Monday, 25 March 2013

NỖI NIỀM KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT


Vượt qua rất nhiều khắt khe, công ty kiểm toán mới lọt vào danh sách được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận kiểm toán DN niêm yết. Song, phía trước không phải là quãng đường bằng với họ.
Hằng Phương
TỪ ÁP LỰC CẠNH TRANH
Theo đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, ưu thế cạnh tranh trên thị trường rõ ràng đang nghiêng về các “ông lớn” trong ngành. Những DN niêm yết có quy mô lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài đều có xu hướng chọn lựa các công ty kiểm toán thuộc nhóm Big4 hoặc các công ty kiểm toán nội địa có quy mô lớn, đã xây dựng được uy tín, thương hiệu lâu đời, dù cho giá phí của những công ty kiểm toán này cao hơn hẳn so với các công ty kiểm toán có quy mô nhỏ. Miếng bánh thị phần kiểm toán niêm yết còn lại đang bị cạnh tranh hết sức gay gắt.
Để được lọt vào danh sách kiểm toán được chấp thuận, công ty kiểm toán phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều so với điều kiện kiểm toán BCTC DN nói chung. Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, công ty kiểm toán được chấp thuận phải có tối thiểu 7 KTV hành nghề, trong khi điều kiện thành lập các công ty kiểm toán nói chung chỉ là 5 KTV. Chính vì vậy, vài năm trước, những vụ hợp nhất công ty kiểm toán để làm phép cộng số KTV của các công ty này, nhắm đến cái đích là lọt vào danh sách được UBCK chấp thuận kiểm toán niêm yết không phải là hiếm.
Nhưng vượt qua vòng xem xét chấp thuận không phải là cú “vượt vũ môn hóa rồng” của các công ty kiểm toán. Cuộc cạnh tranh giá phí theo kiểu xuống đáy ngày càng trầm trọng hơn. Theo Ông Bùi Văn Mai – Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), việc lựa chọn công ty kiểm toán ở nhiều tổ chức niêm yết có quy mô vừa và nhỏ không căn cứ trên giá phí. Nhiều DN niêm yết đã tổ chức đấu thầu để chọn ra công ty kiểm toán có mức phí thấp nhất. Từ đó, tạo ra một cuộc chạy đua về giá phí và chạy đua về quan hệ với người có quyền thỏa thuận thuê kiểm toán giữa các công ty kiểm toán.
Lãnh đạo một công ty kiểm toán cho biết, việc cạnh tranh đang theo kiểu phá hoại nhau. Theo vị này, công ty của anh đã thỏa thuận được với một DN quy mô vừa thì bất ngờ bị từ chối. Hỏi ra mới biết, lý do công ty anh bị bật ra là một công ty khác đã chào phí thấp hơn đến 20%. Giá phí kiểm toán BCTC cho khách hàng có quy mô nhỏ và vừa phổ biến ở công ty kiểm toán nhóm dưới chỉ còn dao động từ 50-100 triệu đồng. Trong xu thế ấy, ngay cả những “ông lớn” trong ngành cũng phải dưa ra mức giá mềm hơn trước.
Ở một số công ty kiểm toán, việc khoán doanh thu hàng năm không phải là hiếm gặp. “Căng thẳng nhất đối với KTV nhiều khi không phải là vấn đề nghiệp vụ, mà là việc chăm sóc khách hàng, mang về hợp đồng cho công ty”, một KTV niêm yết than thở.
Báo cáo hoạt động của ngành kiểm toán năm 2011 do VACPA tổng hợp cho thấy, có công ty kiểm toán niêm yết với 9 KTV nhưng doanh thu từ hoạt động kiểm toán BCTC trong năm này chỉ đạt trên 2 tỷ đồng. Nghĩa là, trung bình, mỗi KTV chỉ có doanh thu bình quân chưa đầy 300 triệu đồng/ năm, trong khi để hoàn thành được hợp đồng kiểm toán, họ cần sự trợ giúp của cả một nhóm trợ lý kiểm toán.
