Monday, 18 March 2013

Kinh nghiệm lần đầu tiên áp dụng Chuẩn mực lập Báo cáo tài chính quốc tế (IFRSs)


BBT: Nhân dịp Bộ Tài chính tổ chức đào tạo về IFRS (đợt 2 từ ngày 11 đến ngày 13/03/2013 - xem tin ở mục Đào tạo) - BBT đăng bài này để bạn đọc tham khảo.
Áp dụng chuẩn mực Lập Báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (International Financial Reporting Standards - IFRS) là điều kiện để đảm bảo các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới áp dụng thống nhất  các nguyên tắc kế toán trong công tác lập BCTC.
TS. Trần Mạnh Dũng (CPA) – Đại học KTQD
Ths. Đào Mạnh Huy - Đại học Lao động Xã hội
Th.s. Nguyễn Thị Thanh Diệp – Đại học KTQD

IFRS được biên soạn theo định hướng thị trường vốn và hệ thống lập BCTC. Phương thức lập BCTC được mô tả là tập trung vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư và tập trung vào luồng thông tin liên quan đến thị trường vốn. Cơ quan nhà nước có thể sử dụng BCTC như công cụ điều hành các hoạt động kinh tế. Tuy nhiện, BCTC được lập chủ yếu phục vụ cho mục đích của nhà đầu tư chứ không phải cho Chính phủ.
Năm 2005 đánh dấu việc ban hành đầy đủ IFRS cho thị trường vốn trên thế giới. Căn cứ vào IFRS, các quốc gia trên thế giới đã ban hành Chuẩn mực lập BCTC phù hợp với từng quốc gia và nhiều quốc gia đã chính thức áp dụng từ 1/1/2005 như Úc, Hồng Kông, các nước Châu Âu …
Chủ đề về áp dụng IFRS tại các nước trên thế giới có tầm quan trọng đặc biệt khi mà các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán lập BCTC hợp nhất theo IFRS từ năm 2005, năm đầu tiên áp dụng IFRS. Việc áp dụng IFRS của các nước trên thế giới được coi như một cuộc cách mạng trong công tác kế toán và lập BCTC. Tuy nhiên trong năm đầu tiên áp dụng IFRS, nhiều tồn tại, vướng mắc đã bộc lộ trong quá trình áp dụng Hệ thống chuẩn mực này.
Từ thực tiễn trên, nhiều nghiên cứu khác nhau về tính khả thi trong việc áp dụng IFRS trong năm đầu tiên áp dụng. Một số kinh nghiệm được đưa ra liên quan đến việc áp dụng IFRS của các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Châu Âu, Úc, Malaysia, Singapore, Hồng Kông, New Zealand bao gồm:
1. Tính phức tạp của chuẩn mực
Các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đánh giá quá thấp tính phức tạp, sự ảnh hưởng và chi phí khi áp dụng IFRS. Mặc dù, hầu hết các công ty đã bắt đầu quá trình chuyển đổi trước đó, nhưng trên thực tế khi lập BCTC theo IFRS đã mất nhiều thời gian hơn dự định ban đầu. Có tình trạng đó là khi áp dụng IFRS hàng loạt vấn đề đặt ra và cần phải có sự xét đoán mang tính chủ quan để quyết định đến trị số của các chỉ tiêu trên BCTC.
Trên thực tế, có nhiều vấn đề được coi là rất khó khăn trong việc áp dụng như chuẩn mực kế toán về các công cụ tài chính bao gồm cả các nghiệp vụ phái sinh và kế toán phòng ngừa rủi ro; kế toán theo phương pháp mua, bao gồm cả sự nhận dạng và đo lường tài sản vô hình tách biệt, kiểm tra giảm giá trị của tài sản … Khi kiểm toán viên nhận được BCTC dự thảo mà doanh nghiệp cho là tuân thủ IFRS thì có tới hàng trăm sai sót với mức độ khác nhau cần phải được sửa chữa trước khi phát hành BCTC chính thức để phục vụ cho hoạt động kiểm toán của các công ty kiểm toán.
