Wednesday, 20 March 2013

Báo cáo kiểm toán độc lập - Yêu cầu luôn thay đổi để đáp ứng nhu cầu thông tin của người sử dụng

Như bạn đọc đã biết, theo ủy quyền của Bộ Tài chính, từ năm 2009 đến năm 2012, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã tổ chức nghiên cứu, soạn thảo để trình Bộ Tài chính ban hành lại 37 Chuẩn mực kiểm toán (“CMKiT”)Việt Nam, thay thế cho các CMKiT hiện hành. Dự thảo các CMKiT (ban hành lại) được xây dựng trên cơ sở các CMKiT quốc tế có hiệu lực từ 15/12/2009 và đã được VACPA trình Bộ Tài chính đầu quý 2/2012. Dự kiến, các CMKiT này (trong đó có CMKiT số 700 – “Báo cáo kiểm toán về BCTC”) sẽ được Bộ Tài chính chính thức ban hành lại đầu năm 2013 và áp dụng cho các cuộc kiểm toán BCTC có năm tài chính kết thúc vào 31/12/2013. Theo dự thảo mẫu BCKT này đã có nhiều điểm thay đổi, khác biệt với mẫu BCKT hiện hành, như có 2 phần: BCKT về BCTC, BC theo yêu cầu khác của pháp luật; và ý kiến kiểm toán loại nào thì phải có cơ sở cho ý kiến kiểm toán loại đó…Trong khi CMKiT Việt Nam (CMKiT 700 có nhiều khác biệt như vậy) còn chưa được ban hành, mới đây, VACPA đã nhận được thông tin về Dự án sửa đổi CMKiT quốc tế số 700 trên website của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC). Do đó mới có tình trạng, CMKiT 700 của Việt Nam chưa ban hành lại đã bị tụt hậu so với CMKiT quốc tế sắp ban hành.
Ngày 21/6/2012, Ủy ban Chuẩn mực kiểm toán và dịch vụ đảm bảo (IAASB) của IFAC đã công bố Thư mời tham gia ý kiến về việc sửa đổi mẫu Báo cáo kiểm toán (“BCKT”) của kiểm toán viên độc lập (“KTV”). Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến, IAASB sẽ xây dựng và công bố dự thảo CMKiT sửa đổi vào tháng 6/2013, tiếp tục hoàn thiện và chính thức ban hành CMKiT sửa đổi vào tháng 6/2014. Trong Thư mời tham gia ý kiến, câu hỏi lớn nhất mà IAASB đặt ra với những người quan tâm là “Liệu những thay đổi dự kiến đối với BCKT có đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng về tính minh bạch của BCTC và cuộc kiểm toán, cũng như cung cấp những giá trị mà người sử dụng đang tìm kiếm hay không?”
Từ trước đến nay, BCKT vẫn được coi là phương tiện trao đổi thông tin chính thức chủ yếu giữa kiểm toán viên và người sử dụng BCTC/BCKT. Theo quy định của CMKiT quốc tế cũng như CMKiT Việt Nam, để đảm bảo tính dễ hiểu, BCKT phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng theo đúng mẫu quy định, nhất quán cả về tiêu đề và thứ tự các mục/nội dung trong BCKT. Các thông tin trong BCKT phải bao gồm: đối tượng của cuộc kiểm toán, thành phần của BCTC được kiểm toán, tóm tắt công việc của KTV, nêu tên CMKiT áp dụng (quốc tế hoặc Việt Nam), trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị và của KTV…, và cuối cùng là ý kiến của KTV về BCTC được kiểm toán. Mẫu BCKT này đã chứng tỏ nhiều ưu điểm và được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia, qua nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và thay đổi không ngừng của xã hội, biến động “chóng mặt” của nền kinh tế, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các giao dịch kinh tế phức tạp, dưới nhiều hình thức…, theo đó, việc lập và trình bày BCTC cũng ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu hơn, chi tiết hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời, người sử dụng BCTC và BCKT cũng mong muốn biết được thông tin cụ thể và đầy đủ hơn về cuộc kiểm toán, muốn KTV diễn giải và đưa ra ý kiến về nhiều khía cạnh trong thông tin tài chính của đơn vị, thay vì chỉ giới hạn là xác nhận sự “trung thực và hợp lý” của BCTC được kiểm toán. Do đó, IAASB đánh giá, cần thiết phải tiếp tục thay đổi mẫu BCKT của KTV độc lập. Chất lượng của một cuộc kiểm toán chỉ được khẳng định và kiểm chứng bằng một sản phẩm đầu ra duy nhất là BCKT với đầy đủ thông tin cần thiết đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. BCKT phải thể hiện được những công việc mà KTV đã làm và làm nổi bật những vấn đề chính mà KTV đã phát hiện qua cuộc kiểm toán đó.
Năm nội dung thay đổi quan trọng trong mẫu BCKT mà IAASB tin rằng các thay đổi này là cần thiết và có thể áp dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới, bao gồm:
(1)     Bổ sung thêm đoạn với tiêu đề “Bình luận/Nhận xét của KTV” vào BCKT để nhấn mạnh các vấn đề mà theo xét đoán của KTV, đó là các vấn đề quan trọng nhất để giúp người sử dụng hiểu rõ về BCTC được kiểm toán, hoặc về cuộc kiểm toán. Đoạn này phải là yêu cầu bắt buộc đối với các BCKT đơn vị có lợi ích công chúng, và có thể vận dụng để áp dụng trong BCKT cho các đơn vị khác.
(2)     KTV phải đưa ra kết luận về giả định hoạt động liên tục mà Ban Giám đốc đơn vị sử dụng để lập BCTC, đồng thời, KTV phải nêu rõ liệu KTV có nhận thấy (hay không nhận thấy) bất kỳ yếu tố không chắc chắn trọng yếu nào liên quan đến giả định hoạt động liên tục hay không.
(3)     KTV phải trình bày về bất kỳ điểm không nhất quán trọng yếu nào giữa BCTC được kiểm toán và các thông tin khác mà KTV nhận thấy khi đọc các thông tin khác, đồng thời, xác định rõ thông tin khác mà KTV đã đọc.
(4)     Đoạn “Ý kiến kiểm toán” và các thông tin đặc biệt của đơn vị được kiểm toán phải được trình bày ở vị trí nổi bật trong BCKT (ví dụ, ngay ở phần mở đầu của BCKT).
(5)     Các thông tin khác về việc thực hiện cuộc kiểm toán và làm rõ trách nhiệm của KTV, Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán.

Việc sửa đổi CMKiT quốc tế 700 thực sự là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay và chắc chắn IAASB sẽ hoàn thành công việc này theo đúng kế hoạch đã định. Điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam, khi mà CMKiT Việt Nam số 700 dự kiến được ban hành lại đầu năm 2013 đã thể hiện “độ trễ” so với CMKiT quốc tế số 700 sửa đổi (sẽ được ban hành lại 2014). Điều đó đòi hỏi việc cập nhật và ban hành CMKiT của Việt Nam phải có giải pháp nhanh, nhạy hơn hiện nay.
Thực tế tại Việt Nam, khoảng thời gian từ 2001 đến 2005 là giai đoạn Bộ Tài chính liên tục ban hành các CMKiT Việt Nam theo các đợt. Sau đó, từ năm 2006 đến nay đã là một “khoảng lặng” khá dài khi không có thêm CMKiT nào được ban hành mới hoặc sửa đổi, cập nhật. Cập nhật các CMKiT là một công việc đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, nguồn lực, do đó, khó có thể đòi hỏi các CMKiT của Việt Nam phải thay đổi ngay để bắt kịp với yêu cầu của quốc tế. Tuy nhiên, giải pháp trong ngắn hạn mà Bộ Tài chính (Ủy ban chứng khoán Nhà nước) có thể xem xét, đó là khi nghiên cứu ban hành các quy định về kiểm toán tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành, tổ chức kinh doanh chứng khoán, Bộ Tài chính (Ủy ban chứng khoán Nhà nước) có thể đặt ra các quy định đặc thù và yêu cầu thông tin chi tiết hơn đối với Báo cáo kiểm toán. Ví dụ, quy định Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính của các tổ chức nói trên phải có thêm đoạn nhấn mạnh các vấn đề mà theo xét đoán của KTV, đó là các vấn đề quan trọng nhất để giúp người sử dụng hiểu rõ về BCTC được kiểm toán, hoặc về cuộc kiểm toán, và có đoạn nhận xét của KTV về giả định hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán./.
(BBT: Dựa trên bài viết này, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có bài đăng trên số báo ngày thứ 2-4/3/2013)
Trần Thanh Thảo – Phó Trưởng văn phòng VACPA Hà Nội
Thư ký Ban nghiên cứu, cập nhật Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam     

No comments:

Post a Comment

Popular Posts