Thursday 8 March 2012

Thực hiện công tác kiểm toán BCTC đối với công ty niêm yết và công ty đại chúng của công ty kiểm toán tư vấn có vốn đầu tư nước ngoài

Năm 2011 vừa qua, chứng kiến nhiều biến động trên thị trường tài chính thế giới với các vấn đề nóng hổi thường trực trên các bản tin tài chính về "nợ công", "lạm phát" và "suy thoái kinh tế". Các vấn đề này vẫn tiếp tục là chủ đề chính cho năm 2012 và có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.

Ông Trần Phú Sơn -

Phó TGĐ Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam

T

rong khuôn khổ "Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2012" hôm nay, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam xin được tham gia trình bày một số ý kiến về công tác kiểm toán báo cáo tài chính đối với công ty niêm yết, công ty đại chúng nhằm nâng cao chất lượng của các thông tin trên thị trường chứng khoán.

Ernst & Young Việt Nam là một công ty kiểm toán tư vấn có vốn đầu tư nước ngoài có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1992, đã thực hiện kiểm toán độc lập cho nhiều công ty trong suốt 20 năm vừa qua trong đó có nhiều công ty niêm yết và công ty đại chúng. Từ quá trình thực hiện công tác kiểm toán báo cáo tài chính cho công ty niêm yết, công ty đại chúng này, Công ty chúng tôi nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn sau:

1. Thuận lợi:

- Trong vài năm gần đây, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan hữu quan đang xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm toán với tư cách là một công cụ góp phần đảm tính công khai, minh bạch của các thông tin tài chính trong nền kinh tế đặc biệt là thị trường chứng khoán. Luật Kiểm toán độc lập đã được Quốc Hội thông qua ngày 29/03/2011 (Có hiệu lực từ ngày 1/1/2012) tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho hoạt động kiểm toán độc lập. Chính phủ và Bộ Tài chính đang tích cực soạn thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn để nhanh chóng đưa luật vào áp dụng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang sửa đổi dự thảo công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cũng như quy chế lựa chọn các công ty kiểm toán cho các công ty có lợi ích công chúng. Và gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 39/2011/TT-NHNN quy định về kiểm toán độc lập đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Yêu cầu về kiểm toán cũng ngày càng được nâng cao. Từ chỗ chỉ được yêu cầu kiểm toán báo cáo tài chính năm, hiện tại các công ty niêm yết còn phải thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên.

- Sự tăng trưởng về số lượng các công ty niêm yết, công ty đại chúng và các tổ chức kiểm toán cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm toán. Tại thời điểm này đã có khoảng 746 công ty niêm yết, hơn 1000 công ty đại chúng, 43 tổ chức kiểm toán được chấp thuận với khoảng 600 kiểm toán viên được chứng nhận đủ điều kiện kiểm toán các công ty niêm yết. Đây là điều kiện tốt để các công ty kiểm toán nói chung và công ty kiểm toán E&Y chúng tôi, nói riêng, có thêm cơ hội và tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm toán của mình.

2. Khó khăn:

Song song với các thuận lợi nói trên, Công ty chúng tôi cũng gặp phải một số khó khăn trong công tác kiểm toán báo cáo tài chính cho các công ty niêm yết, công ty đại chúng như sau:

- Hiện tại, việc thực hiện kiểm toán mới chỉ là quy định bắt buộc đối với các công ty/tổ chức thuộc phạm vi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức tín dụng, tài chính và bảo hiểm, công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán mà chưa được mở rộng ra đối với các đối tượng khác trong nền kinh tế trong khi các đối tượng này lại hoàn toàn có thể có các giao dịch kinh tế với số lượng hay giá trị lớn có ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của các công ty thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán. Điều này sẽ tạo ra các giới hạn về thông tin cũng như mức độ chính xác của các thông tin mà công ty kiểm toán cần tiếp cận khi kiểm toán các công ty niêm yết đặc biệt khi các công ty này có các công ty con, công ty liên kết, liên doanh hay các khoản đầu tư, giao dịch với các đối tượng không thuộc diện bắt buộc phải kiểm toán. Do đó chất lượng và ý kiến kiểm toán cũng sẽ bị ảnh hưởng.

- Các Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam (CMKiT) hiện tại chưa được điều chỉnh, bổ sung bắt kịp với những thay đổi của Chuẩn mực Kiểm toán quốc tế đặc biệt đối với việc lập báo cáo kiểm toán. Ví dụ: hiện nay CMKiTVN chỉ có CM 700 để hướng dẫn việc lập báo cáo kiểm toán trong khi CMKiTQT có tới 3 chuẩn mực là CMKiTQT 700, 705, 706 để hướng dẫn việc lập báo cáo kiểm toán trong một số tình huống cụ thể. Một số CMKiT do được dịch từ các chuẩn mực quốc tế mà chưa được điều chỉnh theo điều kiện của Việt Nam hoặc chưa được hướng dẫn bổ sung do đó còn khó hiểu, làm cho các kiểm toán viên lung túng khi áp dụng như các chuẩn mực về khảo sát hệ thống kiểm soát nội bộ, về trọng yếu và rủi ro kiểm toán hay lấy mẫu.

- Các cơ quan quản lý tài chính kế toán quan trọng đối với nền kinh tế như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán hay Ngân hàng nhà nước đều có các cơ quan giám sát để quản lý chất lượng kiểm toán các đối tượng thuộc diện quản lý riêng của mình. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ chế chính thức về việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan này với nhau đối với các công ty thuộc diện quản lý của đồng thời hai hay ba cơ quan giám sát. Điều này dẫn đến các cơ quan giám sát có thể không có được các thông tin toàn diện về kết quả kiểm toán của đơn vị do mình quản lý.

- Các quy định về lập báo cáo tài chính hiện tại về các bên liên quan vẫn còn theo hướng liệt kê các trường hợp được coi là bên liên quan mà chưa chú trọng vào việc xây dựng nguyên tắc xác định đâu là các bên liên quan cũng như đưa ra các yêu cầu cụ thể về thuyết minh các giao dịch với các bên liên quan. Do đó, các công ty có thể vận dụng để né tránh việc trình bày các thông tin về bên liên quan hay không trình bày đầy đủ làm ảnh hưởng đến chất lượng của báo cáo tài chính dẫn đến ảnh hưởng gián tiếp tới báo cáo kiểm toán.

- Theo hướng dẫn của Thông tư 228 về lập dự phòng, các công ty có đầu tư vào cổ phiếu OTC có thể lấy báo giá từ 3 công ty chứng khoán bất kỳ để xác định giá trị hợp lý của các cổ phiếu này. Điều này có thể dẫn đến việc các công ty lấy báo cáo giá không có đủ độ tin cậy để không phải lập dự phòng cho các khoản đầu tư vào các chứng khoán OTC bị suy giảm giá trị.

- Các quy định về quản lý rủi ro đầu tư tài chính còn chưa đầy đủ và chưa nhất quán giữa các loại hình doanh nghiệp hoặc các loại hình kinh doanh. Ví dụ như các quy định về lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn hiện tại chưa đề cập đến lập dự phòng cho trái phiếu mặc dù đây cũng là một loại đầu tư có rủi ro cao trong điều kiện hiện tại. Các công ty chứng khoán chưa có hướng dẫn cho việc lập dự phòng cho các khoản đầu tư vào chứng khoán. Đồng thời giới hạn về tỷ lệ nợ trên vốn mới chỉ được áp dụng cho các công ty chứng khoán mà chưa được đưa ra cho các công ty có phát hành trái phiếu hay các ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các công ty hay ngân hàng cho vay quá nhiều dẫn đến mất cân đối vốn và gây nguy hiểm cho thị trường.

- Các Chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa được bổ sung theo kịp các giao dịch trên thị trường. Ví dụ như Việt Nam vẫn chưa có các chuẩn mực kế toán hướng dẫn ghi nhận và xác định giá trị cho các công cụ tài chính, các khoản thanh toán bằng cổ phiếu. Các Chuẩn mực kế toán Việt Nam cũng chưa được sửa đổi theo kịp các thay đổi trong Chuẩn mực kế toán quốc tế tạo khoảng cách ngày càng xa giữa báo cáo tài chính chuẩn bị theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế. Các nhược điểm này đều hạn chế chất lượng thông tin trong các báo cáo tài chính.

3. Kiến nghị:

Để củng cố và nâng cao chất lượng kiểm toán các báo cáo tài chính của các công ty nói chung và các công ty niêm yết, công ty đại chúng nói riêng, tôi xin có một số kiến nghị như sau:

- Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước tích cực phối hợp để hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến công tác kiểm toán như các văn bản hướng luật, các quy định về công bố thông tin hay lựa chọn các công ty kiểm toán.

- Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thúc đẩy nhanh quá trình cập nhật sửa đổi, bổ sung, đồng bộ hóa các Chuẩn mực kiểm toán, Chuẩn mực kế toán, quy định về tài chính kế toán đặc biệt là các quy định về lập dự phòng hay đảm bảo an toàn vốn cho tất cả các đối tượng.

- Ủy ban Chứng khoán cân nhắc mở rộng yêu cầu kiểm toán đối với các công ty con, công ty liên kết, liên doanh của công ty niêm yết, công ty đại chúng hay các công ty có các khoản giao dịch lớn với các công ty niêm yết, công ty đại chúng.

- Ủy ban Chứng khoán cân nhắc đưa ra các tiêu chí để xác định các công ty chứng khoán có đủ điều kiện để cung cấp các báo giá đủ tin cậy để các đối tượng khác tham khảo để xác định dự phòng giảm giá chứng khoán OTC.

- Ủy ban Chứng khoán cân nhắc đưa ra các hướng dẫn bổ sung về xác định các bên liên quan và các thuyết minh cần trình bày trên báo cáo tài chính về giao dịch với các bên liên quan.

- Ủy ban Chứng khoán thiết lập các kênh trao đổi thông tin thường xuyên với các cơ quan quản lý nhà nước khác như Ngân hàng nhà nước, Cục quản lý bảo hiểm, Vụ chế độ kế toán kiểm toán - Bộ Tài chính cũng như chính các công ty kiểm toán để cập nhật trao đổi các vấn đề liên quan đến kiểm toán các công ty niêm yết, đại chúng.

Chúng tôi hiểu rằng việc thực hiện các khuyên nghị này đòi hỏi một kế hoạch tổng thể với một lộ trình và sự đóng góp của nhiều bên liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Namvaf các đơn vị khác. Với tư cách là một công ty kiểm toán toàn cầu, chúng tôi xin cam kết sẽ nhiệt tình tham gia quá trình thực hiện các khuyến nghị này để nâng cao chất lượng của các công cuộc kiểm toán, thông qua đó góp phần đảm báo tính minh bạch của các thông tin tài chính trên thị trường chứng khoán.

*****


THEO VACPA

No comments:

Post a Comment

Popular Posts