2. Sự trợ giúp của kiểm toán viên
Để có được BCTC tuân thủ theo IFRS thì cần nhiều đến sự trợ giúp của các kiểm toán viên. Sở dĩ yêu cầu này được đặt ra là do các điều khoản trong IFRS rất phức tạp, trong khi đó các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu sự tinh thông đối với IFRS. Vì lý do này, sự trợ giúp của kiểm toán viên là rất quan trọng. Việc trợ giúp này liên quan đến các hợp đồng tư vấn về công tác kế toán và lập BCTC cho các doanh nghiệp. Tương tự như vậy là sự tư vấn và các bút toán điều chỉnh được kiểm toán viên đưa ra trong quá trình kiểm toán. Qua đó, nếu BCTC được điều chỉnh theo ý kiến của kiểm toán viên sẽ phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, luồng tiền và tất nhiên BCTC tuân thủ theo IFRS.
3. Tính có thể so sánh
Việc áp dụng IFRS dẫn đến tăng khả năng so sánh của các chỉ tiêu trên BCTC của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế rất đa dạng và vẫn còn tồn tại trên BCTC hợp nhất năm 2005, do có quá nhiều giả thiết mang tính chủ quan tồn tại trong các chuẩn mực của IFRS. Vì vậy BCTC được lập với nhiều giả định khác nhau tùy theo từng công ty, việc đánh giá xem tính hợp lý của các giả định cũng như tính tuân thủ theo IFRS là công việc không hoàn toàn đơn giản.
Tính có thể so sánh của các thông tin trên BCTC gặp trở ngại lớn do thiếu sự thống nhất về một số nội dung trong biểu mẫu BCTC. Ví dụ, một số công ty phân loại tài sản theo ngắn hạn và dài hạn trong khi một số khác lại không phân loại như vậy; Một số công ty sắp xếp tiền và các khoản tương đương tiền ở đầu bảng cân đối kế toán trong khi một số công ty khác lại sắp xếp tiền và các khoản tương đương tiền ở cuối bảng cân đối kế toán. Trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cũng vậy, sự sắp xếp trình bày không giống nhau sẽ làm khó khăn hơn trong việc so sánh các thông tin.
4. Phương pháp giá trị hợp lý và giá trị sử dụng
Sự khác biệt quan trọng giữa các công ty mà không thể nhận thấy được từ BCTC sẽ nảy sinh như là kết quả của phương pháp giá trị hợp lý và giá trị sử dụng. Một trong những sự chuyển biến sâu sắc nhất trong kế toán khi áp dụng IFRS là sự chuyển hướng nhiều hơn đến kế toán giá trị hợp lý bao gồm phương pháp giảm giá trị của tài sản, lợi thế thương mại và tài sản cố định vô hình. Điều này liên quan đến ước tính chủ quan luồng tiền trong tương lai. Nhiều ước tính được thực hiện dựa trên các giả định không rõ ràng, đôi khi không hợp lý sẽ dẫn đến nhiều kết quả khác nhau và thậm chí có sự chênh lệch lớn giữa các kết quả đó.
5. Tính rõ ràng và ổn định
IFRS được cho là quá phức tạp, thậm chí phức tạp đối với cả kiểm toán viên và các chuyên gia về tài chính kế toán. Đối với hầu hết những người sử dụng BCTC, không đơn giản và dễ dàng để hiểu được thấu đáo các thông tin kế toán và chính sách kế toán trên BCTC.
IFRS cũng được cho là không rõ ràng và không ổn định. Điều này làm giảm sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào thị trường vốn. Sự minh họa rõ nét nhất là trong giải thích của Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế về IAS 27 “BCTC hợp nhất và riêng biệt” rằng yêu cầu hợp nhất khi có sự kiểm soát tồn tại. Tuy nhiên, không một công ty kiểm toán nào trong 4 công ty kiểm toán lớn (Big 4) đạt được kết luận đó. Dường như các tuyên bố đáng ngạc nhiên cũng tăng thêm tính không ổn định của IFRS. Hay như chuẩn mực các công cụ tài chính chưa thực sự rõ ràng và đôi khi còn khó hiểu vì sự đa dạng của công cụ tài chính tồn tại và đặc tính thay đổi của thị trường tài chính.
6. Giảm giá trị của lợi thế thương mại
Chuẩn mực yêu cầu ước tính giá trị có thể thu hồi của các đơn vị tạo tiền mà lợi thế thương mại phân bổ cho các đơn vị tạo tiền đó. Cũng theo quy định của Chuẩn mực, giá trị có thể thu hồi thường được xác định theo phương pháp giá trị sử dụng và nó được tính toán như là giá trị hiện tại của luồng tiền trong tương lai. Điều này hoàn toàn mang tính chủ quan, cho nên với các giả định khác nhau thì sẽ có nhiều kết quả khác nhau. Hoàn toàn không đơn giản để xác định kết quả nào tốt nhất vì thực chất không có thị trường cho lợi thế thương mại. Đối với các kiểm toán viên cũng vậy, không đơn giản để xác định sự liên quan giữa tính hợp lý của các giả định đến mô hình chiết khấu luồng tiền như tỷ lệ chiết khấu, tỷ lệ tăng trưởng, giá trị luồng tiền trong tương lai, thời kỳ dự đoán và giá trị còn lại. Chính vì vậy đánh giá tính hợp lý của các giả định là việc làm rất phức tạp.
7. Trình bày các thông tin trên Báo cáo tài chính
Việc trình bày các thông tin theo IFRS dựa trên nguyên tắc trọng yếu. Vấn đề khó khăn đối với việc trình bày là áp dụng khái niệm trọng yếu. Về lý thuyết, trọng yếu là khái niệm chỉ quy mô (mặt lượng) và tính hệ trọng (mặt chất) của các thông tin. Tuy nhiên, các trình bày không mang tính trọng yếu tràn ngập thông tin tài chính trên BCTC làm giảm chất lượng của BCTC. Nhưng khi xét mức trọng yếu đối với việc trình bày thì chủ yếu xét theo định tính chứ không mang tính định lượng. Do vậy càng rất khó xác định nếu không có hướng đi cụ thể. Trọng yếu của việc trình bày trong BCTC là những sai phạm trong trình bày có ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế của những người sử dụng BCTC. Tuy nhiên trên thực tế người lập BCTC lại biết quá ít về quá trình đưa ra quyết định kinh tế của những người sử dụng BCTC.
Tóm lại, thực hiện theo IFRS thực sự là một thách thức. Tất cả các bên liên quan, doanh nghiệp, kiểm toán viên và các nhà ban hành chính sách phải xác định đây là vấn đề thực sự quan trọng. Việc thực hiện theo IFRS được coi như một cuộc cách mạng trong công tác kế toán và lập BCTC. Trong thời kỳ đầu áp dụng IFRS, quả là rất khó khăn cho những người lập BCTC vì tính đa dạng, phức tạp và không hoàn toàn rõ ràng của IFRS. Tuy nhiên, nếu tuân thủ theo IFRS, khối lượng khổng lồ về thông tin tài chính kế toán sẽ được phản ánh trên BCTC, mọi khía cạnh trọng yếu về tính hình tài chính, kết quả kinh doanh, luồng tiền, chính sách kế toán và các giả định áp dụng sẽ được phản ánh đầy đủ. Người được lợi nhất chính là những người sử dụng BCTC khi đơn vị áp dụng theo IFRS; qua đó họ có đầy đủ các thông tin cần thiết để xem xét trong việc đưa ra quyết định kinh tế của mình. 
(Theo http://kiemtoan.com.vn)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts