Monday 13 May 2013

Đánh giá rủi ro trong ngân hàng thương mại khi kiểm toán báo cáo tài chính


Bộ Tài chính vừa ban hành Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam (VSA) mới áp dụng từ 01/01/2014. Phương pháp luận kiểm toán trong VSA mới là “Đánh giá rủi ro và kiểm tra hệ thống” thay thế cho phương pháp chọn mẫu trước đây. BBT trích đăng bài viết dưới đây của TS. Phan Tiến Đạt để các độc giả và hội viên tham khảo.
TS. Phạm Tiến Đạt

Rủi ro được hiểu là những biến cố có thể xảy ra nhưng không lường trước được. Khi kiểm toán Báo cáo tài chính, việc nhận diện, đánh giá đúng về khả năng tồn tại, mức độ trọng yếu của rủi ro do gian lận, sai sót sẽ giúp xác định đúng đối tượng, phạm vi, nội dung kiểm toán, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng kiểm toán.
Mục tiêu của kiểm toán là kiểm tra và xác nhận mức độ tin cậy của các thông tin liên quan đến BCTC để đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp, kiểm toán viên (KTV) cần phải phát hiện ra sai phạm, đặc biệt là những sai phạm trọng yếu. Việc nhận diện, đánh giá đúng các loại rủi ro là công việc cần thiết và bắt buộc đối với mọi cuộc kiểm toán.
Trong kiểm toán BCTC ngân hàng thương mại (NHTM), mục tiêu của kiểm toán cũng như vậy. Cuộc kiểm toán NHTM dù được thực hiện bởi tổ chức Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập hay kiểm toán nội bộ, KTV cần phải đánh giá các loại rủi ro trong hệ thống của NHTM, bao gồm rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát.
1.       Nhận diện các loại rủi ro
NHTM cũng giống như các tổ chức kinh doanh khác, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận nhưng là tổ chức đặc biệt kinh doanh tiền tệ, bằng cách thu hút vốn tiền tệ trong xã hội để cho vay. Hoạt động chính của NHTM là: huy động vốn; sử dụng vốn và thực hiện các dịch vụ trung gian như thu hộ, chi hộ khách hàng có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng; dịch vụ chuyển khoản ở cùng một ngân hàng hay ở hai ngân hàng khác nhau; dịch vụ tư vấn tài chính cho khách hàng, dịch vụ giữ hộ chứng từ, vật quý giá, dịch vụ chi lương cho các doanh nghiệp có nhu cầu; dịch vụ khấu trừ tự động…
Ngân hàng là một trung gian tài chính, nên có thể “hứng chịu” rủi ro đến từ hai phía. Để nhận biết rủi ro trong ngân hàng cần quan sát và phân tích các hoạt động mà ngân hàng đang thực hiện. Hoạt động ngân hàng có đặc điểm như sau:
-          Đại bộ phận tiền vốn mà ngân hàng sử dụng trong kinh doanh không phải là vốn của ngân hàng mà được hình thành từ nhiều nguồn khác  như tiền gửi của các tổ chức, cá nhân. Ngân hàng nhận được nhiều hay ít tiền gửi đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng. Rủi ro có thể phát sinh từ sự hình thành các nguồn vốn ấy.
-          Việc kiểm soát và quản lý nguồn vốn thường vượt khỏi tầm quản lý của ngân hàng do tiền đã chuyển cho khách hàng sử dụng. Khả năng thu hồi vốn của ngân hàng không chỉ phụ thuộc vào chính ngân hàng mà chủ yếu phụ thuộc vào khách hàng. Đặc trưng này chứa đựng nhiều rủi ro ngân hàng.
-          Kinh doanh ngân hàng chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước nên gây nên tâm lý thụ động hoặc ỷ lại của ngân hàng, hoặc “đơn giản hóa”, bỏ qua các vấn đề cần được quan tâm.Chính điều này tiềm ẩn rủi ro khó lường cho ngân hàng.
-          Rủi ro tiềm tàng trong NHTM gồm rủi ro có nguồn gốc nội tại và rủi ro về mặt hệ thống.
