Thursday, 15 March 2012

Tiến thân trong ngành tài chính, kế toán, kiểm toán

Hiện nay, tài chính - kế toán - kiểm toán đang là ngành nghề được yêu thích và là sự lựa chọn hàng đầu của rất nhiều người, đặc biệt là phái nữ. Tuy nhiên, làm thế nào để có năng lực chuyên môn và các kỹ năng cần thiết để có thể nắm lấy các cơ hội nghề nghiệp cũng như trụ vững ở vị trí chủ chốt trong lĩnh vực này lại là một câu hỏi lớn.

Nguyễn Lưu Tuyền - TP Kiểm soát nội bộ,

Ngân hàng Credit Agricole CIB - Chi nhánh Việt Nam

Phái yếu chiếm ưu thế

T

ừ trước đến nay, phái đẹp thường phải chịu thiệt thòi trong việc chạy đua vào những vị trí quan trọng, cần có tinh thần thép, chịu áp lực lớn và đôi khi đòi hỏi thời gian làm việc kéo dài, ví dụ như ngành kiểm toán.

Tuy nhiên, trong ngành tài chính ngân hàng - kế toán, kiểm toán và kiểm soát nội bộ thì dường như phái nữ đang chiếm ưu thế nhờ khả năng giao tiếp tinh tế, sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn trọng trong công việc.

Tài chính, kiểm toán và tư vấn chiến lược là những ngành thu hút sự quan tâm của nhiều du học sinh hiện đang học tại Anh vì nơi đây có môi trường làm việc tốt, chế độ đãi ngộ hấp dẫn và nhiều cơ hội tích lũy kinh nghiệm.

Ở Anh có rất nhiều trường tài chính để các bạn lựa chọn, tuy nhiên, cần lưu ý là dù có học trường nào thì làm việc trong ngành kiểm toán tại Anh mỗi người cần chuẩn bị cho mình một chứng chỉ kiểm toán quốc tế được công nhận trên toàn thế giới để có thể nắm bắt nhiều cơ hội sau này.

Theo luật di trú mới tại Anh, các công ty khi tuyển dụng sẽ phải ưu tiên người bản xứ hoặc những công dân trong khối Liên minh châu Âu.

Trong trường hợp những sinh viên Anh và công dân trong khối Liên minh châu Âu không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng thì khi đó họ mới tìm kiếm nhân lực là công dân các nước khác đang sống tại Anh.

Do vậy, những du học sinh Việt Nam khi đã chọn du học tại Anh tất nhiên cũng đã có kế hoạch trở về phục vụ đất nước. Thế nên, trong quá trình học tập nơi xứ người cần phải học chuyên sâu một lĩnh vực nào đó để có thể trở thành người xuất sắc.

Với những người quyết tâm bám trụ để có điều kiện học tập lâu dài hơn, ngay từ khi học năm 2 nên đi xin thực tập tại một công ty kiểm toán nào đó.

Bước thực tập này rất quan trọng vì nó sẽ giúp nhà tuyển dụng nhận biết năng lực cũng như kinh nghiệm (tuy không nhiều) của ứng viên khi đánh giá hồ sơ xin việc. Đến đầu năm học thứ 3 là phải đi xin việc.

Mùa xin việc tại Anh thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước tới tháng 2 năm sau, nếu hồ sơ lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, ứng viên sẽ phải trải qua rất nhiều kỳ thi tuyển và phỏng vấn.

Nếu đạt yêu cầu thì khoảng tháng 4 ứng viên sẽ nhận được thư mời vào làm việc cho công ty và tháng 7 bắt đầu đi làm.

Nâng cao bằng cấp

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy những bạn không có đủ điều kiện để du học thì học để lấy một chứng chỉ quốc tế của các tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam cũng là cơ hội để thành công trong sự nghiệp, và tôi đã làm như vậy.

Tôi chọn ACCA, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc để nâng cao kiến thức nghề nghiệp của mình.

Thông qua ACCA, học viên có thể lấy bằng cử nhân danh dự của Đại học Oxford Brookes (Anh quốc), bằng kiểm toán viên hành nghề của Việt Nam (VA CPA) và hiện tại tôi đang tiếp tục theo đuổi chương trình MBA do Đại học Oxford Brookes liên kết với ACCA tổ chức.

Làm trong ngành tài chính, nếu bạn có được các bằng cấp của ACCA hay bất cứ chứng chỉ quốc tế nào cũng sẽ là một lợi thế cạnh tranh.

Với tôi, cuộc sống luôn là một quá trình phấn đấu không ngừng nhằm tự hoàn thiện bản thân, gia tăng giá trị cho công ty và cho chính cuộc sống của bản thân và gia đình mình.

Nghề kiểm toán là điểm dừng đầu tiên của tôi, và sau hơn ba năm làm việc ở vị trí Trưởng nhóm Kiểm toán tại KPMG, tôi cảm thấy mình thực sự trưởng thành hơn rất nhiều.

Bằng cấp cộng với năng lực và sự trải nghiệm thực tiễn công việc đã giúp tôi được nhận vào vị trí Trưởng Phòng Kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng Credit Agricole - CIB.

Nhìn lại quá trình làm việc mới thấy những kiến thức tích lũy được đã giúp tôi xử lý công việc hợp lý và hiệu quả hơn rất nhiều.

(Theo DNSG)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts