Thursday, 16 May 2013

Hướng dẫn mới thực hiện luật lao động năm 2012

Vừa qua, Chính Phủ vừa ban hành một loạt các Nghị định mới nhằm hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao Động năm 2012 và Luật Công Đoàn năm 2012, cụ thể bao gồm như sau:
Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
Nghị định gồm 16 Điều quy định quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động như: hướng dẫn, tư vấn cho người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động; đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể; tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động; tổ chức và lãnh đạo đình công… Nghị định còn quy định quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên; trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… 
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013./.
Nghị định 44/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động
Nghị định quy định chi tiết thi hành Bộ luật lao động về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc của người lao động khi giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động; nội dung hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước; trình tự, thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động và xử lý hợp đồng lao động vô hiệu.
Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động và các quy định trước đây trái với quy định tại Nghị định này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. 
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2013./.
Nghị định 45/2013/NĐ-CP của Chính Phủ: Quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật lao động về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Theo Nghị định này, số giờ làm thêm trong ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.
Khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần thì số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.
Và ,thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập cán bộ công đoàn không chuyên trách cũng được tính là thời gian làm việc
Nghị định có hiệu lực từ 01/07/2013
images
Nghị định 46/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về tranh chấp lao động.
Nghị định quy định tiêu chuẩn, thẩm quyền bổ nhiệm hòa giải viên lao động; việc hoãn, ngừng đình công và giải quyết quyền lợi của tập thể lao động trong trường hợp hoàn, ngừng đình công.
Theo Nghị định, hòa giải viên lao động phải đạt các tiêu chuẩn: là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành án; am hiểu pháp luật lao động và pháp luật có liên quan; có 3 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động, có kỹ năng hòa giải tranh chấp lao động.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.
Nghị định 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lao Động và Tiền Lương.
Ngày 14 tháng 5 năm 2013, Chính Phủ ban hành Nghị định 49/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia theo quy định tại Khoản 2 Điều 92; nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Lao động.
Theo Nguyên tắc tắc xây dựng định mức lao động quy định tại Điều 8, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP thì:
♣ Mức lao động mới phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức. Doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động biết ít nhất 15 ngày trước khi áp dụng thử. Thời gian áp dụng thử tùy theo tính chất công việc, nhưng tối đa không quá 3 tháng và phải đánh giá việc thực hiện mức.
Trường hợp trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lại mức lao động.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Các quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 01 tháng 5 năm 2013.

Trẻ sơ sinh cũng phải có mã số thuế

Cơ quan quản lý cho rằng bắt buộc sử dụng mã số thuế tự động cho người phụ thuộc từ 1/7 sẽ giúp ngăn chặn tình trạng một người con được cả bố lẫn mẹ đăng ký giảm trừ gia cảnh để "ăn gian" thuế.
Thông tin về việc áp dụng mã số thuế cá nhân cho người phụ thuộc được bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế Thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết tại Hội thảo về luật thuế này, được tổ chức sáng 16/5.
Theo vị đó, để tránh tình trạng chồng chéo trong đăng ký giảm trừ gia cảnh, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực (1/7/2013), Tổng cục Thuế sẽ triển khai cấp mã số thuế tự động cho người phụ thuộc dựa trên thông tin đăng ký giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế. "Nếu người nộp thuế và người phụ thuộc không có mã số thuế thì sẽ không được xét giảm trừ gia cảnh", bà Lan nhấn mạnh.
thue-thu-nhap-ca-nhan-jpg-1368696314_500
Người phụ thuộc phải có mã số thuế mới được giảm trừ. Ảnh: Hoàng Hà
Tuy nhiên, việc cấp mã số thuế tự động cho người phụ thuộc chỉ áp dụng với những cá nhân đăng ký giảm trừ gia cảnh từ 1/7/2013. Với những trường hợp đăng ký trước đó, người phụ thuộc được tiếp tục tính giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế. Người nộp thuế cũng chỉ phải đăng ký giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian tính giảm trừ gia cảnh. Khi có sự thay đổi về người phụ thuộc và thay đổi nơi làm việc sẽ phải tiến hành đăng ký lại.

Ông Nguyễn Công Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) nhận xét, việc cấp mã số thuế tự động này sẽ giúp cơ quan thuế giám sát được việc khai thuế của cá nhân có trung thực không thông qua mã số của người phụ thuộc.

Trước đó, do chưa đủ cơ sở hạ tầng, cơ quan thuế không thể kiểm soát được số người phụ thuộc, dẫn đến trường hợp nhiều người cùng đăng ký một người và làm ngành thuế bị thất thu. Vị này lấy ví dụ, trong một gia đình có thể nhiều người cùng đăng ký một người phụ thuộc mà cơ quan thuế không phát hiện được. Song, tới đây khi được kiểm soát qua hệ mã số thuế, chỉ cần đã đăng ký là người phụ thuộc cho một cá nhân thì sẽ không thể kê khai với một cá nhân khác.
Một điểm quan trọng khác của lần sửa đổi này là nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng một tháng và mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng, từ mức 1,6 triệu đồng hiện nay. Cơ quan quản lý cũng sẽ cân nhắc nâng mức giảm trừ gia cảnh nếu lạm phát biến động trên 20% kể từ khi Luật có hiệu lực.
Trong quá trình thảo luận, một số chuyên gia nhận định quy định mới thể hiện "sự thụt lùi", bởi nâng mức giảm trừ gia cảnh đồng nghĩa việc số người nộp thuế giảm từ 4 triệu còn 1 triệu người, trong khi Luật thuế phải khiến cho càng nhiều người nộp thuế càng tốt và bao quát được nhiều đối tượng.
Song, ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội lại cho rằng, nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ tạo ra đòn bẩy tài chính để khuyến khích người lao động sáng tạo, bởi họ có cơ hội tích lũy thu nhập nhiều hơn, từ đó doanh nghiệp có thể phát triển và tạo sức lan tỏa, bồi dưỡng nguồn thu trong dài hạn khi kinh tế tăng trưởng trở lại.
Do vậy, vị này khẳng định không thể thấy việc thu ngân sách bị hụt khoảng 6.000 tỷ đồng sau khi thi hành Luật mới thì không quyết tâm sửa đổi, mà phải nhìn vào việc "bồi dưỡng nguồn thu trong tương lai".
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đánh giá, năm 1991, người lao động có thu nhập 500.000 đồng trở lên đã phải nộp thuế thì số thuế thu được chỉ là 62 tỷ đồng, nhưng đến năm 2012, ngành thuế đã thu được 46.000 tỷ đồng trong bối cảnh mức giảm trừ gia cảnh đưa lên 4 triệu đồng, người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng.
"Điều này cho thấy khi nghĩa vụ giảm đi nhưng tính tự giác của người nộp thuế tăng lên, cùng với đó phát triển kinh tế xã hội thì nguồn thu cũng tăng", bà Cúc nói.

Ngoài ra, Luật thuế mới cũng tạo điều kiện cho những cá nhân có thêm thu nhập vãng lai thực hiện quyết toán thuế. Với cá nhân có thêm thu nhập ở nơi khác bình quân mỗi tháng không quá 10 triệu đồng và đã khấu trừ thuế 10% thì không phải thực hiện quyết toán thuế. Những cá nhân có thu nhập từ cho thuê nhà có doanh thu không quá 20 triệu đồng mỗi tháng trong năm, đã nộp thuế tại nơi có nhà cho thuê nếu không có nhu cầu cũng không phải thực hiện quyết toán thuế với phần thu nhập này.
Trước đó, cơ quan thuế bắt buộc tất cả các khoản thu nhập đều phải thực hiện quyết toán, khiến người lao động rất mất công, ông Phụng cho biết.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2012. Từ đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện các điều của Luật này. "Hiện dự thảo Nghị định đã xây dựng xong và sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi vào cuối tháng 5 trước khi chính thức có hiệu lực từ 1/7/2013", bà Lan nói.

(Theo Vnexpress)

Muôn kiểu lách thuế thu nhập cá nhân

Người lương cao né nghĩa vụ nộp thuế bằng cách gửi lương cho đồng nghiệp thu nhập thấp. Trong khi đó, một số cá nhân trộm mã số thuế của người khác để phân tán khoản thu của mình.

Chị Hoa đang công tác trong lĩnh vực xây dựng tại Hà Nội . Kể từ khi ngành này khó khăn, lương của chị chỉ còn 2 triệu đồng mỗi tháng. Chị đang nuôi một con nhỏ, vì vậy thu nhập trên 5,6 triệu đồng một tháng chị mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Biết được tình trạng của chị, một đồng nghiệp trong công ty có thu nhập lên tới 50 triệu đồng một tháng do nhận được hợp đồng làm thêm ngoài đã mang lương đến "gửi" chị để tránh phải nộp thuế ở bậc cao.
"Nếu họ không đem gửi lương thì sẽ phải mất tới chục triệu tiền thuế, còn khi gửi lương cho nhiều người thì thu nhập sẽ bị phân tán bớt, chỉ phải nộp thuế ở bậc thấp hơn. Nhiều người khác trong công ty cũng đang được anh này gửi gắm khoản thu nhập kếch xù hằng tháng", chị Hoa cho hay.
Sắp tới đây, khi thu nhập từ 12,6 triệu đồng trở lên mới bắt đầu phải nộp thuế, chị dự đoán sẽ có thêm nhiều đồng nghiệp gửi lương hàng tháng cho mình.
nop-thue-jpg-1368731429_500x0.jpg
Nhiều chiêu để lách nộp thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: SBA
Bên cạnh trường hợp tự nguyện cho người khác dùng tên mình để lách thuế, cũng có những cá nhân bị trộm mã số thuế để kê khai, khấu trừ thuế mà không biết.
Chị Vân nhà ở Gia Lâm chia sẻ, khi học đại học do tin bạn chị đã cho mượn chứng minh thư, đến khi đi làm công ty yêu cầu làm mã số thuế để trả lương chị mới tá hỏa khi phát hiện người bạn này đã lấy chứng minh thư của mình để đăng ký mã số thuế kê khai vào bảng lương doanh nghiệp do anh này làm chủ.  "Khi đó, tôi rất lo là bỗng dưng mình phải nộp thuế ở cả 2 nơi", chị Vân bức xúc.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), thực tế có không ít trường hợp cá nhân đi đăng ký mã số thuế thu nhập mới phát hiện ra tên mình được kê khai đóng thuế ở tận Sơn La, Lai Châu. Mục đích của việc mượn danh, ăn cắp mã số thuế chính là để trốn thuế hoặc giảm số thuế thu nhập phải nộp, ông nhận định.
Ngoài ra, hiện có tình trạng kê khai chồng chéo người phụ thuộc để được tăng mức giảm trừ nhằm tránh nộp thuế. Ví dụ, nếu gia đình có vợ chồng làm ở hai địa bàn khác nhau sẽ có thể "ăn gian" khi cả vợ và chồng đều khai chung bố, mẹ hoặc con cái là người phụ thuộc.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, việc quản lý mã số thuế dựa trên cơ chế quản lý qua ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế.
"Từ tháng 10/2012, hệ thống này đã được triển khai trên toàn quốc, tức cơ quan thuế có thể nắm được thu nhập của một mã số thuế trên toàn quốc. Do vậy, trường hợp một cá nhân mượn trộm mã số thuế để khai thuế ở đâu đó, khi tổng hợp nếu thu nhập đến ngưỡng phải nộp thêm thuế thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu người đó đến quyết toán phần nộp thêm, từ đó phát hiện ra mã số thuế được sử dụng tại đâu, do đơn vị chi trả thu nhập nào kê khai. Lúc này sẽ nảy sinh câu hỏi lý do gì mà đơn vị lại sử dụng mã số thuế đó để kê khai thuế, khấu trừ thuế", bà Lan nói.
Vị này thông tin thêm, năm vừa qua ngành Thuế cũng phát hiện một số trường hợp chính đơn vị chi trả thu nhập lợi dụng mã số thuế của người khác để khai khống chi phí. Đơn vị đó sẽ bị truy thu thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến phần khai dối.

"Trên thực tế, sẽ không có cá nhân nào lại đi lấy mã số thuế của người khác để khai cho bản thân. Ví dụ như đi ký hợp đồng, tên mình ở hợp đồng thì không thể lấy mã số thuế của người khác, trong trường hợp này chỉ có thể là tổ chức chi trả lợi dụng", lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định.
Tuy nhiên, bà cũng khuyến cáo các cá nhân nên có ý thức bảo vệ mã số thuế cá nhân đề phòng người khác lợi dụng. Hiện nay, chỉ cần vào trang tncnonline.com.vn, gõ số chứng minh thư hoặc hộ chiếu của bất kỳ ai cũng có thể biết được mã số thuế của người đó. Như vậy, nếu chẳng may bị rơi giấy tờ thì thông tin mã số thuế sẽ dễ dàng bị người khác biết được.
Với trường hợp các cá nhân cùng kê khai một người phụ thuộc, bà Lan cho biết từ 1/7/2013 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, cơ quan thuế sẽ tự động cấp mã số thuế cho người phụ thuộc. Khi đó, nếu cá nhân khác lại sử dụng người phụ thuộc đó thì hệ thống sẽ nắm được và từ chối.

Còn những vụ việc gửi lương như chị Hoa phản ánh, bà Lan nhận định rủi ro phần nhiều sẽ thuộc về người nộp thuế, tức người nhận gửi lương bởi họ không chịu thuế mà lại nhận hộ cho người khác. "Lúc này, thu nhập của họ chưa đến mức nộp thuế nhưng có thể cộng với nguồn thu nhập ở đâu đó bị đến ngưỡng, cơ quan thuế sẽ báo rằng phải nộp thuế thêm và cá nhân không thể cãi được vì cho người khác gửi", lãnh đạo Tổng cục Thuế cảnh báo.

Gần đây cũng nổi lên những cáo buộc các ca sĩ trốn thuế khi mà cát xê lên tới hàng trăm triệu đồng một show nhưng ngành Thuế tổng kết mỗi năm thì số thuế phải nộp của đối tượng này chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
casi2-jpg-1368731429_500x0.jpg
Lùm xùm ca sĩ cát xê cao đóng thuế bèo. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Bàn luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, sẽ phải lưu ý việc khấu trừ thuế tại nguồn, tức là đơn vị tổ chức biểu diễn. Chẳng hạn, một ca sĩ đến biểu diễn thì nơi tổ chức biểu diễn khi trả cát xê phải khấu trừ ngay 10% tiền thuế, sau đó cuối năm các ca sĩ đó sẽ làm quyết toán thuế để xem số thuế được hoàn hay nộp thêm.

Trong khi đó, theo một chuyên gia lĩnh vực Thuế, ngoài việc lên án các ca sĩ trốn thuế, cũng phải cảnh giác các bầu sô. "Có khi họ trả cát xê không đến mức đó đâu nhưng lại hét toáng lên như vậy. Nhiều khi có người bị oan", vị này nói. Theo ông, cần phải kiểm soát thuế thu nhập của ca sĩ thông qua kiểm soát chi phí chính đơn vị biểu diễn, bởi họ hạch toán chi phí bao gồm tiền trả cho ca sĩ thì đây chính là phần thu nhập thực tế mà người ca sĩ có trách nhiệm đóng thuế.
Liên quan tới thu thuế từ trúng thưởng tại casino, hiện Luật quy định mỗi lần trúng thưởng trên 10 triệu đồng thì phải nộp thuế 10%. Song, Bộ Tài chính đánh giá thực tế việc xác định nguồn thu nhập này là khó thực hiện vì casino không ghi rõ người chơi lúc đến và đi, không bắt buộc phải đổi lại chip khi trúng thưởng, từ đó khó xác định chênh lệch giữa số tiền cá nhân chi ra và trả lại cho mỗi lần chơi.
Bởi vậy, cơ quan quản lý đã trình Chính phủ bổ sung quy định trường hợp casino không xác định được thu nhập chịu thuế của người trúng thưởng thì áp dụng khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ khoán trên tổng số tiền trả lại cho khách hàng. Hiện Bộ Tài chính đang khảo sát để quy định tỷ lệ thuế khoán với hoạt động vui chơi trúng thưởng, ông Phùng cho biết.

(Theo Vnexpress)

Monday, 13 May 2013

Dùng thẻ tín dụng nhớ kiểm tra phí

Thẻ tín dụng mang đến nhiều tiện lợi cho người sử dụng, nhưng lưu ý loại thẻ này không chỉ có 1 hay 2 loại phí thông thường như nhiều người “lầm tưởng”.
dung-the-tin-dung-nho-kiem-tra-phi

Hiện nay, hàng loạt ngân hàng (NH) trong và ngoài nước đang chạy đua phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng cá nhân nhằm mở rộng hoạt động, tăng doanh thu trong giai đoạn tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH khá chậm. Tuy vậy, do chạy theo số lượng, không ít NH đã “quên” tư vấn chi tiết cho khách về các nghĩa vụ của họ khi sử dụng thẻ tín dụng.
Bị phạt chậm đóng phí thường niên
Chị Thu An (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) mới đây tá hỏa khi NH thông báo thu phí trễ hạn đóng phí thường niên, dù chị chưa bắt đầu sử dụng thẻ. Đi nộp phạt chị mới biết khi bàn giao thẻ cho khách là NH đã tự động kích hoạt thẻ và phí thường niên phải được thanh toán ngay.
Vì sơ sót này, thay vì chỉ đóng phí thường niên 300.000 đồng, chị An đã phải đóng tổng cộng 500.000 đồng (phí phạt trễ hạn 200.000 đồng là mức tối thiểu mà NH này áp dụng). Hiện mức phí phạt trễ hạn hay phí chậm thanh toán các NH áp dụng phổ biến từ 3-4% (tối thiểu từ 50.000 – 200.000 đồng).
Như vậy, chỉ cần thanh toán trễ hạn hai lần trong một năm thì số tiền chủ thẻ bị phạt có thể còn cao hơn cả phí thường niên. Đặc biệt, lãi suất tính trên tổng số ngày dư nợ thực tế sẽ lên đến mức 24 – 25%/ năm.
Ngoài phí thường niên được các NH áp dụng cho thẻ tín dụng từ 100.000 – 1.000.000 đồng/năm/thẻ, tùy theo loại thẻ chuẩn hay thẻ vàng, thẻ platium (thường các NH nước ngoài có mức phí cao hơn NH trong nước), người sử dụng nên chú ý đến các loại phí khác mà NH áp dụng khá cao như phí rút tiền mặt thông thường là 4% giá trị giao dịch (một số NH có áp dụng mức tối thiểu từ 50.000 – 200.000 đồng/giao dịch).
Bên cạnh đó, một số NH còn tính thêm lãi suất trên số tiền chủ thẻ đã rút ra; tính phí giao dịch quốc tế hay có nơi gọi là phí chuyển đổi ngoại tệ từ 2 – 3,5% trên giá trị giao dịch; phí mất thẻ/thất lạc là 200.000 đồng/lần/thẻ…
Đó là chưa kể nhiều chủ thẻ khá chủ quan, không lưu giữ các hóa đơn giao dịch của mình để cuối kỳ đối chiếu bảng kê giao dịch từ NH. Khi đó, nếu muốn được cấp lại bản sao hóa đơn giao dịch, chủ thẻ phải trả 80.000 – 100.000 đồng/lần; phí cấp lại số PIN là 30.000 – 50.000 đồng/lần.
Chưa hết, NH cũng sẽ thu những loại phí khác khi chủ thẻ có yêu cầu như phí cung cấp lại bản sao kê, phí khiếu nại sai, phí thay đổi loại thẻ, phí thay đổi hạn mức…
Cẩn trọng khi sử dụng thẻ
Bên cạnh việc lưu ý về các loại phí, chủ thẻ tín dụng cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng. Chẳng hạn, với thẻ ATM nếu chẳng may bị mất, kẻ gian phải tốn thời gian dò tìm số PIN để rút tiền; còn với thẻ tín dụng kẻ gian có thể cầm đi thanh toán ở các cửa hàng, trung tâm thương mại vì thực tế thu ngân ở những nơi này thường chỉ lấy thẻ quẹt trừ tiền mà không cần biết người dùng có đúng là chủ thẻ hay không.
Vì thế, ngay khi phát hiện bị mất thì chủ thẻ nên gọi điện thông báo ngay với NH để tạm khóa thẻ. Hiện hầu hết các NH đều đã có dịch vụ thông báo biến động giao dịch vào điện thoại di động; chủ thẻ nên đăng ký dịch vụ này nhằm kịp thời phát hiện những giao dịch bất thường mà không phải mình thực hiện để thông báo với NH xử lý.
Việc sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng trực tuyến cũng dễ bị mất thông tin thẻ. Các NH đã liên tục khuyến cáo khách hàng hãy thận trọng, tránh những đường link giả mạo hệ thống website của NH để lấy cắp thông tin của chủ thẻ.
Ngày 26/4 vừa qua, Vietcombank cũng thông báo những email giả mạo hệ thống Internet Banking cùng với yêu cầu đăng nhập nhằm mục đích cập nhật, kiểm chứng thông tin, nhờ nhận tiền, hoặc thậm chí là để hỗ trợ công tác bảo mật tài khoản…
Đây là một trong những hình thức lừa đảo rất phổ biến hiện nay liên quan đến các giao dịch trên internet. Vì vậy, trước khi nhập số tài khoản thẻ cũng như các thông tin khác, hãy kiểm tra để chắc chắn trang web định mua là an toàn.
 Theo DNSG Online

Luật Thuế TNCN: Chưa nắm được… “kẻ trọc đầu”!

Kể từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực từ năm 2009 đến nay, dư luận luôn nghi vấn liệu cơ quan thuế đã nắm được tất cả các đối tượng thuộc diện nộp thuế hay chưa; có quản lý được nguồn thu nhập của người nộp thuế để tính thuế không; làm thế nào để thu đúng, thu đủ, đảm bảo công bằng xã hội,…bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, trao đổi xung quanh vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam
Có thể khẳng định Luật Thuế TNCN là luật thuế có nhiều ý kiến tham gia và có nhiều quan điểm khác nhau nhất. Trong đó, vấn đề được bàn luận và tranh cãi nhiều nhất là mức khởi điểm chịu thuế theo Pháp lệnh Thuế thu nhập với người có thu nhập cao và giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế TNCN?
- Điều này cũng dễ hiểu, bởi Luật Thuế TNCN có diện điều chỉnh các thu nhập chịu thuế của các cá nhân tương đối rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, như: bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, vốn, chế độ phụ cấp, trợ cấp xã hội, tiền lương – tiền công…
Do vậy, khi một số chính sách sửa đổi, buộc các văn bản hướng dẫn về thuế TNCN cũng thay đổi theo.
Ngoài các thông tư hướng dẫn đặc thù, trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho người nộp thuế trong thực thi.
Mặt khác, do sự biến động nhanh của nền kinh tế, nên một số quy định trong Luật Thuế TNCN tại thời điểm ban hành Luật là phù hợp, nay đã bộc lộ một số hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, một số quy định còn chưa rõ ràng, minh bạch…, đôi khi dẫn đến thiếu công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ thuế.
* Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến cơ quan thuế chưa thể quản lý hết các đối tượng có thu nhập phải nộp thuế, cũng như các nguồn để thu thuế?
- Việc thu thuế TNCN đối với các nguồn thuế mà cơ quan chi trả phải thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn.
Có nghĩa, trước khi chi trả tiền lương, tiền công, trúng thưởng xổ số… thì cơ quan trả thu nhập đấy phải khấu trừ tiền lương, tiền công nếu biết được đầy đủ thu nhập thì giảm trừ gia cảnh và khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Còn nếu chưa biết chắc chắn thì phải tạm khấu trừ theo mức có mã số thuế thì 10%, không có mã số thuế là 20%. Tuy nhiên, có những khoản thu nhập khác, ví dụ ca sĩ biểu diễn thông qua các công ty tổ chức thì có thể khấu trừ thuế. Nhưng nếu ca sĩ đi hát mà được trả bằng tiền mặt thì sẽ không có trừ thuế, lúc đấy sẽ rất khó khăn.
Hay như hoạt động môi giới bất động sản, bán hàng đa cấp…, hiện cơ quan thuế đang chưa kiểm soát đầy đủ các khoản thu nhập chịu thuế. Vô hình trung, khi chưa kiểm soát đầy đủ thì sẽ dẫn đến nhiều trường hợp chưa công bằng.
* Vậy đâu là kẽ hở trong công tác kế toán hiện nay khiến cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân dễ dàng “lách” không kê khai đầy đủ các nguồn thu nhập, nhằm “né” thuế, trong khi cơ quan thuế vẫn chưa tìm ra cách gì để quản lý được?
- Đối với công tác tài chính kế toán, các doanh nghiệp (DN) cũng có thể “ổn”. Vì giữa nguồn chi phí trả thu nhập cá nhân liên quan đến chi phí tính thuế thu nhập DN (TNDN). Như vậy, cơ quan thuế có thể kiểm soát được nguồn chi ra từ các chi phí để tính thuế TNDN và phần quyết toán của thuế TNCN.
Tuy nhiên, những cơ sở như bán hàng đa cấp, các cá nhân đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, môi giới để hưởng hoa hồng… thì lúc đấy, các cá nhân này thường áp dụng cơ chế khoán thuế và thanh toán bằng tiền mặt. Như vậy, cơ quan thuế cũng sẽ không thể kiểm soát được nguồn chi phí bị “lẩn tránh”.
Cho nên, theo tôi, cần tăng cường hạch toán sổ sách kế toán, tăng cường thanh toán qua ngân hàng… Đây là những biện pháp để có thể kiểm soát được.
* Nhiều ý kiến cho rằng Luật hiện mới nắm được “người có tóc” chứ chưa nắm được “kẻ trọc đầu”, nghĩa là thuế mới chỉ thu chủ yếu vào đối tượng là đại bộ phận người làm công ăn lương và chi trả qua ngân hàng, bà nghĩ sao?
- Đúng như vậy. Rất nhiều người đóng thuế chân chính, tuân thủ các quy định của pháp luật, song cũng không ít đối tượng có thu nhập bên ngoài khá cao nhưng không quản lý được những khoản tiền này để tính thuế. Đây là một trong những vấn đề tồn tại, cách thức quản lý của chúng ta chưa tốt và cần phải hoàn thiện trong thời gian tới.
* Là người công tác lâu năm trong ngành thuế, bà có thể gợi mở các biện pháp để có thể khắc phục những bất cập trong công tác quản lý thu thuế TNCN hiện nay?
- Theo tôi, cơ quan thuế phải phân loại các đối tượng thu. Chẳng hạn, với đối tượng là ca sĩ thì có thể dùng các biện pháp tuyên truyền hoặc phân cấp quản lý phù hợp để trước tiên là động viên, khích lệ họ thấy rằng nộp thuế TNCN cao thì chứng tỏ mình là một ca sĩ giỏi, kiếm được nhiều tiền.
Đối với các đối tượng đại lý xổ số kiến thiết, bảo hiểm, bán hàng đa cấp… thì phải có biện pháp phối hợp với các cơ quan chủ quản để nắm toàn bộ các đại lý, phương thức bán hàng và biện pháp khấu trừ thuế để quản lý được.

Nguồn: Thời báo Kinh doanh

Hướng dẫn thực hiện chế độ thai sản 6 tháng.

Ngày 25/4/2013, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn 1187/BHXH-CĐBHXH hướng dẫn thực hiện chế độ thai sản 6 tháng cho lao động nữ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Theo đó, căn cứ hướng dẫn của BHXH Việt Nam tại Công văn 1477/BHXH-CSXH ngày 23/4/2013, lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thai sản mà đến ngày 01/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo Khoản 1, Điều 157 của Bộ luật Lao động thì thuộc đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp thai sản 6 tháng (lưu ý quy định này không áp dụng cho trường hợp nhận nuôi con nuôi).
Vì vậy, những trường hợp thuộc diện hưởng chế độ thai sản 6 tháng như nêu trên đây, nếu đã được cơ quan BHXH giải quyết hưởng trợ cấp thai sản 4 tháng hoặc 5 tháng thì lập hồ sơ đề nghị cấp bổ sung tiền chênh lệch. Cụ thể như sau:
nhung-dau-hieu-nen-canh-giac-o-tre-so-sinh-kienthuc-net-vn
- Trường hợp người lao động đang tham gia BHXH sinh con thì: 
+Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập “Danh sách đề nghị cấp bổ sung trợ cấp thai sản theo mẫu” (03 bản) kèm theo danh sách người lao động đề nghị hưởng chế độ thai sản (C67a-HD) đã được cơ quan BHXH giải quyết trước đây có tên của người lao động mà đơn vị đang lưu giữ (01 bản).
- Trường hợp người lao động đã nghỉ việc sau đó sinh con: nộp đơn đề nghị cấp bổ sung (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi đang cư trú) cho cơ quan BHXH nơi đã giải quyết trợ cấp.
Xem toàn bộ công văn và tải về tại đây

Hệ thống chuẩn mực kiểm toán mới: Góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ

Ông Bùi Văn Mai
Bộ Tài chính ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán mới, hệ thống chuẩn mực kiểm toán này được giới chuyên môn đánh giá như là một luồng gió mới cho lĩnh vực kiểm toán, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán Báo cáo tài chính.
Vũ Điển

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Trưởng ban nghiên cứu soạn thảo Chuẩn mực kiểm toán cho hay, năm 2009, Ủy ban chuẩn mực quốc tế đã ban hành lại hệ thống chuẩn mực kiểm toán. Để phù hợp với chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đồng thời cũng là để bổ sung và sửa đổi một số chuẩn mực kiểm toán Việt Nam hiện hành chưa phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, Bộ Tài chính nhận thấy Việt Nam cần phải ban hành lại hệ thống chuẩn mực này.Năm 2010 Bộ Tài chính đã giao việc nghiên cứu soạn thảo chuẩn mực này cho VACPA thực hiện. “Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên được ban hành do một Hội nghề nghiệp đề nghị” ông Mai nói.
So với hệ thống chuẩn mực kiểm toán cũ, hệ thống chuẩn mực vừa ban hành có nhiều điểm đổi mới. Trước đây khi tổ chức một cuộc kiểm toán thường dựa vào phương pháp chọn mẫu, là phương pháp phù hợp với điều kiện lúc đó, còn hiện nay nền kinh tế thị trường phát triển đa dạng, các doanh nghiệp, tổng công ty đều phát triển theo hình thức đa ngành, đa nghề, phạm vi rộng, có quan hệ quốc tế nên chuẩn mực mới yêu cầu phải dùng phương pháp tiếp cận, đánh giá và xác định rủi ro. Tức là đánh giá toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ của một doanh nghiệp từ khâu ban hành đến khâu thực hiện chính sách, nội quy, quy trình xuất nhập, mua bán hàng hóa, tổ chức bộ máy,… xem khâu nào yếu, nhiều khả năng xảy ra rủi ro thì tập trung để kiểm tra, soát xét. Cách tiếp cận mới này sẽ nâng cao kỹ năng xét đoán chuyên môn, kỹ năng đánh giá và nâng cao trách nhiệm của kiểm toán viên.
Ngoài ra trong lĩnh vực kiểm toán, báo cáo kiểm toán là sản phẩm của kiểm toán viên, do vậy việc áp dụng theo chuẩn mực mới này đòi hỏi trách nhiệm của kiểm toán viên, công ty kiểm toán, doanh nghiệp cao hơn. Bên cạnh đó, ý kiến kiểm toán cũng có những đổi mới mang tính bước ngoặt, cụ thể như:  Theo quy định trước đây ý kiến kiểm toán có 4 loại : chấp nhận toàn phần, ngoại trừ, không chấp nhận và từ chối cho ý kiến.  Nếu thực hiện theo phương pháp này kết quả kiểm toán rất chung chung và sẽ không gắn được trách nhiệm của các bên liên quan. Theo chuẩn mức mới quy định chỉ có 2 loại  ý kiến đó là chấp nhận toàn phần và không chấp nhận toàn phần.“Thực tế hiện nay chất lượng dịch vụ kiểm toán giới chuyên môn cho rằng “đang có vấn đề”. Nguyên nhân là do khủng khoảng kinh tế, các doanh nghiệp gặp khó khăn, nên có tâm lý mong muốn làm đẹp báo cáo tài chính, và do hệ thống chuẩn mực kiểm toán hiện hành của ta đã lạc hậu, chưa thể hiện rõ được trách nhiệm của kiểm toán viên, công ty kiểm toán  và doanh nghiệp khách hàng. Do vậy  khi những chuẩn mực mới được áp dụng triệt để thì chắc chắn chất lượng kiểm toán sẽ được nâng cao”, ông Mai nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Mai để hệ thống chuẩn mực kiểm toán này được đi vào cuộc sống, cần phải tập chung chú trọng tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kiểm toán và các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.Về phía VACPA chúng tôi đã và đang thực hiện kế hoạch đào tạo, cập nhật kiến thức có liên quan cho hội viên, đã triển khai từ tháng 4/2013. Việc cập nhật kiến thức năm nay sẽ mở rộng cho cả các doanh nghiệp được kiểm toán, thông qua Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập huấn cho các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó VACPA cũng đã chủ trương viết các tài liệu hướng dẫn tóm tắt các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, hệ thống hóa toàn bộ văn bản trên trang điện tử cho các kiểm toán viên và doanh nghiệp thuận tiện tra cứu, viết một số tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ, chuyên môn sâu như vấn đề chọn mẫu, xác định trọng yếu, gửi thư xác nhận…giảng dạy thực hành kiểm toán theo chương trình kiểm toán mẫu và theo chuẩn mực mới,... hợp tác với giảng viên các trường Đại học để đưa các chuẩn mực kiểm toán này vào giảng dạy. Đây là những biện pháp rất hiệu quả mà quốc tế đang áp dụng”, ông Mai cho biết.
(Theo Báo Công thương - số 56)

Đánh giá rủi ro trong ngân hàng thương mại khi kiểm toán báo cáo tài chính


Bộ Tài chính vừa ban hành Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam (VSA) mới áp dụng từ 01/01/2014. Phương pháp luận kiểm toán trong VSA mới là “Đánh giá rủi ro và kiểm tra hệ thống” thay thế cho phương pháp chọn mẫu trước đây. BBT trích đăng bài viết dưới đây của TS. Phan Tiến Đạt để các độc giả và hội viên tham khảo.
TS. Phạm Tiến Đạt

Rủi ro được hiểu là những biến cố có thể xảy ra nhưng không lường trước được. Khi kiểm toán Báo cáo tài chính, việc nhận diện, đánh giá đúng về khả năng tồn tại, mức độ trọng yếu của rủi ro do gian lận, sai sót sẽ giúp xác định đúng đối tượng, phạm vi, nội dung kiểm toán, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng kiểm toán.
Mục tiêu của kiểm toán là kiểm tra và xác nhận mức độ tin cậy của các thông tin liên quan đến BCTC để đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp, kiểm toán viên (KTV) cần phải phát hiện ra sai phạm, đặc biệt là những sai phạm trọng yếu. Việc nhận diện, đánh giá đúng các loại rủi ro là công việc cần thiết và bắt buộc đối với mọi cuộc kiểm toán.
Trong kiểm toán BCTC ngân hàng thương mại (NHTM), mục tiêu của kiểm toán cũng như vậy. Cuộc kiểm toán NHTM dù được thực hiện bởi tổ chức Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập hay kiểm toán nội bộ, KTV cần phải đánh giá các loại rủi ro trong hệ thống của NHTM, bao gồm rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát.
1.       Nhận diện các loại rủi ro
NHTM cũng giống như các tổ chức kinh doanh khác, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận nhưng là tổ chức đặc biệt kinh doanh tiền tệ, bằng cách thu hút vốn tiền tệ trong xã hội để cho vay. Hoạt động chính của NHTM là: huy động vốn; sử dụng vốn và thực hiện các dịch vụ trung gian như thu hộ, chi hộ khách hàng có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng; dịch vụ chuyển khoản ở cùng một ngân hàng hay ở hai ngân hàng khác nhau; dịch vụ tư vấn tài chính cho khách hàng, dịch vụ giữ hộ chứng từ, vật quý giá, dịch vụ chi lương cho các doanh nghiệp có nhu cầu; dịch vụ khấu trừ tự động…
Ngân hàng là một trung gian tài chính, nên có thể “hứng chịu” rủi ro đến từ hai phía. Để nhận biết rủi ro trong ngân hàng cần quan sát và phân tích các hoạt động mà ngân hàng đang thực hiện. Hoạt động ngân hàng có đặc điểm như sau:
-          Đại bộ phận tiền vốn mà ngân hàng sử dụng trong kinh doanh không phải là vốn của ngân hàng mà được hình thành từ nhiều nguồn khác  như tiền gửi của các tổ chức, cá nhân. Ngân hàng nhận được nhiều hay ít tiền gửi đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng. Rủi ro có thể phát sinh từ sự hình thành các nguồn vốn ấy.
-          Việc kiểm soát và quản lý nguồn vốn thường vượt khỏi tầm quản lý của ngân hàng do tiền đã chuyển cho khách hàng sử dụng. Khả năng thu hồi vốn của ngân hàng không chỉ phụ thuộc vào chính ngân hàng mà chủ yếu phụ thuộc vào khách hàng. Đặc trưng này chứa đựng nhiều rủi ro ngân hàng.
-          Kinh doanh ngân hàng chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước nên gây nên tâm lý thụ động hoặc ỷ lại của ngân hàng, hoặc “đơn giản hóa”, bỏ qua các vấn đề cần được quan tâm.Chính điều này tiềm ẩn rủi ro khó lường cho ngân hàng.
-          Rủi ro tiềm tàng trong NHTM gồm rủi ro có nguồn gốc nội tại và rủi ro về mặt hệ thống.
Rủi ro có nguồn gốc nội tại như: (i) Rủi ro tín dụng xảy ra khi khách hàng không hoàn trả được nợ đúng hạn hoặc không trả nợ cho ngân hàng. Khả năng này xuất hiện do khách hàng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc không có khả năng trả nợ, hoặc do khách hàng không muốn trả nợ. Nguyên nhân khác là do việc thẩm định dự án của chính ngân hàng không chuẩn xác, chính sách tín dụng không hợp lý, không thực hiện tốt khâu kiểm soát trong quá trình cho vay; (ii) Rủi ro thanh khoản xảy ra khi thị trường cấp thay đổi gây khó khăn cho ngân hàng trong việc chuyển đổi các tài sản thành tiền để đáp ứng nhu cầu chi trả. Khả năng này xảy ra khi chi phí giao dịch tăng, hoặc thời gian giao dịch bị kéo dài. Tổn thất mà ngân hàng phải gánh chịu là chi phí phát sinh do phải tìm kiếm các nguồn chi trả khác; (iii) Rủi ro lãi suất xảy ra khi biến động lãi suất thị trường gây tổn thất cho ngân hàng. Rủi ro này xuất hiện trong trường hợp lãi suất của thị trường tăng lên, khi đó, các khoản vay và đầu tư của ngân hàng sẽ sụt giảm giá trị và ngân hàng sẽ bị tổn thất. Trường hợp khác của rủi ro lãi suất là khi lãi suất thị trường giảm, làm cho ngân hàng phải chấp nhận đầu tư và cho vay các khoản tiền huy động với lãi suất cao vào các tài sản với mức sinh lời thấp; (iv) Rủi ro hối đoái là khả năng xảy ra tổn thất khi tỷ giá hối đoái thay đổi vượt quá dự tính; (v) Rủi ro vỡ nợ  là rủi ro khi ngân hàng không đủ vốn chủ sở hữu để bù đắp cho sự sụt giảm đột ngột trong giá trị tài sản do hậu quả của các loại rủi ro khác, thiếu kinh nghiệm quản lý vĩ mô, do sự suy thoái của nền kinh tế, tỷ trọng huy động tiền gửi nhỏ, chủ yếu dựa vào các khoản vay, sự gia tăng các vụ vỡ nợ trong danh mục cho vay của các khách hàng

Rủi ro về mặt hệ thống như: (i) Rủi ro lạm phát là rủi ro ảnh hưởng đến các hoạt động của NHTM do lạm phát tăng cao như khả năng thanh khoản bị suy giảm, khó huy động vốn, hoạt động tín dụng bị kiềm chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, lợi nhuận giảm sút... Lạm phát tăng cao sẽ làm suy yếu, thậm chí phá vỡ thị trường vốn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của NHTM; (ii) Rủi ro công nghệ xảy ra nhưng không tạo được sự tiết kiệm chi phí từ lợi thế quy mô lớn, công suất vượt quá, công nghệ lạc hậu, thiếu hiệu quả do quan liêu hoặc về tổ chức làm cho việc tăng trưởng quy mô không có hiệu quả; (iii) Rủi ro thay đổi môi trường pháp lý là rủi ro liên quan đến thay đổi luật pháp nhất là sự thay đổi trên quy mô toàn cầu; (iv) Rủi ro về chu kỳ kinh tế, sự biến động của các yếu tố thị trường; Các rủi ro này liên quan đến sự biến động của nền kinh tế toàn cầu và quốc gia bị ngưng trệ, dịch vụ ngân hàng sẽ bị giảm sút doanh thu, phí ngân hàng; (v) Rủi ro từ thay đổi môi trường tự nhiên làm tăng tần suất và mức độ thiệt hại do thảm họa tự nhiên, điều kiện sống, của loài người... thiệt hại của khách hàng làm họ không có khả năng trả nợ ngân hàng...
2. Đánh giá rủi ro trong NHTM khi kiểm toán báo cáo tài chính
Khi kiểm toán BCTC các rủi ro trên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thông tin trên BCTC - gọi là rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát. Dựa vào tính chất và mức độ tác động đến BCTC của các loại rủi ro, kiểm toán viên sẽ xem xét và nhận định về mức độ rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát. Việc xác định được mức độ rủi ro có tác động rất lớn đến hoạt động kiểm toán. Để đánh giá rủi ro, KTV cần xây dựng bảng trọng số cho từng nhân tố để đánh giá, cho điểm về mức độ rủi ro đối với từng nhân tố, sau đó tổng hợp điểm đánh giá cho toàn bộ hoạt động đó để đánh giá mức độ rủi ro tiền tàng và rủi ro kiểm soát cho từng loại hoạt động của đơn vị, bộ phận được kiểm toán.
Bảng 1
Ví dụ: Qua khảo sát, KTV đánh giá rủi ro trong huy động vốn tại NHTM ABC, Chi nhánh A và Chi nhánh B, thể hiện ở Bảng 1.
Để đánh giá mức độ rủi ro tiềm tàng, KTV thường chấm điểm cho từng nhân tố dựa trên các thông tin đã thu được để cho điểm từ 0 đến 3. Thông thường có các mức sau:
0: không có rủi ro; Từ 0 đến 1: Rủi ro thấp; Từ 1 đến 2: Rủi ro trung bình; Từ 2 đến 3: Rủi ro cao.
Tuy nhiên trên thực tế KTV có thể đưa ra khoảng dao động rủi ro chi tiết hơn đến 0,25 sau đó sẽ nhân với trọng số tương ứng của từng nhân tố để có kết quả điểm số của từng nhân tố và tổng từng loại hoạt động của đơn vị và bộ phận đó để đánh giá tổng quát về rủi ro.
Tổng điểm xác định được sẽ được so sánh với bảng điểm từ 0 đến 3 như trên để đánh giá mức độ rủi ro. Nơi nào có rủi ro cao cần tập trung kiểm toán.
Chẳng hạn, dựa trên thông tin đã thu thập được, KTV đánh giá mức độ rủi ro tiền tàng đối với hoạt động huy động vốn tại Chi nhánh A và B của NHTM ABC (theo cách trên), thể hiện ở Bảng 2.
Bảng 2
Theo ví dụ trên, KTV đã tính được mức độ rủi ro tiềm tàng đối với hoạt động huy động vốn tại Chi nhánh A và B của NHTM ABC như sau:
Tại Chi nhánh A = 2,5-> rủi ro tiềm tàng ở mức độ cao; Tại Chi nhánh B = 1,6-> rủi ro tiềm tàng ở mức độ trung bình.
Sau khi đánh giá được rủi ro, KTV sẽ trao đổi với bộ phận quản lý cấp cao để lấy ý kiesn chỉ đạo hướng cho việc xác định các nội dung cơ bản trong kế hoạch kiểm toán vì rủi ro tiền tàng và rủi ro kiểm soát là hai nhân tố sẽ quyết định khối lượng, quy mô, phạm vi, chi phí, biên chế và thời gian kiểm toán.
Nếu rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát đều cao thì KTV phải làm nhiều công việc kiểm toán với qui mô kiểm toán rộng, hay mức độ rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát có mối quan hệ tỷ lệ thuận với khối lượng công việc kiểm toán.
Trên cơ sở thực hiện quy trình nhận diện và đánh giá khoa học và đúng đắn về rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát trong kiểm toán BCTC tại NHTM sẽ giúp KTV lập kế hoạch kiểm toán phù hợp, xác định được đúng khối lượng, qui mô, phạm vi công việc kiểm soát và có kế hoạch về nhân sự, thời gian, chi phí và các phương tiện cần thiết khác cho một cuộc kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả của cuộc kiểm toán BCTC. Phương pháp này càng trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường ngân hàng Việt Nam vừa trải qua thời kỳ đầy khó khăn như: tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và tín dụng chậm lại nhưng không đi kèm với nâng cao chất lượng tín dụng (tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu tăng), huy động vốn khó khăn và thanh khoản trở thành mối quan ngại sâu sắc với hệ thống ngân hàng, khả năng sinh lời của NHTM thấp, giám sát an toàn hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước còn bất cập, hoạt động của NHTM còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
(Theo Tạp chí KIT & KiT)

Thursday, 9 May 2013

Những điểm mới trong thông tư 45 so với thông tư 203


Những điểm mới trong Thông tư 45/2013/TT-BTC về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, và trích khấu hao tài sản cố định áp dụng kể từ năm tài chính 2013
Một số điểm thay đổi mới trong nội dung thông tư này như sau:
1. Tiêu chuẩn nhận biết TSCĐ: chỉ thay đổi về giá trị của TSCĐ phải từ 30.000.000 đồng trở lên ( so với lúc trước chỉ có 10.000.000 đồng).
2. Qui định rõ hơn về các chi phí này bao gồm: Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN
3. Trường hợp mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, còn TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc thì nguyên giá là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa TSCĐ hữu hình vào sử dụng
Trường hợp sau khi mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất, doanh nghiệp dỡ bỏ hoặc huỷ bỏ để xây dựng mới thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này; nguyên giá của TSCĐ xây dựng mới được xác định là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.
Những tài sản dỡ bỏ hoặc huỷ bỏ được xử lý hạch toán theo quy định hiện hành đối với thanh lý tài sản cố định
4. Nguyên giá tài sản cố định hữu hình do đầu tư xây dựng:
Nguyên giá TSCĐ do đầu tư xây dựng cơ bản hình thành theo phương thức giao thầu là giá quyết toán công trình xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành cộng (+) lệ phí trước bạ, các chi phí liên quan trực tiếp khác. Trường hợp TSCĐ do đầu tư xây dựng đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.
5. Tài sản cố định hữu hình nhận góp vốn, nhận lại vốn góp:
TSCĐ nhận góp vốn, nhận lại vốn góp là giá trị do các thành viên, cổ đông sáng lập định giá nhất trí; hoặc doanh nghiệp và người góp vốn thoả thuận; hoặc do tổ chức chuyên nghiệp định giá theo quy định của pháp luật và được các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
6. TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất:
TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất bao gồm:
+ Quyền sử dụng đất được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp (bao gồm quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sử dụng đất không thời hạn).
+ Quyền sử dụng đất thuê trước ngày có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2003 mà đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã được trả tiền còn lại ít nhất là năm năm và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nguyên giá TSCĐ là quyền sử dụng đất được xác định là toàn bộ khoản tiền chi ra để có quyền sử dụng đất hợp pháp cộng (+) các chi phí cho đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, lệ phí trước bạ (không bao gồm các chi phí chi ra để xây dựng các công trình trên đất); hoặc là giá trị quyền sử dụng đất nhận góp vốn.
-           Quyền sử dụng đất không ghi nhận là TSCĐ vô hình gồm:
+          Quyền sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.
+          Thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê (thời gian thuê đất sau ngày có hiệu lực thi hành của Luật đất đai năm 2003, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì tiền thuê đất được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh theo số năm thuê đất.
+          Thuê đất trả tiền thuê hàng năm thì tiền thuê đất được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ tương ứng số tiền thuê đất trả hàng năm.
-           Đối với các loại tài sản là nhà, đất đai để bán, để kinh doanh của công ty kinh doanh bất động sản thì doanh nghiệp không được hạch toán là TSCĐ và không được trích khấu hao.

7.  Đầu tư nâng cấp, sửa chữa tài sản cố định:
7.1.      Các chi phí doanh nghiệp chi ra để đầu tư nâng cấp tài sản cố định được phản ánh tăng nguyên giá của TSCĐ đó, không được hạch toán các chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.
7.2.      Các chi phí sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá TSCĐ mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm.
Đối với những tài sản cố định mà việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa theo dự toán vào chi phí hàng năm. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định lớn hơn số trích theo dự toán thì doanh nghiệp được tính thêm vào chi phí hợp lý số chênh lệch này. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định nhỏ hơn số đã trích thì phần chênh lệch được hạch toán giảm chi phí kinh doanh trong kỳ.
7.3.      Các chi phí liên quan đến TSCĐ vô hình phát sinh sau ghi nhận ban đầu được đánh giá một cách chắc chắn, làm tăng lợi ích kinh tế của TSCĐ vô hình so với mức hoạt động ban đầu, thì được phản ánh tăng nguyên giá TSCĐ. Các chi phí khác liên quan đến TSCĐ vô hình phát sinh sau ghi nhận ban đầu được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh
8.  Trường hợp trong hợp đồng thuê tài sản (bao gồm cả thuê hoạt động và thuê tài chính) quy định bên đi thuê có trách nhiệm sửa chữa tài sản trong thời gian thuê thì chi phí sửa chữa TSCĐ đi thuê được phép hạch toán vào chi phí hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh nhưng thời gian tối đa không quá 3 năm.
9. Nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ:
Trường hợp TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ cho người lao động của doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này có tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp căn cứ vào thời gian và tính chất sử dụng các tài sản cố định này để thực hiện tính và trích khấu hao vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý để theo dõi, quản lý
Trường hợp đánh giá lại giá trị TSCĐ đã hết khấu hao để góp vốn, điều chuyển khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập thì các TSCĐ này phải được các tổ chức định giá chuyên nghiệp xác định giá trị nhưng không thấp hơn 20% nguyên giá tài sản đó. Thời điểm trích khấu hao đối với những tài sản này là thời điểm doanh nghiệp chính thức nhận bàn giao đưa tài sản vào sử dụng và thời gian trích khấu hao từ 3 đến 5 năm. Thời gian cụ thể do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thông báo với cơ quan thuế trước khi thực hiện.
Việc trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp.
10.  Đối với các công trình xây dựng cơ bản hoàn thành: đưa vào sử dụng, doanh nghiệp đã hạch toán tăng TSCĐ theo giá tạm tính do chưa thực hiện quyết toán. Khi quyết toán công trình xây dựng cơ bản hoàn thành có sự chênh lệch giữa giá trị tạm tính và giá trị quyết toán, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại nguyên giá tài sản cố định theo giá trị quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Doanh nghiệp không phải điều chỉnh lại mức chi phí khấu hao đã trích kể từ thời điểm tài sản cố định hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đến thời điểm quyết toán được phê duyệt. Chi phí khấu hao sau thời điểm quyết toán được xác định trên cơ sở lấy giá trị quyết toán tài sản cố định được phê duyệt trừ (-) số đã trích khấu hao đến thời điểm phê duyệt quyết toán tài sản cố định chia (:) thời gian trích khấu hao còn lại của tài sản cố định theo quy định
11.  Xử lý đối với các tài sản cố định đã áp dụng thông tư trước ( TT 203) nay áp dụng thông tư 45, cần được xử lý như sau:
Đối với các tài sản cố định doanh nghiệp đang theo dõi, quản lý và trích khấu hao theo Thông tư số 203/2009/TT-BTC nay không đủ tiêu chuẩn về nguyên giá tài sản cố định theo quy định tại Điều 2 của Thông tư này thì giá trị còn lại của các tài sản này được phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không quá 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành của Thông tư này.
12.   Về khung thời gian khấu hao TSCĐ: cần xem vì có sự thay đổi về thời gian tối thiểu và tối đa. Tuy nhiên chủ yếu tăng thời gian tối đa lên nhiều so với qui định cũ.
BQT WEB

Wednesday, 8 May 2013

Lộ mặt nạ sau kiểm toán: Kêu ải kêu ai!


Đã có đến 549 doanh nghiệp chênh lệch lợi nhuận sau kiểm toán năm 2012. Theo thống kê của Vietstock, hiện có tới 319 doanh nghiệp báo chênh lệch giảm, từ lãi sang lỗ hay tăng lỗ sau kiểm toán năm 2012; và cũng có 230 doanh nghiệp chênh lệch tăng hay giảm lỗ. Như vậy, con số khớp nhau về lợi nhuận sau kiểm toán thì chỉ có 123 doanh nghiệp, còn lại là chưa công bố đầy đủ báo cáo trước hoặc sau kiểm toán.

Minh An (Vietstock)


Mỗi mùa báo cáo tài chính đi qua, vấn đề chênh lệch số liệu sau kiểm toán hay những ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên luôn làm nhức nhối giới đầu tư và cơ quan quản lý, nhưng đến nay tình trạng này vẫn không thuyên giảm. Thậm chí còn có thêm nhiều trường hợp làm nhà đầu tư sốc nặng hơn như PVX, VID, HLC hay ACB.
Việc tăng giảm giá cổ phiếu ngoài ảnh hưởng chung của thị trường, còn phản ánh kết quả hoạt động của doanh nghiệp đó. Chẳng vì thế mà khi một báo cáo tài chính “đẹp” được công bố thì dòng tiền rót về cổ phiếu đó và ngược lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư chớ có vội mừng, bởi kết quả kinh doanh đó có “thật” hay không thì chỉ sau khi đơn vị kiểm toán vào cuộc mới rõ ngọn ngành.
Nếu được bầu chọn doanh nghiệp gây nhiều “scandal” nhất trong năm qua có lẽ PVX sẽ lọt vào danh sách đề cử. Bởi từ quý 2/2012 doanh nghiệp này đã bắt đầu trượt dốc với mức lỗ khủng 260 tỷ đồng, nhiều nhà đầu tư đã xem PVX là “tội đồ” của thị trường chứng khoán.
Một năm sau đó, PVX lại làm nhà đầu tư choáng váng với thông tin công bố: Công ty mẹ lỗ khủng 1,222 tỷ đồng năm 2012 và càng sốc hơn khi đột ngột biến từ lãi 19 tỷ năm 2011 sang lỗ 196 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, báo cáo tài chính kiểm toán 2012 được công bố với lợi nhuận sau thuế của PVX chênh lệch tới 260 tỷ đồng, tức tăng lỗ lên 1,338 tỷ đồng. Đây là con số chênh lệch giảm lớn nhất cho đến thời điểm này.
Lúc này thì không còn từ gì để dành cho PVX. Với mức giá trên 10x từ tháng 4/2012, đến nay cổ phiếu PVX chỉ còn loanh quanh 4x. Một sự thật mà hơn một năm sau nhà đầu tư mới được biết thì có thể thấy khả năng “vẽ báo cáo tài chính” của PVX ở mức nào.
ACB cũng là ngân hàng gây nhiều tiếng tăm trong năm 2012 với sự vụ liên quan đến bầu Kiên. Tháng 7/2012, khi mọi việc liên quan đến bầu Kiên chưa vỡ lẽ, giá cổ phiếu ACB luôn trên mức 25x. Đến lúc sóng gió ập tới (gần cuối tháng 8/2012), cổ phiếu ACB bắt đầu hành trình lao dốc.
Cũng từ đây, hoạt động kinh doanh của ACB được giới đầu tư “soi” kỹ hơn. Nếu như từ năm 2008 đến 2011, ACB luôn đạt lợi nhuận trên 2,000 tỷ đồng thì năm 2012 chỉ còn vỏn vẹn 928 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng. Ngay sau khi kiểm toán vào cuộc thì con số trên mất đi 144 tỷ đồng, xuống mức 784 tỷ đồng. Và lúc này cổ phiếu ACB cũng chỉ còn 15x... (Bảng 1)
 Bảng 1
Đây chỉ là những gương mặt điển hình. Theo thống kê của Vietstock thì có tới 319 doanh nghiệp báo chênh lệch giảm, từ lãi sang lỗ hay tăng lỗ sau kiểm toán; và cũng có 230 doanh nghiệp chênh lệch tăng hay giảm lỗ. Như vậy, con số khớp nhau sau kiểm toán thì chỉ có 123 doanh nghiệp, còn lại là chưa công bố đầy đủ báo cáo trước hoặc sau kiểm toán.
Đó là chưa kể 171 doanh nghiệp chênh lệch giảm doanh thu sau kiểm toán điển hình như QCG giảm tới 1,141 tỷ đồng, PVX cũng giảm 435 tỷ đồng, TS4 giảm 236 tỷ đồng… Và cũng có 113 doanh nghiệp chênh lệch tăng doanh thu sau kiểm toán, đứng đầu danh sách là TTF tăng 449 tỷ đồng, PVC tăng 272 tỷ đồng, SHB tăng 170 tỷ đồng và MPC tăng 138 tỷ đồng…
Những biến động kết quả kinh doanh này đã ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền” của nhà đầu tư nhưng hiện tại vẫn chưa có giải pháp triệt để trong công tác quản lý, đòi hỏi nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu.
BBT: Qua bài báo này, mặc nhiên đánh giá cao vai trò của kiểm toán độc lập, góp phần nhằm phản ánh trung thực, hợp lý hơn BCTC, tăng độ tin cậy vào KTV và công ty kiểm toán, cũng thể hiện sự đòi hỏi càng cao của xã hội với chất lượng kiểm toán BCTC.

Chiến lược kế toán – kiểm toán đến 2020, tầm nhìn 2030: CHUẨN HÓA CÔNG CỤ GIÁM SÁT, QUẢN LÝ NỀN KINH TẾ

Ông Đặng Thái Hùng
Chiến lược kế toán - kiểm toán (KT-KT) đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là tiền đề và động lực quan trọng để nâng tầm hoạt động kế toán, kiểm toán cũng như góp phần nâng cao hiệu quả, minh bạch hóa nền kinh tế nước nhà. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Thái Hùng - Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính).
Hải Anh
PV: Chiến lược KT-KT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 có tầm vóc, ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng lớn đến hoạt động KT-KT Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Đặng Thái Hùng: Hoạt động KT-KT cũng như nhiều lĩnh vực trong xã hội muốn phát triển cần có chiến lược để vừa định hướng vừa xác định mục tiêu, có giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu ấy. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành phát triển hơn 50 hoạt động kế toán và 20 năm hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ quan tâm phê duyệt và ban hành một chiến lược cho sự phát triển dài hơi.
Lĩnh vực KT-KT với chức năng là tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế - tài chính – ngân sách phục vụ cho việc điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như bản thân mỗi đơn vị tổ chức và có vai trò quan trọng đi đôi với sự phát triển kinh tế của đất nước qua từng thời kỳ. Chính vì vậy việc nâng cao chất lượng thông tin KT-KT ngày càng đóng góp vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới là rất cấp thiết.
Chiến lược KT-KT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được đặt ra trong bối cảnh nêu trên, hướng đến tạo lập hệ thống KT-KT Việt Nam đáp ứng được yêu cầu quản lý của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, dần hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế. Phấn đấu đến 2030, Việt Nam có một hệ thống KT-KT thực sự của kinh tế thị trường, tương đồng với thông lệ quốc tế.
PV: Thưa ông, Bộ Tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc cụ thể hóa chiến lược này?
PGS.TS Đặng Thái Hùng: Bộ Tài chính được xác định là cơ quan tham mưu cho Chính phủ quản lý công tác KT-KT. Trong việc tổ chức thực hiện chiến lược Bộ Tài chính có 4 trách nhiệm chính.
Thứ nhất, chủ trì tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, phê duyệt, chỉ đạo kế hoạch thực hiện nội dung chiến lược theo kế hoạch từng giai đoạn và cụ thể hóa chi tiết cho từng năm.
Thứ hai, hướng dẫn đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, nội dung có liên quan đến chiến lược. Hoạt động KT-KT bao trùm toàn bộ nền kinh tế quốc dân, Bộ Tài chính có trọng trách xây dựng tổ chức thực hiện các phần việc liên quan đến chiến lược cho các bộ quản lý theo lĩnh vực, các cơ quan quản lý theo chuyên ngành, địa phương quản lý theo địa bàn.
Thứ ba, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra việc thực hiện chiến lược, đánh giá rút kinh nghiệm từng năm, có đánh giá sơ kết định kỳ 5 năm.
Thứ tư, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu nội dung chiến lược trong trường hợp cần thiết.
PV: Hàng loạt công việc phải triển khai, trước mắt, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện những nội dung gì, thưa ông?
PGS.TS Đặng Thái Hùng: Chiến lược KT-KT bao quát nhiều hoạt động mà nội dung quan trọng là hoàn thiện hành lang pháp lý về KT-KT. Vì vậy, trong năm 2013, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc hoàn thiện và ban hành các thông tư hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập, 37 Chuẩn mực Kiểm toán vừa được Bộ Tài chính ban hành  (có hiệu lực từ 01/01/2014); xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kế toán và kiểm toán độc lập.
Bộ Tài chính sẽ nhanh chóng nghiên cứu thảo luận đề xuất những nội dung sửa đổi Luật Kế toán 2003 cho phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay; tiếp tục cập nhật hoàn thiện các chuẩn mực kế toán liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động trên thị trường chứng khoán – tài chính dần phù hợp, tương thích với chuẩn mực quốc tế, ban hành một số chế độ kế toán cho hoạt động dự trữ Nhà nước, quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài, kế toán công...; ban hành các văn bản pháp luật phục vụ cho mô hình Tổng Kế toán Nhà nước...
PV: Xin cảm ơn Ông./.
(Theo Thời báo Tài chính)

Sunday, 5 May 2013

Thông Tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013, hướng dẫn chế độ Quản Lý,Sử Dụng Và Trích Khấu Hao Tài Sản Cố Định

Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính Về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ)
Một số nội dung chính của Thông tư  này như sau:
Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định:
Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
♦ Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
♦ Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
♦ Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.
Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập.
Đối với súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm, thì từng con súc vật thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một TSCĐ hữu hình.
Đối với vườn cây lâu năm thì từng mảnh vườn cây, hoặc cây thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của TSCĐ được coi là một TSCĐ hữu hình.
Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định vô hình:
Mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 3, thông tư 45/2013/TT-BTC, mà không hình thành TSCĐ hữu hình được coi là TSCĐ vô hình.
Những khoản chi phí không đồng thời thoả mãn cả ba tiêu chuẩn nêu tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC  thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN.
QSDĐ nhận chuyển nhượng hợp pháp cũng được xem là TSCĐ vô hình, trước đây theo Thông tư 203 chỉ có QSDĐ giao có thu tiền mới được xem là TSCĐ vô hình (khoản 2đ Điều 4).
 Mỗi tài sản cố định chỉ được phép thay đổi một lần phương pháp trích khấu hao trong quá trình sử dụng và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
 66446-tscd
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/06/2013 và áp dụng từ năm tài chính năm 2013.
Thông tư này thay thế Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Kể từ năm tính thuế 2013, tiết k điểm 2.2 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện theo quy định sửa đổi, bổ sung sau:
“k) Quyền sử dụng đất lâu dài không được trích khấu hao và phân bổ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; quyền sử dụng đất có thời hạn nếu có đầy đủ hoá đơn chứng từ và thực hiện đúng các thủ tục theo quy định của pháp luật, có tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì được phân bổ dần vào chi phí được trừ theo thời hạn được phép sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quyền sử dụng đất giao có thu tiền có thời hạn được trích khấu hao để tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Xem chi tiết và tải toàn bộ thông tư về tại đây

Friday, 3 May 2013

Chuẩn mực kiểm toán mới: Góp phần nâng cao trách nhiệm các bên liên quan

Ông Bùi Văn Mai
Vừa qua Bộ Tài chính đã chính thức ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam để thay thế hệ thống chuẩn mực kiểm toán hiện hành, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2014. Đây là bước tiến quan trọng trong lộ trình nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán Việt Nam. Để tìm hiểu thêm vấn đề này, phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).
LONG HOÀNG
* Ông có thể cho biết những điểm đáng chú ý của 37 chuẩn mực kiểm toán vừa mới được ban hành?
- Hệ thống chuẩn mực kiểm toán là cơ sở để kiểm tra, kiểm soát nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao chất lượng báo cáo tài chính (BCTC). Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai thì hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam ban hành từ 1999 đã bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường. Năm 2009, Ủy ban chuẩn mực quốc tế đã ban hành lại hệ thống chuẩn mực kiểm toán, do đó Bộ Tài chính cũng nhận thấy Việt Nam phải ban hành lại hệ thống chuẩn mực này. Năm 2010 Bộ Tài chính đã giao việc nghiên cứu soạn thảo cho VACPA thực hiện. Thông tư 214/2012/TT-BTC (ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán) cũng là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên được ban hành do một Hội nghề nghiệp đề nghị. So với hệ thống chuẩn mực kiểm toán cũ, hệ thống chuẩn mực vừa ban hành có nhiều điểm đổi mới. 
Trước hết, hệ thống chuẩn mực này được ban hành sau khi Luật Kiểm toán độc lập đã được ban hành năm 2011. Như vậy đã có một văn bản có giá trị pháp lý cao thể hiện các quy định của Nhà nước về kiểm toán độc lập. Yêu cầu đặt ra là soạn thảo chuẩn mực kiểm toán phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, phù hợp với luật hiện hành. Trong hệ thống chuẩn mực, cách tiếp cận đã thay đổi mang tính chất áp dụng các kỹ thuật tiên tiến hơn trước. Trước đây khi tổ chức một cuộc kiểm toán thường dựa vào phương pháp chọn mẫu, là phương pháp phù hợp với điều kiện lúc đó, còn hiện nay nền kinh tế thị trường phát triển đa dạng, các doanh nghiệp (DN), tổng công ty đều phát triển theo hình thức đa ngành, đa nghề, phạm vi rộng, có quan hệ quốc tế nên chuẩn mực mới yêu cầu phải dùng phương pháp tiếp cận, đánh giá và xác định rủi ro. Tức là đánh giá toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ của một DN từ khâu ban hành nội quy, quy chế, quy trình xuất nhập, mua bán hàng hóa, tổ chức bộ máy,… xem khâu nào yếu, nhiều khả năng xảy ra rủi ro thì tập trung để kiểm toán. Cách tiếp cận mới này sẽ nâng cao kỹ năng xét đoán chuyên môn, kỹ năng đánh giá và nâng cao trách nhiệm của kiểm toán viên (KTV).
Báo cáo kiểm toán là sản phẩm của KTV. Báo cáo kiểm toán theo chuẩn mực mới cũng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn của DN là đơn vị phải lập và trình bày một cách trung thực, hợp lý tình hình tài sản, vốn trên BCTC. Như vậy chuẩn mực mới giúp nâng cao trách nhiệm của tất cả các bên liên quan: KTV, công ty kiểm toán và DN khách hàng.
Ý kiến kiểm toán cũng có những thay đổi lớn. Cụ thể, quy định trước đây chia ý kiến kiểm toán làm 4 loại, gồm: chấp nhận toàn phần, ngoại trừ, không chấp nhận và từ chối cho ý kiến. Để hướng đến mục tiêu các BCTC khi đã đưa ra xã hội phải phản ánh trung thực và hợp lý, người làm BCTC phải gắn trách nhiệm của mình vào sản phẩm, chuẩn mực mới quy định chỉ có 2 loại ý kiến là chấp nhận toàn phần và không chấp nhận toàn phần.
Dự kiến sắp tới VACPA sẽ tiếp tục trình Bộ Tài chính ban hành 4 chuẩn mực kiểm toán còn lại và 1 chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp.
* Gần đây chất lượng dịch vụ kiểm toán đang bị xã hội đặt dấu hỏi khi để xảy nhiều vụ việc sai phạm. Theo ông việc áp dụng các chuẩn mực kiểm toán mới sẽ có tác dụng thế nào trong vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán? Trong các trường hợp sai phạm cần có hình thức xử lý như thế nào cho phù hợp?
- Những năm gần đây sai phạm về kiểm toán xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế nên các DN đều gặp khó khăn, có tâm lý làm đẹp BCTC. Nguyên nhân thứ hai là do hệ thống chuẩn mực kiểm toán hiện hành của ta đã lạc hậu, chưa thể hiện rõ được trách nhiệm của KTV và DN khách hàng. Tôi tin rằng sau khi những chuẩn mực mới được áp dụng triệt để thì chắc chắn chất lượng kiểm toán sẽ được nâng cao.
Về xử lý sai phạm, tôi cho rằng hệ thống pháp luật hiện còn nhiều hạn chế nên khó tránh khỏi những sai sót. Quy định xử lý về mặt tài chính hiện nay so với trước đã là khá cao, như sai phạm về lập BCTC từ phạt 20 triệu đồng dự kiến tăng lên trên 120 triệu đồng. Việc xử lý cần nhiều biện pháp kết hợp không chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, nhưng theo tôi phải xử lý nhanh và kịp thời, thủ tục, quy trình xử phạt cần phải gắn trực tiếp với người tham gia kiểm tra, kiểm soát thì mới có hiệu quả hiệu lực. Đối với các công ty kiểm toán, hình thức xử phạt cao nhất chính là đình chỉ hành nghề và công khai trên thông tin đại chúng.
* Ngoài một số văn bản đã ban hành, ông có thể cho biết VACPA sẽ tiếp tục triển khai những biện pháp cụ thể gì để hướng dẫn thực hiện 37 chuẩn mực mới cũng như đưa Luật Kiểm toán độc lập vào cuộc sống, thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Kế toán, Kiểm toán đến 2020?
- Hiện nay chúng tôi đang ưu tiên triển khai phổ biến các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Kiểm toán độc lập và Thông tư ban hành chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Cụ thể, VACPA đã và đang thực hiện kế hoạch đào tạo cập nhật kiến thức có liên quan cho hội viên, đã triển khai từ tháng 4/2013. Việc cập nhật kiến thức năm nay sẽ mở rộng cho cả các DN, thông qua Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập huấn cho các DN niêm yết. Bên cạnh đó VACPA cũng đã chủ trương viết các tài liệu hướng dẫn tóm tắt các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam; hệ thống hóa toàn bộ văn bản trên trang điện tử cho KTV và DN thuận tiện tra cứu; viết một số tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ, chuyên môn sâu như vấn đề chọn mẫu, xác định trọng yếu, gửi thư xác nhận giảng dạy thực hành kiểm toán theo chương trình kiểm toán mẫu và theo chuẩn mực mới,... hợp tác với giảng viên các trường Đại học để đưa các chuẩn mực kiểm toán này vào giảng dạy. Đây là những biện pháp rất hiệu quả mà quốc tế đang áp dụng.
* Xin cảm ơn ông./.

(Theo VACPA)

Popular Posts