Rủi ro có nguồn gốc nội tại như: (i) Rủi ro tín dụng xảy ra khi khách hàng không hoàn trả được nợ đúng hạn hoặc không trả nợ cho ngân hàng. Khả năng này xuất hiện do khách hàng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc không có khả năng trả nợ, hoặc do khách hàng không muốn trả nợ. Nguyên nhân khác là do việc thẩm định dự án của chính ngân hàng không chuẩn xác, chính sách tín dụng không hợp lý, không thực hiện tốt khâu kiểm soát trong quá trình cho vay; (ii) Rủi ro thanh khoản xảy ra khi thị trường cấp thay đổi gây khó khăn cho ngân hàng trong việc chuyển đổi các tài sản thành tiền để đáp ứng nhu cầu chi trả. Khả năng này xảy ra khi chi phí giao dịch tăng, hoặc thời gian giao dịch bị kéo dài. Tổn thất mà ngân hàng phải gánh chịu là chi phí phát sinh do phải tìm kiếm các nguồn chi trả khác; (iii) Rủi ro lãi suất xảy ra khi biến động lãi suất thị trường gây tổn thất cho ngân hàng. Rủi ro này xuất hiện trong trường hợp lãi suất của thị trường tăng lên, khi đó, các khoản vay và đầu tư của ngân hàng sẽ sụt giảm giá trị và ngân hàng sẽ bị tổn thất. Trường hợp khác của rủi ro lãi suất là khi lãi suất thị trường giảm, làm cho ngân hàng phải chấp nhận đầu tư và cho vay các khoản tiền huy động với lãi suất cao vào các tài sản với mức sinh lời thấp; (iv) Rủi ro hối đoái là khả năng xảy ra tổn thất khi tỷ giá hối đoái thay đổi vượt quá dự tính; (v) Rủi ro vỡ nợ  là rủi ro khi ngân hàng không đủ vốn chủ sở hữu để bù đắp cho sự sụt giảm đột ngột trong giá trị tài sản do hậu quả của các loại rủi ro khác, thiếu kinh nghiệm quản lý vĩ mô, do sự suy thoái của nền kinh tế, tỷ trọng huy động tiền gửi nhỏ, chủ yếu dựa vào các khoản vay, sự gia tăng các vụ vỡ nợ trong danh mục cho vay của các khách hàng

Rủi ro về mặt hệ thống như: (i) Rủi ro lạm phát là rủi ro ảnh hưởng đến các hoạt động của NHTM do lạm phát tăng cao như khả năng thanh khoản bị suy giảm, khó huy động vốn, hoạt động tín dụng bị kiềm chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, lợi nhuận giảm sút... Lạm phát tăng cao sẽ làm suy yếu, thậm chí phá vỡ thị trường vốn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của NHTM; (ii) Rủi ro công nghệ xảy ra nhưng không tạo được sự tiết kiệm chi phí từ lợi thế quy mô lớn, công suất vượt quá, công nghệ lạc hậu, thiếu hiệu quả do quan liêu hoặc về tổ chức làm cho việc tăng trưởng quy mô không có hiệu quả; (iii) Rủi ro thay đổi môi trường pháp lý là rủi ro liên quan đến thay đổi luật pháp nhất là sự thay đổi trên quy mô toàn cầu; (iv) Rủi ro về chu kỳ kinh tế, sự biến động của các yếu tố thị trường; Các rủi ro này liên quan đến sự biến động của nền kinh tế toàn cầu và quốc gia bị ngưng trệ, dịch vụ ngân hàng sẽ bị giảm sút doanh thu, phí ngân hàng; (v) Rủi ro từ thay đổi môi trường tự nhiên làm tăng tần suất và mức độ thiệt hại do thảm họa tự nhiên, điều kiện sống, của loài người... thiệt hại của khách hàng làm họ không có khả năng trả nợ ngân hàng...
2. Đánh giá rủi ro trong NHTM khi kiểm toán báo cáo tài chính
Khi kiểm toán BCTC các rủi ro trên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thông tin trên BCTC - gọi là rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát. Dựa vào tính chất và mức độ tác động đến BCTC của các loại rủi ro, kiểm toán viên sẽ xem xét và nhận định về mức độ rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát. Việc xác định được mức độ rủi ro có tác động rất lớn đến hoạt động kiểm toán. Để đánh giá rủi ro, KTV cần xây dựng bảng trọng số cho từng nhân tố để đánh giá, cho điểm về mức độ rủi ro đối với từng nhân tố, sau đó tổng hợp điểm đánh giá cho toàn bộ hoạt động đó để đánh giá mức độ rủi ro tiền tàng và rủi ro kiểm soát cho từng loại hoạt động của đơn vị, bộ phận được kiểm toán.
Bảng 1
Ví dụ: Qua khảo sát, KTV đánh giá rủi ro trong huy động vốn tại NHTM ABC, Chi nhánh A và Chi nhánh B, thể hiện ở Bảng 1.
Để đánh giá mức độ rủi ro tiềm tàng, KTV thường chấm điểm cho từng nhân tố dựa trên các thông tin đã thu được để cho điểm từ 0 đến 3. Thông thường có các mức sau:
0: không có rủi ro; Từ 0 đến 1: Rủi ro thấp; Từ 1 đến 2: Rủi ro trung bình; Từ 2 đến 3: Rủi ro cao.
Tuy nhiên trên thực tế KTV có thể đưa ra khoảng dao động rủi ro chi tiết hơn đến 0,25 sau đó sẽ nhân với trọng số tương ứng của từng nhân tố để có kết quả điểm số của từng nhân tố và tổng từng loại hoạt động của đơn vị và bộ phận đó để đánh giá tổng quát về rủi ro.
Tổng điểm xác định được sẽ được so sánh với bảng điểm từ 0 đến 3 như trên để đánh giá mức độ rủi ro. Nơi nào có rủi ro cao cần tập trung kiểm toán.
Chẳng hạn, dựa trên thông tin đã thu thập được, KTV đánh giá mức độ rủi ro tiền tàng đối với hoạt động huy động vốn tại Chi nhánh A và B của NHTM ABC (theo cách trên), thể hiện ở Bảng 2.
Bảng 2
Theo ví dụ trên, KTV đã tính được mức độ rủi ro tiềm tàng đối với hoạt động huy động vốn tại Chi nhánh A và B của NHTM ABC như sau:
Tại Chi nhánh A = 2,5-> rủi ro tiềm tàng ở mức độ cao; Tại Chi nhánh B = 1,6-> rủi ro tiềm tàng ở mức độ trung bình.
Sau khi đánh giá được rủi ro, KTV sẽ trao đổi với bộ phận quản lý cấp cao để lấy ý kiesn chỉ đạo hướng cho việc xác định các nội dung cơ bản trong kế hoạch kiểm toán vì rủi ro tiền tàng và rủi ro kiểm soát là hai nhân tố sẽ quyết định khối lượng, quy mô, phạm vi, chi phí, biên chế và thời gian kiểm toán.
Nếu rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát đều cao thì KTV phải làm nhiều công việc kiểm toán với qui mô kiểm toán rộng, hay mức độ rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát có mối quan hệ tỷ lệ thuận với khối lượng công việc kiểm toán.
Trên cơ sở thực hiện quy trình nhận diện và đánh giá khoa học và đúng đắn về rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát trong kiểm toán BCTC tại NHTM sẽ giúp KTV lập kế hoạch kiểm toán phù hợp, xác định được đúng khối lượng, qui mô, phạm vi công việc kiểm soát và có kế hoạch về nhân sự, thời gian, chi phí và các phương tiện cần thiết khác cho một cuộc kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả của cuộc kiểm toán BCTC. Phương pháp này càng trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường ngân hàng Việt Nam vừa trải qua thời kỳ đầy khó khăn như: tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và tín dụng chậm lại nhưng không đi kèm với nâng cao chất lượng tín dụng (tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu tăng), huy động vốn khó khăn và thanh khoản trở thành mối quan ngại sâu sắc với hệ thống ngân hàng, khả năng sinh lời của NHTM thấp, giám sát an toàn hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước còn bất cập, hoạt động của NHTM còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
(Theo Tạp chí KIT & KiT)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts