẩn bị cho sáng sớm ngày hôm sau lại “trên từng cây số”.

Phan Lê Thành Long - PTGĐ

Công ty TNHH Kiểm toán Quốc gia Việt Nam

Làm thế nào để được kiểm toán niêm yết

Để được kiểm toán niêm yết, công ty kiểm toán và các kiểm toán viên phải trải qua một quá trình xét duyệt dài hơi mà năm nào cũng phải có. Tiêu chuẩn để được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép cho một công ty kiểm toán đủ điều kiện kiểm toán niêm yết được quy định trong Quyết định 89 do Bộ Tài chính ban hành. Theo đó, thường niên các công ty kiểm toán có nhu cầu cần chuẩn bị hồ sơ và đệ trình cho UBCK trước hạn cuối cùng ngày 30 tháng 10. Công ty kiểm toán muốn được chấp thuận cần phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí khắt khe về quy mô vốn, số lượng kiểm toán viên đăng ký (trên 7 kiểm toán viên), số lượng khách hàng,... Kiểm toán viên đăng ký cần phải có tối thiểu hai năm kinh nghiệm kể từ ngày được Bộ Tài chính cấp chứng chỉ. Với những tiêu chí đó, hàng năm chỉ có khoảng hơn 30 trong số hơn 170 công ty kiểm toán tại Việt Nam được UBCK chấp thuận thực hiện kiểm toán niêm yết.

Sau khi “vượt rào” trong khâu cấp phép của UBCK, công ty kiểm toán cần phải qua một thủ tục xét duyệt của Đại hội cổ đông khi tiếp cận cung cấp dịch vụ kiểm toán cho một doanh nghiệp niêm yết. Thông thường, hội đồng quản trị của doanh nghiệp niêm yết sẽ đệ trình danh sách các công ty kiểm toán cho đại hội cổ đông phê duyệt. Và thông thường, đại hội cổ đông sẽ chấp thuận và ủy quyền lại cho hội đồng quản trị lựa chọn công ty kiểm toán trong danh sách đã phê duyệt. Có thể thấy rằng, “rào cản” lần thứ hai này chỉ là thủ tục cần phải có, bởi vì có lẽ chưa có trường hợp nào đại hội cổ đông phủ quyết danh sách công ty kiểm toán do hội đồng quản trị đề xuất.

Sức ép lớn từ rủi ro

2011 là một năm thực sự khó khăn đối với các doanh nghiệp khi lạm phát kéo theo lãi suất ngân hàng tăng cao, cắt giảm đầu tư công cũng như cắt giảm chi tiêu trong toàn bộ nền kinh tế khiến cho chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh trong khi doanh thu sụt giảm. Sức ép đối với các doanh nghiệp niêm yết để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch là rất lớn. Theo các kiểm toán viên có kinh nghiệm, trong giai đoạn kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp niêm yết có thể sẽ vận dụng rất nhiều các thủ thuật kế toán để “đánh bóng” báo cáo tài chính và lợi nhuận nhằm giữ giá cổ phiếu, nhằm tránh những hệ lụy từ sức ép của cổ đông, khả năng bị thâu tóm hoặc không thể huy động thêm vốn.

Kiểm toán viên không phải là điều tra viên, không có các kỹ năng và công cụ để thực hiện điều tra. Điều đó có nghĩa là khi doanh nghiệp đã cố tình gian lận thì rất khó cho kiểm toán viên có thể phát hiện ra. Vì vậy trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp có nhiều lợi ích và động lực để “chế biến” số liệu kế toán thì sức ép của công việc kiểm toán đối với các kiểm toán viên là rất lớn. Trong thời gian vừa qua, sự đổ vỡ hay mất thanh khoản của nhiều doanh nghiệp niêm yết như Dược Viễn Đông hay CTCK SME đã kéo theo những vụ “lùm xùm” trong hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính. Những nhà đầu tư bị thiệt hại trong vụ DVD phá sản quy trách nhiệm cho công ty kiểm toán vì họ quá tin tưởng vào số liệu báo cáo tài chính sáng láng đã được kiểm toán xác nhận. Hoặc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu SME khi CTCK này mất thanh khoản đã vỡ lở ra việc SME che dấu thông tin nhiều khoản phải thu các bên liên quan trong khi báo cáo tài chính vẫn được kiểm toán viên đưa ý kiến chấp nhận toàn phần. Có thể nói rằng những sai sót không thể hoàn toàn quy kết cho các kiểm toán viên một khi doanh nghiệp đã cố tình gian lận, nhưng kiểm toán viên cũng không thể hoàn toàn vô can?