Việc thỏa thuận được hợp đồng về nguyên tắc với ban điều hành chưa phải đã chắc. Bởi vào phút chót, khi DN tiến hành ĐHCĐ, dưới sức ép của các cổ đông, đặc biệt khi giữa nội bộ cổ đông DN có những chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, ban điều hành phải đổi công ty kiểm toán.
Chưa hết, nếu trong năm được chấp thuận, công ty kiểm toán có biến động về số lượng KTV, không còn đủ số lượng KTV theo quy chế, DN kiểm toán sẽ không được thực hiện hợp đồng kiểm toán BCTC năm tài chính đó (vì việc kiểm toán BCTC năm cũ đã vắt sang một năm mới). Trong trường hợp này, công ty kiểm toán không còn đủ điều kiện được chấp thuận phải liên danh với một công ty kiểm toán khác để ký báo cáo kiểm toán. “Miếng bánh” doanh thu đã nhỏ nay lại phải san bớt cho đối tác liên danh. Nguy cơ này với các công ty kiểm toán là không nhỏ, bởi trong số 42 công ty kiểm toán được chấp thuận năm 2013, có tới 7 công ty vừa đủ tiêu chuẩn 7 KTV và 4 công ty chỉ có 8 KTV, trong khi sự dịch chuyển nhân sự kiểm toán những năm qua diễn ra khá mạnh. Chỉ cần biến động 1 -2 KTV, những công ty kiểm toán này sẽ “rơi” ra khỏi danh sách.
….ĐẾN NHỮNG RỦI RO NGHỀ NGHIỆP
Tình trạng cạnh tranh bằng giá phí đang kéo theo hệ lụy rất lớn đối với sự tồn tại và phát triển của nhiều DN kiểm toán cũng như kéo lùi chất lượng dịch vụ kiểm toán.
“Tiền nào thì của nấy, khi ký hợp đồng với giá phí thấp, công ty kiểm toán làm sao có thể đầu tư nhiều thời gian, chất xám để cuộc kiểm toán có chất lượng cao”, ông Mai chia sẻ.
Việc DN niêm yết chịu quy định chặt chẽ về công bố thông tin, trong khi hầu hết các DN trong khối này đang chọn niên độ kế toán kết thúc vào ngày 31/12 cũng gây một áp lực rất lớn đến KTV. Việc đồng loạt kiểm toán thực hiện dịch vụ cho khách hàng trong một thời gian ngắn sẽ khó đảm bảo được chất lượng của cuộc kiểm toán.
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều DN niêm yết dùng những thủ thuật kế toán để che giấu những khoản lỗ và để qua mặt KTV, họ thường chọn những công ty có ít khách hàng hoặc có mức phí thấp, đặc biệt là gây sức ép về thời gian khiến KTV không thể có thời gian hoặc đủ chi phí để phát hiện hết các gian lận.
“Kiểm toán DN niêm yết đang phải đứng trước rất nhiều áp lực, rủi ro nghề nghiệp. Một khi ký tên trên báo cáo kiểm toán, công ty kiểm toán phải đứng trước hàng trăm ngàn con mắt soi vào”, ông Mai nói.
Cũng bởi tầm ảnh hưởng của những thông tin tài chính của DN niêm yết, nên việc giám sát đối với hoạt động của công ty kiểm toán niêm yết luôn chặt chẽ hơn so với những công ty còn lại. Tại dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến góp ý mới đây, đã có mục riêng quy định về xử phạt với hành vi vi phạm quy định về kiểm toán BCTC của đơn vị có lợi ích công chúng.
Những áp lực, rủi ro nghề nghiệp đang làm nản lòng không ít người làm kiểm toán. Theo ông Mai, một số DN không còn quá mặn mà với việc được lọt vào danh sách kiểm toán được chấp thuận kiểm toán tổ chức niêm yết.
Không còn ở cái thời, “cứ thành lập công ty là thắng”. Vài năm nay, tốc độ thành lập mới công ty kiểm toán đang chững lại, sau khi phát triển với tốc độ chóng mặt trong vòng 10 năm trước đó.
Theo Báo ĐTCK-VACPA

No comments:

Post a Comment

Popular Posts