Vì thế, trong giai đoạn này chính sách quản lý rủi ro, đặc biệt từ khâu chấp nhận khách hàng được rất nhiều công ty kiểm toán chú trọng. Một số công ty kiểm toán lớn, khi chấp nhận một khách hàng niêm yết đã xây dựng một quy trình đánh giá rủi ro rất chặt chẽ trong đó việc đánh giá tính chính trực của ban lãnh đạo doanh nghiệp là một khâu đặc biệt quan trọng. Và việc thực hiện quy trình đánh giá rủi ro chấp nhận khách hàng còn được tính vào hiệu quả hoạt động của trưởng nhóm kiểm toán. Trong điều kiện môi trường kinh doanh có rủi ro nghề nghiệp rất cao cộng với sức ép về tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, tăng phí kiểm toán, giữ chân khách hàng, công việc kiểm toán niêm yết thực sự vô cùng nặng nề đối với các kiểm toán viên.

Một rủi ro khác đến từ các cơ quan quản lý. Khi một công ty kiểm toán gặp vấn đề về báo cáo tài chính được kiểm toán của doanh nghiệp niêm yết. Chưa có phương pháp và tiêu chí cụ thể để cơ quan quản lý như Bộ Tài chính và UBCK đánh giá mức độ vi phạm của công ty kiểm toán, từ đó đưa ra hướng xử lý thích hợp. Do đó, các công ty kiểm toán vẫn “nơm nớp” sợ rủi ro khi thực hiện kiểm toán niêm yết, và đặt mức thận trọng cao hơn rất nhiều, đặc biệt trong điều kiện thị trường sụt giảm hiện nay.

Thị trường kiểm toán phát triển không theo kịp yêu cầu

Qua những sự kiện trên, có rất nhiều lời phản ánh và phàn nàn về chất lượng kiểm toán, đặc biệt kiểm toán niêm yết từ phía nhà đầu tư, những người không có cách nào khác là tin tưởng vào thông tin trên BCTC được kiểm toán cung cấp. Đồng thời nhiều ý kiến cũng cho rằng phí kiểm toán hiện tại khá thấp so với công sức bỏ ra thì chất lượng kiểm toán liệu có bị ảnh hưởng?

Kiểm toán là một ngành nghề mà đầu ra có ảnh hưởng sâu rộng đến tính minh bạch của thông tin tài chính trong nền kinh tế nói chung và thị trường vốn nói riêng. Tuy nhiên, không giống như ngành ngân hàng hay chứng khoán với hàng loạt các hội thảo và giải pháp tái cấu trúc hoặc chiến lược để phát triển, trong ngành kiểm toán dường như có quá ít giải pháp để phát triển và lành mạnh hóa thị trường kiểm toán. Các công ty mặc sức cạnh tranh “xuống đáy” khiến cho phí kiểm toán ngày càng giảm. Để đảm bảo doanh thu, các công ty phải giành giật khách hàng khiến cho tính độc lập và chất lượng kiểm toán ngày càng bị ảnh hưởng và phí kiểm toán ngày càng giảm sâu hơn. Và khi giá phí giảm, số lượng khách hàng tăng, công việc mà một kiểm toán viên phải đảm nhiệm sẽ tăng lên khiến cho rủi ro kiểm toán ngày càng cao. Một vòng luẩn quẩn không dễ thoát ra được.

Phí giảm, chất lượng giảm, nguyên nhân tại đâu?

Cạnh tranh khốc liệt về giá phí kiểm toán giữa các công ty kiểm toán nhằm giành khách hàng và thị phần, nguyên nhân có phải do chính bản thân các công ty kiểm toán?

Trong các cuộc họp lãnh đạo các công ty kiểm toán do Bộ Tài chính tổ chức, vấn đề cạnh tranh về giá phí dường như bị “tránh né”. Đã từng có đề xuất Bộ Tài chính quy định khung giá phí kiểm toán nhưng vì yếu tố thị trường cạnh tranh nên đã không thể thực hiện được. Tuy nhiên, khi phỏng vấn các lãnh đạo các công ty kiểm toán thì phần lớn đều thừa nhận mong muốn giảm cạnh tranh bằng giá phí thấp tạo động lực tăng hiệu quả hoạt động và chất lượng kiểm toán trong khi thực tế họ lại làm ngược lại.

Nếu nhìn nhận và đánh giá sâu về vấn đề này, ta có thể thấy rằng, trên nguyên tắc thị trường, để có thể tăng giá phí đối với khách hàng, sản phẩm hoặc dịch vụ do công ty cung cấp phải có sự khác biệt. Đặc thù sản phẩm kiểm toán cho thấy rất khó cho một công ty kiểm toán có thể tạo sự khác biệt đối với sản phẩm kiểm toán của mình so với sản phẩm cung cấp bởi các công ty khác. Hiện tại, đối với thị trường kiểm toán niêm yết, chúng ta có thể tạm chia thị trường kiểm toán thành hai phần, doanh nghiệp được kiểm toán bởi bốn công ty kiểm toán lớn, hay còn gọi là Big4, và doanh nghiệp được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán nhỏ hơn còn lại. Đối với các doanh nghiệp niêm yết lớn, có nhu cầu hoặc đã huy động vốn từ các tổ chức quốc tế, việc BCTC của họ được kiểm toán bởi Big4 với mức phí rất cao gần như là bắt buộc. Như vậy, sản phẩm kiểm toán có thể có khác biệt giữa kiểm toán bởi Big4 và không kiểm toán bởi Big4. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các Big4 dường như là không đáng kể và cạnh tranh giữa các Big4 cũng rất gay gắt cũng là nguyên nhân khiến khối lượng công việc kiểm toán tăng mạnh đi kèm với chất lượng giảm sút.

Gần đây UBCK đã phát hiện ra trường hợp doanh nghiệp niêm yết thực hiện thuê công ty kiểm toán khác thuộc Big4 để có được ý kiến kiểm toán “sạch” do công ty kiểm toán đã thực hiện kiểm toán trước đó đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với cùng một báo cáo tài chính. Trong giai đoạn thị trường khó khăn, hiện tượng này diễn ra tương đối phổ biến mặc dù trên thế giới hiện tượng này được coi là một phần tất yếu của thị trường chứng khoán, và thường được gọi là “mua bán ý kiến” (Opinion shopping). Công chúng tại Việt Nam, hoặc tại các thị trường chứng khoán mới nổi, thường không có ý kiến gì khi doanh nghiệp đổi công ty kiểm toán. Và đồng thời đối với doanh nghiệp niêm yết, BCTC được kiểm toán bởi công ty kiểm toán nào thì cũng không khác nhau đáng kể.

Do nguyên nhân khó có thể tạo sự khác biệt về sản phẩm trong nhận thức của khách hàng, nên các doanh nghiệp có nhu cầu kiểm toán thường lựa chọn công ty kiểm toán chào phí thấp nhất, và dễ dàng chuyển sang công ty kiểm toán khác với mức phí thấp hơn mà không gặp trở ngại đáng kể. Hơn nữa, trong tiềm thức, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thường cho rằng kiểm toán là chi phí bắt buộc phải bỏ ra thay vì mang lại giá trị hay lợi ích nào đó. Và như thế, các doanh nghiệp niêm yết cần giảm thiểu phí kiểm toán, nhất là trong điều kiện thị trường khó khăn. Mặt khác, khái niệm “khách hàng trung thành” và “có vấn đề khi đổi công ty kiểm toán” dường như không tồn tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này càng tạo sức ép lớn hơn cho các công ty kiểm toán niêm yết, và có thể có những hành động thỏa hiệp với doanh nghiệp niêm yết, tạo rủi ro kiểm toán rất cao.

Phát triển thị trường kiểm toán góp phần minh bạch thông tin tài chính doanh nghiệp niêm yết

Nếu câu hỏi đặt ra đối với các công ty kiểm toán là làm thế nào giữ và mở rộng khách hàng đi kèm với chất lượng kiểm toán cao, giảm thiểu rủi ro kiểm toán? thì câu hỏi lớn mà các cơ quan quản lý cần quan tâm là làm thế nào phát triển thị trường kiểm toán và phát triển theo hướng nào?

Để trả lời câu hỏi của mình, công ty kiểm toán cần phải đánh giá lại vai trò và chất lượng sản phẩm cung cấp. Liệu sản phẩm kiểm toán có thực sự mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng hay không? hay chỉ là chi phí bắt buộc phải có. Liệu chất lượng báo cáo kiểm toán có thực sự góp phần tạo ra giá trị gia tăng và góp phần tạo sự khác biệt với cùng một báo cáo kiểm toán do một công ty kiểm toán khác cung cấp? vấn đề nằm trong “ý thức chất lượng” của lãnh đạo các công ty kiểm toán và nằm trong đạo đức, kiến thức và kinh nghiệm của mỗi kiểm toán viên. Dường như, ở Việt Nam các kiểm toán viên chú trọng nhiều hơn đến tính “chuẩn tắc” trong công việc, có nghĩa là dường như hướng tới tính tuân thủ các quy định nhiều hơn. Trong khi, công việc kiểm toán chỉ có thể mang lại giá trị gia tăng khi kiểm toán viên phải là nhà tư vấn độc lập đích thực. Để đạt được như vậy kiểm toán viên cần có sự am hiểu thị trường tài chính và đặc biệt tác động của các thông tin tài chính đã được kiểm toán đến thị trường.

Để trả lời câu hỏi của các cơ quan quản lý, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của một số quốc gia có thị trường phát triển hơn. Tại Mỹ, trước khi một thông tin tài chính ảnh hưởng trọng yếu đến thị trường được công bố, thông tin đó phải được soát xét và có ý kiến của kiểm toán. Ví dụ như, trước khi công bố BCTC dự báo, kiểm toán viên cần thực hiện soát xét và đánh giá tính hợp lý của các giả định mà doanh nghiệp áp dụng khi dự báo các chỉ tiêu tài chính và đưa ý kiến về các giả định này. Nếu các quy định hoặc thông lệ tương tự được áp dụng tại Việt Nam, mức độ minh bạch và chất lượng của các thông tin tài chính sẽ được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, sẽ có thể có nhiều ý kiến cho rằng, việc đó sẽ tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp niêm yết. Nhưng với mức độ “bát nháo” và tình trạng vi phạm công bố thông tin phổ biến hiện nay, đây cũng có thể là một công cụ để UBCK thanh lọc và nâng cao chất lượng hàng hóa trên hai sàn chứng khoán. Ngoài ra, quy định như thế này hi vọng cũng sẽ giúp các kiểm toán viên giỏi có thể giữ được khách hàng thông qua đa dạng hóa và tạo khác biệt về số lượng và chất lượng dịch vụ, nâng cao phí kiểm toán, giảm cạnh tranh về phí và giảm thiểu rủi ro kiểm toán và rủi ro về thông tin cho tất cả các đối tượng tham gia thị trường tài chính. ./.

(Theo kiemtoan.com.vn)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts